Từ Đại giới đàn Nguyên Thiều - Siêu Bạch suy ngẫm về ý nghĩa Tuyển Phật trường


Thế là sau 3 ngày làm việc từ ngày 18 đến 20-4, trong tinh thần “ y Giới – y Luật – y Phật sở chế”. Đại giới đàn Nguyên Thiều Siêu Bạch đã thành công tốt đẹp trong niềm hân hoan của hàng ngàn Tăng Ni cùng toàn thể tín đồ Phật tử gần xa.

Với hai địa điểm tổ chức đàn giới là Tổ đình Long Thiền dành cho Tăng và Bửu Phong cổ tự dành cho Ni, với số lượng đăng ký 1904 giới tử kể cả nội và ngoại tỉnh; bao gồm 1658 giới tử chính thức (333 Tỳ kheo, 339 Sa di, 298 Tỳ kheo ni, 297 Thức xoa và 391) và 245 giới tử xin thính các giới. Ngoài ra còn có 320 giới tử tại gia phát nguyện thọ giới Thập thiện và giới Bồ-tát tại gia. Phải nói rằng, đây là giới đàn có số lượng giới tử đông nhất từ trước đến nay.

caudaitang (23).JPG

Giới tử Ni tại Đại giới đàn Nguyên Thiều - Siêu Bạch

Với số lượng giới tử đông như vậy, chư Tôn đức giáo phẩm, chắc hẳn có nhiều ưu tư và lo lắng về mặt “chất”, cũng như công tác quản lý Tăng sự. Thế nhưng Đại giới đàn Nguyên Thiều Siêu Bạch đã để lại nhiều dư âm tốt cùng nhiều kỳ vọng vào thế hệ Tăng – Ni trẻ tài đức có thể truyền trì mạng mạch Phật pháp tương lai.

Bài viết này, không đi sâu vào các định nghĩa của giới – luật, mà chỉ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của giới luật trong đời sống của người xuất gia mà thôi. Vì đời sống xuất gia là một đời sống tự nguyện có lý tưởng của một đời sống phạm hạnh hướng đến sự cao thượng và giải thoát. Do vậy, những gì cần thiết để có thể đạt đến mục đích tối thượng ấy một vị Tỳ Kheo cần phải tuân giữ là điều tự nhiên, tất yếu không hề mang ý nghĩa của sự trói buộc hay mệnh lệnh nào cả.

Thông thường giới mang tính “phòng phi chỉ ác” tức ngăn ngừa các điều sai trái, dứt dừng các điều xấu ác. Còn luật mang tính điều phục, pháp cấm chế …thế nên có tên ghép là “giới luật”. Vì vậy, tụng giới, tụng luật cũng tức là học về các luật lệ, phép tắc tự nhiên trong đời sống của các Tu sĩ Phật giáo. Về những điều thiện cần phải làm, những điều thiện cần phải tránh, về sự giữ gìn thân, khẩu, ý để khỏi tạo ra nghiệp xấu, khỏi ảnh hưởng đến bước đường tu tập của một vị Tỳ Kheo nói riêng và cả Tăng đoàn nói chung.

Như chúng ta đã biết 4 quyển luật Trường hàng là những giới luật căn bản mà người xuất gia phải thực hành và phải tránh xa. Nó cũng chả khác gì những nội quy, nguyên tắc tại các tổ chức xã hội, cơ quan, xí nghiệp …mà bất cứ người công nhân, nhân viên nào cũng đều phải tuân thủ.

Hãy thử tượng tượng, nếu một người đi đôi chân trần trên triền đồi nhấp nhô đá nhọn, chỉ cần một cử động nhỏ sơ ý cũng khiến chân người ấy rớm máu. Việc tụng thuộc nằm lòng 4 bộ luật căn bản cũng giống như việc đôi chân chúng ta trang bị thêm đôi giầy, có thể tha hồ leo trèo, chạy nhảy tùy thích mà không hề sợ tổn thương đến thân thể. Vậy thì, những phương tiện giới luật ấy là những điều kiện tiên quyết để cho chúng ta bảo toàn cuộc sống phạm hạnh của mình, nó cần thiết cũng như việc chúng ta phải ăn cơm, uống nước hàng ngày.

Một thực tế cho thấy, bất kỳ ở thời đại nào không phải tất cả mọi người đều người xuất gia với động cơ chân chính. Đều mong muốn giải thoát, giác ngộ. Có những người với nhiều lý do khác nhau như kinh tế, chính trị, gặp trắc trở trong đời sống riêng tư…cũng xuất gia. Chính vì điều này trong hàng ngũ Tăng đoàn đã xảy ra những trường hợp rắc rối, vi phạm giới luật, hoen ố tịnh hạnh gây nên tiếng xấu và mâu thuẫn trong Tăng chúng. Để giải quyết những việc rắc rối ấy Đức Phật đã chế định giới luật. Dựa vào nhựng giới luật ấy, một mặt có thể thống lĩnh được hàng ngũ đệ tử Phật bao gồm đủ các hạng người, các thành phần trong xã hội. Mặt khác có thể cải chính, sửa chữa, khắc phục  những lỗi lầm đã phát sinh giúp các Tăng – Ni trở thành những vị Tỳ Kheo thuần tịnh.

