CHƯƠNG IX: CHÁNH NGHIỆP (SAMMÀ- KAMMANTA)

Chánh nghiệp là chi thứ hai của nhóm giới trong đạo Phật. Chánh nghiệp là sự tránh phạm ba tà nghiệp: sát sanh, trộm cắp và tà dâm. Như đã nói đến trong một chương trước, nó khắc sâu vào tâm lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh; chỉ lấy những gì được cho và sống cuộc đời trinh bạch, trong sạch. Như vậy ba yếu tố này là ba giới đầu trong Ngũ giới, hai giới còn lại là không nói dối và không uống rượu. Không cần phải có kiến thức khoa học mới hiểu được rằng những học giới cơ bản này, trong khi uốn nắn nhân cách của mình, người giữ giới, đã thúc đẩy những quan hệ chánh trực và hài hòa giữa mình và mọi người. Bằng việc giữ giới này ta đã đem lại cho mọi người sự vô uý (không sợ hãi), an ổn và yên vui. Tất cả mọi giới hạnh, hay nếp sống hiền thiện, đều được thiết lập trên căn bản Từ bi (Mettà - Karunà), những trạng thái tâm vô lượng mà chúng ta đã bàn ở chương Chánh tư duy. Một người không có hai đức tính nổi bật này thì khó mà có thể được gọi là một người giới hạnh, những hành động của thân và khẩu không thấm đượm lòng Từ bi thì không thể được xem là hiền thiện. Chắc chắn ta không thể sát sanh, trộm cắp v.v... với những ý nghĩ Từ bi và một lương tâm hiền thiện được, mà ta phải bị thúc đẩy bởi những Tư duy độc ác, Tham lam và Si mê.

Ðiều cần thiết là phải khép tâm vào kỷ luật ở một mức độ nào đó, bởi vì một cái tâm không được điều phục sẽ luôn luôn tìm những lý lẽ để biện minh cho việc phạm những ác nghiệp về lời nói hay việc làm "khi tâm không phòng hộ, thân hành cũng không được phòng hộ, và như vậy khẩu hành cũng không được phòng hộ" (1).

Ðức Phật dạy:

“Do những hành động của mình mà người ngu được biết là ngu và bậc hiền trí cũng vậy. Do cư xử mà bậc hiền trí làm chói sáng trí tuệ của mình”.

“Người có đầy đủ ba pháp này cần phải biết là một người ngu. Ba pháp đó là gì? Thân làm ác, lời nói ác và ý nghĩ ác. Người ngu được biết là ngu do đầy đủ ba pháp này”.

“Người đầy đủ ba pháp này sẽ được xem là bậc hiền trí. Ba pháp đó là gì? Thân hành chân chánh, lời nói chân chánh và ý nghĩ chân chánh. Bậc trí được biết đến do đầy đủ ba pháp này”.

“Vì vậy này các Tỳ kheo, các con phải học tập như vầy: Chúng ta sẽ sống từ bỏ ba pháp, đầy đủ ba pháp đó một người ngu được biết là ngu, và sẽ thực hành ba pháp, đầy đủ ba pháp ấy một người được biết là bậc hiền trí. Này các Tỳ kheo các con phải tự học tập như vậy”.

Nhân cách con người được tạo dựng qua cách cư xử. Không ai có thể ban tặng món quà nhân cách tốt đẹp này cho người khác. Mỗi người cần xây dựng nhân cách cho mình bằng sự tích cực tư duy, phản tỉnh, thận trọng, tinh cần, chánh niệm và định tâm. Cũng như muốn tinh tường một bộ môn nghệ thuật nào đó người ta cần phải khổ công lao nhọc, việc tinh thông nghệ thuật cư xử cao quý trong đó một nhân cách hiền thiện vững vàng nương tựa cũng phải cần khổ như vậy, nghĩa là ta phải luôn luôn chuyên cần và Tỉnh giác. Như William Hawes nói: "Một nhân cách tốt đẹp ở trong mọi trường hợp, là hoa trái của nỗ lực tự thân, nó không phải là sản phẩm được thừa hưởng nơi cha mẹ, nó không phải được tạo ra từ những hoàn cảnh thuận lợi bên ngoài, nó không nhất thiết phải phụ thuộc vào sinh trưởng, tài sản, năng khiếu hay địa vị. Mà nó chính là kết quả do những cố gắng của con người. Nếu chúng ta muốn có được một nhân cách tốt đẹp thực sự chúng ta phải nhớ lời cảnh tỉnh của Ðức Phật không nên dễ duôi và mộng tưởng hão huyền: “Hãy thận trọng, luôn luôn Chánh niệm” (2)".

Trong việc rèn luyện nhân cách điều đầu tiên cần làm là thực hành tự chế (Samyama). Nếu một người thay vì tự chế, lại sống buông thả theo các dục lạc ngũ trần, giới hạnh và nhân cách của họ sẽ suy thóai - về vấn đề này tất cả các vị giáo chủ của mọi Tôn giáo và khoa tâm lý học đều đồng ý. Những ai đang say mê trong dục lạc và những ai do bị thôi thúc của dục vọng phải hưởng thụ sẽ không thể rèn luyện nhân cách cho đúng đắn đến chừng nào họ biết cách kiểm soát tâm của họ.

