Chân dung nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy văn hóa dân tộc

    Andrew Harvey, một nhà hành hương tây phương, đã viết trong bút ký của ông Journey in Ladakh:

    “Trong những năm say mê học triết học Đông phương, tôi kinh nghiệm về sự cảm nhận thẩm mỹ còn giữ mãi đến giờ trong tâm tôi. Tại viện bảo tàng Ashmolean - Oxford trưng bày tượng Đầu Phật của Khmer, khi đó, tôi chưa tốt nghiệp khóa học, tôi thường đến chiêm bái tượng mỗi ngày không chán, nhưng cái gì đã dẫn tôi đến với nụ cười đó, với đôi mắt trầm lắng nhìn xuống đó, sau này, tôi mới biết đó chính niềm thanh bình tỏa ra trên khuôn mặt Phật khó mà tìm thấy được trong mỹ thuật Tây phương. Đây là điều tôi yêu mến nhưng thiếu mất trong tâm tôi”. Qua đoạn văn trích trên, bằng sự cảm nhận niềm thanh bình từ hình tượng Đức Phật, có thể hiểu ra được sức mạnh sự truyền thông của nghi lễ tôn giáo như Phật giáo như thế nào, nhất là khi nhìn vào trong dòng văn hóa Việt Nam, thì, nó xuất hiện ra sao trong tâm tư người Việt. Vậy,

    Nghi lễ Phật giáo là gì ?

    Có thể định nghĩa về Nghi lễ Phật giáo bằng một cách khác là tìm hiểu sự đặc trưng của nó khác với tôn giáo khác, là trong khi chịu theo một truyền thống về nghi lễ ước định, nó cũng có cả phong cách nghi lễ phi truyền thống bởi tính chất giáo lý Trung đạo của nó.

    * Nghi lễ Phật giáo truyền thống.

    Thiền sư Đạo Cao thuộc thế kỷ thứ V đã viết về sự thể hiện niềm tin Phật pháp của người Phật tử được thuật lại trong Pháp sư tập như sau: “Có người ngồi thiền nơi rừng rú, có kẻ tu đức bên cạnh thành hoặc cung kính lễ bái, hoặc ca tán tụng vịnh”.

    Qua đoạn văn trên, người ta thấy có bốn phong cách tu tập nhìn từ góc độ nghi lễ :

    Thứ nhất, ngồi thiền nơi núi rừng:

    Trong Kinh Pháp Ấn, Phật dạy các vị Khất sĩ rằng : “”Này chư vị Khất sĩ người tu hành nên tìm nơi tĩnh mịch như vào rừng, ngồi dưới gốc cây, để thực tập thiền quán về tự thân thực tại, phải thấy mọi hình sắc là khổ; là vô thường, để thoát cho được sự bám víu vào hình sắc và trở về an trú trong cái thấy bình đẳng không phân biệt với hình sắc”. Để quán chiếu thiền tập, các Khất sĩ trên phải ngồi theo tư thế kiết già (hoa sen).

    Thứ hai, kẻ tu đức bên cạnh thành:

    Kẻ tu đức ở đây sống trong đời thường có thể là người Phật tử tại gia, tu phước, cúng dường, bố thí hoặc phóng sanh, như nghi thức cúng thí cô hồn trong Kinh Du Già nói rằng: “Người tu hành vào trai thời, tất cả thời, vì các quỷ đói, cũng như các quỷ thần khác, đem thức ăn để vào bát sạch, chỗ người nhập định gia trì, thí cho vô số quỷ đói, cùng các quỷ thần khác, người đó liền có đầy đủ phước đức, thọ mệnh dài lâu, thiện căn đầy đủ”.

    Thứ ba, cung kính lễ lạy:

    Có một bài Kinh nói về sự cung kính lễ lạy qua nghi thức quy y Tam bảo của hoàng tử Bodhi khi Đức Thế Tôn còn tại thế:

    “Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại khu rừng Bhesakalàvana trong một vùng Bhagga, khi ấy, tôi (hoàng tử Bodhi) còn thơ ấu, nhũ mẫu tôi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lễ, liền bạch Phật:

    Kính bạch Đức Thế Tôn, hoàng tử Bodhi thành kính xin quy y nơi Đức Thế Tôn, xin quy y nơi Đức Pháp bảo; và xin quy y nơi Tỳ khưu Tăng bảo. Kính xin Đức Thế Tôn công nhận hoàng tử Bodhi là người cận sự nam đã quy y Tam bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời”. Theo Kinh văn, phước báu do quy y Tam bảo rất lớn lao là đem lại sự an lạc cho người quy y".

