1000 năm Thăng Long nhìn lại
Thử tìm hiểu ai là tác giả bài thơ Thần- Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta
Nam quốc sơn hà nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Sông núi nước Nam vua nam ở,
Rành rành ghi rõ tại sách trời.
Nếu như quân giặc sang xâm phạm,
Chúng nó thấy ngay thất bại thôi .
1- Xuất xứ
Bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà” được xem là bài Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam. Từ lâu bài thơ này luôn gắn với tên tuổi của Lý Thường Kiệt (1019-1105), xuất phát từ cuộc kháng chiến chống nhà Tống xâm lăng, kết thúc bằng trận chiến trên sông Như Nguyệt, được ghi lại trong Đại Việt Sử Kí Toàn Thư như sau : “Mùa xuân, tháng 3, nhà Tống sai Tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, ….sang xâm lấn nước ta. Vua sai Lý thường Kiệt đón đánh, đến sông Như Nguyệt đánh tan được. Quân Tống chết hơn 1 nghìn người, Quách Quỳ lui quân, lại lấy châu Quảng Nguyên của ta. Người đời truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào dọc theo sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng :
“Nam quốc sơn hà nam đế cư,
….thủ bại hư.” (1)
Và Việt Điện U Linh :
“Đến thời vua Lý Nhân Tông, quân Tống sang lấn, tiến vào trong cõi. Vua sai Thái uý Lý Thường Kiệt lập trại ở ven sông để chống giữ. Một đêm quân sĩ nghe trong đền có tiếng thần ngâm thơ:
“Nam quốc sơn hà
…thủ bại hư”.
Rồi quả nhiên quân Tống bị thua, phải rút về nước”.(2)
Từ đó người ta ngộ nhận bài thơ ấy là của Lý Thường Kiệt. Sự việc phổ biến đến nỗi đã có nhiều người lên tiếng về điều này như GS Hà Văn Tấn ( Lịch sử-sự thật và Sử học. Xưa và nay,tháng 3-1994), GS.NGND Bùi Duy Tân (phongdiep.net). Ngoài ra bài thơ này còn xuất hiện ở nhiều văn bản khác với những khác biệt nhất định, đáng kể nhất là Lĩnh Nam Chích Quái.-
“Đêm ấy Đại Hành mộng thấy hai thần nhân cùng xông vào trại giặc mà đánh. Canh ba đêm ba mươi tháng mười, trời tối đen, mưa to, gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng. Thần nhân tàng hình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên định phận tại thiên thư.
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm,
Bạch nhẫn phiên thành phá trúc dư”.
Quân Tống nghe thơ, xéo đạp vào nhau mà chạy tan…Lê Đại Hành trở về ăn mừng, phong thưởng công thần, truy phong cho hai vị thần nhân …sai dân phụng thờ …nay vẫn còn là phúc thần”(3)
Tác phẩm này cho ta biết rằng bài thơ này không phải được đọc trên sông Như Nguyệt thời Lý thường Kiệt, mà nó cũng đã được đọc trên con sông này, nhưng từ thời Lê Hoàn và cũng không nói rõ ai là tác giả. Như vậy về xuất xứ của bài thơ thì đến nay vẫn chưa thống nhất được. Theo thời gian cho đến nay các nhà nghiên cứu đã ghi lại có trên 30 bài NQSH được viết thành văn bản, ngoài ra còn có các bản được khắc ở các di tích, đền thờ, giữa các bản có sự khác nhau, nhưng tựu trung hầu hết đều chọn bản trong ĐVSKTT làm chuẩn.
Như đã nói trên, sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư,Việt Điện U Linh và Lĩnh Nam Chích Quái không khẳng định ai là tác giả bài thơ này. Tất nhiên phải có ai đó sáng tác bài thơ này, nhưng vì không biết cụ thể ai là tác giả đích thực nên dựa vào nội dung quan trọng và lớn lao của bài thơ, lại được đọc lên vào đêm tối trong một ngôi đền nên gọi thơ THẦN. Tuy nói là thơ của THẦN, nhưng rõ ràng phải có ai đó là tác giả, chính vì vậy có nhiều người đã để tâm nghiên cứu và đề nghị một con người cụ thể là tác giả, như bài viết của Nguyễn Thị Oanh (Văn nghệ số 12. 21-3-2009) cho rằng tác giả NQSH có thể là đại sư Khuông Việt hay như Lê Mạnh Thát (Lịch sử Phật Giáo Việt Nam, Tập 2. Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh - 2001) cho rằng NQSH của Pháp Thuận. Các đề nghị này chủ yếu dựa vào mối quan hệ của các Thiền sư nói trên với các vua thời ấy nên chưa có tính thuyết phục cao.
Trong bài viết này, cùng suy nghĩ phải có ai đó trong số những trí thức dân tộc thời ấy là tác giả của bài thơ, nên tôi cũng đề nghị ở đây một con người cụ thể, người mà tôi cho rằng có nhiều yếu tố để có thể là tác giả bài thơ NQSH. Tuy nhiên,trước khi xem xét đến con người mà tôi đề nghị có thể là tác giả hay chính là tác giả bài NQSH, có một vấn đề cần phải giải quyết trước, đó là :1 - BÀI “ NQSH” ĐƯỢC SÁNG TÁC VÀO THỜI NÀO?
