Vào thời Lý - thời đại hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam thì tín ngưỡng Quan Âm đã hiện diện. Hình tượng Quan Thế Âm qua các hệ thống tượng được thờ ở các chùa còn được lưu giữ cho đến ngày nay, phần lớn có niên đại thời Mạc (thế kỷ XVI) - thời kỳ phục hưng của Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện những pho tượng Quan Âm đẹp nhất, đặc biệt là những pho tượng “Quan Âm nhiều tay” như “Quan Âm Nam Hải”, “Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn” hay theo dân gian là tượng “nghìn mắt nghìn tay” v.v…
Hiện nay, tại Bảo Tàng Lịch sử Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh có bộ sưu tập tượng Quan Âm bằng gỗ của Việt Nam với nhiều hình tượng khác nhau: “Quan Âm Tống tử”, “Quan Âm tọa sơn”, “Quan Âm nhiều tay”…, trong đó các pho tượng “Quan Âm nhiều tay” là tiêu biểu mà chúng tôi sẽ giới thiệu trong bài viết này:Sưu tập tượng “Quan Âm nhiều tay” bằng gỗ của Việt Nam lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh gồm 11 tượng do cơ quan chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh thu hồi và chuyển giao cho bảo tàng lưu giữ từ nhiều năm qua(2). Tuy số lượng tượng thuộc loại hình này không nhiều, nhưng đã thể hiện một số nét đặc sắc về phong cách tạc tượng truyềng thống của người Việt.
Tượng Quan Âm Nhiều Tay Tại Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam
Hồ Ngọc Liên
Có thể nói, tín ngưỡng thờ quan thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara) đã du nhập vào Việt Nam từ rất lâu và đã nhanh chóng hoà nhập với tín ngưỡng dân gian bản địa. Mà một biểu hiện cụ thể là sự tích xây chùa Một Cột (Hà Nội). Theo Đại Việt Sử ký toàn thư ghi lại vào năm 1049, chùa Một Cột được xây dựng theo giấc mơ của Lý Thái Tông, ông chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen, dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, vua đem việc đó kể lại với quân thần, có một nhà sư tên là Thiền Tuệ đã khuyên vua nên dựng chùa theo hình dáng có cột đá ở giữa đất, làm toà sen đặt Phận Quan Âm trên cột như đã thấy trong mộng(1). Qua đây, cho thấy rằng, vào thời Lý - thời đại hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam thì tín ngưỡng Quan Âm đã hiện diện. Hình tượng Quan Thế Âm qua các hệ thống tượng được thờ ở các chùa còn được lưu giữ cho đến ngày nay, phần lớn có niên đại thời Mạc (thế kỷ XVI) - thời kỳ phục hưng của Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện những pho tượng Quan Âm đẹp nhất, đặc biệt là những pho tượng “Quan Âm nhiều tay” như “Quan Âm Nam Hải”, “Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn” hay theo dân gian là tượng “nghìn mắt nghìn tay” v.v… Hiện nay, tại Bảo Tàng Lịch sử Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh có bộ sưu tập tượng Quan Âm bằng gỗ của Việt Nam với nhiều hình tượng khác nhau: “Quan Âm Tống tử”, “Quan Âm tọa sơn”, “Quan Âm nhiều tay”…, trong đó các pho tượng “Quan Âm nhiều tay” là tiêu biểu mà chúng tôi sẽ giới thiệu trong bài viết này:Sưu tập tượng “Quan Âm nhiều tay” bằng gỗ của Việt Nam lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh gồm 11 tượng do cơ quan chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh thu hồi và chuyển giao cho bảo tàng lưu giữ từ nhiều năm qua(2). Tuy số lượng tượng thuộc loại hình này không nhiều, nhưng đã thể hiện một số nét đặc sắc về phong cách tạc tượng truyềng thống của người Việt.Dựa vào tư thế tay bắt ấn của các pho tượng, có thể tạm chia làm hai nhóm sau: Nhóm I: gồm 7 tượng mang ký hiệu BTLS. 10689, 12988, 12987, 13194, 13342, 9818, 9283Nhóm II: gồm 4 tượng mang kỳ hiệu BTLS. 12974, 9768, 13922, 13118
