TRĂNG TRÊN ÁO

Dừng chân trước cửa một căn nhà, người khách lạ tần ngần đưa mắt nhìn dò xét chung quanh. Nắng. Nắng chói chan làm khô đi mọi vật. Nhưng lại làm ướt thêm chiếc áo mỏng manh đẫm mồ hôi bằng những giọt mồ hôi khác cứ đua nhau tươm rơi nhễ nhại từ trán, cổ, mình mẩy của khách lạ. Từ trong nhà, Kim Thuỷ lặng lẽ nhìn theo dõi, rồi rời góc học tập, bước từng bướt ngập ngừng ra đón khách. Đôi mắt khách lạ sáng lên cùng lúc với nụ cười mỉm nhẹ, giọng thật thân thiện theo âm thổ miền Bắc cất cao:


_ Chào cô bé, cho tôi hỏi thăm, đây có phải là nhà của cô Tôn Nữ Kim Thuỷ không nhỉ?
Kim Thuỷ hơi bối rối, ngạc nhiên nhìn khách, rồi ấp úng?


_ Dạ … dạ đúng rồi. Cháu là Kim Thuỷ đây ạ!


_ Là em đấy à? – Khách lạ reo lên – Hay quá, rót cuộc thì tôi đã tìm tới nơi tôi muốn tìm. Hân hạnh được gặp em, nữ thi sĩ mà tôi mến mộ!


Khách lạ chìa tay ra. Kim Thuỷ lúng túng đưa bàn tay ra bắt. Khách lạ tỏ vẻ thân mật:


_ Xin giới thiệu với em, tôi là nhạc sĩ Bảo Thanh, ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Em không cho phép khách vào nhà sao?


Không đợi chủ mời, khách đã cười ha hả bước ào vào bên trong nhà cứ y như đã từng đến đây cả triệu lần rồi vậy. Kim Thuỷ lẽo đẽo theo sau, nhất thời không biết phải ứng xử ra sao với vị khách đường đột mà lần đầu tiên mình được gặp mặt, biết tên. Nhạc sĩ thản nhiên kéo ghế ngồi, đặt túi xách lên trên bàn, nhìn quanh nhà bằng đôi mắt của một … nhân viên công lực. Kim Thuỷ tự dưng cảm thấy mình không còn là người giữ vị trí gia chủ, mà đã hoá ra khách, cứ thẹn thùng đứng khép nép ngóng chờ ông nhạc sĩ lạ mặt kia mở đầu câu chuyện. Nhạc sĩ chỉ vào ghế trống, tự nhiên như một chủ nhà mời khách, cởi mở:


_ Hãy nghe tôi nói hết bằng cả chân tình. Tôi rất buồn,. Buồn như vừa bị ai đó tước đoạt đi một cái gì quý báu của mình, vốn được mình gìn giữ ôm ấp. Đáng lý là tôi đi luôn, không bao giờ quay trở lại nơi này để gặp em làm chi nữa. Nhưng không, tôi phải quay lại và ngồi đây, để tuôn ra hết những gì muốn nói. Phủi tay, làm lơ cho qua là hèn nhát. Và, tôi thì không muốn làm một đứa hèn nhát trên cuộc đời đáng yêu này!
Kim Thuỷ trố mắt sửng sốt. Nhạc sĩ xua tay:


_ Em đừng ngắt lời. Tôi đã hết sức quan tâm, tin tưởng em, và rất muốn chia sớt những lo toan phiền muộn trong cuộc sống hằng ngày của em. Nhưng em đã không trung thực, trước tiên là với chính mình, sau đến là mọi người, trong đó có tôi!
Kim Thuỷ ngồi bất động im thin thít. Nhạc sĩ tiếp:


