Bát Chánh Đạo Bến Bờ An Lạc

image

Con đường giải thoát - Sự thật thứ tư

         Sự thật mầu nhiệm thứ tư là đạo đế (magga). Tức là con đường chấm dứt mọi khổ đau hay là con đường giải thoát. Trong kinh Bụt có nói tới ‘ba mươi bảy phẩn trợ đạo’ nghĩa là nâng đỡ trong sự thực tập, gồm có: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần và Bát thánh đạo phần. Bụt cũng nói tới vô lượng pháp môn, và ý niệm ‘tám mươi bốn ngàn pháp môn’ là con số tượng trưng, là phương tiện để học hỏi và thực hành. Đạo là con đường như hơi thở ý thức, bước chân thiền hành, thiền tọa, lạy Bụt, ăn cơm chánh niệm...

        Đạo Bụt có rất nhiều con đường thực tập nhưng đường nào cũng phải có công năng chấm dứt nguyên nhân gây ra đau khổ, chuyển hóa thành an lạc. Khổ đau có nhiều loại: tâm lý, sinh lý, nghèo đói, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, giận hờn, si mê, sinh, lão, bệnh và tử, cho nên con đường thực tập trong đạo Bụt phải có công năng đối trị với những vấn đề đang xảy ra để giải tỏa và chuyển hóa chúng. Một trong những con đường tu tập thông dụng nhất là bát chánh đạo nghĩa là tám sự hành trì chân chánh. Cũng có khi được gọi là bát thánh đạo, nghĩa là tám con đường đi vào cõi thánh, gồm có: nhận thức chân chánh, tư duy chân chánh, ngôn ngữ chân chánh, hành động chân chánh, sinh kế chân chánh, chuyên cần chân chánh, niệm lực chân chánh, định lực chân chánh.

      Sao gọi là chánh đạo? Sở dĩ gọi là chánh đạo vì con đường này không phải là con đường trốn tránh khổ đau mà đối diện trực tiếp để chuyển hóa nó. Bát chánh đạo là con đường của sự sống tỉnh thức. Cho nên chánh niệm là khởi điểm. Có chánh niệm thì sẽ có chánh định, nghĩa là định lực có tác dụng đưa tới trí tuệ. Nhờ có niệm lực và định lực chân thật thì nhận thức, tư duy, ngôn từ, hành động, nghề nghiệp và sự chuyên cần cũng sẽ đi vào nẻo chánh. Trí tuệ phát sinh sẽ giải thoát cho ta tất cả mọi ràng buộc phiền não và làm phát sinh trong ta nguồn an lạc chân chánh.

        Bát chánh đạo còn là con đường trung đạo, tránh thoát hai thái cực: một là lao mình vào khoái lạc, tham đắm và say mê; hai là hành hạ thân xác cho hao mòn, kiệt quệ. Cả hai thái cực đều đưa tới sự tàn phá, hủy hoại thân tâm. Bát chánh đạo có tính cách thiết thực nghĩa là phải có kinh nghiệm trong đời sống thực tập. Thế nào là sống chánh niệm? Sống chánh niệm là có mặt trong giờ phút hiện tại để tiếp xúc với những mầu nhiệm như trời xanh, mây bạc, chim hót, thông reo. Ta phải thực nghiệm về lời nói ái ngữ với những người thân yêu. Ta thực tập đưa dòng tư duy đi về nẻo đường lành mạnh, hòa giải và tươi sáng. Bát chánh đạo là giáo lý nhập thế, bởi vì nó dạy cho tất cả mọi người trong gia đình, ngoài xã hội cách sống tỉnh thức. Nhờ thế, mỗi người biết nói năng xây dựng, suy nghĩ lành mạnh, sống chung hòa nhã…

          Bây giờ, ta sẽ đi vào từng chi phần của bát chánh đạo để tìm ra con đường cụ thể, thiết thực trong đời sống hàng ngày.