Như đã nêu trên, có hai truyền thuyết về sự ra đời của bài thơ thần:
A -Theo Lĩnh Nam Chích Quái (LNCQ): Thời Lê Hoàn (981)
B - Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) (Trận Như Nguyệt 1076)
A – VỀ SÁCH LNCQ
Tác giả LNCQ đến nay vẫn chỉ là giả thuyết, chưa chắc chắn, Trần Thế Pháp là ai, thân thế và sự nghiệp ra sao, vẫn là một dấu hỏi. Nội dung LNCQ thì ít ỏi, chủ yếu lấy từ sách khác, không có tính sáng tạo cao. Do lấy từ sách khác như nghĩa của từ “chích” trong tên sách mang lại, nên có người cho rằng truyện về xuất xứ bài NQSH cũng chép từ sách khác, có nghĩa là trước đó đã có sách viết về câu chuyện đó rồi, nên cho là đáng tin cậy từ đó cho rằng việc Ngô Sĩ Liên viết rằng NQSH được viết và đọc vào thời Lý là ngoa truyền. Tuy nhiên, câu chuyện về bài thơ thần trong LNCQ ngoài khác biệt so với ĐVSKTT như: thời đại -Tiền Lê thay vì thời Lý- Trên sông Như Nguyệt thay vì Bạch Đằng, thời gian cũng khác. LNCQ viết “Canh ba đêm ba mươi tháng mười, trời tối đen, mưa to, gió lớn đùng đùng”. ĐVSKTT viết “ Mùa xuân , tháng 2”. Ở đây có điều làm cho ta phải đặt dấu hỏi. Như ta biết cuối tháng 10 âm lịch, ở miền bắc nước ta đang là giữa mùa đông, thời tiết mưa gió, rét như cắt da, lại thêm tiết Nguyên đán gần kề tâm lý binh lính sao khỏi chạnh lòng, sao nhà Tống lại điều binh sang xâm lăng nước ta vào lúc này, liệu các nhà cầm quân của triều Tống có điên không? Thất bại của quân Nam Hán năm 938 là một minh chứng. Về ngôn từ của bài thơ trong LNCQ cũng khác, mà theo tôi thực chất chỉ là sửa lại bài này từ ĐVSKTT do đó có những giới hạn.
So sánh với bài thơ Thần trong ĐVSKTT bài trong LNCQ có những giới hạn như sau :- Câu 2 viết “ Hoàng thiên……thiên thư”.
Đã là sách trời thì do trời viết hay nói khác nội hàm ngữ nghĩa của từ “thiên thư” là đã có trời rồi, vậy cần gì phải “Hoàng thiên” . thêm vào đó “thiên thư “ nghĩa đen là sách trời, nhưng ta phải hiểu là “sách công lý” có nghĩa là điều đó xưa nay ai cũng biết. Do đó thêm “ Hoàng thiên” chỉ làm yếu đi, nếu không nói là thừa so với cách dùng “Tiệt nhiên” của ĐVSKTT.
- Câu 3 LNCQ đã cụ thể giặc là “ Bắc lỗ” thay vì “nghịch lỗ” . Làm như thế có ý chỉ thẳng giặc là ai, nhưng lại mất đi tính phổ quát của một tuyên ngôn, bởi vì viết như thế thì bài này chỉ có giá trị với giặc phương bắc thôi, còn các giặc phương thì sao?
- Còn câu cuối thì “ gươm bén chẻ như chẻ tre” so với câu “ Nhữ đẳng….thủ bại hư” thì lời lẽ hơi thô . Bởi vì chuyện thất bại của quân xâm lược đâu chỉ là qua việc chém giết, mà nó còn thất bại trên nhiều mặt khác nữa, do đó nói nếu giặc phương Bắc sang thì sẽ dùng gươm bén mà đánh cho tan tát như chẻ tre thì rỏ ràng đây chỉ là ngôn từ của chốn riêng tư chứ nếu đem làm thông điệp của một quốc gia là điều bất cập.
Từ những nhận định như thế, ta thấy rõ ràng bài thơ Thần trong LNCQ chỉ là sửa lại từ bài thơ trong ĐVSKTT, do đó tính khả tín của bài NQSH trong LNCQ là không cao. Vậy tại sao tác giả LNCQ lại viết NQSH thuộc về thời Tiền Lê? Tác giả “chích” từ sách nào? Hay tác giả tự sáng tác? Câu trả lời là: Tác giả rất có thể đã “chích” câu chuyện này từ bộ ĐVSK của Lê Văn Hưu, rồi sửa lại thời, không từ đời Lý sang thời Tiền Lê. Lý do cho việc sửa này chắc là lấy lòng nhà Hậu Lê. Bởi vì chính nghĩa của Lê Lợi là con cháu nhà họ Lê. Như vậy tác phẩm này có thể ra đời sau khi Lê Lợi lên ngôi chứ không phải thời Trần mạt như có người đề nghị.
B – VỀ SÁCH ĐVSKTT
Nội dung ĐVSKTT là một bộ sử hết sức công phu, có tính bác học, điều này cho thấy đây là một công trình mang tính tập thể mà Ngô Sĩ Liên là chủ biên. Một công trình được vua sai làm thì đâu thể không cẩn trọng. Trong tác phẩm này đã rất nhiều lần (29 lần) đề cập tới Lê Văn Hưu, tác giả bộ Đại Việt Sử Ký, với dòng chữ “Lê Văn Hưu viết……” điều này chứng tỏ ĐVSKTT phần lớn dựa vào ĐVSK của Lê Văn Hưu. Như thế có nghĩa là bộ ĐVSKTT là một tác phẩm được viết nên bởi công sức của rất nhiều người có kinh nghiệm và kiến thức uyên bác, với phương pháp làm việc hết sức nghiêm túc dưới sự tài trợ của triều đình qua hai triều đại Trần – Lê thì lẽ nào thông tin trong bộ sách này lại viết tùy tiện. Đồng thời với ngần ấy thời gian và con người, lẽ nào không phát hiện cuốn sách có nội dung mà LNCQ ghi lại.
Từ những so sánh, phân tích trên, với tính khả tín của bộ ĐVSKTT, tôi cho rằng bài thơ thần đã được viết và đọc vào thời Lý Thường Kiệt phá quân Tống trên sông Như Nguyệt năm 1076..
2 - AI LÀ TÁC GIẢ BÀI “NAM QUỐC SƠN HÀ” ?