Ở nhóm I, thường hai cánh tay ở trước ngực trong thế “Ấn Chuẩn Đề: hai bàn tay úp vào nhau, các ngón tay trong thế bắt ấn, ngón tay út và áp út đan lồng vào nhau, hai ngón giữa thẳng lên, hai ngón tay trỏ hơi cong và dựa vào lóng đầu của hai ngón tay giữa, còn hai ngón cái hơi cong chạm đầu vào ngón út để trong lòng bàn tay. Tư thế tay như thế này còn được gọi là “ấn Liên Hoa”(3). Ngoài hai tay chính kết “ấn Liên Hoa” ở trước ngực, còn nhiều cánh tay phụ được gắn hai bên nách và sườn. Các cánh tay phụ được gắn vào hai bên sườn, trong đó một đôi tay kết ấn theo kiểu thiền định (Dhyâni – Mudrá), đặt trong lòng trước bụng (tượng BTLS. 9818) hoặc một tay đặt trên lòng đùi, bàn tay để ngửa có cầm vòng chuổi hạt (tượng BTLS. 12988) còn các đôi tay khác toả đều sang hai bên, cân xứng hài hoà, các bàn tay đang kết ấn (tượng BTLS. 13194) hoặc cầm các báu vật khác như chuông đồng, gương đồng, hòm kinh… (tượng BTLS. 9283). Khác với nhóm tượng I, tư thế của đôi tay chính trước ngực của nhóm tượng II không phải trong thế “bắt ấn Chuẩn Đề” mà trong thế “ấn kim cương hợp trưởng” (Aijali – Mudrá): hai bàn tay duỗi thẳng, chắp vào nhau, giơ lên ngang ngực, các ngón tay chạm đầu nhau, ngón cái phải đặt bên ngoài ngón tay cái trái. Thế ấn này tượng trưng cho lòng kính trọng các đấng bề trên, thường thế này chỉ thể hiện ở các tượng Bồ Tát và các vị thấp hơn. Các cánh tay phụ được gắn hai bên sườn, tỏa ra; riêng pho tượng có ký hiệu BTLS.13118, ngoài đôi tay chắp trước ngực như các pho tượng khác còn có đôi tay được đặt trên lòng đùi, trước bụng, bàn tay đặt vào nhau, hai ngón tay cái chạm đầu nhau theo kiểu “Định ấn” (Dhyâni – Mudrâ) và hai đôi tay khác đặt trên hai đầu gối, cả hai bàn tay úp vào, các ngón tay hướng xuống đất trong thế “hàng ma”
Nhìn chung, cả hai nhóm tượng đều có những nét chung như: đều được tạc ở tư thế ngồi : chân phải đặt lên đùi chân trái để lộ bàn chân, tạo thành một thế ngồi vững chãi, thường gọi là thế ngồi bán kiết già; Phần lớn tượng có khuôn mặt bầu bĩnh với đôi má đầy và cằm bằng, mang dáng vẻ nam giới (cũng có tượng nét mặt thể hiện nữ tính như pho tượng mang ký hiệu BTLS.131178); miệng nhỏ, mũi thẳng, sống mũi cao, tai dài và lớn. Mắt đăm chiêu nhìn xuống biểu thị một sự quan sát nội tâm. Tai dài và lớn, cổ có hai ngấn. Có tượng tóc mai đi ngang qua tai vòng về sau, chảy xuống vai (tượng BTLS.12974), đây là một đặc trưng của các tượng Quan Âm ở thế kỷ XVI-XVII(4). Đầu tượng có đội mũ, thành mũ cao chạm như những cánh sen bè ra ở phần trên, trước mũ chạm nổi những hoa văn trang trí hoa sen, hoa cúc mãn khai… mô típ “lá hóa rồng”. Phía sau dưới vành mũ để lộ vành khăn chảy xuống thành nhiều nếp võng đến tận gáy hoặc ngang lưng, vành mũ thẳng đứng, nền đỏ, viền nẹp diềm và mô típ trang trí màu vàng. Mô típ trang trí phía trước mũ là những chấm tròn viền quanh (tượng BTLS.12974, 13192). Cũng có tượng đầu đội mũ “thiên quan”, trên đỉnh là một “tấm che”. Tấm che hình thang, cao vượt đỉnh đầu. Phần dưới phía trước của “tấm che” là những hàng lá sen được chạm nổi như một đường diềm, ở giữa chạm nổi một hình tượng Phật ngồi trong tư thế kiết già. Phía sau “tấm che” là hai búi tóc cuộn tròn, tóc dài phủ đến gáy, sau hai mang tai là hai dải buông thả xuống ngang lưng. Kiểu mũ thiên quan này giống phong cách mũ đội của Quan Âm chùa Bối Khê (Hà Tây) ở thế kỷ XVI(5) hoặc giống như mũ đội của tượng Văn Thù Bồ Tát ở chùa Bút Tháp vào thế kỷ XVII(6)
Tượng mặc áo không tay, các cánh tay để trần (giống tượng Quan Âm thế kỷ XVI). Vạt áo thường được thể hiện trong thế vắt qua vai, qua cánh tay, để rồi buông thõng xuống. Giữa vạt áo trên và thân áo dưới có khoảng trống mà các nhà nghiên cứu còn gọi đó là hiện tượng “chạm kênh”(7). Chỉ một chút lượn vênh lên đã tạo nên nét mềm mại, góp phần phá đi sự cứng nhắc của các nếp áo chảy xuôi (tượng BTLS.13192, 12974). Phần ngực hở, phía dưới thắt lưng, kết nút tạo kiểu dáng như nơ với hai dải dài thả phía trước bụng hoặc trên vai áo có gắn bông cúc mãn khai (tượng BTLS.12988).