Tự chế phát xuất từ sự phản tỉnh về giới và những lợi ích của giới. Ðặc biệt những người trẻ tuổi cần phải phát triển một lòng yêu mến giới hạnh, vì điều này nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần. Một cái tâm không tiết chế sẽ tự tiêu mòn trong những hoạt động phù phiếm. Nhân cách là một điều gì đó mà chúng ta phải xây dựng, phải rèn luyện nó trên cái đe của sự quyết tâm.

Tuy nhiên, các học giới không mang ý nghĩa của những điều răn. Ðức Phật không phải là nhà làm luật có toàn quyền quyết định. Hoàn toàn không có sự cưỡng ép hay thúc bách nào trong đạo Phật. Việc chấp nhận các học giới của hàng tại gia cư sĩ cũng như các tu sĩ là hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện.

Thật là thú vị khi thấy cách Ðức Phật huấn luyện các đệ tử của mình. Kesi, một người chuyên huấn luyện ngựa. Một hôm viếng thăm Ðức Thế Tôn, và cuộc đối thoại sau đây đã xảy ra.

Này Kesi, con là người huấn luyện ngựa, một người chuyên điều phục những con ngựa cho trở nên thuần tính. Vậy con huấn luyện ngựa trở nên thuần tính bằng cách nào?

Bạch Ðức Thế Tôn con huấn luyện một con ngựa trở nên thuần tính bằng nhiều cách, có khi thì mềm mỏng, có khi thì thô bạo, có khi thì phải dùng đến cả hai.

Giả sử, này Kesi, một con ngựa cần được thuần hóa, không chịu phục tùng theo những cách luyện tập của con, lúc ấy con sẽ làm gì với con ngựa đó?

Trong trường hợp như vậy, bạch Ðức Thế Tôn, con sẽ giết nó. Vì lý do gì? Sợ rằng nó làm mất uy tính cho dòng tộc Thầy con. Nhưng còn Ngài, bạch Ðức Thế Tôn, Ngài là bậc điều ngự vô song những người đáng được điều ngự. Bạch Ðức Thế Tôn Ngài điều ngự một người đáng được điều ngự như thế nào?

Này Kesi, Như Lai điều phục người đáng điều phục bằng nhiều cách, có khi bằng những cách mềm mỏng, có khi bằng những cách cứng rắn, có khi bằng cả hai cách. Này Kesi, đây là cách mềm mỏng: Như thế này là thân làm thiện, như thế này là quả báo của thân làm thiện. Như thế này là lời nói thiện, như thế này là quả báo của lời nói thiện. Như thế này là ý nghĩ thiện, như thế này là quả báo của ý nghĩ thiện. Như thế này là chư thiên, như thế này là nhân loại.

Và này Kesi, thế nào cách cứng rắn: Ta nói như thế này là thân hành ác, như thế này là quả báo của thân hành ác. Như thế này là lời nói ác, như thế này là quả báo của lời nói ác. Như thế này là ý nghĩ ác, như thế này là quả báo của ý nghĩ ác. Như thế này là Địa ngục, như thế này là cảnh giới của hàng Súc sanh, như thế này là cảnh giới của hàng Ngạ quỷ.

Và này Kesi, thế nào là cách vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn: Ta nói như thế này là thân làm thiện, như thế này là quả báo của thân làm thiện, như thế này là thân hành ác, như thế này là quả báo của thân hành ác... như trên.

Bạch Ðức Thế Tôn, giả sử có người không chịu theo cách điều phục của Ðức Thế Tôn. Lúc ấy, bạch Ðức Thế Tôn Ngài sẽ làm gì với người đó?

Trong trường hợp đó, này Kesi, Như Lai sẽ giết người ấy.

Nhưng chắc chắn là Ðức Thế Tôn không bao giờ đoạt mạng sống của người ấy chứ? Thế thì sao Thế Tôn lại nói: "Ta sẽ giết người đó!".

Thực sự như vậy, này Kesi, đúng là Như Lai không bao giờ tước đoạt mạng sống của người khác. Tuy vậy, nếu một người không chịu cách điều phục bằng lời mềm mỏng, bằng lời cứng rắn. Lúc ấy Như Lai nghĩ rằng người ấy không cần gì phải nói nữa và các Tỳ kheo đồng phạm hạnh của người ấy không cần phải khuyến hóa người ấy nữa. Trong luật của bậc Thánh, này kesi, khi Như Lai và các Tỳ kheo đồng phạm hạnh của người này nghĩ rằng người ấy không cần thiết phải nói và khuyến hóa nữa, như thế là đã giết người ấy vậy" (3).

Cuộc đối thoại này rõ ràng đã nói cho chúng ta biết rằng, Ðức Phật không có ý định áp đặt những điều răn lên hàng đệ tử của Ngài, mà như một người Thầy đầy lòng bi mẫn, Ngài vạch ra cho họ thấy cái gì là đúng, cái gì là sai và đâu là những hậu quả của chúng.

