Nói đến các thế hệ là nói đến sự tiếp nối giữa người trước và người sau, giữa thầy và trò. Trong Phật giáo thường gọi là: kế đăng, pháp tự, pháp tử, đệ tử...
Việc kế thừa diễn ra dưới hai hình thức, một là kế thừa pháp, hai là kế thừa trụ trì. Người đệ tử sau khi đắc pháp với thầy có thể tùy duyên hành hóa mọi nơi không nhất thiết cứ phải ở nơi thầy tổ của mình. Còn người kế thừa trụ trì ngoài việc được thầy truyền pháp còn phải ở lại trông nom chốn tổ. Cũng có trường hợp không nhất thiết cứ phải là pháp tử mới được trụ trì.
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, việc truyền đăng chủ yếu ở hai phương pháp chính đó là phương pháp truyền đăng theo tư tưởng Thiền Tông và phương pháp truyền đăng theo tư tưởng Luật Tông. Phương pháp Thiền Tông hầu như được áp dụng ngay từ thời kỳ Phật giáo mới du nhập cho đến thế kỷ XIII. Phương pháp Luật Tông được thịnh hành bắt đầu từ Phật giáo thời Trần cho đến nay.
Truyền đăng theo phương pháp Thiền Tông đơn giản, ít hình thức hơn phương pháp Luật Tông. Nhưng phương pháp Luật Tông mang tính tập thể cao hơn so với Thiền Tông. Chính vì thế mối quan hệ giữa thầy với các đệ tử của hai phương pháp này có những đặc thù riêng.
Về các thế hệ trong dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, quả thật là một vấn đề khó. Đã có nhiều ý kiến khác nhau bàn về vấn đề này. Tài liệu nói đến các thế hệ truyền đăng của thiền phái này rất hiếm. Ngoài sơ đồ trong bài Lược dẫn thiền phái đồ in ở đầu sách Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục năm 1683 của Tỷ khiêu Tuệ Nguyên và cuốn Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục tự Trần chư tổ Lâm Tế - Tào Động quyển hạ (gọi tắt là Đại Nam thiền uyển kế đăng lục) của Hòa thượng Phúc Điền in khoảng năm 1859, hiện nay chúng ta chưa tìm thấy tài liệu nào khác.
Theo sơ đồ ở bài Lược dẫn thiền phái đồ thì Trúc Lâm (tức Trần Nhân Tông) nối pháp của Tuệ Trung, thuộc thế hệ thứ 6, người đứng đầu của chi này là Cư sĩ Thông Thiền.
Sơ đồ như sau(1):
1. Thông Thiền
2. Tức Lự
3. ứng Thuận
4. Tiêu Dao
5. Tuệ Trung
6. Trúc Lâm
7. Pháp Loa
8. Huyền Quang.
Theo Đại Nam thiền uyển kế đăng lục thì Điều Ngự (tức Trần Nhân Tông) nối pháp của Thiền sư Huệ Tuệ, cũng thuộc thế hệ thứ 6, người đứng đầu chi này là Thiền sư Hiện Quang.
Sơ đồ như sau(2):
1. Hiện Quang
2. Viên Chứng
3. Đại Đăng
4. Tiêu Dao
5. Huệ Tuệ
6. Điều Ngự (Trần Nhân Tông)
7. Pháp Loa
8. Huyền Quang
9. An Tâm
10. Tĩnh Lự Phù Vân
11. Vô Trước
12. Quốc Nhất
13. Viên Minh
14. Đạo Huệ
15. Viên Ngộ
16. Tổng Trì
17. Tam Tạng Khuê Thám
18. Sơn Đằng
19. Hương Sơn
20. Trí Dung
21. Tuệ Quang
22. Chân Trú
23. Vô Phiền
Như vậy, Trần Nhân Tông xuất gia nối pháp của ai ? Tuệ Trung hay Huệ Tuệ ?
Chúng ta đều biết, vào đầu thế kỷ XIII, phái Vô Ngôn Thông truyền đến thế hệ thứ 12 là Thiền sư Thường Chiếu. Theo Thiền uyển tập anh, Thiền sư Thường Chiếu trước đây đã từng làm quan dưới thời Lý Cao Tông, sau khi từ quan xuất gia tu Phật, bản thân ông vốn đã dày dạn kinh nghiệm, học rộng tài cao. Chính ông đã nối tiếp tư tưởng Thiền sư Thông Biện soạn ra cuốn Nam Tông tự pháp đồ, tiếc thay cuốn sách này không còn, nhưng ta có thể biết được rằng Thường Chiếu đã viết tiếp các thế hệ truyền đăng của các dòng phái Phật giáo nưóc ta. ở ông, ta có thể thấy như một điểm hội tụ của các dòng phái Phật giáo lúc bấy giờ. Đặc biệt là tư tưởng truyền đăng, có thể nói ông đã chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của dòng phái Thảo Đường.