Trên mình tượng có nhiều đồ trang sức: vòng chuỗi ở cổ và cánh tay, ở ngực với kiểu trang trí hàng hạt nhỏ, kết hợp với các vân xoắn, móc vào một vài bông cúc mãn khai thường còn gọi là vòng chuỗi “dây anh lạc”. Đặc biệt là có tượng đeo hoa tai hình bông hoa nhỏ có nhiều cánh (tượng BTLS.9768). Kiểu trang trí trên thường thấy trong phong cách tạo tượng ở thế kỷ XVI(8).
Thông thường, tượng được tạc ngồi trên đài sen, là một bộ phận tách rời khỏi thân tượng nhưng hầu hết các pho tượng Quan Âm ở bảo tàng được tạc ngồi trên bệ gỗ mỏng vành bán nguyệt thể hiện như đài sen dính liền với thân tượng, có lẽ đây là phần trên của đài sen, còn phần chính đã bị mất. Riêng tượng ký hiệu BTLS.12987 hoặc pho tượng ký hiệu BTLS.13118 vẫn còn bệ sen với nhiều lớp cánh sen chính phụ xếp xen kẽ và ốp sát vào nhau, các cánh sen múp phồng ít vênh ra, lòng cánh sen để trơn như những bệ sen của các tượng thờ ở giai đoạn sau thế kỷ XVI – XVII(9). Hoặc dưới đài sen là bệ gần vuông, nổi trên mặt bệ là con quỷ. Mặt quỷ mô phỏng mặt người, hai tay giơ lên đang đỡ đài sen giống như hình dạng chung của các pho tượng “Quan Âm Nam Hải” trong các ngôi chùa Việt ở miền Bắc (như pho tượng ký hiệu BTLS.13118). Toàn thân tượng được phủ lớp sơn son màu cánh gián hoặc sơn son thiếp vàng.
Phần lớn các pho tượng đều đã bị mất các cánh tay khác chỉ còn hai cánh tay chính trước ngực, tuy vậy một số pho tượng vẫn còn đầy đủ các cánh tay như pho tượng có ký hiệu : BTLS.13192, BTLS.13118. Trên cơ sở phân loại, khảo tả các pho tượng Quan Âm nhiều tay như đã nêu trên, chúng tôi nhận thấy rằng: Các pho tượng trên đều thuộc nhóm tượng Quan Âm nhiều tay, là danh xưng của các vị Bồ Tát trong Phật giáo Đại Thừa. Căn cứ vào phần khảo tả các thế tay và trang trí trên các pho tượng Quan Âm nhiều tay tại bảo tàng, có thể chia tên theo các nhóm tượng cụ thể như sau:Nhóm I : Các pho tượng có đôi tay chính chắp trước ngực, các ngón tay trong thế ấn “Liên Hoa”, theo Phật thoại đây cũng là một trong các thế ấn của Bồ Tát Chuẩn Đề - Một thế ấn của phép Chuẩn Đề có hiệu nghiệm nhất để cứu vớt chúng sinh. Tượng có hình tướng như vậy còn được gọi là Quan Âm Chuẩn Đề hay Phật Mẫu Chuẩn Đề.
Nhóm II : Các pho tượng có đôi tay chính không trong thế bắt ấn như các pho tượng ở nhóm I. Đôi tay chính trong thế của hoa sen chưa nở hay còn gọi là thế “kim cương hợp chưởng”. Thế tay tỏ lòng tôn kính các đấng bề trên, thành kính trước Phật và Phật pháp. Thế tay thường thể hiện qua các pho tượng “Quan Âm nghìn mắt nghìn tay”(10), các pho tượng Quan Âm có từ 14, 16, 22 … cánh tay trở lên đều được coi là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát hay Quan Âm nhiều tay.