Như Lai nói: "Này các Tỳ kheo, các người hãy từ bỏ điều ác". Ðiều ác có thể từ bỏ được. Nếu nó không thể từ bỏ được, Như Lai sẽ không nói như vậy. Bởi vì điều ác có thể từ bỏ được, Như Lai lại mới nói với các con: "Này các Tỳ kheo, các con hãy từ bỏ điều ác".

Nếu việc từ bỏ điều ác này dẫn đến mất mác và đau khổ, Như Lai sẽ không nói: "Hãy từ bỏ điều ác".

Này các Tỳ kheo, các con hãy trau dồi điều thiện. Ðiều thiện có thể được trau dồi, nếu điều thiện không thể trau dồi được, Như Lai sẽ không nói như vậy. Bởi vì điều thiện có thể được trau dồi, nên Như Lai mới nói: "Này các Tỳ kheo, các con hãy trau dồi điều thiện". Nếu trau dồi điều thiện dẫn đến mất mát và khổ đau, Như Lai sẽ không nói: "Hãy trau dồi điều thiện". Nhưng vì nó dẫn đến an lạc và hạnh phúc, do vậy Như Lai mới nói: "Này các Tỳ kheo, các con hãy trau dồi điều thiện (4)".

Công việc còn lại của mỗi người là thực hiện những nỗ lực cần thiết để biến những học giới mà mình đã tự nguyện chấp nhận ấy thành hành động cụ thể. Tuy nhiên nếu như người ấy thờ ơ và lười biếng thì cho dù các học giới đã được tuyên thể và có sự hỗ trợ của nguời khác qua những tấm gương và điển hình giữ giới của họ, cũng không có lợi gì cả. Trách nhiệm nằm trong đôi tay của chính họ.

"Giống nào người đã gieo,

Từ đó quả người gặt.

Hành thiện gặt quả thiện,

Hành ác gặt quả ác

Ðã gieo hạt giống nào,

Người phải gặt quả nấy".

1. Giới thứ nhất là tránh sát sanh đồng thời mở rộng lòng từ đến tất cả chúng sanh không đưa ra một giới hạn nào cả. “Tất cả chúng sanh” trong đạo Phật, hàm ý tất cả mọi loài sinh vật, mọi loài có hơi thở. Một điều ai cũng phải nhìn nhận rằng tất cả mọi loài có sự sống, dù là người hay vật, đều ham sống và sợ chết. Vì sự sống quý giá đối với muôn loài như vậy, mục đích của chúng sanh là không để nó bị hại và tìm cách kéo dài sự sống. Ðiều này áp dụng đến cả những sinh vật nhỏ nhoi nhất có ý thức về sự sống. Như Ðức Phật đã nói:

"Ai mưu cầu hạnh phúc,

Bằng cách hại chúng sanh,

Các loài thích an lành.

Ðời sau chẳng hạnh phúc" - Dhp. 131.

Hạnh phúc của mọi sinh vật tùy thuộc vào sự sống của chúng. Vì vậy tước đoạt đi cái được xem là vô cùng giá trị đối với chúng là cực kỳ độc ác và vô lương tâm. Do đó, có ngạc nhiên chăng khi thấy rằng những người muốn giết hại người khác đã tự chuốc vào thân sự thù hận và căm phẫn của những người mà họ muốn giết đó?

"Ai cũng sợ trừng phạt,

Ai cũng quý mạng sống,

Hãy suy ta ra người,

Chớ giết chớ bảo giết (5)".

"Ta sao người cũng vậy,

Người sao ta cũng vậy,

Hãy suy ta ra người,

Chớ giết chớ bảo giết" (6).

Không làm hại và giết chóc kẻ khác là chuẩn mực đạo đức của người con Phật cũng như của tất cả những ai có lương tri cảm xúc. Những ai muốn dưỡng thói quen đối xử ác độc với loài vật cũng hoàn toàn có khả năng ngược đãi con người khi có cơ hội. Khi một ý nghĩ ác độc dần dần phát triển thành nỗi ám ảnh, nó có thể dẫn đến tính tàn bạo. Như trong Kinh điển có nói: “Những ai sát sanh thường phải chịu đau khổ trong kiếp hiện tại và có thể đưa đến một cái chết thê thảm. Sau kiếp sống này nghiệp ác của họ sẽ đẩy họ vào khổ cảnh lâu dài. Nếu những người sát sanh này có được Tái sanh trong những gia đình giàu có với sắc đẹp, sức mạnh và những thân lạc khác, ác nghiệp của họ vẫn bám sát lấy họ khiến phải đoản mạng”.

Ngược lại: “Người sống có lòng thương tưởng đến những chúng sanh khác và tránh xa việc sát sanh sẽ được Tái sanh vào những cõi an vui và nếu có sanh lại làm người cũng sẽ được đầy đủ sức khỏe, sắc đẹp, giàu sang, có ảnh hưởng, thông minh v.v...” (7)

Giáo lý về nghiệp (Kamma) là một trong những nguyên lý căn bản của đạo Phật. Chính những hành động có chủ ý của chúng ta được gọi là nghiệp. Nếu ta hiểu được sự vận hành của nghiệp và quả (Kamma - vipàka) ta có thể không bị lôi kéo vào những hành động ác và bất thiện để rồi phải chuốc lấy họa vào thân như Pháp Cú kinh có nói: “Khổ não bước theo sau, như bánh xe lăn theo chân con bò vậy” (8).