Nhìn lại quá trình truyền thừa của các dòng thiền ta thấy: Phái Tì Ni Đa Lưu Chi từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ XIII, sau khi Thiền sư Y Sơn thị tịch năm 1213, trải qua 19 thế hệ, trong số các đệ tử được nối pháp không thấy có một vị cư sĩ nào. Bên cạnh đó phái Vô Ngôn Thông truyền đến Thiền sư Thường Chiếu thuộc thế hệ thứ 12, ngoài Lý Thái Tông là một ông vua ra, cũng không có một vị cư sĩ nào được nối pháp. Việc nối pháp được xen lẫn giữa các vị sư và cư sĩ, giữa người xuất gia và người tại gia. giữa tăng và tục chỉ thấy ở dòng phái Thảo Đường mà thôi. Trong các thế hệ nối pháp của phái Thảo Đường ta thấy rất rõ điều này(3).
Thế hệ thứ nhất có 3 người: Thiền sư Bát Nhã, Lý Thánh Tông Hoàng đế và cư sĩ Ngộ Xá.
Thế hệ thứ hai có 4 người: Thiền sư Hoằng Minh, Không Lộ, Định Giác và cư sĩ Ngô Tham Chính ích.
Thế hệ thứ ba có 4 người: Thiền sư Phạn Ân, Đỗ Đô, cư sĩ Thái phó Đỗ Anh Vũ, Hoàng đế Lý Anh Tông.
Thế hệ thứ tư có 3 người: Thiền sư Trương Tam Tạng, Chân Huyền và cư sĩ Thái phó Đỗ Thường.
Thế hệ thứ năm có 4 người: Thiền sư Hải Tịnh, Hoàng đế Lý Cao Tông và cư sĩ Nguyễn Thức, Phạm Phụng Ngự.
Như vậy, phái Thảo Đường truyền pháp, không lệ thuộc vào hình tướng, chỉ căn cứ vào sự giác ngộ của người tiếp nối mà trao truyền, điều này khác hẳn với phái Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông, vì hai phái này vẫn giữ theo truyền thống, nghĩa là thế hệ trước truyền cho thế hệ sau phải là người xuất gia làm tăng sĩ.
Khi phái Vô Ngôn Thông truyền đến Thiền sư Thường Chiếu thì ông phá bỏ, không theo nếp truyền thống mà tiếp thu tư tưởng của phái Thảo Đường, những người đến thụ nghiệp với ông không kể tăng hay tục, nếu có đủ căn cơ, ông đều truyền thụ cho hết. Điển hình trong số các đệ tử của ông là cư sĩ Thông Thiền, người có công đầu trong việc khai sáng ra chi thiền Thăng Long sau Thường Chiếu(4).
Theo sơ đồ trong bài Lược dẫn thiền phái đồ kể trên, chi thiền Thăng Long tiếp nối đến Thiền sư Huyền Quang được 8 đời, thế hệ truyền thừa đan xen giữa tăng sĩ và cư sĩ như sau: Từ cư sĩ Thông Thiền truyền xuống Thiền sư Tức Lự, Thiền sư Tức Lự truyền xuống cư sĩ ứng Thuận, cư sĩ ứng Thuận truyền xuống Thiền sư Tiêu Dao, Thiền sư Tiêu Dao truyền xuống cư sĩ Tuệ Trung, cư sĩ Tuệ Trung truyền xuống Trúc Lâm. Trúc Lâm truyền cho Pháp Loa, Huyền Quang nối tiếp Pháp Loa.
Xét về thế hệ truyền thừa ta thấy, chi thiền Thăng Long đã ảnh hưởng trực tiếp tư tưởng truyền đăng của dòng phái Thảo Đường, cụ thể từ thế hệ thứ nhất là Thông Thiền đến thế hệ thứ 6 là Trúc Lâm, đời trước truyền cho đời sau bao gồm cả tăng sĩ và cư sĩ. Nhưng khi đến Trúc Lâm thì phương pháp này lại bị thay thế, người được nối pháp phải là tăng sĩ và truyền đăng bằng phương pháp Luật Tông là chính.