Trong nhóm tượng Quan Âm nhiều tay, tượng có ký hiệu BTLS.13118 được gọi là Quan Âm Nam Hải, tượng tạc thể hiện những đặc điểm theo Phật thoại viết về vị Quan Âm này. Dựa trên câu chuyện về một người con gái tên Diệu Thiện đã tu hành đắc đạo và trở thành Phật Quan Thế Âm và cho rằng Bà đã tu ở chùa Hương Tích (Hà Tây), cai quản vùng bể Nam nước ta và từ đó được coi là Quan Âm Nam Hải hoặc có truyền thuyết cho rằng, Quan Âm vượt biển nhìn xuống phía dưới biển thì thấy loài thủy quái đang hoành hành dữ dội. Quan Âm thấy vậy liền ra tay cứu vớt chúng sinh và thần phục đám thủy quái, nên trong nghệ thuật tạo tượng hình tượng Quan Âm luôn được thể hiện ngồi trên bệ sen, với ba hàng cánh sen xếp ken nhau, dưới bệ sen là bệ hình chữ nhật. Trên bề mặt bệ là hình tượng sóng nước, nổi bật lên trên mặt sóng là con quỷ có mặt dạng hình người đang đỡ bệ sen, đây chính là hình tượng của “Quan Âm Nam Hải ”.
Qua các tư liệu còn lưu lại : tượng Quan Âm có nguồn gốc từ ấn Độ và là một vị Bồ Tát nam giới, nhưng khi du nhập vào những vùng cư dân có nền văn hóa nông nghiệp lúa nước như Việt Nam, Trung Quốc …, những nơi mà hình tượng Mẫu, đất và các yếu tố âm luôn được đề cao, do vậy, hình tượng Quan Âm được thể hiện bằng những nét nữ tính, đôn hậu và hiền dịu(11). Thể hiện rõ nét qua các pho tượng Quan Âm chùa Đa Tốn (Hà Nội), chùa Bối Khê (Hà Tây), chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)… đều có khuôn mặt nữ, ngón tay búp măng(12). Nhưng các pho tượng Quan Âm nhiều tay tại BTLSVN-TP.HCM phần lớn đều có khuôn mặt thể hiện nét nam tính (trừ pho tượng Quan Âm Nam Hải có ký hiệu BTLS.13118 có khuôn mặt nữ tính rõ nhất), như vậy, phải chăng chính đặc điểm đó của các pho tượng Quan Âm nhiều tay ở thế kỷ XVIII – XIX(13).
Về cơ bản, các nghệ nhân tạo tượng đã tuân thủ theo một nguyên tắc chung trong việc tạo tượng loại hình này – từ mũ đội cho đến tư thế ngồi, các tư thế tay – tuy nhiên, nhóm tượng Quan Âm nhiều tay ở đây, nhất là tượng Quan Âm Chuẩn Đề ta thấy còn thiếu một vài hình tướng của vị Bồ Tát này, mà theo Phật thoại, hình tướng của Bồ Tát Chuẩn Đề thường có 3 mắt, 18 tay…(14).Qua việc khảo tả, phân tích đã nêu trên cho thấy phần lớn các pho tượng Quan Âm nhiều tay tại bảo tàng đều mang phong cách tạo tượng từ thế kỷ XVII, XVI đến thể kỷ XIX, riêng pho tượng có số ký hiệu BTLS.13118 có nét thể hiện phong cách tạo tượng ở thời Mạc (thế kỷ XVI), nhưng mang đậm nét dân gian.
Tóm lại, nhìn chung, sưu tập tượng “Quan Âm nhiều tay” tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh là một sưu tập điêu khắc gỗ của văn hóa Phật giáo Việt Nam, thể hiện hình tượng của Quan Thế Âm – một vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn được thờ cúng phổ biến ở nước ta. Việc tìm hiểu, phân loại và nêu lên những nhận xét về giá trị của những pho tượng “Quan Âm nhiều tay” tại Bảo tàng mới chỉ là bước đầu. Thông qua việc tìm hiểu những nét đặc trưng trong nghệ thuật tạo tượng và các hoa văn trang trí trên tượng, phần nào giúp cho việc hiểu thêm về phong cách cũng như nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ của các nghệ nhân Việt Nam khoảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX./.
Chú thích
1. Xem Hà Văn Tấn (1993), Chùa Việt Nam, Nxb Khoa học XH, Hà Nội.
2. Theo hồ sơ của kho bảo quản cung cấp thì các tượng này đều được đưa về Bảo tàng trong những năm gần đây, chia thành nhiều đợt từ 1989 - 1994, 1995, 1996, 1997
3, 4, 5, 7. Xem Trần Lâm Biền (1982), Tượng Quan Âm Nam Hải hồi thế kỷ XVI (Mạc), Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật (3), tr 3 –17.
6. Xem Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng (1992), Điêu khắc cổ Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ.
8, 9, 11, 12, 13. Xem Trần Lâm Biền (1993), Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình truyền thống, Nxb Mỹ thuật.
10. Xem Trần Nho Thìn (1991), Vào chùa thăm Phật, Nxb Công an Nhân dân.14. Xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2001), Sự tích Phật A Di Đà và bảy vị Bồ Tát, Nhà xuất bản Tôn Giáo.