Với thời đại mở như hiện nay, phạm vi Tăng đoàn càng ngày càng được mở rộng, thế nên việc tuyển chọn gắt gao ngay từ khâu “chọn giống” “ươm mầm” sẽ giúp người xuất gia chân chính có một môi trường tốt để tu tập và chứng ngộ, đồng thời cũng là để duy trì uy tín và sự tồn tại của Tăng đoàn, tránh xẩy ra hậu họa về sau. Ví như chiếc áo rách cần phải may, vá lại cho hoàn chỉnh có thể mặc được, qúa trình tuyển chọn kỹ càng ngay từ khâu “đầu vào” còn có tác động kép đến nhận thức, lối sống của hàng hành giả; dù trước đó với động cơ không chân chính, miễn cưỡng xuất gia xong nhờ vào quy chế sàng lọc thẩm thấu này mà tự giật mình phản tỉnh, dần dần cải ác vi thiện trở nên thanh tịnh, thuần khiết trong mắt chúng nhân.

Nên chú trọng từ khâu “ươm mầm” “chọn giống”

Việc 95 giới tử (15 Tỳ kheo, 10 Tỳ kheo Ni, 8 Thức xoa, 49 Sa di, 13 Sa di ni) dưới 30 tuổi thi trượt do không nộp bài thi viết và không dự thi vấn đáp. Cùng 100 giới tử Tăng và 274 giới tử Ni trong số 1904 giới tử đã phát nguyện đăng ký thi tụng Luật Trường hàng tại Tuyển Phật Trường và tại Tổ đường với bốn bộ Luật căn bản của người xuất gia là Oai nghi, Tỳ ni, Sa Di, Quy Sơn thể hiện tính nghiêm minh của chánh pháp. Đồng thời, nó cũng tạo tiền lệ tốt để chúng ta có thể áp dụng với tất cả các giới đàn sẽ được tổ chức về sau. Bốn quyển luật Trường hàng không hề ngắn vậy mà chỉ sau hơn 90 phút tập trung thi tụng căng thẳng, 53 giới tử Tăng và 59 giới tử Ni đã tụng lòng 4 quyển luật Trường hàng một cách xuất sắc, được Ban giám khảo đánh giá cao. Đây thực sự là một thành quả chứa nhóm đầy công đức lành theo đúng tính chất “Tuyển Phật trường”.

Điều này cho thấy, Đại giới đàn Nguyên Thiều Siêu Bạch đã chú trọng về vấn đề “chất” hơn “lượng”, có cách làm tích cực ngay từ khâu tuyển trạch tức khâu “chọn giống”, “ươm mầm”. Dù cuộc thi không bắt buộc tất cả các giới tử phải tham gia, mà tùy giới tử thuộc quyển nào thì đăng ký thi tụng quyển đó. Tuy nhiên, qua những động thái tích cực mang đúng tinh thần hòa hợp, thanh tịnh trên đã để lại cho chúng ta nhiều điều suy ngẫm về công tác đào tạo Tăng Ni tài đức - những nhân tố tích cực cho công tác lãnh đạo Giáo hội tương lai.

Dù còn quá sớm để khẳng định về nhân cách và công hạnh của các giới tử tại giới đàn lần này vì “Lộ giao tri mã lực” – đường dài mới biết ngựa hay. Thế nhưng, những con số biết nói 374 giới tử đăng ký thi tụng luật Trường hàng và 53 giới tử Tăng, 59 giới tử Ni đã thuộc nằm lòng bốn bộ luật căn bản, thì chúng ta có quyền khẳng định 112 giới tử thuộc nằm lòng bốn bộ luật này chắc chắn là những Tăng – Ni có tố chất hơn người, có công phu tu tập nghiêm mật cũng như tinh thần nghiên cứu Phật giáo điển. Đích thị những giới tử này được sống trong sự dạy dỗ nghiêm khắc cùng sự định hướng đúng đắn của Thầy Tổ, huynh đệ, Tăng thân. Họ chính là những người giữ “lửa” giúp ngọn đèn chánh pháp mãi mãi tỏa rạng.

Khi xưa Quản Trọng[1] từng giúp nước Tề cải cách, hiện đại hóa đất nước trở nên phồn thịnh, túc thực, binh cường bởi kế sách :

“Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
Chung thân chi kế mạc như thụ nhân
Nhứt thu nhứt hoạch giả, cốc dã
Nhứt thu thập hoạch giả, mộc dã
Nhứt thu bách hoạch giả, nhân dã”

Tạm dịch:

“Tính kế một năm, chẳng gì bằng trồng lúa
Tính kế 10 năm, chẳng gì bằng trồng cây
Tính kế trọn đời, chẳng gì bằng trồng nguời.
Trồng một, gặt một, ấy là trồng lúa
Trồng một, gặt mười, ấy là trồng cây
Trồng một, gặt trăm, ấy là trồng người”

Việc sàng lọc giới tử tại các giới đàn ngay từ khâu “đầu vào”, không chỉ là công việc “trồng” người, giúp loại đi những mầm bệnh, giống lép mà còn giúp Tăng đoàn ngày càng phát triển, đồng thời phát hiện ra những nhân tố tích cực giúp việc hữu ích cho giáo hội sau này. Nếu hôm nay chúng ta đã phát hiện ra họ rồi thì nên chăng chúng ta có kế sách lâu dài để đào tạo, “trồng” nên một thế hệ Tăng – Ni tài đức.?. có như vậy thì Tuyển Phật trường mới thực sự có ý nghĩa!

Linh Thuần

[1] Quản Trọng ( 725 - 645 B.C ) là một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu (685 TCN).

Theo Giác Ngộ