Như vậy tác giả của nó phải là người thời Lý, do vậy ta phải nghiên cứu xem ai có thể có được những yếu tố thuyết phục để có thể xem là tác giả bài thơ nổi tiếng này. Con người ấy nhất định phải có mối liên hệ chặc chẽ với chế độ đương thời, và nhất là phải có những tác phẩm còn lại phản ảnh được mối tương quan với bài thơ NQSH . Tìm lại trong văn học đời Lý vào thời điểm đó ta thấy có một con người, với những yếu tố mà tôi cho là có thể là tác giả bài thơ Nam Quốc Sơn Hà – bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Người đó chính là Thiền sư Không Lộ.
Dương Không Lộ (1016 – 1094) tên thật là Dương Minh Nghiêm, Pháp Hiệu là Không Lộ, quê ở Hải Thanh, Giao Thủy, Tỉnh Nam Định. Ông xuất thân làm nghề chài lưới, nhưng giỏi văn chương và mộ đạo Phật. Không Lộ kết bạn tu hành với các Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Giác Hải, tôn Đạo Hạnh làm huynh trưởng, nhưng cùng Giác Hải đi vân du rồi cùng về tu tại chùa Hà Trạch trong khi Đạo hHạnh về tu tại chùa Sài Sơn, Quốc Oai . Không Lộ là một thiền sư lớn đời Lý được phong làm Quốc sư, đã từng tu các chùa: Nghiêm Quang (chùa Keo), Hà Trạch, Chúc Thánh. Không Lộ vừa được xem là thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông vừa được cho là thuộc thiền phái Thảo Đường. ( Bách khoa toàn thư mở wikipedia)
Sự nghiệp văn chương của Ts Không Lộ hiện nay còn hai bài thơ, Ngôn hoài và Ngư nhàn. Ở đây tôi đặc biệt tìm hiểu về bài Ngôn hoài từ đó đem so sánh với bài NQSH để thấy những mối tương đồng giữa hai bài thơ.
Ngôn hoài (NH)
Không Lộ
Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
Tạm dịch :
Nỗi lòng
Chọn được đất thiêng để ở đời,
Tình quê vui thú suốt ngày chơi.
Đúng thời lên thẳng non cao vút,
Hét một tiếng vang lạnh cả trời.
Bài thơ này, cũng như có nhiều bài thơ khác trong kho tàng thơ Thiền Việt Nam, lại giống với một bài thơ của Trung Hoa, cụ thể là của Lý Tường tặng thiền sư Dược Sư Duy Nghiễm đời Đường: (4)
Tuyển đắc u cư hiệp dã tình,
Chung niên vô tống diệc vô nghinh.
Hửu thời trực thướng cô phong đỉnh,
Nguyệt hạ phi vân tiếu nhất thanh.
Về việc giống nhau của hai bài thơ, cũng như ai đã đạo văn của ai, tôi sẽ bàn sau, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu bài thơ của Không Lộ.
Bài “Ngôn hoài” là một kiệt tác của Không Lộ. Chính vì vậy ta cần phải soi chiếu bài thơ này trong con mắt của thi pháp học, có nghĩa là phải nghiên cứu bài thơ một cách toàn diện: từ thân thế tác giả, không gian và thời gian bài thơ ra đời, ngôn từ được xử dụng trong bài thơ, biện pháp nghệ thuật và thông điệp mà bài thơ mang lại và cuối cùng là xâu chuỗi tất cả những yếu tố ấy vào một chỉnh thể thống nhất. Chỉ khi nào làm được như thế ta mới thuyết phục được chính mình và người đọc.
Câu 1 - Trạch đắc long xà địa khả cư,
Bài thơ này trước đây đã có rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm bình giảng như Đặng Thai Mai đã viết “Nhà thơ vui mừng nhìn địa vật qua những rặng núi hình rồng hình rắn uốn quanh ngôi nhà mình. Đó là lối nhìn của các thầy địa lý”(5) có thể từ nhận xét của một trong những cây đại thụ trong làng nghiên cứu văn học nước ta như vậy, lại thêm vào hình ảnh mà lịch sử cung cấp, nên hầu như ai cũng nghĩ bài thơ phản ảnh cái nhìn phong thủy, có thể vì trong suy nghĩ của nhiều người thầy tu Phật giáo thường gắn liền với những kiến thức về phong thủy, thậm chí gần như mê tín dị đoan, nên khi đọc bài thơ của một tác giả là thiền sư, người ta dễ liên tưởng đến vấn đề này, nhất là ở câu một tác giả đã viết “Trạch đắc long xà địa khả cư”. Ngay câu mở đầu người đọc đã bắt gặp ngay hình ảnh rồng rắn thì dĩ nhiên người đọc rất dễ nghĩ rằng đất rồng rắn là một thế đất tốt theo thầy địa lý(Đất rồng rắn dỉ nhiên là một tiêu chí phong thủy, nhưng không phải là yếu tố dị đoan, thầy địa lý cũng không phải là xấu như mọi người thường nghĩ). Như vậy ta đi vào cõi thơ của Không Lộ bằng cái nhìn phong thủy tiêu cực, thì những ý tưởng tiếp theo trong bài thơ cũng phải theo chiều hướng này, kết quả là qua bao cuộc mổ xẻ, bài thơ cũng chưa được giải thích một cách thống nhất và thấu đáo từ tên bài thơ cho đến nội dung , nên bài thơ vẫn cứ bao trùm một màu huyền bí mà có người còn gọi là “siêu thơ”. Do đó chúng cần tìm hiểu xem “ Long xà địa là gì?” Có phải là một thuật ngữ phong thủy hay không? Thuật ngữ này đã xử dụng ở đâu? Với nghĩa nào?
-Về phong thủy thì trong 92 thuật ngữ phong thủy (6) không thấy có thuật ngữ long xà địa. Vậy chúng ta tìm hiểu theo hướng khác.
