TÊN GỌI VÀ HÌNH TƯỢNG BỒ TÁT THƯỜNG GẶP

 

I. BÀI HỌC

1. Phật Thích Ca Mâu Ni

- Thích Ca: Trung Hoa dịch là Năng Nhơn, Mâu Ni là Tịch Mặc. Thích Ca Mâu Ni nghĩa là người hay phát khởi lòng nhân từ mà tâm hồn luôn luôn an tĩnh, vắng lặng (xem thêm bài: Lịch Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong “Phật Pháp Vào Đời” tập 1).

- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người khai sáng ra Đạo Phật, Ngài được thờ ngay giữa Chánh Điện, ngự trên đài sen với tư thế ngồi kiết già, hoặc ngồi kiết già với tay phải cầm hoa sen đưa lên.

2. Phật A Di Đà

- A Di Đà còn gọi là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang và Vô Lượng Công Đức. Nghĩa là tuổi thọ, hào quang và công đức của Ngài không thể lường được.

- Ta thường thấy hình tượng Phật A Di Đà đứng trên tòa sen, tay trái cầm đài sen, tay phải duỗi xuống để tiếp dẫn chúng sanh.

- Các chùa hay thờ tượng Ngài đứng giữa, bên phải là Bồ tát Quán Thế Âm, bên trái Ngài là Bồ tát Đại Thế Chí. Đây gọi là Tây Phương Tam Thánh.

- Đức Phật A Di Đà phát 48 lời nguyện để tiếp dẫn chúng sanh về nước Cực Lạc.

3. Phật Di lặc

- Di Lặc hay Di Lạc, tức vui vẻ và hoan hỷ, Ngài là vị Phật ở đời tương lai.

- Tượng Phật Di Lặc mập mạp, bụng to, miệng cười rất tươi. Bụng to là chỉ cho sự bao dung rộng lượng, miệng cười là chỉ cho lòng hỷ xả, không vướng mắc.

- Có nơi thờ tượng Phật Di Lặc có thêm sáu chú tiểu bám ở quanh mình, biểu trưng sáu căn của một con người.

4. Bồ Tát Quán Thế Âm

- Quán là quán sát, lắng nghe; Thế là thế gian; Âm là âm thanh. Bồ Tát Quán (Quan) Thế Âm là vị Bồ Tát quán sát, lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để kịp thời cứu giúp họ thoát khổ.

- Tay phải Ngài cầm nhành dương liễu, tay trái cầm bình nước Cam Lồ để tưới mát chúng sanh, trên đỉnh đầu có hình Đức Phật A Di Đà.

- Có rất nhiều hình tượng Quán Thế Âm như: Quan Âm Lộ Thiên, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn,…

- Ngài thương chúng sanh như mẹ thương con nên người ta thường tạc tượng Ngài mang hình dáng người nữ. Có nơi gọi Ngài là Mẹ Hiền Quán Thế Âm.

5. Bồ Tát Đại Thế Chí: vị Bồ Tát mang nguyện lực và ý chí lớn, tiếp dẫn chúng sanh về cõi Tịnh Độ.

6. Bồ tát Địa Tạng:

- Địa Tạng có nghĩa là An Nhẫn, bất động như đại địa; tư duy sâu xa kín đáo như kho tàng bí mật.

- Ngài mặc áo cà sa, đội mũ tỳ lô, tay phải cầm tích trượng có mười hai khoen, tay trái nắm viên minh châu.

- Ngài thường được thờ trong Chánh Điện bên phải Đức Phật Thích Ca, hoặc nơi nhà thờ các vong linh.

- Hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng là: độ hết chúng sanh trong Địa Ngục thành Phật thì Ngài mới chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.

7. Các hình tượng Phật – Bồ Tát khác 

- Phật Dược Sư: vị Phật ban thuốc trị bệnh thân và bệnh tâm cho chúng sanh.

- Phật Mẫu Chuẩn Đề: vị Phật thương chúng sanh như mẹ thương con. Ngài thường có hình tượng 4 tay, 6 tay, 12 tay, 18 tay,…

- Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn: vị Bồ Tát có ngàn mắt để nhìn hết nỗi khổ chúng sanh, có ngàn tay để cứu vớt chúng sanh khỏi biển khổ.

- Bồ tát Văn Thù Sư Lợi: vị Bồ Tát có trí tuệ siêu việt.

- Bồ Tát Phổ Hiền: vị Bồ Tát phát mười hạnh nguyện lớn để độ chúng sanh.

8. Kết Luận

- Mỗi vị Phật, Bồ Tát đều có một hình tướng, hạnh nguyện riêng, nhưng tất cả các Ngài đều có lòng thương chúng sanh vô hạn và làm lợi ích cho hết thảy.

