Chùa Tổ
Có một sư em nhìn tôi cười hoài khi nghe tôi cứ xuýt xoa hoài “Chùa Tổ khi mô cũng đẹp!”, vậy mà tôi cũng vẫn cứ xuýt xoa…Đôi khi tôi cứ ưa nói ra những cảm nhận của riêng mình mà chẳng quan tâm coi người khác có chấp nhận nó hay không? Vậy rồi cuộc đời cứ tạo ra rắc rối… Chùa Tổ lúc nào cũng đẹp, mùa xuân cũng đẹp, mùa thu cũng đẹp, mùa đông và mùa hạ cũng đẹp. Ngõ ngách nào cũng đẹp, những góc nhỏ đơn sơ, những nét mộc mạc, những vẻ tự nhiên…đâu quanh chùa Tổ cũng tìm thấy được. Tôi đi loanh quanh nên cũng dễ hiểu là lúc nào về cũng thấy chùa Tổ đẹp. Mà tôi nghĩ những người ở chùa Tổ cũng thấy chùa Tổ đẹp, có thể thấy kỹ hơn tôi nữa là khác. Chùa Tổ bây giờ còn đẹp hơn khi ở vườn tháp có một ngôi tháp mới, một ngôi tháp gần gũi thân thương với tất cả những ai đang ở chùa Tổ và những ai đi loanh quanh chưa về được chùa Tổ. Có những cái lu bể, chậu bể nằm rải rác đây đó quanh chùa Tổ, không phải là những thứ bỏ đi đâu, là những cái đẹp đó. Nhờ những bàn tay và tâm hồn nghệ sĩ, đã yêu thương chùa Tổ thật nhiều nên những cái chậu bể, những cái lu bể, những gốc cây sù sì, những phiến đá ghồ ghề được đặt nằm ở những vị trí thích hợp nên có duyên vô cùng… Đôi khi mình tưởng rằng những hư hoại tan thương, những khổ đau trong cuộc đời khiến mình thấy gai gai và… ưa bỏ đi quách cho rồi, nhưng nếu ai lên chùa Tổ một lần sẽ phải thay đổi cái nhìn đó và thấy rằng nếu mình có bàn tay ân cần, nếu mình có trái tim yêu thương thì mình sẽ biết đặt những khó khăn đau khổ ở đâu đó trong những ngổn ngang tâm sự để nó trở thành nét duyên, nét đẹp và có thể trở thành yếu tố nuôi dưỡng lại chính mình.
Sư Thúc
Ở vườn tháp chùa Tổ có một ngôi tháp mới, ngôi tháp mới nằm giữa vườn Thanh Lương và vườn Sum Họp. Không biết tôi có phải là người thích ma không mà cứ ưa lang thang quanh vườn tháp và các ngôi mộ thái giám mỗi khi có dịp về chùa Tổ. Rõ là tôi lẩn thẩn rồi, tôi không phải thích ma mà là thích các Tổ Sư đó thôi. Tôi thích nhất là ngôi tháp mới, tôi thấy gần gũi nhất là ngôi tháp mới. Hễ có chút thì giờ rảnh là tôi cứ lò dò đi về hướng đó, chắc là Sư Thúc gọi.
Ở chùa Tổ có thiền đường Trăng Rằm nằm gần thất Lắng Nghe. Sư Thúc thường đi từ thất Lắng Nghe xuống hành lang đối diện Tăng xá rồi đi quanh một vòng, hỏi lớn “Con đó à? về khi mô?” và dẫn anh em tôi đi quanh chùa Tổ. Lần này tôi cũng đi về hành lang đối diện Tăng xá, lắng nghe tiếng Sư Thúc gọi rồi đi về phía tháp. Tôi thích gọi tháp Sư Thúc là tháp Trăng Sao. Giữa biển trời bao la, giữa núi đồi tươi nhuận, thì trăng sao không sáng tỏ là gì? Thầy cũng đã viết cho Sư Thúc đó thôi:
Thanh lương hải nguyệt sinh Trừng Tuệ
Chí nguyện sơn đầu thịnh Mậu xuân
Khi mình thương một ai đó thì mình hay gọi đó là người thương. Tôi có nhiều người thương và tôi hay ưa gần gũi những người đó. Có lần trong lòng bất an quá, tôi muốn được khóc to lên...nhưng tôi không khóc được, chắc có lẽ cũng do cái mặc cảm con trai mà khóc là…không được rồi. Ơ mà tại sao con trai khóc lại bị đặt vấn đề chớ, con trai cũng là con người mà, con người thì có quyền sống thật với cảm xúc của mình chứ, dĩ nhiên ý tôi là không có khóc lóc um sùm. Tôi ngồi xuống cạnh sư anh trong một buổi pháp thoại của Thầy, chẳng nói năng chi cả, chẳng chia sẻ tâm sự chi hết, ngồi đó nghe Thầy nói pháp và lắng nghe những tâm hành nhúc nhích cựa quậy trong lòng. Sư anh có năng lượng bình an thật hùng hậu, tôi ngồi đó biết rằng tôi sẽ được sư anh “an cho cái tâm”. Đôi khi mình chỉ cần ngồi yên lặng bên cạnh người thương của mình như vậy thôi là đầy đủ tất cả rồi, đâu cần phải nói năng chi! Ngồi ở tháp Trăng Sao cũng vậy đó, tôi chỉ cần ngồi yên bên Sư Thúc vậy thôi, là thấy đầy đủ tất cả rồi! Sư Thúc làm sao mà mất đi cho được!