    Thứ tư, ca tán tụng vịnh:

    Về ca tán tụng vịnh, phẩm Phương Tiện Kinh Pháp Hoa có một đoạn kệ nói về công đức cúng dường qua nghi lễ:

    “Nếu người nào nơi tháp miếu, tượng báu, và tượng vẽ; dâng hoa hương phan lọng, lòng thành kính mà cúng dường; hoặc khiến người trỗi nhạc, đánh trống, thổi tiêu ốc, cầm, không hầu, tỳ bà, chụp chả đồng; Các tiếng như thế, đem cúng dường, hoặc người lòng vui mừng ca khen vịnh Đức Phật; nhẫn đến một tiếng thầm, đều đã thành Phật đạo”.

    Nếu theo định nghĩa về nghi lễ của Từ Hải Tân từ điển, thì những phong cách nghi lễ ước lệ trên về mặt tu tập, là những khuôn mẫu lý tưởng cần tuân theo. Theo từ điển này, lễ được định nghĩa là: (1) Vật dâng cúng; (2) Nghi thức cung kính; (3) Khuôn phép nghi lễ; (4) Thờ thần hết lòng; (5) Cung kính đối với người. Chữ ‘lễ’ trong văn hóa Trung Hoa có thể đồng nghĩa với từ Ceremony của văn minh Tây phương.

    Nhưng, đặc biệt trong Phật giáo, người ta cũng bắt gặp những thể cách tu tập nhìn từ góc độ nghi lễ, thì nó không ở phạm trù định nghĩa trên, vì nó vượt lên mức nghi lễ thông thường, có tính phóng khoáng, đầy sáng tạo, dường như chỉ dành cho giới hạn số người có chất pháp khí. Đó là nghi lễ Phật giáo phi truyền thống.

    * Về nghi lễ phi truyền thống :

    Đọc hai câu chuyện thiền trong tập ‘Vô Môn Quan’ của Thiền sư Vô Môn, Phật giáo Trung Hoa ta sẽ thấy tính phi truyền thống của nghi lễ Phật giáo ở trường hợp này.

    + Chuyện thứ nhất: “Niêm hoa vi tiếu” (giơ tay mỉm cười):

    “Thế Tôn xưa tại pháp hội núi Linh Sơn cầm cánh hoa giơ lên trước đại chúng. Bây giờ, mọi người đều ngơ ngác làm thinh. Chỉ có một mình Ngài Ca Diếp rạng mặt mỉm cười. Phật dạy: Ta có nhãn tạng Chính pháp, diệu tâm Niết bàn tướng thực không tướng, pháp môn vi diệu, chẳng lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo, nay trao cho ông Maha Ca Diếp”.

    Hai nhóm từ quan trọng trong câu chuyện thiền là “ngơ ngác làm thinh” của thính chúng và “mỉm cười” của Ca Diếp cho ta biết ở đây không có không gian tư duy cho nghi lễ thông thường.

    + Câu chuyện thứ hai : “Nam Tuyền chém mèo”:

    Tăng chúng hai chái Đông Tây tranh nhau con mèo. Hòa Thượng Nam Tuyền cầm giơ con mèo lên mà nói: “Các ông nói được, thì tha, không nói được thì chém, chẳng ai biết nói sao – Sư bèn chém con mèo”.

    Đến tối Triệu Châu về. Sư kể lại cho nghe. Triệu Châu bèn cởi dép, để lên đầu mà đi ra.

    Sư nói : Nếu lúc ấy có ông, thì cứu được con mèo rồi.

    Cũng vậy nhóm từ “Bèn cởi dép để lên đầu mà đi ra”, không thể xuất hiện trong tư duy nghi lễ của quần chúng. Mặc dù, trường hợp thì khác nhưng là nhóm từ mở ra một thế giới mới, thế giới giác ngộ.