-Trong Kinh Dịch viết rằng: “Long xà chi chập, dĩ tồn thân dã” dịch nghĩa “rồng rắn mà ẩn nấp cốt để giữ mình vậy”. (7)
-Truyện Dương Hùng trong Hán Thư cũng nói: “Quân tử đắc thời tắc đại hành, bất đắc thời tắc long xà” dịch nghĩa “Người quân tử mà gặp thời thì làm việc lớn, không gặp thời thì ở ẩn”. (8 )
Như thế là đã rõ, thuật ngữ “long xà” có nghĩa là ở ẩn, ẩn ở đây không phải là tìm vào chốn xa xôi, hẻo lánh, mà là hòa mình vào cuộc đời của người quân tử khi chưa đúng thời. Người quân tử ở đây là người có khả năng giúp nước, giúp đời. Khi quốc gia hữu sự thì người quân tử phải dấn thân mà bảo vệ tổ quốc, khi hòa bình thì họ cũng như bao công dân khác hòa mình vào xã hội, âm thầm xây dựng quê hương (rồng thành rắn hay rồng đất). Như thế câu này có nghĩa là: Chọn được cuộc đất tốt có thể ở được.
Như tiểu sử của ông cho biết, ông sinh năm 1016, chỉ sáu năm sau khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, ông đã lớn lên cùng với cái hào khí của một đất nước trong một vận hội mới, một thời kỳ mà chưa một triều đại nào trước đó làm được- Đó là nền độc lập của đất nước. Từ nền độc lập này, nước Việt đã phát triển trên mọi mặt, nhất là đối với nhân dân, những người luôn phải chịu đau khổ trước nhất khi không có hòa bình, độc lập. Mọi hoài bão đó được gởi vào hai chữ “Thăng Long”. “Thăng Long” là “rồng dậy, rồng lên”. Như thế có nghĩa là rồng này không phải ở trên trời mà từ mặt đất, từ lòng người, là ý chí độc lập, tự cường, là khát vọng hòa bình, hạnh phúc. Tự cái việc dùng từ ‘Thăng” đủ cho thấy Lý Thái Tổ đã nhận thức về sức mạnh của nhân dân như thế nào. “Thăng Long” cũng chỉ cho bản thân Lý Thái Tổ mà cũng là tiêu biểu cho nhân dân. “Thăng” là “vươn từ dưới lên”, như “thăng tiến” “tỏa từ trong ra ngoài”, như “thăng hoa”. Điều đó cho thấy yếu tố phong thủy chỉ là thứ yếu trong quyết định này. Điều này đã thể hiện rõ trong Chiếu dời đô, trước là“ trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân” sau mới nói cuộc đất nơi mà “ rồng sinh , hổ sống”. (9)
Sau những nhiễu nhương của triều đại trước đó, chính Thiền sư Vạn Hạnh đã chủ động đề nghị Lý Công Uẩn, hãy vì quốc gia mà nắm lấy triều chính và chắc chắn rằng những công việc triều chính sau đó phải có sự tham gia của Vạn Hạnh, tất nhiên quyết định dời đô về Đại La không nằm ngoài dự tính của Vạn Hạnh. Ngày nay, khi chúng ta đọc vào lịch sử, chỉ thấy ghi lại chiếu chỉ dời đô ngắn ngủi của Lý Thái Tổ, nhưng chúng ta phải hiểu rằng để đi đến một quyết định như vậy, triều đình nhà Lý, rút kinh nghiệm từ những sự kiện xảy ra trước đó, đã phải bàn bạc, cân nhắc trên mọi lãnh vực, để sao cho tại kinh đô mới phải củng cố được mọi mặt, từ chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế. “ Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chổ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. (Chiếu dời đô). Bởi vì những gì đã xảy ra trước đó nhắc nhở cho Lý Thái Tổ biết rằng: việc thế lực phương bắc xâm chiếm nước ta không phải là quyết định nhất thời, mà là một hiện thực lâu dài. Chính vì vậy cần phải chọn một nơi có thể đáp ứng được những mục tiêu đó, nơi ấy là một cuộc đất có thế, vừa tiến đánh sớm nhất khi quân xâm lược tiến vào nước ta, lui về phòng thủ khi cần thiết bằng một hậu phương vững mạnh, cả trên hai phương diện thủy và bộ, đặc biệt ông đã thành công trong việc dời đô khi đã xây dựng một thế trận lòng dân vô cùng vững chãi. Chắc chắn đã có nhiều phương án được đưa ra, và cuối cùng đi đến quyết định chọn (trạch đắc) Đại La rồi đổi thành Thăng Long (rồng đất) (Long xà địa – rồng đất) để định đô (khả cư) (9). Như đã nói ở trên, Không Lộ sinh năm 1016, như vậy ông đã lớn lên cùng với cùng với âm vang từ Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ, chiếu chỉ này chắc chắn phải được thường xuyên nhắc nhở trong triều đại nhà Lý sau đó, (hay như cách ta nói ngày nay là “quán triệt”). Mấy mươi năm sau ông trở thành quốc sư thì chắc chắn ông phải nằm lòng chiếu chỉ này. Tất nhiên ông hiểu và thời đó có lẽ ai cũng hiểu “thăng long” là “rồng đất”, là sức mạnh của nhân dân.
Câu 2 - “ Dã tình chung nhật lạc vô dư”.
“Dã” là thôn quê, “tình” là tình cảm, tâm tư, ở đây là đời sống tinh thần nơi thôn dã. Nhưng tại sao lại là đời sống tinh thần nơi chốn quê mà không phải là thành thị? Đây chính là cái tài của tác giả. Thông thường trong một quốc gia, thôn quê là nơi ít được hưởng thụ những thành quả của xã hội nhất, thế mà ở đây người dân nơi thôn quê lại được hưởng trọn vẹn thành quả của xã hội trên mọi mặt thì những thành phần khác trong xã hội phải ngang bằng hoặc hơn. Như ta nói: “Ở Việt Nam, người nghèo nhất cũng có một chiếc xe hơi” thì cũng có nghĩa là những thành phần còn lại phải có một hoặc hơn một chiếc xe hơi. Đây là một nghệ thuật dùng từ mà ngày nay ta gọi là biện pháp tu từ “dùng cái thấp nhất để chỉ cái cao nhất”. Rõ ràng tác giả dùng từ rất đắt.