Nguyệt Nhi
Tôi thích cái tên Nguyệt Nhi mà cũng thích cái tên Nguyệt Nghiêm. Sư em Nguyệt Nghiêm là sư út của gia đình Trầm Hương. Ngày mồng ba tháng ba vừa rồi sư em và gia đình Trầm Hương tròn 3 tuổi. Tôi có nhiều sư em là sư bé, là baby monk, baby nun, là các sư cô sư chú dưới 18 tuổi. Các sư bé thông minh, sáng sủa, dễ thương và cũng “tưng bừng”. Nguyệt Nghiêm là một sư bé nhưng không “tưng bừng” lắm. Nguyệt Nghiêm làm thơ, làm nhạc, hát và viết văn. Nguyệt Nghiêm đang ở ni xá Diệu Trạm, bên cạnh chùa Tổ. Tôi thích các sư bé là các sư bé mãi, không lớn lên, không già đi, không đánh mất tiếng cười hồn nhiên, không ưu tư sầu khổ. Gặp lại sư bé Pháp Khoa, cũng là sư út gia đình Trầm Hương, cao hơn tôi cái đầu, sắp sửa làm y chỉ đệ của ngài Hộ Pháp, là tôi biết rằng cái thích của tôi vô minh hết sức, chẳng dựa vào ý thức vô thường một tí tẹo nào cả! Tôi đành…sung sướng một cách…ngậm ngùi nhìn các sư bé lớn lên! Nhưng tôi cũng muốn vớt vát cho cái thích vô minh của mình rằng có cái gì đó trong con người thật ra chẳng cần phải lớn! Nguyễn Danh Lam cũng chẳng nói như vậy là gì:
Ta cần em như cần một vầng trăng
Lung linh sáng trên những toà cao ốc
Một chú sẻ nâu
Hót mỗi sớm trên những giàn cốt sắt
Ta cần em
Trái Đất cần các em
Như những thiên thần
Như niềm cứu rỗi!
Vậy đó, có những thứ chẳng cần phải thay đổi mới đẹp, có những điều nếu mình gìn giữ được thì cuộc đời này sẽ thăng hoa biết bao, phải không các sư bé, phải không Nguyệt Nhi? Thiên thần thì không bao giờ phải già, thiên thần thì không bao giờ bỏ cuộc, thiên thần thì lúc nào cũng vui, lúc nào cũng tươi, vì thiên thần thì mãi mãi thuộc về bao la!
Pháp Ngôn
Có một người đã từng là sư bé, cũng đã từng là thiên thần, và là “thiên thần em”. Sư em Pháp Ngôn không phải là người Huế, nên sư em nói “Huế chi mà ướt át quá!”. Không biết sư em nói ướt át với nghĩa chi nữa, mưa Huế làm cho ướt át, hay vì mưa mà Huế ướt át, hay là Huế ướt át vì ảnh hưởng mưa, hay chung qui cũng là người Huế ướt át…? Vậy mà tôi lại nghĩ rằng sư em đã thương Huế rồi, sư em thương chùa Tổ rồi. Hồi trước sư em vẫn muốn về chùa Tổ lúc còn ở Bát Nhã, tôi vẫn nhớ những câu chuyện nho nhỏ sư em kể về chùa Tổ và anh em chùa Tổ. Bây giờ sư em nói chuyện cũng giống người Huế rồi, không biết sư em có thấy như vậy không? Đoá sen trong lòng sư em đang toả sáng đó thôi một khi sư em đang tự mình dùng bùn để nuôi sen. Chùa Tổ đang vét hồ, hồ Sao Mai, không biết mấy bông súng tím có được anh em đem qua một góc hồ không. Mùa này mà súng tím đã bắt đầu nở rồi, đẹp lắm. Pháp Ngôn thương chùa Tổ là phải. Súng tím ở hồ Sao Hôm, Sao Mai nở tròn đẹp thắm tươi cũng do ở đó có bùn, có nước, và cũng do tình thương của anh em chùa Tổ mà.
Hoa Đất
Thay vì quán niệm “thân này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào nơi thân ấy”, thì tôi đang lầm bầm “bài viết này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào bài viết này”. Tôi đã lỡ hứa là không viết báo, nghĩa là không viết để đăng báo. Vậy đó mà “trời xui đất khiến” sao lại cứ rơi vô nhóm làm báo mãi. Dù như vậy tôi cũng không thể không giữ lời hứa, thành ra viết mà như không viết, cho nên tôi mới lầm bầm “bài viết này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào bài viết này”! Đất Mẹ an lành và sản sinh, nuôi dưỡng không biết bao nhiêu là loài hoa, hoa nào cũng đẹp, đã là hoa thì là đẹp. Vẻ đẹp không cần phải dựa trên một tiêu chuẩn kích thước nào. Những nét riêng, dù đơn sơ, giản dị, mộc mạc tới đâu cũng là đẹp cho nên có không ít người thích vẻ đẹp đơn sơ. Đất chùa Tổ có nhiều hoa, có những thứ không phải hoa nhưng tôi cũng cho đó là hoa, cho nên cái gì cũng đẹp. Một bông hoa me đất nhỏ tim tím, một cành lá vươn ra che mát một khoảng hồ, một đám cỏ dại xanh mượt bên gốc thiên tuế ở vườn Tào Khê, cây chổi dựng cạnh gốc thông già, súng tím, nắng trưa, và lá rơi nhẹ nhàng trong buổi thiền hành,…và tháp Trăng Sao, và những tấm lòng,…tất cả đều là hoa và sẽ làm ra những bông hoa và tất cả đều đẹp!
Chân Nghiêm