    Trên đây, ta đã hiểu phong cách về nghi lễ của Phật giáo nói chung, nhưng còn Phật giáo Việt Nam với nghi lễ đặc thù của nó, thì phong cách được thể hiện ra sao trên dòng văn hóa dân tộc.

    Chân dung nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong dòng văn hóa dân tộc.

    Đạo Phật truyền vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch. Tài liệu khẳng định rằng vào hạ bán thế kỷ thứ hai, tại nước ta đã có một trung tâm Phật giáo phồn vinh và quan trọng rồi. Do đó, nói rằng lịch sử Phật giáo Việt Nam khởi đầu vào đầu thế kỷ của công nguyên có thể xác thực. Dĩ nhiên, trong chiều dài phát triển của nó, nghi lễ như là một trong những yếu tố tạo nên một tôn giáo đích thực, đã đơm hoa kết trái qua những hình thức truyền thông mang nhiều tính thời sự của sự kiện lịch sử, như :

    + Về tụng kinh:

    Theo “Lịch sử âm nhạc Việt Nam” của Lê Mạnh Thát, nền âm nhạc Phật giáo Việt Nam bắt đầu với việc Mâu Tử (thế kỷ II) ghi nhận: “Các Sa môn suốt đêm giảng đạo tụng kinh” – Lần đầu tiên vào thế kỷ II Sa môn tụng kinh tại nước Việt. Cách tụng kinh có như Ức Nhĩ điệu lên bỗng xuống trầm được ghi trong Luật tụng không, thì không nói rõ.

    + Về Nê Hoàn Bối:

    Nê Hoàn Bối là tập thi ca viết về đề tài Niết bàn do Khương Tăng Hội tuyển dịch từ những bài thi tụng Phạn ngữ. Hơn nữa, theo lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thiền sư Tăng Hội là người đầu tiên đặt nền móng cho Thiền học Việt Nam. Bởi vậy, Nê Hoàn Bối đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam nhất là lịch sử lễ nhạc Phật giáo rất có nhiều ý nghĩa. Huệ Hạo trong Cao Tăng truyện đề cập tới việc Khương Tăng Hội “lưu truyền Nê Hoàn Bối, thanh điệu phú mị, buồn bã nhưng thanh cao, làm khuôn mẫu cho một thời”, và Huệ Hạo nói tiếp ở một đoạn khác rằng: “Chỉ Nê Hoàn Bối do Khương Tăng Hội làm ra, đang còn truyền tới ngày nay (519) tức kính yết một bài, lời rút ra từ Kinh Nê Hoàn hai quyển, nên gọi là Nê Hoàn Bối”.

    + Về ca tụng tán vịnh:

    Như trước đã nói, ca tụng tán vịnh là những cách thức thể hiện niềm tin của người Phật tử. T” ‘Có người ngồi thiền nơi rừng rú, có kẻ tu Đức bên thành, hoặc cung kính lễ bái, hoặc ca tụng tán vịnh”. Theo tài liệu, được biết, Đạo Cao đã lưu trú một thời gian tại chùa Tiêu Sơn, một trung tâm Phật học Việt Nam lớn vào thế kỷ V. Trong Cao Tăng truyện, Huệ Hạo đã bình luận khá dài dòng về “Ca tụng tán vịnh”; Song, ca của Đông quốc (tức Trung Quốc) thì do kết vận để mà vịnh, tán của phương Tây (tức Ấn Độ) thì do kệ để mà hòa thanh. Tuy ca và tán khác nhau, nhưng chúng lấy sự hiệp hòa với chung luật, và sự phụ mạng với cung thương, thì mới trở thành hay ho ảo diệu. Huệ Hạo còn nói thêm ở một cách khác: “Nhưng tục lệ địa phương của Thiên Trúc hễ ca vịnh Pháp ngôn thì đều gọi là Bối. Tới khi ở xứ này thì vịnh kinh gọi là chuyển đọc, còn ca tán thì gọi là Phạn Bối”. Như vậy, theo đó, thì bốn chữ “Ca tán tụng vịnh” chỉ bốn thứ âm nhạc khác nhau của Phật giáo Việt Nam thế kỷ thứ V.

