...Đạo Phật luôn luôn nhấn mạnh vào tuệ giác (knowledge-wisdom) được thử nghiệm thay vì một cái nhìn dựa trên giáo điều. Thật ra thì theo ý nghĩa thông thường, chúng ta nghĩ rằng đạo Phật là một tôn giáo. Theo cái nhìn của những vị Lạt ma, giáo lý của đức Phật nghiêng về các lãnh vực triết học, khoa học hoặc tâm lý học.
Theo bản năng, tâm ý con người là mưu cầu hạnh phúc. Ðông phương cũng như Tây phương thật ra không có gì khác biệt, tất cả mọi hành động đều giống nhau. Tuy nhiên, nếu sự mưu cầu hạnh phúc của bạn làm cho bạn nắm bắt thế giới cảm giác hay giác quan một cách đầy cảm xúc, thì việc ấy rất nguy hiểm. Bạn sẽ không có một sự kiểm soát nào về bản thân...
Khi Ðức Phật dạy về sự khổ đau, Ngài không chỉ một cách giản dị nói về những vấn đề một cách hời hợt, bề ngoài, thí dụ các chứng bệnh và bị thương, mà Ngài nói về bản chất không thỏa mãn của tâm. Ðây chính là sự đau khổ. Không cần biết bạn có được bao nhiêu một vật mà bạn thích, bạn sẽ không bao giờ thỏa mãn được lòng khao khát của bạn để có được nhiều hơn hay tốt hơn. Lòng ham muốn không ngừng nghĩ chính là sự đau khổ. Bản chất của sự đau khổ này là cảm giác thất vọng, bực mình.
Trở Về Với Chính Mình Qua Ðạo Phật
Diệu Anh Quỳnh Trâm
Khi chúng ta học Phật, chúng ta học về bản thân chúng ta, bản chất của tâm trí chúng ta. Thay vì tập trung sự chú ý vào một đấng cao cả nào đó, đạo Phật nhấn mạnh vào những vấn đề thực tế, thí dụ như làm cách nào để hướng dẫn đời sống của chúng ta, làm cách nào để hợp nhất với tâm trí của chúng ta và làm cách nào để duy trì cuộc sống hàng ngày của chúng ta một cách bình an và khỏe mạnh.
Nói một cách khác, đạo Phật luôn luôn nhấn mạnh vào tuệ giác (knowledge-wisdom) được thử nghiệm thay vì một cái nhìn dựa trên giáo điều. Thật ra thì theo ý nghĩa thông thường, chúng ta nghĩ rằng đạo Phật là một tôn giáo. Theo cái nhìn của những vị Lạt ma, giáo lý của đức Phật nghiêng về các lãnh vực triết học, khoa học hoặc tâm lý học.
Theo bản năng, tâm ý con người là mưu cầu hạnh phúc. Ðông phương cũng như Tây phương thật ra không có gì khác biệt, tất cả mọi hành động đều giống nhau. Tuy nhiên, nếu sự mưu cầu hạnh phúc của bạn làm cho bạn nắm bắt thế giới cảm giác hay giác quan một cách đầy cảm xúc, thì việc ấy rất nguy hiểm. Bạn sẽ không có một sự kiểm soát nào về bản thân.
Nào, bạn đừng nghĩ rằng quyền lực kiểm soát là một phương pháp Ðông phương, một phương pháp chỉ ở trong đạo Phật. Tất cả chúng ta đều cần sự kiểm soát, đặc biệt đối với những ai bị cuốn hút vào đời sống vật chất. Chúng ta bị dính mắc quá nhiều vào những ngoại vật qua mặt tâm lý lẫn cảm xúc. Qua cái nhìn của đạo Phật, đó là một tâm trí không được khỏe mạnh và một con người như thế mang chứng bệnh thần kinh.
Thật ra thì bạn đã biết rằng những phát triển khoa học kỹ thuật bên ngoài không thể nào tự chúng có thể thỏa mãn những khát vọng hay ao ước về sự gắn bó hoặc tháo gỡ được những khúc mắc tình cảm của bạn. Nhưng chính những giáo pháp của Ðức Phật đã chỉ cho bạn thấy bản chất tiêu biểu của tiềm năng con người, tầm khả năng của tâm trí con người.