_ Tôi đã tìm gặp cô giáo chủ nhiệm, và các bạn cùng lớp của em, với thiện ý tìm hiểu thêm con người làm ra những bài thơ mà tôi yêu thích. Tôi đã được biết gì? Em không hề phụ giúp mẹ trong công việc buôn bán tảo tần, và cả những việc thông thường nhỏ nhặt trong nhà. Em lại học hành chẳng ra gì cả. Trong khi ấy, mẹ em chật vật với đống than củi cả ngày ngoài chợ, và lũ em sau giừo học đều tranh thủ túa đi bán báo, vé số kiếm tiền góp lại đưa mẹ. Em còn thích rong chơi với bạn bè, ngắm cảnh thưởng hoa, hết ở biển xanh lại đến dã ngoại, cùng những tiệc tùng phù phiếm se sua … Tôi thử hỏi: ý thơ em lấy được từ đâu? Lấy từ đâu mà gây xúc động người đọc? Em không lấy từ hồn tâm của mình. Chắc chắn vậy. Những bài thơ có cái hồn giả tạo như thế, dẫu có được khen nức nở, rồi tự nó giãy chết giữa dòng thi ca chân thực. Đừng làm thơ kiểu ấy nữa. Hãy sống đúng, sống đẹp, thì thơ của mình tự nhiên đẹp, và nó có thể sống bất tử!
Dứt lời, nhạc sĩ đứng phắt dậy, bước nhanh đi, vụt mất như một cơn lốc. Kim Thuỷ ngồi lại thẫn thờ một mình, để yên cho hai hàng nước mắt chảy tuôn theo nhịp thổn thức của trái tim vừa bị những nốt nhạc nhọn như dao, đâm qua thật ngọt, thật lạnh lùng, nhưng lại rất chân tình xúc cảm …


o0o


… Nhạc sĩ bước nhanh vào nhà với cay đàn trong tay. Kim Thuỷ vui mừng ra mặt đứng bật lên nhìn chăm chăm về phía khách. Nhạc sĩ thản nhiên kéo ghế ngồi, mỉm cười hài lòng, nói:


_ Đã hơn bốn tháng rồi, anh em mình mới gặp lại nhau.
_ Dạ, một trăm hai mươi lăm ngày, em tính từng giờ trôi qua, kể từ hôm anh giận dữ ào đến, rồi giận dữ ào đi!
_ Anh xin lỗi. Anh thường không kiềm chế được cảm xúc của mình. Hôm ấy anh quá giận, quên mình là ai, em là gì, nên có nặng lời …


_ Em mới là người phải xin lỗi. Em cảm ơn anh thật nhiều. Không gặp được anh, em cứ mãi là một đứa sống an nhiên với giả dối, làm ra những bài thơ giả dối. Lời thật của anh đúng là rất dễ mất lòng. Em mất lòng, nhưng tỉnh giấc mê muội …


_ Theo anh, ấy là một tuyệt tác. Tuyệt tác vì là thơ của em, thơ thật có hồn, không phải thơ giả. Hình ảnh của người mẹ trong bài thơ đã ám ảnh anh nhiều đêm ngày, và anh đã bừng sáng đầu óc khi hiểu ra rằng… Mẹ chính là Phật. Phật chẳng ở đâu xa, mà ở ngay trong cuộc sống này, khỏi kiếm tìm chi cho nhọc sức. Anh muốn phổ nhạc bài thơ này, em không chịu, anh cũng làm theo ý mình đến cùng!


_ Em sẽ kiện đến Hội Nhạc sĩ Việt Nam!
_ Hội gì cũng sẽ xử huề.
_ Vậy thì chia đôi quyền lợi em mới chịu!


_ Thì chia đây: hai đứa cùng phổ nhạc, cùng hát. Đứa nào yếu giọng, ngắn hơi, mất quyền lợi ráng chịu!
Họ cười vang vui vẻ. Rồi ngồi bên nhau với cây đàn, những dòng nhạc trên giấy, và không khí yên ắng của vùng ven đô chiều tà … Đội bạn, một già một trẻ, say mê theo nhịp nhạc lời ca:


Đêm mơ tôi hái được trăng
Đặt vào ngực áo một vầng vàng hoe
Mang trăng trên áo tôi về
Ghim nơi áo trắng miền quê học trò
Chập chờn bừng mắt giữ mơ
Mẹ ngồi bên ánh đèn mờ cắt may
Aùo dài con gái trong tay
Lo cho con có ngày mai đến trường
Rưng rưng nước mắt rưng rưng
Hiểu ra lòng mẹ: một vầng trăng khuya
Dạt dào vằn vặc miền quê
Mẹ ơi, con có trăng khoe bạn mình …


Đôi bạn mãi mê hát. Họ không hề biết ngoài kia bên hiên hè chập choạng tối sáng, có một người mẹ đứng ôm vầng ngực lặng thinh cùng với nước mắt rưng rưng, rưng rưng …

 

Tâm Không Vĩnh Hữu

http://xaluan.com/images/news/Image/2009/01/05/1231206261.img.jpg