 

Con mắt trí tuệ - Chánh Kiến 

 

        Trong kinh thỉnh thoảng Bụt hoặc các thầy có nói tới thế nào là chánh kiến. Kinh Thánh Đạo nói: “Chánh kiến là có bố thí, có cúng dường, có cha có mẹ, các vị sa môn, bà la môn, có người tu học thành công, có sự tu hành để chứng đạt được trong đời này.” Như vậy, chánh kiến là niềm tin nơi bố thí, cúng dường, cha mẹ, sa môn, người tu thành công, sự tu hành chứng đạt trong đời này. Nhờ niềm tin đó, ta mới có phương hướng hành động. Bố thí là giúp đỡ và thương tưởng tới sự an vui và hạnh phúc của mọi người. Ta chia sẻ đời sống vật chất, tiền bạc, thì giờ và năng lượng với người khác, nhờ thế trái tim ta mở lớn ra, độ lượng và nhẹ nhàng hơn nên ta cảm thấy thương yêu cuộc đời này thiết tha. Trái lại, nếu sống với tâm tư bỏn xẻn, ích kỷ và tham lam thì trái tim sẽ teo lại như hạt đậu. Ta trở nên lạnh lùng như băng giá, sống dửng dưng với những gì đau khổ, nghèo đói và bất công. Cách sống ấy cốt chỉ đem lại cô đơn, lạc loài và sợ hãi trong trái tim.

        Ý thức ta đang có cha mẹ và gia đình là một niềm hạnh phúc lớn lao, quan trọng và thiết yếu. Ta sẽ được nuôi dưỡng bởi tình yêu thương của cha mẹ và cảm thấy ấm áp cõi lòng được sống trong gia đình. Ta sẽ không trở thành ma đói, đi lang thang đầu đường cuối chợ mà có gốc rễ nơi gia đình huyết thống. Tình thương của cha mẹ và anh chị em tạo thành sức mạnh tâm linh làm tư lương để đối phó với những thử thách và khó khăn trong cuộc đời. 

       Chánh kiến là tin nơi Bụt, Pháp, Tăng, giới luật và uy nghi. Bụt, Pháp và Tăng là ba viên ngọc quí, có sẵn trong tâm hồn của mỗi người. Bụt là khả năng thương yêu và hiểu biết nơi tự thân. Bụt là ánh sáng nội tâm, có thể thấy biết rành rành mọi hiện tượng đang xảy ra. Pháp là nếp sống với con đường sáng ngời, có thể chế tác và nuôi dưỡng tình thương và sự hiểu biết ấy. Nhờ đó, ta sẽ không trở thành nạn nhân của hận thù, tàn bạo và si mê. Pháp còn giúp cho ta tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm, nếm được niềm vui, hạnh phúc và nhận diện rõ nguồn gốc của khổ đau mà chuyển hóa. Tăng là đoàn thể tu học, trong đó mọi người cùng nhau thực tập nghệ thuật sống vui, tỉnh thức, hiểu biết và bao dung. 

       Chánh kiến là cái thấy về thiện ác, về nhân quả, nhờ vậy ta cẩn thận không làm những điều ác và nhớ làm những việc lành. Ta không đi về hướng cờ bạc, trộm cắp, tà dâm, lừa gạt, rượu chè, trác tán... Ta học cách bảo vệ hạnh phúc và an vui cho con người, bảo vệ sự sống của mọi loài chúng sanh. Ý thức rõ ràng gieo đậu sẽ hái đậu, làm lành sẽ có phúc, làm dữ sẽ đưa đến tai họa…

       Chánh kiến là nhìn rõ về bốn sự thật mầu nhiệm, nghĩa là đối diện với sợ hãi, lo âu, bất an, tuyệt vọng để làm quen và tìm hiểu. Nâng nỗi khổ lên để ôm vào hai bàn tay, vào lòng mà thẩm xét cho kỹ càng, thấu đáo. Khi nâng nỗi khổ hay bất cứ đối tượng nhận thức nào như đám mây, ngọn lá, tình yêu, giận hờn, lo âu, bệnh tật lên trong lòng hai bàn tay của chánh niệm thì ta sẽ có cơ hội nhìn lại cho rõ bản chất của nó. Ta thấy được thù hận, chia rẻ, tan thương của cả một dân tộc do chiến tranh gây ra, và nguyên nhân của nó là hiểu lầm, tranh dành ý thức hệ và tranh chấp quyền hành từ ngoại ban đưa vào. Nếu chấm dứt những nguyên nhân ấy thì chắc chắn chiến tranh không thể nào xảy ra trong tương lai. Đó là cái thấy chân chánh về bốn sự thật mầu nhiệm gọi là chánh kiến.          