- Tìm hiểu về hình tượng Phật - Bồ Tát, chúng ta thêm quý kính các Ngài, nguyện tu học theo gương hạnh của Quý Ngài hầu thoát ly sanh tử, đạt đến Niết Bàn.

II. LỜI KHẤN NGUYỆN

Con xin cúi đầu đảnh lễ dưới bàn chân Chư Phật và Bồ tát. Ngưỡng mong quí Ngài gia hộ cho con luôn sáng suốt, tinh tấn, và kiên nhẫn để học hỏi theo gương hạnh cao đẹp của Quý Ngài, ngõ hầu cứu giúp tự thân con và tất cả chúng sanh thoát vòng sanh tử khổ đau, để chứng đắc quả vị bồ đề tối thượng.

III. CÂU HỎI CHIA SẺ 

1. Hãy kể vài câu chuyện về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni?

2. A Di Đà là gì? Tượng Phật A Di Đà có hình dáng như thế nào ?

3. Nụ cười và cái bụng lớn của Phật Di Lặc biểu trưng cho điều gì ?

4. Hãy kể vài hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm mà bạn biết ?

5. Hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng là gì ?

6. Bạn cảm thấy có duyên với vị Phật, Bồ Tát nào nhất? Nêu cảm nghĩ của bạn về vị Phật, Bồ Tát đó?

IV. SINH HOẠT

1. Bài hát: MẸ QUÁN THẾ ÂM

2. Hương vị cuộc sống: BỒ TÁT VÀ CHÚNG SANH

Trời vừa dứt mưa, một bà cụ khoác áo tơi đi ra phố. Gặp một chú bé đang nghịch nước bẩn bên vệ đường, bà cau mặt quát:

- Thằng Tý! Mày có lên ngay không. Khiếp!

Thằng bé phản đối:

- Cháu xí cái vũng này từ hồi mới mưa lận. Bà kiếm cái khác đi, thiếu gì!

Bạn thân mến!

Bồ Tát là những vị sách vở định nghĩa là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.” (Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh). Riêng chúng ta có thể hiểu một cách giản dị như thế này: “Nếu chúng ta tin rằng mình và tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ thì ta đã có mầm Bồ Tát trong lòng rồi. Trên đường tu chừng nào thành Phật hãy hay, còn hiện tại chúng ta hãy tùy thuận giúp đỡ người chung quanh bằng tất cả khả năng hạn hẹp của mình... Vì tin tưởng nơi Phật tánh của mình và người nên Bồ Tát không bao giờ mệt mỏi trên bước đường tự lợi, lợi tha...

Nhưng... tâm Bồ Tát thì khó phát nhưng rất dễ thối thất... Bạn có biết tại sao không? Bạn đừng tưởng là khi hành Bồ Tát hạnh đi đến đâu thiên hạ cũng rải hoa và trải chiếu bông đón tiếp mình hết đâu... mà coi chừng vỡ mộng đấy nhé! Như trường hợp của bà cụ trên đây chẳng hạn. Nếu các tôn giả chúng sanh đang ưa thích điều gì mà mình cản trở thì coi chừng họ có thể nghi là mình muốn đoạt cái sở thích ấy, trong trường hợp đó, nếu ta chưa đủ tài thuyết phục họ thì phải chạy cho thật lẹ kẻo... u đầu, nếu bạn có giúp đỡ ai điều gì thì... chớ nên hí hửng chờ người tuyên dương công trạng của mình vì có hàng khối kẻ bàng quang đang bĩu môi phẩm bình rằng:

“Ðồ ngu! Chuyên môn làm mọi thiên hạ.”

Hoặc là:

“Cái số cực...” “Cái nghiệp nặng”. Chà coi bộ bạn muốn thối tâm rồi phải không? Nếu mình là Bồ Tát thứ thiệt thì khỏi nói, đàng này thật kẹt cho hàng Bồ Tát sơ tâm như bọn mình, có lẽ vì thế mà trong các kinh, đức Phật đã không tiếc lời ca ngợi hạnh Bồ Tát, và Ngài cũng đã từng nhắc nhở với chúng ta rằng:

“ Muốn giảng kinh Pháp Hoa, tức là đi gieo rắc niềm tin rằng “Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật”, Pháp sư phải ngồi tòa Như Lai, mặc áo Như Lai, tòa Như Lai là tâm từ bi, áo Như Lai là giáp nhu hòa nhẫn nhục đó bạn ơi!

CLB Hoằng Pháp Trẻ

theo banhoangphap.com