Một điều khá lý thú là trong những năm gần đây các cuộc điều tra nghiên cứu về hiện tượng nghiệp báo và Tái sanh đã được thực hiện. Rất nhiều những lời giải thích mang tính thuyết phục mà ta có thể thấy trong hai cuốn sách đáng quan tâm nhất của bà Gina Cerminara. Ðây là một trích đoạn trong cuốn Many Mansions của bà:

"Phương pháp soi kiếp của Cayce quả thực có sức hấp dẫn bởi vì nó truy nguyên ra tai họa và những mặt hạn chế khác của con người trong kiếp hiện tại có liên quan đến những hành vi đặc biệt nào đó của họ ở quá khứ và như vậy đã đưa cái quan niệm mơ hồ về nghiệp (Kamma) đến chỗ rõ nét hơn và được chú ý trực tiếp hơn... Một vị giáo sư đại học kia sinh ra đã bị mù cả đôi mắt, nghe nói đến phương pháp soi kiếp của Cayce... và xin được thử nghiệm... cuộc soi kiếp đã phát hoạ lại bốn lần Tái sanh trước đó của ông... chính tại Persia (Ba Tư) ông đã khởi xướng một điều luật Tôn giáo mà điều này đã dẫn đến hậu quả mù loà của ông trong kiếp hiện tại. Kiếp đó ông là người của một bộ lạc man rợ có tục lễ chọc mù mắt những kẻ thù của họ bằng que sắt nung đỏ và chính ông đã đảm nhận công việc dã man này”.

Ðúng vậy, thế gian dường như có vẻ bất toàn và mất cân đối. Giữa chúng ta là những con người thôi, nói chi đến thế giới loài vật, chúng ta đã thấy một số sinh ra trong đau khổ, lún sâu trong cảnh cùng quẩn khốn khó và vô cùng bất hạnh, số khác lại sinh ra trong cảnh giàu sang hạnh phúc, hưởng một đời vinh hoa phú quý không biết gì đến những thống khổ của thế gian. Lại nữa, một số ít người đặc chọn nào đó được phú cho trí thông minh nhạy bén và khả năng tâm linh vĩ đại, trong khi nhiều người khác lại bị phủ vây trong tăm tối vô minh. Giải thích thế nào về trường hợp một số người chúng ta lại may mắn có được sức khỏe, dung sắc, và bà con thân quyến, trong khi số khác lại yếu đuối đáng thương, thiếu thốn đủ mọi bề và sống cô độc? Vì sao một số người sanh ra hưởng thọ lâu dài trong khi số khác lại chết lúc tuổi còn thanh xuân? Tại sao một số người lại may mắn có nhiều thế lực, danh vọng và được mọi người nhìn nhận, trong khi số khác hoàn toàn bị lãng quên? Ðây là những vấn đề phức tạp đỏi hỏi phải có sự giải đáp thỏa đáng.

Nếu thẩm xét kỹ chúng ta sẽ thấy rằng những dị biệt lớn lao này không phải do công việc của một tác nhân bên ngoài hay một đấng siêu nhân nào cả, mà là do chính những hành động và phản ứng của chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm đối với những việc làm thiện hay ác của chúng ta. Chúng ta tạo nghiệp (Kamma) riêng cho chính mình là vậy.

Do đó, phận sự của tất cả những người có hiểu biết là chặn đứng lại những việc làm gây tổn thương và có hại cho người khác, đồng thời tu tập một tấm lòng rộng lượng đầy tình thương và nhân đức. Sát sanh là sát sanh không thể biện hộ là vì mục đích thể thao, hay lấy thực phẩm hoặc - như trường hợp giết các loại sâu bọ - vì bảo vệ sức khỏe. Thật là vô ích khi cố gắng biện hộ cho bản thân mình bằng cách nói: "Tôi làm điều này vì lý do chánh đáng thế này hay thế khác". Nói thẳng, nói thật là tốt hơn hết. nếu chúng ta sát sanh chúng ta phải có đủ thành thật để nhìn nhận việc ấy và xem nó như một điều gì đó bất thiện.

Vậy thì, đối với vấn đề chay mặn thì sao? Ăn thịt cá hoàn toàn không bị cấm trong đạo Phật. Nếu bạn không thấy, không nghe hay không nghi con vật đó bị giết là để dành cho bạn, lúc ấy thịt của nó có thể chấp nhận được, ngược lại thì không. Không có luật nào hay điều khoản nào trong lời dạy của Ðức Phật quy định người Phật tử phải sống hoàn toàn hay thậm chí sống chủ yếu bằng hình thức ăn chay. Ăn mặn hay không ăn mặn hoàn toàn tùy thuộc vào quan niệm riêng của mỗi người. Tuy nhiên những ai ăn trứng đã thụ tinh vẫn bị xem là phạm giới sát sanh.

