Chùa Cầu Đông còn gọi là chùa Đông Môn, hiện nay ở số 38B phố Hàng Đường. Đây là một địa điểm được nhiều khách du lịch tham quan khi đến thăm khu phố cổ Hà Nội.
Ngày xưa, ở đây có cầu Đông - chiếc cầu đá bắc qua sông Tô Lịch và Cửa Đông - cửa tường thành phía Đông của Hoàng thành Thăng Long. Người xưa đặt tên cho chùa như vậy có lẽ để dễ dàng phân biệt với các ngôi chùa khác.
Tấmbia ở chùa dựng năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) cho biết: "Chùa Đông Môn là nơi danh lam cổ tích. Sông Nhị chầu phía trước, dòng nhánh tỏa lượn mênh mông, thành Thăng Long nằm phục phía sau…". Trên quả chuông đồng của chùa có niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) cũng ghi: "…Duy có chùa cổ, cầu đá phía Đông, sông Tô chảy bên trái, cửa Hoa bên phải". Theo tư liệu này, cửa Hoa (tức cửa Đông thành) nằm ở bên phải chùa. Như thế, chùa Cầu Đông đã trở thành một dấu tích lịch sử quan trọng, nguồn sử liệu quý giá cho biết địa thế tọa lạc của ngôi chùa, góp phần giúp các nhà nghiên cứu xác định một phần diện mạo miền đất phía Đông của kinh thành Thăng Long.
Đến nay chưa biết chùa Cầu Đông được xây dựng năm nào, chỉ biết những lần sửa chữa từ thời nhà Lê đến nhà Nguyễn đều được ghi lại cụ thể, rõ ràng và qua các lần sửa chữa này, diện mạo, quy mô kiến trúc chính của ngôi chùa gần như được giữ lại nguyên vẹn đến ngày nay.
Mặt bằng của chùa Cầu Đông có bố cục hình chữ "công" gồm 5 gian tiền đường và 3 gian ống muống nối liền với 3 gian nhà phía trong để hình thành nhà Tam bảo. Phía trước chùa chính là Tam quan nằm sát hè phố Hàng Đường, phía sau có sân nhỏ dẫn tới nhà Mẫu, nhà Tổ. Bên trái có đình Đức Môn.Trang trí được tập trung chủ yếu trên hai chiếc đầu dư, hai bức cốn mê của bộ vì kèo tiếp giáp gian giữa tòa tiền đường và ống muống với các chủ đề quen thuộc: Hình đầu rồng, mặt hổ phù, tứ linh đan xen trên hình mây xoắn, cỏ cây sóng nước. Điểm nổi bật ở đây là người nghệ nhân ngày xưa đã khéo léo kết hợp phương pháp chạm nổi, chạm bong, chạm lộng (lối chạm xuyên qua gỗ) để tạo nên một hình khối ken dầy những họa tiết đẹp mắt. Đây là những mảng chạm công phu, cầu kỳ, tinh xảo, mang bóng dáng của nghệ thuật chạm khắc gỗ thế kỷ XVII, XVIII.
Chùa Cầu Đông thờ Phật theo dòng Tào Động, là một trong năm phái thiền của Phật giáo Việt
Đến chùa Cầu Đông, khách tham quan còn bị bất ngờ vì ở đây có một ban thờ có tượng Thái sư Trần Thủ Độ và vợ của ông là bà Trần Thị Dung, người có công lớn với nhà Trần. Trần Thủ Độ là nhà chính trị xuất sắc có công sáng lập và củng cố vương triều Trần. Sớm theo nghề võ, ông tham gia đánh dẹp các thế lực cát cứ, giúp nhà Lý, được phong giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ. Nhân cơ hội nhà Lý suy yếu, ông đã dùng nhiều thủ đoạn khéo léo, sắp đặt việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho cháu họ của ông là Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông), lập nên vương triều Trần. Ông làm Thái sư giúp vua còn nhỏ tuổi, nắm mọi quyền lực ở triều đình kiêm coi trấn phủ Thanh Hóa. Là người có bản lĩnh, Trần Thủ Độ có tính quyết đoán, nhiều mưu kế, tận tụy với công việc, luôn đề cao phép nước, cư xử nghiêm minh. Năm 1258, khi quân Nguyên Mông xâm lược nước Đại Việt lần thứ nhất, ông đã 64 tuổi nhưng vẫn khảng khái trả lời vua Trần Thái Tông: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!". Sau đó, chỉ trong 10 ngày quân dân nhà Trần phản công đã đánh tan giặc Mông Cổ.
Thuở nhỏ, Trần Thủ Độ được ông Trần Lý nuôi dạy và coi như con. Trần Thị Dung là con gái của Trần Lý. Hai người yêu nhau nhưng khi Thái tử Lý Hạo Sảm lánh nạn về ở nhờ nhà ông Trần Lý, thấy Trần Thị Dung xinh đẹp đã xin cưới làm vợ. Trần Thủ Độ đành hi sinh mối tình đầu để người yêu lấy Thái tử Sảm, sau này lên ngôi vua là Lý Huệ Tông. Lúc đầu Trần Thị Dung được lập làm nguyên phi, sau được phong làm Hoàng hậu. Bà sinh được hai công chúa: Thuận Thiên sau lấy Trần Liễu và Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) lấy Trần Cảnh. Sau, Lý Huệ Tông đi tu rồi chết. Nhà Trần đã gả Hoàng hậu triều Lý là Trần Thị Dung cho Thái sư Trần Thủ Độ. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, bà Trần Thị Dung đã có công chỉ huy hoàng tộc rút khỏi kinh thành Thăng Long, sau đó lại lo thu nhặt sắt thép, động viên các hiệp thợ ngày đêm rèn đúc vũ khí để cung cấp cho quân Trần. Lương thực, thực phẩm để quân đội ăn no đánh thắng cũng do bà lo liệu. Với công lao to lớn đó, vua Trần đã sắc phong cho bà là Linh Từ quốc mẫu.
Những năm gần đây, chùa Cầu Đông, nơi duy nhất ở Hà Nội thờ Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung, đã được tu bổ nhiều bằng kinh phí của Nhà nước và đóng góp của các phật tử cùng khách thập phương. Đây là một ngôi chùa được xã hội hóa cao trong việc bảo tồn, sửa chữa, được quận Hoàn Kiếm và thành phố lấy làm điển hình để các nơi khác làm theo.
Triệu Chinh Hiểu (KTĐT)