Từ “vô dư” lấy từ nhà Phật, nghĩa là không còn gì, “lạc vô dư” có nghĩa là vui không sót, vui không thiếu lãnh vực nào, không còn gì không được vui.
Như ta biết, lịch sử nước ta được viết bằng máu, bằng sự hy sinh của biết bao thế hệ, không một gia đình, dòng họ nào ở nước Việt mà không có người đã hy sinh nơi chiến trận, một đất nước hết bị phương bắc xâm lăng thì phía nam quấy phá, trong một quốc gia như vậy thì chiến tranh luôn là nỗi lo, không những của người nắm giữ vận mệnh của quốc gia, dân tộc, mà còn là của nhân dân. Bởi vì chiến tranh đồng nghĩa đau thương, mất mát và đói khổ, không phải chỉ đau thương mất mát trên chiến trường, mà nỗi đau đó kéo dài theo những gia đình khi con mất cha, vợ mất chồng, nhà tan, cửa nát. Còn đau đớn hơn nữa khi tổ quốc bị ngoại bang cai trị, như Nguyễn Trãi đã viết :
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,vùi con đỏ xuống hầm tai họa …………
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi !”
Bình Ngô đại cáo
Thỉnh thoảng cũng có hòa bình,thì gặp phải cảnh hôn quân, bạo chúa, thế là có hòa bình nhưng chưa phải thái bình. Chính vì vậy khát vọng một cuộc sống trong một quốc gia độc lập, thái bình, thịnh trị, trên thì có vua anh minh, dưới thì các quan liêm khiết, là khát vọng vô cùng to lớn của người dân Việt trong mọi thời đại. Việc đời đô từ Hoa Lư về Thăng Long và những năm tháng thái bình sau đó là minh chứng cho thấy sự nhìn xa trông rộng của Lý Thái Tổ dưới sự cố vấn của Quốc sư Vạn Hạnh, nó cho thấy sự đồng lòng từ vua quan cho đến thứ dân, quyết định đó đã làm thay da đổi thịt đất nước trên mọi mặt. Quốc gia thì thái bình thịnh trị, luật pháp thì khoan hồng mà nghiêm minh, văn hóa thì thăng hoa rực rõ, nhân dân thì ấm no hạnh phúc. Do vậy dù ở chốn thôn dã mà vẫn hưởng thụ được thành quả của thái bình, không phải chỉ là cơm ăn, áo mặc mà trên tất cả các lãnh vực khác của cuộc sống. Đó là niềm vui trọn vẹn. Thế mới gọi là “chung nhật lạc vô dư”. Một quốc gia mà nơi thôn quê, dân dã lại được hưởng trọn vẹn tất cả những thành quả của xã hội thì biết rằng xã hội đó tiến bộ thế nào. Không Lộ cũng lớn lên và tận hưởng niềm vui chung đó, ông đã chứng kiến sự phát triển của quê hương trên mọi mặt và hương vị của thái bình đã thấm vào tâm hồn ông. Với tất cả những gì mà ông trải nghiệm, ông đã gởi gắm vào câu này.
Câu 3 – Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
(“Hữu thời”- chữ “thời” ở đây là chữ “thời” trong Kinh dịch có nghĩa là thời cơ, cơ hội, vận hội. Vì ở câu một ông đã dùng “long xà địa”cũng trong Kinh dịch, hơn nữa nếu ta hiểu “ hữu thời” là có khi hay thỉnh thoảng thì yếu quá so với khí lực của bài thơ, và đồng thời không liên kết được với ý sau của câu thơ.
“Trực thướng” nghĩa đen là lên thẳng, nghĩa bóng là ngay tức khắc.
“Cô phong đỉnh” là đỉnh núi chon von, núi đứng một mình, nghĩa bóng là chủ quyền quốc gia).
Vui là thế, thanh bình là thế, niềm vui lớn quá, cứ tưởng chừng như nhân dân nước Việt giờ đây quên hết những đau thương mất mát khi ngoại bang xâm lăng nước họ rồi. Không đâu! Người dân Việt tuy được vui hưởng thái bình, nhưng họ nhận thức được rằng, trong mỗi bát cơm ăn, một đêm yên giấc thanh bình là kết quả của sự độc lập, thái bình. Những đau thương mất mát của cha ông đã kết tinh vào trong tâm thức họ ý thức chủ quyền của quốc gia, tuy không bộc lộ ra ngoài, nhưng dòng tâm thức đó vẫn luân lưu trong mỗi người dân Việt. Hơn ai hết, họ biết rằng làm sao hạnh phúc được khi đất nước bị mất chủ quyền, bị ngoại bang xâm lăng dày xéo. Tuy ngày ngày vui nơi thôn dã, làm rắn sống giữa đồng, nhưng khi quốc gia hữu sự, lập tức rắn hóa thành rồng, đứng lên chung sức, chung lòng bảo vệ sơn hà xã tắc. Không Lộ là quốc sư, mà tiêu chí để vua quan triều Lý phong làm quốc sư thì đâu phải chỉ biết xem ngày lành, tháng tốt, đất thịnh, hướng thông, mà phải là con người có tầm nhìn đối với quốc gia đại sự, để tham mưu, cố vấn cho triều đình trong việc trị quốc an dân. Với tư cách là một thiền sư thì ông cố vấn cho triều đình lãnh vực nào ngoài văn hóa - tư tưởng, mà văn hóa cao nhất và cũng là nhiệm vụ thiêng liêng nhất trong một quốc gia đó là lòng yêu nước. Do đó chắc chắn rằng dưới sự cố vấn của ông, triều đình luôn nhắc nhở, giáo dục người dân về lòng yêu nước, bảo vệ non sông. Từ tầm nhìn vĩ mô ông nhận biết rằng tuy vui trong thanh bình như thế nhưng mỗi người Việt luôn có lòng tự hào dân tộc.Do vậy khi có bất cứ thế lực nào xâm phạm quốc gia, thì đó chính là lúc (hữu thời) và ngay tức khắc (trực thướng) họ đứng trên lập trường chủ quyền quốc gia (cô phong đỉnh) để đối mặt với quân thù. Hình ảnh một người leo thẳng lên đỉnh núi cao chót vót mà theo chữ Hán trong bài thơ gọi là “cô phong đỉnh” là một hình tượng độc lập, hùng vĩ và rất đẹp. Cô là trơ trọi, không có gì chung quanh, có nghĩa là chẳng có ngọn núi nào khả dĩ so sánh được, hình ảnh ngọn núi cao vút đứng một mình thẳng hướng lên trời cao là hình ảnh vô cùng mạnh mẽ, hùng tráng nhưng cô độc. Ngọn núi cao là vậy, hùng vĩ là vậy thì làm sao thỉnh thoảng lại leo thẳng lên đỉnh được. ai mà leo cho nỗi. Do vậy đây là ngọn núi tâm linh, ngọn núi văn văn hóa, ngọn núi này mỗi người dân Việt ai cũng có trong lòng, chính vì vậy khi cần thiết là ngay tức khắc họ có mặt ở non cao, nơi ngày ngày quần tụ hồn thiêng sông núi. Đây cũng chính là hình ảnh của thiền, hình ảnh bất khả tư nghị, bất khả tỷ giảo, cũng như đỉnh cao của trí tuệ giác ngộ, cái trí tuệ mà kẻ giác ngộ không thể chia sẻ với ai, không thể so sánh với cái gì, cũng như trong một quốc gia chủ quyền là cái duy nhất không có gì có thể so sánh và đánh đổi được.