Khi bạn học về đạo Phật, bạn học về chính con người bạn và biết cách để phát triển mình hơn. Thay vì nhấn mạnh vào một hệ thống tin tưởng siêu nhiên nào đó, các phương pháp tu tập trong đạo Phật dạy bạn phát triển một sự hiểu biết sâu sắc về bản thân và tất cả những hiện tượng khác.
Tuy vậy, dù bạn có niềm tin nơi tôn giáo hay là chủ nghĩa vật chất hay tin vào thuyết vô thần, điều tối yếu là bạn biết được tâm trí bạn hoạt động ra sao. Nếu bạn không biết được, bạn sẽ nghĩ rằng bạn khỏe mạnh, trong khi thực sự thì nguồn gốc sâu xa của những cảm giác khổ sở, buồn phiền, hay nguyên nhân chính của tất cả các chứng bệnh tâm lý vẫn còn ở trong bạn, ngày một tăng dần, lớn hơn. Bởi vì chính lý do đó mà chỉ trong tích tắc bạn có thể hoàn toàn buồn rầu, khổ sở nếu một sự việc nhỏ bên ngoài thay đổi hay một việc gì đó không mảy may quan trọng bị hỏng. Ðối với tôi, sự việc ấy chứng tỏ bạn đang mang một chứng bệnh thần kinh. Tại sao? Tại vì bạn bị ám ảnh bởi thế giới cảm giác bên ngoài, bị làm mờ mắt vì những sự tham đắc và bị kềm chế bởi nguyên nhân chính của tất cả mọi vấn đề, đấy là việc không biết được bản chất của tâm trí bạn.
Thật không hề gì nếu bạn cố gắng bác những gì tôi đang nói bằng cách nói rằng bạn không tin nó. Ðây không phải là một vấn đề về tin tưởng. Không cần biết bạn nói bao nhiêu lần rằng: “Tôi không tin tôi có một cái mũi”, cái mũi của bạn vẫn ở đấy, ngay chính giữa hai con mắt của bạn. Cái mũi của bạn luôn luôn ở đấy, dù bạn có tin nó hay không.
Tôi đã gặp nhiều người công bố một cách tự hào rằng: “Tôi là một người không mang một niềm tin nào cả” (I’m not a believer). Họ rất tự hào về sự tự thú thiếu mất niềm tin về bất cứ việc gì của họ. Bạn hãy thử đi. Ðây là một sự việc quan trọng cần biết. Trong thế giới ngày nay, có rất nhiều sự mâu thuẫn. Những người tin theo chủ nghĩa vật chất khoa học khoe rằng “Tôi không tin”; những người sùng đạo thì lại nói rằng “Tôi tin”. Nhưng không cần biết bạn nghĩ gì, bạn vẫn cần biết đặc điểm bản chất của tâm trí bạn. Nếu bạn không biết thì không cần biết bạn nói nhiều bao nhiêu về những khiếm khuyết về sự tham đắm, bạn vẫn không có một khái niệm thật sự về sự luyến ái và làm cách nào để kiểm soát nó. Những từ ngữ thật dễ dàng để sử dụng. Nhưng điều thật sự khó là hiểu được bản chất thật sự của lòng luyến ái.
Thí dụ, khi con người đầu tiên phát minh ra xe hơi và máy bay, chủ ý của họ là để có thể làm việc nhanh hơn, cho phép họ có thời gian nhiều hơn để nghỉ ngơi. Nhưng thay vào đó, việc đã xảy ra là con người ngày càng lo âu hơn bao giờ hết. Bởi vì lòng tham đắm, bạn bị dính mắc với cảm xúc bởi thế giới xúc giác cụ thể được tạo ra bởi chính bạn, và như thế từ chối cho chính bản thân bạn một khoảng không để nhận thấy được sự thực về tâm trí bạn. Ðối với tôi, đó chính là định nghĩa của một đời sống khó khăn. Có một đời sống như thế, bạn không thể tìm sự thỏa mãn hay vui thích. Sự thật là niềm vui sướng thật sự đến từ tâm chứ không phải từ những hiện tượng khách quan.