2. Học giới thứ hai ở mục Chánh nghiệp là không trộm cắp, đồng thời sống lương thiện chỉ lấy những gì được cho theo đúng phép. Lấy những gì thuộc về người khác tuy không nghiêm trọng như tước đoạt mạng sống của họ, nhưng nó vẫn được xem là trọng tội bởi vì đã lấy đi của họ một niềm vui nào đó. Vì không ai muốn bị trộm cắp, cho nên không có gì khó hiểu khi thấy rằng lấy những gì không phải của riêng mình là một lỗi lầm. Ý nghĩ thúc đẩy một người trộm cắp không bao giờ là thiện ý hay hảo ý được. Vì thế trộm cắp dẫn đến bạo hành thậm chí cả sát nhân nữa.

Giới này rất dễ bị phạm đối với những người buôn bán và có quan hệ làm ăn trong xã hội, vì tất cả các loại hình gian lận, bất lương (không trung thực) đều được sắp vào giới thứ hai này. Một người cũng có thể dùng ngòi viết và miệng lưỡi của mình với ý đồ trộm cắp nữa. Không thể có an lạc và hạnh phúc trong một xã hội ở đây người ta lúc nào cũng phải đề phòng đối với chuyện lừa đảo và trộm cắp.

Ðôi khi người ta nghĩ rằng nghèo đói sinh ra trộm cắp. Ðiều này cũng có phần đúng, nhưng nếu người ta lười biếng, không thích những công việc nặng nhọc, hoặc giả họ không biết sử dụng tài năng của mình, họ trở thành nghèo đói. Lúc ấy họ sẽ tìm cách trộm cắp của người giàu, trong khi cũng có người lại xem trộm cắp là một phương tiện làm ăn dễ dàng để sống một cuộc đời ung dung sung sướng. Và vì vậy tội ác ngày càng gia tăng. Chính bổn phận của chính phủ phải có trách nhiệm làm giảm đói nghèo bằng cách giải quyết nạn thất nghiệp này.

Trộm cắp có thể có nhiều hình thức, chẳng hạn, nếu một công nhân làm việc chễnh mãng hay vụng về nhưng vẫn được trả lương đầy đủ, người ấy thực sự là một tên trộm, vì họ nhận đồng tiền mà họ không đáng nhận. Và điều này cũng áp dụng đối với người chủ, nếu họ không trả lương đầy đủ cho công nhân. Vì vậy, như Carlyle nói: “Hãy biến đổi mình thành người lương thiện, và lúc ấy bạn có thể yên chí rằng thế gian này đã bớt đi một tay xảo quyệt”.

3. Học giới cuối cùng của Chánh nghiệp ở đây là không tà hạnh. Ðiều cần thiết của giới này là tự kiểm soát mình hay tự chế có giá trị hơn là những bài pháp hay những cuốn sách viết về chủ đề này. Trong chương nói về Chánh tư duy chúng ta đã đề cập chi tiết sự liên hệ giữa đắm mê dục lạc và sự xuất ly. Ở đây chúng ta sẽ cố gắng hiểu tóm lược những gì theo đạo Phật được xem là tà hạnh. Trước tiên chúng ta hãy nghe bài pháp mở đầu của Anguttara Nikàya (Tăng Chi Bộ kinh), một trong năm bộ kinh Pàli:

"Này các Tỳ kheo, Như Lai không thấy một sắc nào khác, do sắc đó tâm của một người đàn ông bị hấp dẫn, xâm chiếm và ngự trị như sắc của một người đàn bà. Này các Tỳ kheo, sắc của một người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm của người đàn ông".

"Này các Tỳ kheo, Như Lai không thấy một tiếng nào khác... như trên...".

"Này các Tỳ kheo, Như Lai không thấy một hương nào khác...”.

"... Như Lai không thấy một vị nào khác...”

"... Như Lai không thấy một xúc nào khác, này các Tỳ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm của người đàn ông, như xúc của người đàn bà. Này các Tỳ kheo, xúc của người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm của người đàn ông".

"Này các Tỳ kheo, Như Lai không thấy một sắc, một tiếng, một hương, một vị, một xúc nào khác xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc, tiếng, hương, vị, xúc của người đàn ông xâm chiếm ngự trị tâm người đàn bà" (9).

Trên đây là bài pháp thoại nói về giới tính được giải thích bằng thứ ngôn ngữ rất dễ hiểu, sự thực của vấn đề không một người sáng suốt nào có thể phủ nhận. Hấp dẫn giới tính được Ðức Phật mô tả như là một xung lực mạnh mẽ nhất trong con người. Nếu trở thành kẻ nô lệ cho xung lực này thì dù cho người mạnh nhất cũng biến thành yếu, dù là bậc hiền nhân cũng có thể từ bậc cao rớt xuống bậc thấp. Sự thôi thúc của tình dục, nhất là trong giới trẻ, là một ngọn lửa cần phải sử dụng thận trọng. Nếu ta không chú tâm và tiết chế, nó có thể gây hại không lường được. “Lửa nào bằng lửa dục” (10). “Các dục không bao giờ tắt; chúng luôn luôn bừng cháy”.