Câu 4 – Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
Như vậy trong lòng mỗi người dân Việt luôn có một đỉnh núi, một ý thức về chủ quyền quốc gia, ý thức đó tuôn chảy từ đời này sang đời khác. Nhưng vấn đề là những kẻ xâm lược luôn tìm mọi cách để phủ nhận điều đó. Chính vì vậy chủ quyền này cần phải được tuyên bố, nhất là khi chủ quyền của nước nhà bị xâm phạm. Từ ý thức chủ quyền đó, ở trên đỉnh núi cao đó, ngay tức khắc họ long trọng tuyên bố nước Việt là một nước có chủ quyền. Ở đây tác giả dùng từ thét, mà thét dài (trường khiếu), nó cho ta thấy sự dõng dạc, cương quyết và hùng tráng. Khi ta quá đau khổ ta cũng thét, khi ta quá hạnh phúc ta cũng thét, thét là một ngôn ngữ ở đỉnh cao hay có thể nói là siêu ngôn ngữ, nó được dùng để diễn tả những gì mà ngôn ngữ có nói cũng không thể nói hết được, mà nền độc lập, chủ quyền của quốc gia có được là từ máu xương của bao thế hệ xây dựng nên, thì bút mực, lời nói nào diễn tả cho hết. Trong đạo thiền tiếng thét cũng là ngôn ngữ của người giác ngộ, chỉ có tiếng thét mới làm cho kinh hãi cả ba cõi, thấu khắp cả tam thiên, chứ cái ngôn ngữ đối đãi thì làm sao mà diễn tả được cái sâu thẳm của đạo được, thế mới gọi là nói mà không nói, hay ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt vậy. Còn đối với một đất nước thì chỉ có tiếng thét, không những thét mà còn thét dài và chỉ thét dài một tiếng (nhất thanh) mới có thể nói lên được cái ý thức chủ quyền, độc lập là to lớn đến chừng nào. Nhưng sao lại thét dài một tiếng, vâng! một tiếng thôi, hàng triệu triệu người con Việt dị khẩu đồng âm (khác miệng giống lời) cùng thét dài lên một tiếng, một lập trường, một ý thức “độc lập” có như thế mới làm cho những kẻ xâm lược rởn tóc gáy, lạnh cả người, cả thế giới phải im lặng lắng nghe (hàn thái hư).
Không phải ngẫu nhiên mà người đời sau đặt tên bài thơ này là “Ngôn hoài” “lời hoài bão” Hoài bão của một con người, một công dân, một dân tộc.Hoài bão đó là gì nếu không phải là một quốc gia hưng thịnh, thiên hạ thái bình, dựa trên một nền độc lập, tự cường, và sẵn sàng bảo vệ nền độc lập ấy bằng bất cứ giá nào nếu như có bất cứ ai, bất cứ thế lực nào xâm phạm.
Như thế ta thấy bài thơ này chuyên chở một thông điệp xuyên suốt, ý tứ nhất quán, cách dùng từ có tính khái quát cao, lối hành văn dứt khoát, làm cho khí lực của bài thơ vô cùng mạnh mẽ, và khiến cho người đọc cảm thấy hết sức trang trọng. Có thể bài thơ này Không Lộ làm vào độ tuổi 35-45,có nghĩa là vào khoảng những năm 1051-1061. Có lẽ không trễ hơn được. Vì sau 50 tuổi theo quy luật tự nhiên, khí lực con người bắt đầu đi xuống do đó bút lực khó mà đạt được như vậy. Trong thời kỳ này nhà Lý cho dựng chùa Một Cột, nói là nằm mộng chứ kỳ thực ý muốn nói nền độc lập của nước nhà. Ta có thể tóm lược như sau:
Câu 1 – Khẳng định lãnh thổ và thiết chế chính trị: Đất Long xà hay đất Thăng Long là kinh đô của nước Việt, là tiêu biểu cho nước Việt. (chính trị)
Câu 2 – Nhân dân trong nước sống sung túc, an lạc-yêu chuộng hòa bình.(kinh tế)
Câu 3 - Văn hóa chủ quyền quốc gia là tư tưởng chủ đạo của mọi người dân (văn hóa).
Câu 4 – Sẵn sàng bão vệ chủ quyền đó (quân sự)và và được tuyên bố rộng rãi chủ quyền đó trên trường quốc tế.
Như thế bài thơ này có khác gì một Tuyên ngôn độc lập, hay có thể nói rằng đây là bài Tuyên ngôn độc lập.