Dù sao đi nữa, một vài vị thông minh mang tính hoài nghi, hiểu được ở một mức độ nào đó, rằng vật chất không bảo đảm được một cuộc sống vui sướng và có ý nghĩa, và họ đang cố gắng tìm kiếm một cái gì khác có thể đem đến sự an vui thật sự.
Khi Ðức Phật dạy về sự khổ đau, Ngài không chỉ một cách giản dị nói về những vấn đề một cách hời hợt, bề ngoài, thí dụ các chứng bệnh và bị thương, mà Ngài nói về bản chất không thỏa mãn của tâm. Ðây chính là sự đau khổ. Không cần biết bạn có được bao nhiêu một vật mà bạn thích, bạn sẽ không bao giờ thỏa mãn được lòng khao khát của bạn để có được nhiều hơn hay tốt hơn. Lòng ham muốn không ngừng nghĩ chính là sự đau khổ. Bản chất của sự đau khổ này là cảm giác thất vọng, bực mình.
Giáo lý Phật qua quan điểm tâm lý nói về sáu tâm trạng chính làm tâm bấn loạn, phá quấy sự an tĩnh, làm tâm không được nghỉ ngơi. Ðó là sự vô tâm, luyến ái, giận dữ, kiêu mạn, nghi kiến và tà kiến. Ðây là những thái độ hay khía cạnh tinh thần, chứ không phải là những hiện tượng bên ngoài. Ðạo Phật nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải vượt qua những sự đánh lừa hay ảo ảnh này, và chính chúng mới là nguồn gốc của tất cả mọi khổ đau. Niềm tin và sự tin tưởng không giúp được gì cả: bạn phải hiểu được bản chất của các khía cạnh tinh thần này.
Nếu bạn không kiểm tra tâm của chính mình với nội quán, bạn sẽ không bao giờ thấy được những gì trong tâm bạn. Nếu không xem xét, không cần biết bạn nói bao nhiêu về tâm và tình cảm của bạn, bạn sẽ không bao giờ thực sự hiểu rằng tình cảm căn bản của bạn là sự tự kỷ trung tâm (egocentricity) hay sự tự xem mình là trung tâm, và đây chính là nguyên nhân làm bạn không yên ổn.
Ðể thắng cái tôi của mình, bạn không cần phải từ bỏ tất cả những sở hữu của bạn. Hãy giữ chúng, chúng không phải là những gì làm đời sống của bạn khó khăn. Bạn không an bình vì bạn đang bám vào chúng (các vật sở hữu) với tất cả sự tham đắm. Chính cái ngã của bạn và sự tham đắm làm ô nhiễm tâm bạn, làm cho tâm bạn không trong sáng, vô tâm và bồn chồn, ngăn cản tia sáng trí tuệ của bạn phát triển. Giải pháp cho vấn đề này là sự thiền định.
Thiền không chỉ có ngụ ý về sự phát triển để đạt đến một điểm định duy nhất, ngồi ở một góc nào đó và không làm gì. Thiền có nghĩa là một tâm trí nhạy bén, ngược lại với sự uể oải, lờ phờ. Thiền chính là trí tuệ. Bạn nên luôn tỉnh thức trong mỗi phút giây của đời sống hàng ngày, hoàn toàn nhận thức được bạn đang làm gì và tại sao và bằng cách nào bạn đang làm việc đó.
Chúng ta làm mọi việc hầu hết đều không có ý thức. Chúng ta ăn một cách không có ý thức, uống một cách không có ý thức, nói một cách không có ý thức. Dù chúng ta tuyên bố rằng chúng ta có ý thức, chúng ta hoàn toàn không nhận thức được những sự khổ sở, buồn phiền đang hoành hành khắp tâm ta, ảnh hưởng đến tất cả những gì chúng ta làm.