Vì Ðức Phật là một triết gia thực tiễn nên Ngài không trông đợi hàng đệ tử tại gia của Ngài sống nếp sống của bậc khổ hạnh (tu sĩ). Thực vậy, Ngài gọi họ là “người hưởng dục” (gihi kàmabhogì). Ý thức rất rõ những bản năng và sự thôi thúc của con người, những thèm khát và kích thích của họ, bậc Ðạo Sư không cấm những quan hệ tình dục đối với hàng tại gia cư sĩ như Ngài đã cấm đối với hàng xuất gia. Nhưng Ngài cảnh giác họ phải ngăn ngừa và đề phòng những quan hệ tình dục bất chánh (tà hạnh). Ðức Phật tiến thêm một bước nữa và giới thiệu việc giữ bát quan trai giới, đặc biệt nhấn mạnh đến giới thứ ba cho hàng tại gia cư sĩ trong những ngày Uposatha (ngày bát quan trai) hoặc khi có dịp đặc biệt nào đó.

Nếu một người quyết định sống đời độc thân họ phải thực hiện một nỗ lực thực sự để thanh tịnh thân, khẩu, ý. Nếu họ không đủ sức mạnh để duy trì đời sống độc thân, họ có thể lập gia đình, nhưng phải tránh những quan hệ tình dục được xem là bất chánh và có hại. Như Ðức Phật đã giải thích trong bài kinh Paràbhavà (Bại Vong Kinh) (11).

“Người đắm say nữ nhân

Ðắm say rượu, cờ bạc

Hoang phí mọi lợi đắc

Chính cửa vào bại vong

Không vừa đủ vợ mình

Ðược thấy giữa dâm nữ

Ðược thấy với vợ người

Chính cửa vào bại vong.

Người tuổi trẻ đã qua.

Cưới cô vợ vú tròn (còn tuổi thành niên).

Ghen nàng không ngủ được,

Chính cửa vào bại vong.”

Ðề cập đến người nữ Ðức Phật nói một cách ngắn gọn: "Tà hạnh là vết nhơ của đàn bà" (12). "Người biết làm vừa lòng chồng là người vợ xứng đáng nhất trong các loại vợ" (13). "Vợ là bạn tối thượng" (14). Còn Goldsmith thì viết: "Người vợ hoàn hảo là người có thể dãi dầu trong cuộc sống hơn chỉ là những nữ triết gia, những bậc nữ lưu ưa quát tháo, hoặc những bà hoàng hay lăng loàn. Người vợ biết làm cho chồng con mình vui vẻ là một người có nhân cách vĩ đại hơn những người phụ nữ được mô tả trong các câu chuyện tình lãng mạn mà công việc của họ là để giết đàn ông bằng những thủ đoạn của mình".

Khi viết về giới thứ ba này Tỳ kheo Sìlàcàra (Mr Mekechnie) có nói:

“Mỗi khoảnh khắc tâm chúng ta tạo ra tính cách riêng cho chúng ta. Ðối với vấn đề tính dục này cũng vậy, tâm đóng một vai trò rất quan trọng. Thực vậy, chúng ta có thể nói rằng nếu tâm hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của chúng ta, ngay ở đây, thì chắc chắn sẽ cần rất ít hay không cần phải cảnh giác ở nơi nào khác”.

Nếu nhìn chung quanh chúng ta có thể thấy rằng việc thiếu kiểm soát tâm trong vấn đề tính dục này đã đưa nhân loại đến chỗ đáng buồn như thế nào! Cứ ngẫm nghĩ đến "Loài vật hạ đẳng" như chúng ta lấy làm vui khi gọi chúng, và những sinh hoạt tình dục của chúng mà xem. Loài nào thực sự là hạ đẳng ở đây, loài vật hay loài người? Loài nào về hoạt động tình dục, sinh hoạt theo cách thông thường và hợp lẽ? Và loài nào đã vượt ra khỏi những cách bình thường để rơi vào những thói đồi truỵ, phi luân? Ở đây, chính loài vật được coi là sinh vật thượng đẳng hơn, và loài người là hạ đẳng. Tại sao có vấn đề này? Ðơn giản là vì con người tự hào là có khả năng về tinh thần và nếu dùng đúng, có thể giúp họ làm chủ được những thôi thúc tình dục của họ, nhưng thực sự họ đã dùng sức mạnh tinh thần của mình trong những dục vọng xấu xa đến độ tự làm cho mình trở thành kẻ nô lệ cho bản năng hơn cả loài thú”.

Giải thích của Ðức Phật về giới thứ ba trong bài kinh 41 của Trung Bộ (Majjhima Nikàya) cũng như ở một số bài kinh khác, rất đáng chú ý và quan trọng. Bài kinh đề cập đến 10 thiện nghiệp và 10 bất thiện nghiệp. Những điều đưa ra ở đây chỉ là phần lược dịch của bài kinh.