        Chánh kiến còn có nghĩa là cái nhìn, cái thấy, ý kiến chính chân và xác thật. Chánh nghĩa là thẳng ngược lại với nó là tà, tức là nghiêng. Chữ ‘kiến’ trong Hán Việt có bộ mục nghĩa là con mắt để nhìn, để thấy. Nhìn thẳng thấy đúng gọi là chánh kiến; ngược lại nhìn sai thấy méo mó là tà kiến. Theo Duy Biểu học, kiến là chủ thể nhận thức, gọi cho đầy đủ là kiến phần. Nhận thức (tưởng) luôn luôn gồm có hai phần: kiến phần và tướng phần. Tướng phần là đối tượng nhận thức như bông hoa là đối tượng của cái thấy, tiếng gió là đối tượng của cái nghe, hương vị ly trà nóng là đối tượng của vị nếm… Như thế ta hiểu sâu hơn về chánh kiến tức là chủ thể nhận thức, đồng thời là bản chất của tâm thức, bởi vì tâm thức là nền tảng của ‘tưởng’ qua cách nhìn, cái nghe, tri giác, nhận biết. Tâm thức cũng gồm có kiến phần tức là tâm và tướng phần tức là mọi hiện tượng trong thế giới. Tâm thức ngay thẳng thì cái nhìn sẽ ngay thẳng. Tâm thức thương yêu thì cái nhìn thương yêu. Tâm thức nhẹ nhàng, thanh thoát thì sự sống, cách nghe, cách nói cũng sẽ nhẹ nhàng, thanh thản. Trái lại, tâm thức nặng nề, đau khổ, giận hờn, si mê thì cách nhìn, cái nghe và lối sống cũng sẽ nặng nề, chia rẻ, oán thù và khổ đau. Muốn có trí tuệ, muốn tâm thức trong sáng, nhẹ nhàng, thanh lương, ta phải thực tập sống tỉnh thức trong từng giây từng phút của đời sống hàng ngày. Ta phải biết thưởng thức bữa cơm ngon trong chánh niệm, an trú thật sự trong hiện pháp để nuôi lớn chánh định, thực tập thiền hành để sống sâu sắc với thiên nhiên và những gì mầu nhiệm đang có mặt trong giây phút hiện tại, theo dõi hơi thở thường xuyên để giữ gìn và hợp nhất tâm ý với thân thể.

       Trong kinh Trung Đạo Nhân Duyên, Tôn giả Tán Đà Ca Chiên Diên hỏi Bụt thế nào là chánh kiến? Và sau đây là lời của Đức Thế Tôn: ‘‘Người đời thường nghiêng về hai khuynh hướng nhận thức: một là có, hai là không. Đó là do vướng mắc vào tri giác sai lầm của mình. Vì vướng mắc vào tri giác sai lầm cho nên mới kẹt vào ý miện có hoặc ý niệm không. Tán Đà Ca Chiên Diên! Phần lớn người đời đều bị kẹt vào chấp và thủ. Người không bị kẹt vào chấp vàt thủ thì không còn nắm giữ, kết đạt và vọng tưởng về cái ngã nữa. Người ấy biết cái khổ khi có điều kiện phát sinh thì nó phát sinh, khi hết điều kiện tồn tại thì nó tiêu diệt. Người ấy không còn nghi hoặc gì nữa cả. Cái thấy của người ấy không bị ảnh hưởng của kẻ khác mà có, trái lại do chính người ấy tự đạt được. Cái thấy ấy gọi là chánh kiến. Đó là cách trình bày chánh kiến của Như Lai. Vì sao thế? Người có tri kiến chân chánh khi quán sát về sự sinh khởi của thế gian thì không thấy thế gian là không. Người có tri kiến chân chính thì khi quán sát về sự hoại diệt của thế gian thì không thấy thế gian là có. Tán Đà Ca Chiên Diên! Chấp có là một biên kiến, chấp không là một biên kiến khác; Như Lai lìa hai biên kiến đó mà thuyết pháp ở trung đạo. Nghĩa là cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia sinh…’’