    + Về Thời khóa công phu:

    Theo Tam Tổ Thực Lục, Thiền viện của Thiền sư Pháp Loa đời Trần áp dụng nghi thức lục thời. Việt Nam Phật giáo sử luận nói rằng có lẽ đây là lục thời sám hối của đức vua Trần Thái Tông và nói thêm rằng nhiều chùa tại Việt Nam đã thực hành công phu hai thời nhưng không cho biết từ thời gian từ bao giờ. Qua quy chế “công phu hai thời” chỉ rõ cho ta biết sự tổng hợp của ba tông phái chính của Phật giáo Việt Nam: Thiền, Mật và Tịnh độ. Theo Việt Nam Phật giáo Sử luận, thì sự kiện xảy ra vào đời Trần, vì Tam Tổ Thực Lục nói rằng, Thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang đều trì tụng thần chú và niệm Phật A Di Đà. Nhưng thực ra, Thiền học vẫn là nền tảng đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Bằng chứng, là hai thời khóa công phu đến nay vẫn còn tính thời sự.

    Thời khóa buổi sáng :

    (1) Thần chú Thủ Lăng Nghiêm. (2) Thần chú Đại bi và Thập chú. (3) Tâm kinh Bát Nhã và Niệm Phật Thích Ca. (4) Đảnh lễ chư Phật. (5) Hồi hướng.

    Thời khóa chiều:

    (1) Kinh A Di Đà. (2) Thần Chú Vãng Sinh. (3) Sám pháp Hồng Danh. (4) Nghi thức Mông Sơn Thí Tthực. (5) Tán lễ. (6) Niệm Phật, Đảnh lễ chư Phật – Hồi hướng.

    Về kể hạnh:

    Văn kể hạnh là văn đặc biệt của nhà chùa, một thể loại truyền miệng thích hợp với quần chúng Phật giáo nông thôn. Đó là một lối hát; Giọng các già lớn tuổi xen vào giọng của các cô thiếu nữ. Tại chùa Từ Phúc, mỗi năm đến ngày 3 tháng giêng là ngày giỗ Tổ Huyền Quang. Thiện nam tín nữ về dự giỗ Tổ và nghe hát rất đông.

    Về hát kệ:

    Hát kệ mục đích để duy trì những bài kệ của các vị Tổ sư. Có thể người nghe không hiểu được hết ý nghĩa sâu xa trong kệ, nhưng vẫn thưởng thức được tiết tấu du dương cổ kính. Theo Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diện, tác giả văn học dân gian thì kể hạnh và hát kệ từ đời Trần còn truyền giữ lại, đó là bài Thiền Tông Chỉ Nam Quốc ngữ hành. Do đó, biết hát kệ và kể hạnh khởi đầu từ đời nhà Trần.

    Về hát chèo:

    Có một lối hát chèo gọi là chèo chải được sử dụng để diễn tả sự tích Thiền sư Minh Không nhân ngày giỗ của Ngài tại chùa Thần Quang và Hành Thiện. Ngoài ra, sự tích Quan Âm Thị Kính cũng được đem ra hát chèo. Trong tích chèo nhiều đoạn cũng được hát theo điệu kể hạnh và hát kệ, như một đoạn kể hạnh sau đây :

    “Nay bà Thị Kính hóa duyên

    Nam mô Phật, độ vô biên hằng hà

    Hóa thân được cả mẹ cha

    Kìa là bạn cũ, nọ là con thơ

    Thế gian trông thấy sờ sờ”.

    Về văn thỉnh âm hồn:

    Thỉnh âm hồn văn là tên khác của văn tế Thập loại chúng sinh của Nguyễn Du sáng tác vào thế kỷ 19, cảm hứng từ Du Già Nghi Quỹ. Bài văn này được khắc trong tập Ứng Phú Dư Biên, một khoa cúng gồm những bài văn cúng, do vị Tăng là Thích Chính Đại khắc bản vào năm 1893, năm Thành Thái thứ VII. Văn viết theo thể lục bát song thất, như một đoạn trích dưới đây:

    “Phép thiêng biến hóa ít nhiều

    Trên nhớ Tôn giả chia đều chúng sinh

    Phật hữu tình từ bi phổ độ

    Chớ ngại rằng có có không không

    Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng

    Nam mô nhất thiết siêu thăng Phật đà”.

