Tượng vua Trần Nhân Tông cao 3m, rộng 1,6m, nặng 2 tấn - nguồn:Internet
“Đắc ý trong lòng. Cười riêng ha hả” là hai câu trong Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca (Thơ văn Lý Trần, Viện Văn học, 1989) của Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, một con người biết cốt tủy đạo Phật là gì và sống trọn vẹn đạo Phật ấy.
Bài ca gồm 88 câu, được bắt đầu bằng:
Sinh có thân người
Ấy là họa cả
Ai hay biết được
Mới gọi là đã
Ta lại xá ta
Đắc ý trong lòng
Cười riêng ha hả.
“Sinh có thân người” là lọt vào trong vòng sinh già bệnh chết. Hơn nữa, vì cái thân này, sự tồn tại của nó, sự phát triển của nó, lợi danh của nó, nó có thể gây ra những khổ đau cho người chung quanh. Thân này là họa, và cái tâm chỉ biết quy hướng về thân này như là trung tâm, cả hai đã tạo ra khổ đau cho mình và cho người. Thường trực mắc kẹt trong thân tâm này, cuộc sống chỉ giới hạn trong “cái ta và cái của ta”, là tai họa. Họa cho chính mình: tự giam trong một “cái ta và cái của ta” vô thường và nhỏ hẹp. Họa cho người khác: vì “cái ta và cái của ta” mà có thể gây tổn thương thậm chí làm hại người khác.
Chỉ cần “biết được” thực chất của cái thân này, “cái ta và cái của ta” này, tức thì giải thoát, giác ngộ. Biết sự thực của cái ta này, tức là cái ta vọng tưởng này bèn tự xa lìa [ta lại xá (xa, bỏ) ta], rơi rụng, và do đó mà có sự hân hoan của giải thoát. Giải thoát khỏi những trái núi vọng tưởng đè nặng lâu nay:
Đắc ý trong lòng
Cười riêng ha hả.
Biết được cái giả mà bấy lâu nay cứ tưởng thật, để tạo thành những che chướng (phiền não chướng và sở tri chướng) che lấp mình và gây khổ cho người. Biết được cái lâu nay cai trị mình, gây khổ đau cho mình, trói buộc mình, cái ấy là giả, như “hoa đốm giữa không trung”. Và hơn nữa, sự cực nhọc để thoát khỏi, nỗ lực để giải thoát khỏi cái giả ấy cũng là giả nốt, như “trông chờ hoa đốm giữa không trung kết thành trái”. Biết cái giả cùng những hậu họa của nó, bèn cười. Một cái cười cho suốt cả tương lai.
Nhưng biết cái giả cũng có khi khóc, khi nhìn lại quá khứ mê lầm hư vọng của mình:
Ai ai xá biết
Bằng huyễn chiêm bao
Xảy tỉnh giấc hòe
Châu rơi lã chã
Mới hay thân huyễn
Chẳng khác phù vân
Vạn sự giai không
Tựa dường bọt bể.
Nhưng biết cái giả, còn cái thật thì sao? Đâu phải giả là không có gì hết? Cái giả đã được biết, cái thật muôn đời liền lộ bày. Hay ngược lại cũng thế, cái thật lộ bày thì mọi cái giả đều rơi rụng:
Pháp thân thường trụ
Phổ mãn thái hư
Hiển hách mục tiền
Viên dung lõa lõa.
Từ nay cái Pháp thân thường trụ thường ở trước mắt (mục tiền) lồ lộ tròn đầy trùm khắp (viên dung lõa lõa). Từ nay khắp cả vũ trụ là niềm vui, mọi hành động là niềm vui, dù là “bố thí thân thể”, “bữa đói bữa no”. Một khi đã an trụ, đã sống trong Pháp thân, đã an thân lập mệnh trong đó thì mọi hoạt động đều là niềm vui, dù đó là những việc là thế gian cho là khó làm. Mọi cái thế gian cho là “khổ hạnh” đều là “biến hóa”, đều là vui chơi:
An thân lập mệnh
Thời tiết nhân duyên
Cắt thịt phân cho
Dầu là chim cá
Thân này chẳng quản
Bữa đói bữa no
Địa thủy hỏa phong
Dầu là biến hóa.
Từ nay mọi hoạt động của thân khẩu ý đều lưu xuất từ Pháp thân, từ bản tánh của tự tâm vô tướng, từ trí huệ và từ bi hợp nhất, do đó cuộc đời thường nhật là Niết-bàn, là Tịnh độ. Đó cũng là ý nghĩa “thần thông diệu dụng”, hay “Thành sở tác trí” của Phật giáo.
