|
Được khởi công xây dựng từ năm 2001, trên diện tích gần 430m2, chiều cao 36,3m, chánh điện được xây theo kiến trúc cổ kính kết hợp với kiến trúc hiện đại, hài hòa giữa kiến trúc truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer với tinh hoa văn hóa dân tộc.
Ngày 12/3, tại Chùa Ghôsitaram ở ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ kiết giới sima - khánh thành công trình chánh điện chùa Khmer lớn nhất Việt Nam, với tổng kinh phí đầu tư trên 10 tỷ đồng từ nguồn vốn của chùa, vốn hỗ trợ của Nhà nước và lòng hảo tâm của phật tử.
Được khởi công xây dựng từ năm 2001, trên diện tích gần 430m2, chiều cao 36,3m, chánh điện được xây theo kiến trúc cổ kính kết hợp với kiến trúc hiện đại, hài hòa giữa kiến trúc truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer với tinh hoa văn hóa dân tộc.
Ngoài những ngọn tháp cao chót vót còn có hàng chục hình tượng con rồng được bố trí ở phần nóc. Bên ngoài và phía trong của chánh điện được điêu khắc tỷ mỷ với hàng trăm hình tượng khác nhau theo truyền thuyết Tam Tạng Kinh của Phật giáo.
Khắp nơi trong chánh điện đều được trạm trổ, đắp đường nét hoa văn phức tạp và độc đáo bằng bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Khmer, tạo thành một công trình văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Để hoàn thành chạm trổ tất cả hoa văn cho ngôi chánh điện, nghệ nhân Danh Sà Rinhông đã mất khoảng bốn năm.
Công trình được mọi người hy vọng sẽ trường tồn hàng thế kỷ để làm nơi tu hành, làm lành, lánh dữ theo con đường thiện pháp của Phật giáo. Ngoài chánh điện, nhiều hạng mục phụ khác cũng được xây dựng như đôi cột phướn, hai nhà tháp thờ hài cốt tập thể, đài hỏa táng, nhà để ghe ngo.
Hòa thượng Hữu Hinh, Chủ trì Chùa Ghôsitaram cho biết Chùa được xây dựng năm 1860, là cái nôi của phong trào tu học trong giới sư sãi. Đến nay, nơi đây đã đào tạo thành danh hơn 3.500 tăng sinh và học sinh. Chùa không chỉ là nơi tu học, rèn đức luyện tài cho giới nhà sư mà còn tổ chức các lớp học bổ túc văn hóa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Việc sớm đưa vào hoạt động chánh điện Chùa Ghôsitaram sự kiện trọng đại trong đời sống tín ngưỡng của sư sãi và đồng bào phật tử Khmer, có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng dân tộc Khmer trong vùng, góp phần giáo dục văn hóa, tín ngưỡng phật tử sống “tốt đạo, đẹp đời”, với phương châm “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”./.
Theo VietNam+