Phương pháp truyền đăng theo Luật Tông đã có từ thời kỳ Đức Phật Thích Ca. Sau khi Phật nhập diệt, trong 4 lần kết tập kinh điển thì luật tạng là một trong tam tạng. Sau này Phật giáo phát triển lập ra nhiều bộ phái, mỗi bộ phái đều theo một bộ luật riêng, trong số các bộ luật này, bộ được nói đến nhiều nhất như: Thập tụng, Tứ phận, Tăng kỳ, Ngũ phận. Riêng bộ luật Tứ phận là thịnh hành nhất, ngày nay vẫn còn được áp dụng rộng rãi. Trong phương pháp thụ giới (tức truyền đăng) của tông này, căn cứ vào tứ phận luật cũng như San bổ giới đàn tăng tập(5) có thể lược nêu một vài đặc điểm cơ bản như sau:
1. Tổ chức giới đàn.
2. Thành lập Hội đồng truyền giới.
3. Danh sách đệ tử được thụ giới.
4. Nghi thức truyền giới.
Tổ chức giới đàn là những thủ tục, nghi lễ trước khi truyền giới.
Thành lập Hội đồng truyền giới: đủ 10 vị danh tăng, gồm có: Tam sư: Hòa thượng sư, Yết ma A xà lê sư, Giáo thụ A xà lê sư và Thất chứng: 7 vị tôn chứng giới đàn.
Danh sách đệ tử được thụ giới: gồm tên, tuổi và những tiêu chuẩn như đã trải qua thời gian tu học, đã thụ giới Sa di, không gặp nạn, đủ 20 tuổi đời, đủ 3 y và bát, thân căn cụ túc, thanh tịnh, không phạm trọng tội, khinh tội, không phải loài phi nhân, nhị hình, hoàng môn, tặc tâm, phá nội ngoại đạo...
Nghi thức truyền giới gồm: lễ cầu gia bị, yết ma, thỉnh giới sư, lãnh thọ giới ...
Khi thụ giới xong, Tỷ khiêu tăng phải giữ 250 giới. Tỷ khiêu ni giữ 348 giới. Đây là giới luật cao nhất của người xuất gia, người thụ giới này được coi là người kế đăng, nối pháp. ở đây chỉ đề cập những điểm thông thường về phương thức tổ chức truyền thụ giới Tỷ khiêu mà thôi, vì giới này là cần thiết đối với người nối pháp.
Như vậy khoảng 100 năm, phái Vô Ngôn Thông đã canh cải hai lần, đầu tiên là Thiền sư Thường Chiếu và sau đó là Thúc Lâm đệ nhất tổ.
Như trên đã trình bày, Thiền sư Thường Chiếu tiếp thu tư tưởng của phái Thảo Đường, còn Trúc Lâm thì tiếp thu tư tưởng của phái nào ? Điều này sẽ trình bày sau.
Nhưng, ngoài chi Thăng Long còn có chi Yên Tử. Vấn đề rắc rối nhất là ở chi Yên Tử. Trước khi Nhân Tông xuất gia cả một thời gian khá dài gần 100 năm, các thế hệ ở chi Yên Tử nối tiếp nhau như thế nào ? Hiện nay chúng ta chỉ có một danh sách do Hòa thượng Phúc Điền ghi trong Đại Nam thiền uyển kế đăng lục như đã dẫn ở trên.
Theo danh sách này, Thiền sư Hiện Quang là người đứng đầu dòng thiền, người có công khai sáng ra chi Yên Tử, sự nghiệp của ông đã được ghi rõ trong Thiền uyển tập anh. Khi mới xuất gia, ông ở với Thiền sư Thường Chiếu, lúc đó ông còn là tăng sinh. Sau khi Thường Chiếu mất, ông đi tham vấn học hỏi khắp nơi, làm pháp tự Thiền sư Trí Thông chùa Thánh Quả, sau lại làm pháp tử Thiền sư Pháp Giới ở phủ Nghệ An, cuối cùng ông về tu ở núi Yên Tử. Thiền uyển tập anh xếp ông vào thế hệ thứ 14 là có lý, vì ông chưa đắc pháp với Thiền sư Thường Chiếu. Nhưng Thiền sư Trí Thông và Thiền sư Pháp Giới có quan hệ thế nào với phái Vô Ngôn Thông ? Thiền uyển tập anh cho ta biết thêm ở thế hệ thứ 12 dòng Vô Ngôn Thông có 7 người, thì chép thiếu 6 người, phải chăng trong số 6 người này có vị đã làm thầy của Trí Thông và Pháp Giới, cho nên hai vị này mới được coi ngang hàng với Thông Thiền, Thần Nghi là đệ tử của Thường Chiếu thuộc thế hệ thứ 13 ? (6).
Tuy Hiện Quang có làm đệ tử của Thiền sư Thường Chiếu trong 10 năm, nhưng không phải là người nối pháp của Thường Chiếu. Thiền uyển tập anh cũng xác nhận điều này.