Bạn hãy thử đi, hãy nhìn lại chính bạn. Tôi không có ý phán xét hay hạ thấp bạn xuống đâu. Ðây chính là giáo pháp. Giáo pháp đưa những ý kiến ra để bạn có thể xem xét bằng chính kinh nghiệm bản thân bạn, để xem những lời dạy có đúng hay không. Sự việc rất gần gũi và thực tế. Tôi không nói đến một vấn đề ở trên tận mây xanh. Ðây là một sự việc thật sự rất giản dị.
Nếu bạn không biết được tính chất của bản chất về lòng tham đắm và những đối tượng của nó, thì làm sao bạn có thể phát ra lòng từ bi đối với bạn bè, cha mẹ và đất nước của bạn được? Qua lăng kính đạo Phật, việc ấy chắc chắn không thể được. Khi bạn làm cha mẹ hoặc bạn bè bạn đau lòng, đó chính là tâm vô ý thức (unconscious mind) của bạn đang làm việc. Khi hành động trong sự giận dữ, người đang giận hoàn toàn không nhận thấy được việc gì đang xảy ra trong tâm của vị đó. Sống không tỉnh thức làm chúng ta đau khổ và mất sự kính trọng đối với những chúng sanh khác. Sống mà không nhận thức được hành động, tính tình và thái độ tinh thần, làm chúng ta đánh mất lòng nhân đạo của chúng ta. Chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Sự việc rất giản dị, có phải vậy không?
Hiện tại, có người học và được huấn luyện để trở thành những nhà tâm lý học. Ý của Ðức Phật là mỗi người đều nên trở thành nhà tâm lý học của chính bản thân. Mỗi người trong chúng ta nên biết tâm của chính mình. Bạn nên trở thành nhà tâm lý của riêng bạn. Ðây là chuyện chắc chắn có thể làm được. Mỗi người đều có khả năng để hiểu cái tâm của mình. Khi bạn hiểu được tâm của bạn, sự kiểm soát sẽ đến một cách tự nhiên.
Ðừng nghĩ rằng sự kiểm soát sẽ có thể đạt được sau một chuyến leo núi Hy Mã Lạp Sơn hay nó sẽ đến dễ dàng hơn đối với những người không có nhiều sở hữu. Sự thật, những việc đó không cần thiết. Lần tới, khi bạn cảm giác buồn, bạn hãy xem xét. Thay vì cố gắng làm một việc gì đó để quên nó đi, bạn hãy thư giãn và cố gắng nhận thức xem bạn đang làm gì? Hãy hỏi mình rằng “Tại sao tôi làm việc này? Tôi đang làm nó bằng cách nào? Nguyên nhân là vì đâu?” Bạn sẽ thấy rằng đây là một kinh nghiệm tuyệt vời. Vấn đề chính của bạn là sự thiếu tuệ giác, sự tỉnh thức hay nhận thức. Vì thế, bạn sẽ khám phá ra rằng qua sự hiểu biết, bạn có thể giải quyết những vấn đề một cách dễ dàng.
Ðể phát lòng từ bi đến với chúng sanh, bạn phải biết bản chất của đối tượng. Nếu bạn không biết, thì mặc dù bạn nói “Tôi thương anh ta, tôi thương cô ta”, đó chỉ là tâm ngạo mạn của bạn đang dẫn bạn đi trên một chuyến du hành của cái ngã. Hãy biết chắc bạn biết cách nào, làm sao và tại sao. Việc bạn trở thành nhà tâm lý của chính bản thân rất quan trọng. Bạn có thể chữa cho mình qua sự tự tri, bạn có thể thư giãn và vui hưởng với bạn hữu và các sở hữu của bạn thay vì trở nên bất an, điên lên và phí cuộc đời bạn.
Ðể trở thành nhà tâm lý học của chính bản thân, bạn không cần phải học một triết lý to lớn nào. Tất cả những gì bạn cần làm là xem xét tâm của mình mỗi ngày. Bạn đã xem xét vật chất của bạn mỗi ngày rồi – thí dụ, mỗi sáng bạn đều xem đồ ăn trong nhà bếp của bạn – nhưng bạn chưa bao giờ xem xét tâm bạn. Ðào sâu vào tâm bạn quan trọng hơn rất nhiều.