      Theo cái nhìn của Bụt, chánh kiến là kinh nghiệm sống với cái thấy trực giác mà không qua trung gian của suy luận và khái niệm. Cảm thọ, tâm ý, suy tư này là vô thường; bầu trời thăm thẳm kia chuyển biến không hề gián đoạn, lúc thế này khi thế khác, và cả cái thấy của ta cũng thường xuyên thay đổi. Cái thấy này đến một cách nhanh chóng, mạnh mẽ và sáng suốt, do đó các ý niệm có tính chất cố thủ và vọng tưởng về các hiện tượng trong sự sống từ từ lung lay để mở ra một khung trời nhận thức mới.

       Tóm lại, chánh kiến là trí tuệ, là ánh sáng tâm linh, là nền tảng của tâm thức. Nó được nuôi dưỡng và làm bằng ánh sáng chánh niệm, tâm ý định tĩnh, tư duy lành mạnh, lời nói ái ngữ, hành động thương yêu và nghề nghiệp lương thiện.       

 

Suy tư lành mạnh - Chánh tư duy

 

        Tư duy là nguồn năng lượng, loại tư tưởng ngấm ngầm, vi tế, sâu xa trong tâm thức làm nền tảng cho phẩm chất của lời nói, bởi vậy nó là ‘tâm sở’ ảnh hưởng sâu đậm tới chủ thể nhận thức, tức là cái thấy, cái nhìn, sự phán đoán, sự nhận thức. Do đó, chánh tư duy là một phần của chánh kiến thuộc về lĩnh vực của tâm ý. Suy tư đúng đắn, trong sáng và cởi mở làm ra cái thấy đúng đắn, cởi mở và trong sáng. Ngược lại, suy tư sai lạc, chủ quan và cục bộ làm ra cái thấy sai lạc, chủ quan và cục bộ.

        Người em nọ nghĩ rằng anh của mình có tính tham lam, ích kỷ và thường lợi dụng sức lao động của mình, cho nên tâm của người em nẩy sinh ra năng lượng buồn giận, ganh ghét đối với anh mình và cứ muốn từ khước, tránh né người anh. Càng ngày liên hệ giữa anh em càng khó khăn, tạo ra biết bao nhiêu đau khổ cho cả đôi bên. Mỗi khi gặp mặt, anh em thường gây gỗ lớn tiếng với nhau. Trong trường hợp này, cả hai người phải ngồi xuống để tâm sự một cách cởi mở về cách nhìn, lối suy tư của mình đang có đối với người kia. Anh em phải học hạnh lắng nghe và nói lời hòa ái, người em nói thật lòng nổi buồn bực để cả hai có cơ hội thay đổi cách hành xử không đẹp với nhau, và người anh nên đối xử tử tế, rộng rãi và bao dung đối với em mình. Nhờ thế, người em sẽ từ từ thay đổi cách suy tư tiêu cực và chuyển hóa đi nhận thức sai lạc về mình, từ đó liên hệ anh em mới mở ra được cánh cửa cảm thông. Bởi vậy, truyền thông bằng phương pháp ái ngữ và hạnh lắng nghe là con đường hiệu nghiệm nhất giúp cho sự suy nghĩ càng ngày càng thêm nhẹ nhàng và trong sáng.