Trả lời một câu hỏi của các gia chủ Bà la môn ở Sàla về việc tại sao có những chúng sanh sau khi chết phải sanh vào cảnh giới xấu (ác thú) và có những chúng sanh khác lại sanh vào cảnh giới tốt (thiện thú). Bậc Ðạo sư nói: "Này các gia chủ, những chúng sanh sau khi chết phải đi đến ác thú là do họ sống một cuộc sống không đúng theo Pháp (Dhamma), sống không chân chánh, sống không nhu thuận".

Lúc bấy giờ các Bà la môn do không hiểu đầy đủ lời Ðức Phật dạy nên đã thỉnh cầu Ngài giải thích chi tiết, bậc Ðạo sư trả lời:

"Này các gia chủ có những người tàn ác và nhẫn tâm đối với các chúng sanh. Có những người lấy của không cho, có những người sống tà hạnh với các dục, có quan hệ tình dục với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có cha mẹ che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con thân quyến che chở, với những nữ nhân có chồng che chở, với những nữ nhân có sự trừng phạt che chở và ngay cả với những nữ nhân đã hứa hôn.

Này các gia chủ, đó là ba loại hành phi pháp (a-dhamma), không chánh trực và không nhu thuận về thân".

Ðức Phật tiếp tục mô tả về bốn loại hành phi pháp về lời, đó là nói dối, nói hai lưỡi, nói độc ác và nói phù phiếm. Rồi Ngài nói:

"Này các gia chủ, có những người tham lam, họ thèm muốn tài sản của người khác, nghĩ rằng: "Ôi ước gì những thứ của người khác là của mình nhỉ", có những người hiểm ác, tâm ô uế và nghĩ: "Mong rằng những chúng sanh này bị giết đi, bị tàn sát, bị huỷ diệt, bị tiêu diệt, hay mong rằng chúng không sống được nữa". Và có những người Tà kiến, có quan niệm điên đảo, nghĩ rằng: "Bố thí, cúng dường không có quả báu, những việc làm thiện hay ác đều không có quả báu, không có đời này, không có đời sau, có hiếu hay bất hiếu với cha mẹ cũng không có quả báu; không có các chúng sanh hóa sanh (điều này phủ nhận sự hiện hữu của hàng Chư Thiên), không có Sa môn và Bà la môn có giới hạnh, sống chân chánh và tuyên bố đã chứng ngộ thắng trí cho đời này và đời sau (điều này phủ nhận sự hiện hữu của chư Phật toàn giác). Này gia chủ, ba loại hành phi pháp, không chánh trực và không nhu thuần về ý là như vậy".

Sau đó Ðức Phật tiếp tục giải thích ba loại hành đúng pháp, chánh trực và nhu thuận về thân, về khẩu và về ý, ngược lại với tất cả những gì đã đề cập ở trên.

Ðiều đáng ghi nhớ ở đây, là như một Ðạo sư, Ðức Phật đã vạch ra cho xã hội Ấn Ðộ thấy con đường đúng, sai, chánh, tà trong luân lý và đạo đức, cũng như những hậu quả xấu của những lối cư xử buông thả và phi luân, thế nhưng Ngài không bao giờ can thiệp vào những vấn đề liên quan đến tình dục, cũng như Ngài không bao giờ dính dáng về những vấn đề thể chế hay chính sách, bởi vì đó là mối quan tâm của một chính phủ. Trong quốc độ của Ngài, nghĩa là trong giáo Pháp của Ngài, tuy nhiên thái độ của Ðức Phật lại khác, đôi lúc Ngài rất nghiêm khắc với hàng đệ tử của mình. Là một người hướng dẫn và là một vị Thầy, Ngài luôn luôn khuyên những thành viên của Tăng đoàn sống đời chánh hạnh, thấy sợ hãi ngay cả với những lỗi nhỏ nhặt, sống có ý tứ, trầm lặng và khiêm tốn sao cho những người khó chịu có thể cảm thấy hài lòng và sự an vui của những người đã hài lòng được tăng trưởng.

Ðối với những người mới gia nhập Tăng đoàn để sống cuộc đời của một ẩn sĩ, Ðức Phật đưa ra những lời khuyến hóa đặc biệt. Ðối với chư Tỳ kheo, mọi hình thức quan hệ tình dục đều bị cấm, với lý do chánh đáng. Tuy nhiên, một vị sư hoàn toàn được tự do xả y và hoàn tục nếu vị Tỳ kheo đó đã cố gắng hết sức nhưng thấy rằng khó mà hoan hỉ trong đời xuất gia được nữa. Trong những trường hợp như vậy bậc Ðạo Sư khuyên nhủ và giải thích mọi điều giống như một người cha trìu mến, nhưng không bao giờ cưỡng buộc những người theo mình phải sống một đời phạm hạnh trái với mong muốn của họ. Bởi vì đây là những vấn đề tâm lý cần phải được giải quyết như vậy. Một trong những lợi ích thành tựu từ việc hành thiền và những pháp hành khác do Ðức Phật giới thiệu cho các bậc xuất gia, là nhằm mục đích thăng hoa- sự loại trừ các điều kiện bệnh lý có thể phát sinh như hệ quả của việc tiết chế dục vọng.

Hai bài kệ trong Pháp Cú (246 - 247) đã liệt kê lại các học giới và một cách tóm tắt làm rõ hậu quả xấu của việc phạm giới.