Dù vậy, hầu hết mọi người dường như đều tin vào điều trái ngược. Một cách rất giản dị, dường như họ nghĩ rằng họ có thể mua các giải pháp để giải quyết bất cứ vấn đề nào họ đang gặp. Quan niệm vật chất rằng tiền có thể mua tất cả những gì bạn cần để đạt được hạnh phúc, rằng bạn có thể mua được một cái tâm an lành, hẳn nhiên là không thật. Dù bạn không nói những từ này, nhưng đây là những gì bạn nghĩ. Ðây là một quan niệm sai lầm hoàn toàn.
Ngay cả những người có đức tin cũng cần phải hiểu tâm mình. Ðức tin tự nó không giải quyết được vấn đề; chỉ có sự trí tuệ làm được việc đó. Chính Ðức Phật đã nói tin vào Ngài rất nguy hiểm; rằng thay vì chỉ tin vào một việc gì, con người nên dùng tâm trí của họ để cố gắng và khám phá bản chất thật sự của họ. Lòng tin dựa trên sự hiểu biết rất tốt, vì một khi bạn nhận thức hoặc đã rõ ràng về một việc gì qua trí tuệ, sự tin tưởng sẽ tự động theo sau. Tuy nhiên, nếu niềm tin của bạn dựa trên quan niệm sai lầm, nó có thể bị hủy diệt một cách dễ dàng bởi những gì người khác nói.
Một cách không may mắn là dù có nhiều người nghĩ rằng mình hiểu và sùng đạo, những người có ý hướng tâm linh này lại rất yếu kém. Tại sao? Bởi vì họ không hiểu được bản chất thật sự của tâm trí họ. Nếu bạn thật sự hiểu được tâm mình, nó làm việc như thế nào, bạn sẽ hiểu rằng chính các năng lực tinh thần ngăn cản bạn có thể trở nên mạnh khỏe và sáng suốt hơn. Khi bạn hiểu cái nhìn của tâm trí bạn, hoặc sự nhận thức về thế giới bạn sẽ nhận ra rằng bạn đã không chỉ luôn nắm bắt lấy thế giới cảm xúc bên ngoài (sense world), mà còn nhận thức ra rằng những gì bạn nắm bắt chỉ là sự tưởng tượng. Bạn sẽ thấy rằng bạn đang quá quan tâm đến những gì sẽ xảy ra trong một tương lai không hiện hữu, và hoàn toàn không ý thức được giây phút hiện tại và bạn đang sống cho một sự phóng chiếu (về tương lai).
Bạn có đồng ý rằng một tâm trí mà không có ý thức về hiện tại và luôn nắm bắt tương lai là không được mạnh khỏe không? Việc sống tỉnh thức trong đời sống hàng ngày rất quan trọng. Bản chất của sự nhận thức rõ ràng và trí tuệ là sự an bình và niềm hân hoan. Bạn không cần nắm bắt lấy một niềm vui ở tương lai. Chỉ cần bạn theo đúng con đường là chánh kiến (right understanding) và chánh nghiệp (right action) với khả năng hết sức của bạn, kết quả sẽ đến ngay lập tức cùng với hành động. Bạn không nên nghĩ rằng “Nếu tôi hành động đúng trong kiếp này, kiếp sau tôi sẽ được hưởng những quả tốt”. Bạn không cần bị ám ảnh về việc sẽ hưởng được trong tương lai. Chỉ cần bạn hành động trong hiện tại với càng nhiều sự hiểu biết bao nhiêu, thì trong một thời gian không bao lâu bạn sẽ nghiệm ra được sự an lành vĩnh viễn bấy nhiêu.
Và tôi nghĩ rằng tôi chỉ có bấy nhiêu đó để nói thôi. Tốt hơn hết là chúng ta hãy có phần đặt câu hỏi và trả lời, thay vì tôi nói hoài. Cám ơn các bạn.
Tác giả: Lạt Ma Yeshe