Vậy liệu bài thơ này, tuyên ngôn độc lập này có liên quan gì đến bản Tuyên ngôn độc lập NAM QUốC SƠN HÀ không?
Như lịch sử cho biết Lý Thường Kiệt (người cho đọc bài thơ thần trên sông Như Nguyệt) sinh năm 1019, sau Không Lộ 3 năm. Nghĩa là Lý Thường Kiệt và Không Lộ là người cùng thời. Khi trận Như Nguyệt xảy ra, lúc ấy Lý Thường kiệt 57 tuổi và Không Lộ 60 tuổi. Một bên là quan võ đầu triều, người kia là quốc sư, cả hai là lão thần của triều Lý. Là quốc sư không lẽ khi quốc gia nguy biến như vậy mà ông không hay biết hay sao, có thể ông cũng có mặt trong trận đánh này, bởi vì đây là trận đánh quyết định sự tồn vong của đất nước. Ngày nay tuy không có tư liệu nào nói đến sự tham gia của ông vào trận đánh này, nhưng với vai trò cố vấn cho triều đình, thì gián tiếp hay trực tiếp ông phải tham gia vào thời điểm lịch sử này và dĩ nhiên khi thời khắc bài Nam Quốc Sơn Hà được đọc lên chắc ông phải biết, thậm chí do ông đạo diễn cũng nên.
So sánh hai bài thơ : Nam Quốc sơn hà và Ngôn hoài.
Câu 1- Nam quốc sơn hà nam đế cư,
(Sông núi nước Nam vua Nam ở,)
Trạch đắc long xà địa khả cư,
(Chọn được đất thiêng để ở đời,)
Sông núi nước Nam vua Nam ở: Câu này khẳng định lãnh thổ của nước Nam, và thiết chế chính trị.
Chọn được đất thiêng để định đô: Kinh đô là chỗ ở của vua, là mảnh đất trung tâm chính trị của một đất nước, là tiêu biểu cho một quốc gia. Như đã nói ở trên rồng trong “ Thăng Long” là “rồng đất”, con rồng phương nam, con rồng đặc hữu của Việt Nam, mà đất của rồng phương nam thì vua nam ở, đó là điều tất nhiên. Rõ ràng câu này cũng để khẳng định chủ quyền về lãnh thổ và thiết chế chính trị.
Như vậy hai câu này hoàn toàn giống nhau về ý và cả cách hành văn nữa “Nam quốc sơn hà – trạch đắc long xà” “đế cư – khả cư”.
Câu 2 – Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
(Rành rành định phận tại sách trời.)
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
(Tình quê vui thú suốt ngày chơi )
Mới nghe qua, ta tưởng hai câu này khác nhau nhưng kỳ thật chúng giống nhau. Sao bảo là giống nhau?
Như ta biết, Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ là một văn bản thiêng liêng lúc bấy giờ, chắc chắn các nho sinh phải học tập nằm lòng, các quan triều Lý cũng không ngoại lệ. Trong Chiếu dời đô viết “trên kính mệnh trời,dưới theo ý dân”. Như vậy trong bài NQSH dùng vế trước, còn NH thì dùng vế sau của một câu, hai vế tuy khác nhau về ngôn từ nhưng ý chỉ là một. Vì “ trời cũng chính là dân và dân cũng chính là trời”. Nhưng khi ta dùng để nói với kẻ mệnh danh là “thiên triều” thì ta phải dùng trời mà trả lời, thế mới tương xứng. Câu này khẳng định lãnh thổ đó, thiết chế chính trị đó đã được công nhận bởi công lý thế giới.
Câu 3 – Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
(Nếu như quân giặc sang xâm phạm)
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
(Đúng thời lên thẳng non cao vút)
Câu này trong NQSH là cụ thể hóa ý “hữu thời”, chính vào lúc, khi giặc sang, ở đây nói xâm phạm là xâm phạm chủ quyền, xâm phạm “cô phong đỉnh” xâm phạm điều thiêng liêng nhất của một đất nước.
Hai câu này tuy câu chữ khác nhau, nhưng ý tứ liền lạc với nhau. Điều này dễ hiểu, vì bài NQSH nhằm mục đích đáp ứng cho nhu cầu chiến tranh tâm lý, đối tượng là số đông nên ngôn từ phải rõ ràng,dễ hiểu.
Câu 4 - Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Các ông sẽ thấy bại vong thôi.)
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
(Hét một tiếng vang lạnh cả trời.)
Câu kết này tuy nặng nhẹ khác nhau, nhưng cũng có ý như nhau. NQSH thì nói thẳng quân giặc sẽ thấy thất bại, còn NH thì làm cho quân thù nghe mà ớn lạnh, khiếp vía, kinh hồn.
Như vậy chúng ta thấy liên quan đến hai bài thơ có những giống nhau sau đây:
Về con người :
- Cả hai đều quan đầu triều (nếu ta xem quốc sư như một chức quan hay tương đương)
- Cả hai cùng tham gia trận đánh.
Về bài thơ :
- Cùng được viết trong một thời đại.
- Cùng chuyên chở một thông điệp.
- Cùng giống ý trong từng câu.
- Cùng vận (cư) và lối hành văn.
Chỉ có một điều khác duy nhất đó là một người là tác giả một trong hai bài thơ, còn người kia chỉ là người cho đọc bài thơ, chứ không phải là tác giả.
Với những phân tích và so sánh trên ta có thể nói rằng bài thơ này chính là anh em sinh đôi của bài kia, mà một trong hai có khai sinh rõ ràng, thì người anh em kia chắc phải là cùng một mẹ. Hay nói khác bài NQSH là chiếc bóng của bài NH, do đó Không Lộ có thể là tác giả bài thơ này, hay chính là tác giả bài thơ này,bài Nam Quốc Sơn Hà – Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta .
Nhưng điều mà ai cũng biết: Cả hai bài thơ trên đều thoát thai từ Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ - từ Hoa Lư về Thăng Long - năm Canh Tuất - 1010.