       Tư duy gồm có hai loại tầm (vitarka) tứ (vicara). ‘Tầm’ là mới bắt đầu suy nghĩ về một đối tượng nào đó ví như mẹ. Khuôn mặt, lời nói, cử chỉ và ánh mắt của mẹ xuất hiện trong tâm. Rồi từ đó, ta mới bắt đầu suy nghĩ miên mang về mẹ. Ta nhớ nhung, tạo tác hoặc suy diễn những gì về mẹ. Đó gọi là ‘tứ’. Loại suy tư này thường tạo ra thật nhiều tình cảm vui buồn, thương ghét, vương vấn đối với người đó. Nếu biết thực tập hơi thở ý thức, chiếu ánh sáng chánh niệm vào dòng suy nghĩ, ta có thể hướng dẫn lối suy tư này đi theo hướng lành mạnh, xây dựng, biết ơn, chấp nhận và bao dung, còn không thì nó rất dễ đi về phía đòi hỏi, trách móc, hờn dỗi. Cho nên suy tư trong sáng hay không đều thuộc vào những hạt giống ở trong tâm thức. Nếu tâm thức có thật nhiều hạt giống cởi mở, bao dung và hiểu biết thì dòng suy tư cũng hoạt động theo chiều hướng cởi mở, bao dung và hiểu biết. Ngược lại, nếu tâm thức có quá nhiều hạt giống hiểu lầm, trách móc và thù hận thì dòng suy tư sẽ biểu hiện ra như vậy. Tóm lại, sự thực tập là nuôi dưỡng và gieo trồng thật nhiều hạt giống lành mạnh vào đất tâm và đây là nghệ thuật thanh lọc dòng suy tư hữu hiệu nhất. Ta nhận diện để thấy rõ bộ mặt đích thực của suy tư mà không nên đồng lỏa với những gì sai lạc, chia rẽ, đam mê, đồng thời ta thực tập chú ý tới những gì hay ho, đẹp đẽ và dễ thương nơi người chung quanh để tưới tẩm thêm nhiều hạt giống tốt trong đất tâm.

        Chánh tư duy là thấy được bản chất vô thường, vô ngã, tương tức của mọi sự vật. Ta thấy ta là sự tiếp nối của cha mẹ, ông bà, tổ tiên và dòng họ. Những tài năng, sự thông minh, sự thành đạt của ta đều do cha mẹ, ông bà, tổ tiên trao truyền lại, do thế ta không có một chút tự hào hoặc có ý chê bai hoặc khinh thường những thế hệ đi trước. Mẹ không biết dùng máy vi tính, không biết nói tiếng Anh, bởi mẹ không có môi trường thuận tiện học hỏi, chứ không phải mẹ không có khả năng ấy. Kỳ thực, mẹ đã trao lại khả năng sinh ngữ và kỹ thuật sử dụng máy vi tính cho ta bằng con đường di truyền. Nếu mẹ không trao truyền khả năng ấy thì cho dầu có cố gắng học cách mấy đi nữa, ta cũng không có năng khiếu về sinh ngữ và kỹ thuật vi tính như thường. 

       Tính nết của sư chị quá khó vậy nên ta thường bực mình với sư chị. Ta không cảm thấy hạnh phúc mỗi khi phải tiếp xúc với sư chị. Nếu gặp mặt hay kề cận bên sư chị thì ta luôn cảm thấy lo sợ và bất an trong lòng, cho nên ta thường có khuynh hướng tránh né, làm ngơ hay lạnh lùng. Nhưng sau khi quán chiếu và biết một chút về quá khứ của sư chị, ta bắt đầu hiểu được con người của sư chị thật hơn. Thì ra, sư chị có rất nhiều mặt như vui buồn, thương ghét, khó khăn dễ dãi…, có lúc sư chị biểu hiện ra sự dễ thương, ngọt ngào của một người mẹ nhưng nhiều khi sư chị khó quá! Sở dĩ, sư chị khó như thế bởi vào thời thiếu nữ, sư chị đã đi ngang qua nhiều khó khăn, tủi nhục và cay đắng. Thấy được như thế, ta không còn hờn dỗi hay sợ hãi, mà trái lại con tim rung cảm bởi sự thương xót và chấp nhận đối với sư chị nhiều hơn. Ta thấy sư chị không phải là một cá thể riêng biệt mà có liên hệ sâu sắc với quá khứ, gia đình huyết thống, gia đình hôn phu, học đường và xã hội. Nếu ta sinh ra và lớn lên trong môi trường ấy thì chắc chắn đời ta cũng những đường nét thăng trầm như thế. Đó là chánh tư duy, vì nó được làm bằng chất liệu của sự hiểu biết (trí tuệ). 

       Thực tập được như thế, ta thường xuyên tưới tẩm những hạt giống lành mạnh, trong sáng, biết ơn, sự hiểu biết vào trong tâm thức, do đó tự nhiên dòng suy tư cũng như thế, bởi suy tư là tiếng nói từ trái tim cho nên mỗi khi phát ra thành lời thì ngôn ngữ cũng trở nên lành mạnh và trong sáng.  

 

Pháp Đăng