Tưởng Niệm Ni Trưởng Thích Nữ Huyền Học

...Người xưa nói: “chớ bảo xuất gia là việc dễ, đã do nhiều kiếp gieo Bồ đề.” Để thoát khỏi sự ràng buộc gia đình, năm 16 tuổi (1936), Ni trưởng đã trốn vào Nam, tìm đến Chùa Hải Ấn. Chùa Hải Ấn cũng là Chùa Ni đầu tiên vùng Gia Định, do cố Ni trưởng Hồng Thọ Diệu Tịnh trụ trì. Ni trưởng Huyền Học được xuất gia tại đây, và được Bổn sư ban pháp huý là Nhật Tân, tự Huyền Học, hiệu Như Nghiêm thuộc đời thứ 41 dòng Nguyên Thiều.

...Năm 1964, sau Đại hội Phật giáo Thống nhất tại Chùa Ấn Quang, Ni trưởng đều được cử trong chức Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông. Ni trưởng làm việc tại Chùa Từ Nghiêm, cùng với quý Ni trưởng trong hàng giáo phẩm của chư Ni miền Nam, tổ chức và điều hành sự sinh hoạt của Ni giới. Trong thời gian này, giáo dục Ni bộ được đẩy mạnh, các trường sơ, trung Phật học mở ra giảng dạy trong tầng lớp Ni sinh trẻ.

...Được đào tạo bởi các bậc cao Tăng, Ni Trưởng Huyền Học đã thừa tiếp sự nghiệp hoằng hóa của quý Ngài. Ni trưởng từng là tổng thư ký của giáo hội Sơn môn Bình Thuận, cố vấn giáo hạnh của gia đình Phật tử tỉnh Phan Thiết.

Tưởng Niệm Ni Trưởng Thích Nữ Huyền Học

Thích Nữ Như Hoa

Ni Trưởng Thích nữ Huyền Học (thế danh Huỳnh Thị Phụng) quê quán tại thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, sinh năm 1920 trong một gia đình trung lưu tin Phật.

Người xưa nói: “chớ bảo xuất gia là việc dễ, đã do nhiều kiếp gieo Bồ đề.” Để thoát khỏi sự ràng buộc gia đình, năm 16 tuổi (1936), Ni trưởng đã trốn vào Nam, tìm đến Chùa Hải Ấn. Chùa Hải Ấn cũng là Chùa Ni đầu tiên vùng Gia Định, do cố Ni trưởng Hồng Thọ Diệu Tịnh trụ trì. Ni trưởng Huyền Học được xuất gia tại đây, và được Bổn sư ban pháp huý là Nhật Tân, tự Huyền Học, hiệu Như Nghiêm thuộc đời thứ 41 dòng Nguyên Thiều.

Vào năm 1937, khi cố Ni trưởng Hồng Thọ đi giảng đạo tại Phan Thiết, Ngài tiếp nhận ngôi Bình Quang Ni tự. Sau đó Ngài giao cho Ni trưởng Huyền Tông và Huyền Học trông nom, điều hành Phật sự. Ni trưởng Huyền Học được hàng môn đệ và Phật tử Chùa Bình Quang gọi là: “Thầy giảng sư.” Điều này nói lên công hạnh giáo huấn, giảng dạy của Ni trưởng tại quê nhà.

Ni trưởng đã từng tham học tại các trường Ni Vạn Anh, Linh Phước (Sa Đéc) với chính Bổn sư của mình.

Năm 1947, cố Ni trưởng Hồng Thọ viên tịch tại Chùa Hải Ấn, Ni trưởng Huyền Học đã cùng chư huynh đệ đảm nhiệm phần Phật sự do Thầy để lại. Với ý nguyện tham cứu Phật pháp, Ni trưởng đã có thời gian theo học với đại lão Hoà thượng Giác Phong, tại Chùa Hải Đức (Nha Trang).

Được đào tạo bởi các bậc cao Tăng, Ni Trưởng Huyền Học đã thừa tiếp sự nghiệp hoằng hóa của quý Ngài. Ni trưởng từng là tổng thư ký của giáo hội Sơn môn Bình Thuận, cố vấn giáo hạnh của gia đình Phật tử tỉnh Phan Thiết.

Năm 1964, sau Đại hội Phật giáo Thống nhất tại Chùa Ấn Quang, Ni trưởng đều được cử trong chức Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông. Ni trưởng làm việc tại Chùa Từ Nghiêm, cùng với quý Ni trưởng trong hàng giáo phẩm của chư Ni miền Nam, tổ chức và điều hành sự sinh hoạt của Ni giới. Trong thời gian này, giáo dục Ni bộ được đẩy mạnh, các trường sơ, trung Phật học mở ra giảng dạy trong tầng lớp Ni sinh trẻ.

Năm 1968, sau khi mãn nhiệm Vụ trưởng, Ni trưởng nhận tiếp chức vụ Giám viện Ni trường Dược Sư từ các niên khóa năm 1968 đến 1974.

Năm 1974, mãn nhiệm tại Ni trường Dược Sư, Ni trưởng theo học pháp Thiền với Hòa Thượng Thanh Từ tại tu viện Chơn Không (Vũng Tàu). Sau về tịnh tu tại phần đất tại Chùa Vĩnh Phước từ 1974-1978.

Đến năm 1988, hội đủ nhân duyên, Sư cô Như Hoa theo lời dạy của Ni trưởng, từ Ni trường Dược Sư về sớm hôm thân cận bên người. Nhân duyên thêm nhân duyên, Chùa Vĩnh Phước được tôn tạo dần dần. Cuối năm 1993, trong Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc, Ni trưởng được sư suy cử làm Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương.

Mùa đông năm 1994, Ni trưởng lâm bệnh. Thân tứ đại đến giờ giã biệt, Ni trưởng ra đi vào lúc nửa đêm ngày rằm tháng giêng năm Ất Hợi tại Chùa cũ quê xưa.

Đến Vĩnh Phước hôm nay, chúng con thành kính tưởng niệm bậc Tôn sư khai sáng. Một đời đạo hạnh, công đức huân tu của người mãi mãi là khuôn vàng thước ngọc cho Ni chúng. Chúng con vui mừng vì thấy dấu tích của Người để lại đã được tôn tạo xứng đáng, để hàng Phật tử khi viếng thăm, lòng hân hoan trước cảnh trí tôn nghiêm, nhớ ân sâu Người dạy dỗ càng cố công tu tập.

(Trích Giác ngộ 01/ 02/ 1996, PL. 2539)