-------
Tham khảo
1 – Đại Việt Sử Kí toàn thư-NXB Văn Hóa-Thông tin-C1-tr 428.
2 - (Việt điện u linh (1329)- Lý Tế Xuyên. Bản dịch. NXB Văn học, H.1972, tr 70-71)
3 - (Lĩnh Nam chích quái - Vũ Quỳnh - Kiều Phú. Bản dịch, NXB Văn hoá, H, 1990, tr. 83-84).
Về ngày tháng trong LNCQ có nhiều sai khác giữa các bản, ngày 2/10,23/10, Việt sử diễn âm 15/12 ở đây chỉ luận theo văn bản đã trích.
4 - Bài thơ của Lý Tường là một bài thơ có nhiều khiếm khuyết :
A-Ngay câu đầu cách dùng từ đã khiên cưõng. “Tuyển” nội hàm ngữ nghĩa của từ này có nghĩa là chọn, nhưng mà chọn một trong số những cái đẹp, hay, tốt có sẵn. Như tuyển tập văn học,tuyển sinh, tuyển thủ, tuyển phi. Chứ chẳng thấy ở đâu nói tuyển cư, tuyển thổ. Hay nói khác hơn từ “tuyển” đi sau nó là những từ thuộc về con người hay sản phẩm của con người và có nghĩa tốt.
B-Tự hai chữ “u cư” đã bao hàm nghĩa của “dã” rồi nên nói “u cư hợp dã tình” là thừa. Hơn nữa “dã tình” đâu phải tính chất cố hữu của con người mà hợp. Do đó câu này bị lủng củng.
C-Câu thứ tư “nguyệt hạ, phi vân” cách dùng từ như thế này không phù hợp với trật tự tư duy. Ba câu trước là những câu hoàn chỉnh, không ngắt quãng sao bỗng dưng câu này lại ngắt ra. Lại thêm hai từ ghép đi liền với nhau, không đối xứng mà lại đối nghịch nhau, trăng với mây đi liền nhau đáng ra phải viết là nguyệt hạ, vân nhàn, hay nguyệt hạ vân… mới phù hợp với quy tắc ngôn ngữ, như tuyết tán, vân phi. Hay trong tiếng Việt ta thường nói kính trên, nhường dưới, nhà tan, cửa nát, mâm cao, cỗ đầy. Ai lại nói kính trên, dưới nhường, nhà tan, nát cửa, mâm cao đầy cỗ bao giờ.Rõ ràng bài thơ này chẳng có ông Lý Tường nào làm cả, mà sửa từ một bài khác mới ra nông nỗi ấy.Cụ thể là sửa từ bài Ngôn hoài của Không Lộ, chứ không thể ngược lại được. chuyện này không phải chỉ riêng bài Ngôn hoài mà thôi, mà còn nhiều bài khác nữa, như bài Xuân nhật tức sự của Huyền Quang chẳng hạn. Rõ ràng đây là một chính sách nhất quán của các triều đại của Trung Hoa chứ không riêng một thời nào.
D- Sẽ có người nói “Nhưng mà về văn bản học, thì bài thơ này có từ đời Đường cơ mà”. Ngàn năm trước, thì việc thêm vào lấy ra một bài thơ có khó gì. Còn có điều lạ nữa là, chuyện trùng thơ này chủ yếu chỉ xảy ra với các thiền sư, mà thiền sư nổi tiếng của VN mới lạ chứ! Lẽ nào trong chốn thiền môn ở VN lại tập hợp nhiều người đạo văn thế sao?
Đ-Trước đây tôi cũng có bài “Tuyên ngôn độc lập của một thiền sư” cũng viết theo lối suy nghĩ như thế, nay nghĩ lại thấy có lỗi với bậc tiền nhân quá.
5 – “Mấy điều tâm đắc về một thời đại văn học”- Thơ văn Lí – Trần tập 1 trang 41 – NXB Viện Văn học – Hà Nội – 1977.
6 - Xem bí ẩn của phong thuỷ, Vương Ngọc Đức chủ biên, Trần Đình Hiến dịch, nxb Văn Hoá Thông Tin 1996.
7 - Kinh Dịch: Đạo của người Quân tử - Nguyễn Hiến Lê, Hệ từ truyện – thiên hạ - chương 5, tiết 3 trang 483 nxb văn hoá tb 1994.
8 – Nhị Thập tứ sử - Hán Thư - Truyện Dương Hùng cuốn 1 tr 2243.(thư viện Hán Nôm – HV-488) Dương Hùng thượng truyện, đệ ngũ thập thất thượng, 2234 Thương vụ ấn thư quán – Túc Ân bách nạp bổn – Nhị thập tứ sử .
9- Thường ta dịch câu “ Long bàn, hổ cứ” là “ Rồng chầu, hổ phục” (tỉnh). Tuy nhiên xét việc dời đô là sự chuyển đổi (động) nên ở đây dịch là “ rồng sinh, hổ sống”. “Bàn” là địa bàn là nơi hoạt động, sinh hoạt, “long bàn” là nơi sinh hoạt của rồng. Ý nói rằng nơi đây có thể phát triển triều chính, chế độ. “Cứ” là căn cứ , là nơi sinh hoạt, huấn luyện, “hổ cứ” là nơi sinh hoạt và huyến luyện hổ. Ý nói nơi đây thuận tiện huấn luyện quân đội. có chính thể vững mạnh, có quân đội hùng hậu mới bảo vệ được giang sơn xã tắc chứ, chính vì vậy nên mới quyết định dời đô.
10– Câu này có thể xuất phát từ câu “ Trạch thiên địa khu vực chi trung, đắc long bàn hổ cứ chi thế” trong “Chiếu đời đô” cho dù hai chữ “trạch” khác nhau. Rồng biến thể từ rắn là đặc hữu của VN. Đây cũng có thể là một yếu tố cho thấy Kinh dịch có thể là của Việt Nam như có người đã nghiên cứu và đề nghị.
Viên Như