Vượn rừng hủ hỉ
Làm bạn cùng ta
Vắng vẻ ngàn kia
Thân lòng hỷ xả
Thanh nhàn vô sự
Quét tước đài hoa
Thờ phụng Bụt trời
Đêm ngày hương hỏa
Tụng kinh niệm Bụt
Chúc thánh khẩn cầu
Tam hữu tứ ân
Ta nguyền được trả.
Giải thoát là rũ bỏ mọi chủ thể và đối tượng. Sự rũ bỏ này đến một cách tự nhiên từ Trí huệ Bát nhã thấu suốt tánh Không. Dùng thuật ngữ khác, đến từ tánh giác:
Niềm lòng vằng vặc
Giác tánh thanh quang
Chẳng còn bỉ thử
Tranh nhân chấp ngã.
Trần duyên rũ hết
Thị phi chẳng hề
Rèn một tấm lòng
Đêm ngày đon đả.
Ngồi trong trần thế
Chẳng quản sự thay
Vẳng vẳng ngoài kia
Dầu lòng thong thả.
Học đòi chư Phật
Cho được viên thành
Xướng khúc vô sanh
Am thiền tiêu sái.
Đời sống Thiền hay đời sống tinh túy ấy của Phật giáo là do con đường của Thiền: sự chỉ thẳng, đưa vào Thực Tại, trực tiếp thấy Thực Tại (thấy Tánh). Sau đó là liên tục sống trong Thực Tại ấy. Con đường đó bắt đầu bằng con đường thấy (kiến đạo) và chứng nghiệm được thật tánh của sanh tử là Niết-bàn, chuyển thức thành Trí, “trúc hóa nên rồng”:
Thiền tông chỉ thị
Mục kích đạo tồn
Không cốc truyền thanh
Âm hưởng ứng dã.
Thiền là cái thấy đúng, thấy như thực (chánh kiến), thay vì cái thấy hư giả, ảo ảnh, “vờ vịt”, điên đảo của tâm thức mê lầm:
Trúc hóa nên rồng
Một hai là họa.
Bởi lòng vờ vịt
Trỏ Bắc làm Nam
Nhất chỉ đầu Thiền
Sát na hết cả.
Sống trong thực tại, đời sống đích thực, trong “thực tướng của tất cả các pháp”, chính là đời sống giải thoát, giác ngộ ngay tại thế gian:
Cảnh tịch, sống an, tự tại tâm
Mát trong gió thổi bóng cây thông
Dưới gối giường thiền kinh một quyển
Thanh nhàn hai chữ, hơn muôn vàng.
Mặc dầu được viết theo thể thơ, có vẻ cảm hứng và phóng túng, bài ca vẫn theo một trật tự rõ ràng. Đó là Bốn diệu đế. Đầu tiên là Khổ đế: Đã có sinh ra, “ấy là họa cả”. Tập đế là: “có thân người” mà vì vô minh, không biết đó là “thân huyễn, chẳng khác phù vân, vạn sự giai không, tựa dường bọt bể”. Diệt đế là “tánh giác thanh quang, chẳng còn bỉ thử”, là “Pháp thân thường trụ, hiển hách mục tiền”, vì trong Pháp thân thì không có sanh tử. Cuối cùng Đạo đế, con đường để đi đến đó, là con đường Thiền: “Nhất chỉ đầu Thiền. Sát na hết cả”.
Đời sống ‘chuyển tất cả sanh tử thành Niết-bàn’ này là sự thành tựu trong một đời của vua Trần Nhân Tông. Trong ý nghĩa này, ngài không phải chỉ làm vua trong một giai đoạn ngắn ngủi mà vinh quang của lịch sử Việt Nam, mà là vua của Pháp, của con đường giải thoát và giác ngộ. Như thế ngài là vua của muôn đời vì đó là con đường mà các bậc giải thoát giác ngộ đã từng đi trong quá khứ và sẽ đi trong tương lai cho đến ngày nào “thế gian trống rỗng”. Con đường đó sẽ còn mãi cho đến ngày nào còn có chúng sanh, còn có khổ đau hiện diện.
Ngày nay, khi học tập đạo thoát khổ, diệt khổ, chúng ta cũng vẫn đang đi trên con đường ấy. Mặc dù bề ngoài, mọi sự có thể đổi thay, nhưng con đường “hướng thượng nhất lộ” ấy chỉ có một, chỉ là một. Tham sân và vô minh của chúng ta có thể khác, có thể biến tướng, có thể nặng nề hơn nhưng vẫn là tham sân và vô minh, nguồn gốc của mọi khổ đau. Và giải thoát, giác ngộ cũng chỉ có một, Một Vị, như từ xưa đến nay vẫn thế.
Nguyễn Thế Đăng
(tuvienhuequang.com)