"Ai ở đời sát sanh

Láo khoét không chân thật,

Lừa đảo trộm tài vật

Gian díu vợ người ta

Uống rượu đến sa đà,

Nghiện ngập suốt ngày tháng,

Chính ngay tại đời này,

Tự đào bứng gốc mình".

(Ðào bứng gốc ở đây nói về tài sản và hạnh phúc).

Trong chương này và chương trước chúng ta đã thảo luận chi tiết về Ngũ giới, nghĩa vụ đạo đức tối thiểu được trông đợi nơi một người tại gia khi đã trở thành Phật tử bằng cách thọ Tam Quy. Kết luận chương này, có lẽ rất thích hợp để đề cập ở đây lời khuyên tóm tắt của Ðức Phật cho Sa di La Hầu La:

- Này Ràhula, con nghĩ như thế nào, mục đích của cái gương là để làm gì?

- Bạch Ðức Thế Tôn, mục đích của cái gương là để phản chiếu (soi lại những gì muốn soi, ở đây là suy xét).

- Cũng vậy, này Ràhula sau khi suy xét nhiều lần con hãy làm những hành động về thân, cũng như sau khi suy xét nhiều lần rồi con hãy làm những hành động về lời nói hay ý nghĩ.

Sau đó Ðức Phật nói tiếp rằng:

"Nếu sau khi suy xét nhiều lần, con nhận ra rằng hành động của thân này có khuynh hướng tự hại, có khuynh hướng hại người, hay có khuynh hướng hại mình và hại người, như vậy thân hành đó là bất thiện và đưa đến quả đau khổ, và không vì một lý do gì mà con làm hành động đó. Nếu sau khi suy nghĩ kỹ con nhận ra rằng những thân hành đó có khuynh hướng không hại mình, không hại người hay không hại cả hai thì thân hành đó là thiện, đưa đến an vui, cần phải được thực hiện. Tương tự như thế với khẩu hành và ý hành."

Bậc Ðạo Sư dạy tiếp:

"Này Ràhula, trong quá khứ, các Sa môn hay Bà la môn nào tịnh hóa thân, khẩu và ý hành của họ, các Sa môn và Bà la môn ấy tịnh hóa được như vậy là nhờ sau khi đã suy xét nhiều lần. Trong tương lai các Sa môn hay Bà la môn nào sẽ tịnh hóa thân, khẩu và ý hành của họ các Sa môn Bà la môn ấy sẽ tịnh hóa được như vậy sau khi đã suy xét nhiều lần và trong hiện tại các Sa môn, Bà la môn nào tịnh hóa thân khẩu và ý hành của họ, các Sa môn, Bà la môn ấy làm được như vậy là nhờ sau khi đã suy xét nhiều lần.

"Do đó, này Ràhula, con phải tự mình học tập như vậy: “Ta sẽ thanh tịnh hóa thân hành sau khi suy xét nhiều lần, ta sẽ tịnh hóa khẩu hành sau khi đã suy xét nhiều lần, ta sẽ tịnh hóa ý hành sau khi đã suy xét nhiều lần". Này Ràhula, con phải tự mình học tập như vậy" (15).

Người đọc cẩn thận là lời giải thích cô đọng của bài kinh này sẽ hiểu được Ðức Phật đã khéo léo như thế nào khi làm nổi bật lên tầm quan trọng về mặt tâm lý của những hành động hay Nghiệp mà con người làm, trong ý nghĩa tối hậu thì Nghiệp ở đây chính là Tư Tâm sở (Cetanà), và người Phật tử quan niệm về Tự ngã và người khác: "Ta như thế này, thì người cũng vậy". Là chuẩn mực cần phải chọn trong mọi hành động chúng ta làm.

Khuynh hướng nhượng bộ trước những khát vọng, ước ao và sở thích trong con người rất mạnh. Nhưng thường thì con người không suy xét đầy đủ trước khi làm một điều gì, do đó những kết quả xảy ra không như những gì họ mong đợi. Trong bài kinh này, sự suy xét, Tư duy phát sanh từ việc hành thiền được bậc Ðạo Sư hết sức nhấn mạnh. Lời khuyên cho Ràhula, một Sa di mới bảy tuổi, mặc dù được đưa ra hơn 25 thế kỷ trước, thực sự vẫn còn thích hợp với thời đại ngày nay. Không gian và thời gian không có gì chướng ngại đối với lời khuyên chân mỹ và khi lời dạy đó là hiện thân của những nguyên tắc vĩnh cửu.

* Chú thích

(1) A.I. 261.

(2) D.II. 120 “Strive on untiringly” (Hãy Tinh tấn lên để tự Giải thoát).

(3) A.II. III.

(4) S.I. 227.

(5) Dhp. 129.

(6) Sn. 705.

(7) Xem A.III. 40 và M. 135.

(8) Dhp. I.

(9) AI. I.

(10) Dhp. 262.

(11) Sn. 16,18,20.

(12) Dhp. 242.

(13) S.P. 7.

(14) S.I. 37.

(15) M. 61.