    Lễ Phật Đản:

    Vua Lý Thánh Tôn có lẽ người đầu tiên đã làm cho lễ Phật Đản trở thành nghi lễ quốc gia. Lễ tắm Phật bằng nước thơm ngũ vị được cử hành sáng ngày mồng tám tháng 4 tại chùa Diên Hựu. Vua, Hoàng hậu, các Hoàng tử và Công chúa cùng triều thần bá quan đều có mặt. Dân chúng các nơi tụ về rất đông đủ để dự lễ. Sau khi chư Tăng tụng kinh Phật Thuyết Dục Tượng Công Đức, thì nước thơm được dội lên đảnh tượng Phật. Trong khi đó, vua quan và quần chúng chắp tay hướng về niệm Phật.

    Lễ Vu Lan:

    Đời Trần, lễ Vu Lan được tổ chức rất lớn vào ngày chư Tăng xuất hạ rằm tháng bảy – Nhân gian có câu nói: “Tháng Bảy xá tội vong nhân”. Trong lễ này, ngoài phát chẩn cho người nghèo, tổ chức linh đình nhất là cuộc chẩn tế cho cô hồn. Pháp chẩn tế cô hồn được thực hiện theo nghi thức Mật giáo. Đó là nghi thức Du Già khoa nghi. Tuy vậy, đến 1302, khi Hứa Tông Đạo từ Trung Hoa sang, phép chẩn tế mới trở nên rườm rà, nghi thức rất văn chương, có nhiều ấn quyết và thần chú. Lịch sử còn ghi, ngay sau khi Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558-1613) vào trấn thủ đất Thuận Hóa, Ngài đã để ý đến việc lập chùa. Năm 1601, Ngài đã bắt đầu cho xây dựng chùa Thiên Mụ ở xã Hà Khê, huyện Hương Trà. Năm sau, vào ngày Vu Lan, Chúa đến chùa Thiên Mụ lập trai đàn và làm lễ bố thí. Hiện nay, trong lễ Vu Lan, có thêm lễ cài hoa hồng tưởng nhớ về mẹ và lễ dâng Cà sa cho chư Tăng trở thành thông dụng đối với quần chúng Phật giáo. Riêng lễ cài hoa hồng trong ngày Lễ Vu Lan rất thuyết phục giới trẻ Phật giáo đang ảnh hưởng qua tôn giáo khác.

    Về câu chuyện thiền “Cái gì là chân tâm”:

    Ở phong cách ngoài truyền thống, nghi thức khai ngộ thường chỉ diễn ra phần lớn giữa thầy và trò. Nó là một sự kiện bất chợt, tức khắc, không gian của nó là không gian của chính định. Nếu nghi lễ Phật giáo là con đường thể nghiệm giới định tuệ, thì nghi thức thiền khai ngộ thiên về tuệ, như sau:

    Sau khi rửa xong mối thù xưa, niềm tục cũng nguội như tro tàn, Sư Đạo Hạnh mới đi khắp chốn tùng lâm mà cầu tâm ấn. Nghe Thiền sư Trí Huyền dạy đạo ở Thái Bình, Đạo Hạnh tìm tới tham vấn trình lên bài kệ, có một câu thứ hai hỏi về tâm: “Chân tâm vàng ngọc biết tìm đâu?”.

    Trí Huyền đáp lại bằng bài kệ 4 câu, hai câu đầu là:

    “Trong ngọc vàng ra tiếng Diệu Huyền

    Mỗi âm đều hiển lộ âm thiền”

    Nhưng Đạo Hạnh hoang mang không hiểu. Sau này khi tu học với Thiền sư Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân, Có lần Đạo Hạnh hỏi:

    - Cái gì là chân tâm?

    Sùng Phạm đáp :

    - Cái gì mà không phải chân tâm.

    Đạo Hạnh thoạt nhiên tỏ ngộ – Hỏi rằng :

    - Làm thế nào để giữ gìn.

    Sùng Phạm nói :

    - Đói thì ăn, khát thì uống.

    Theo dòng lịch sử, Phật giáo Việt Nam với nghi lễ truyền thống và phi truyền thống, đã nuôi dưỡng văn hóa dân tộc Việt bằng con đường giới định tuệ, thêm tố chất hồn nhiên của thiền để tạo nên dòng chảy cho một ngàn năm văn hiến hôm nay và mai sau.

    Thượng tọa Thích Thanh Tùng