Tác giả Lịch sử Phật giáo Việt Nam cho rằng: "Cả hai chi này (tức chi Thăng Long và chi Yên Tử) đều bắt đầu từ Thiền sư Thường Chiếu thời Lý": hoặc "Chi ứng Thuận là tiếp nối từ cư sĩ Thông Thiền, mà Thông Thiền hay Hiện Quang đều là học trò của Thường Chiếu(7). Lời nhận định trên là có lý. Nhưng xét về thế hệ truyền thừa thì phải căn cứ vào pháp truyền đăng của Thiền Tông hay của Luật Tông để làm chuẩn mực. Hiện Quang không phải là pháp tự của Thường Chiếu, cho nên không thể coi Hiện Quang cũng như chi Yên Tử bắt nguồn từ Thường Chiếu được, đành rằng ông có chịu ơn của Thiền sư Thường Chiếu nuôi cho ăn học.
Thế hệ thứ hai của chi Yên Tử, theo Đại Nam thiền uyển kế đăng lục, là Thiền sư Viên Chứng. Thiền uyển tập anh không ghi hành trạng của ông. Ta không biết ông nối pháp của Thiền sư Hiện Quang như thế nào, nhưng có lẽ Hiện Quang đã trao truyền cho ông bằng phương pháp Luật Tông, bởi vì bản thân Hiện Quang trước khi về Yên Tử đã thụ Cụ túc giới (tức giới Tỷ Khiêu) với Thiền sư Pháp Giới(8). Cho nên tư tưởng truyền đăng bằng phương pháp Luật Tông của Thiền sư Viên Chứng thể hiện rất rõ ở chi Yên Tử sau này.
Người kế thừa Thiền sư Viên Chứng là sư Đại Đăng, ông thuộc thế hệ thứ ba chi Yên Tử, theo Đại Nam thiền uyển kế đăng lục. Lược dẫn thiền phái đồ cho ta biết thêm: Thiên Phong cư sĩ thuộc phái Lâm Tế ở Chương Tuyền, Trung Quốc, sang Việt Nam truyền đạo cho Quốc sư Đại Đăng và Hòa thượng Nan Tư, như vậy Đại Đăng là pháp tự của Thiên Phong. Ta không rõ Đại Đăng đắc pháp với ai trước, Viên Chứng hay Thiên Phong ? Nếu ông ở Yên Tử trước rồi sau mới ra Thăng Long học đạo với Thiên Phong thì lúc này ông đã là pháp tử của Viên Chứng rồi, cũng có khi ông là pháp tự của Thiên Phong sau đó vào Yên Tử tu làm pháp tử của Thiền sư Viên Chứng, nên mới có danh sách trong thế hệ truyền đăng Yên Tử, trường hợp này cũng giống như Thiền sư Hiện Quang, thế hệ thứ nhất chi Yên Tử.
Thế hệ thứ tư chi Yên Tử, theo Đại nam thiền uyển kế đăng lục là Thiền sư Tiêu Dao, ông cũng thuộc thế hệ thứ tư chi Thăng Long. Ông là thầy của sư Huệ Tuệ chi Yên Tử, đồng thời cũng là thầy của Tuệ Trung cư sĩ chi Thăng Long. Ông tu ở Phúc Đường tịnh xá, hiện nay chưa rõ ở đâu. Căn cứ vào truyền thống nối pháp của hai chi này thì Tiêu Dao là pháp tử của Thiền sư Đại Đăng chi Yên Tử, đồng thời còn là pháp tự của cư sĩ ứng Thuận chi Thăng Long, hiện tượng này lại lặp lại giống như Thiền sư Đại Đăng thầy của ông. Nhưng Thiền sư Đại Đăng nối pháp của cư sĩ Thiên Phong người Trung Quốc, thuộc phái Lâm Tế.
Nối tiếp Thiền sư Tiêu Dao là sư Huệ Tuệ, thuộc thế hệ thứ năm chi Yên Tử, ông là thầy của Trúc Lâm. Về hành trạng của Thiền sư Huệ Tuệ, hiện nay chưa tìm ra. Tác giả Lịch sử Phật giáo Việt Nam nhận xét: "Chúng ta không biết gì về nhà sư này cũng không có các tài liệu khác để kiểm tra tính xác thực của nhân vật này"(9), còn tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận cho rằng: "Đã đành Trúc Lâm thờ Tuệ Trung làm thầy, nhưng khi xuất gia thụ 250 giới của một vị Tỷ khiêu thì Tuệ Trung vốn là cư sĩ, không thể truyền giới cho vua được, ai là Hòa thượng trao truyền giới pháp cho Trúc Lâm, và vua thụ giới ở đâu hẳn người làm Hòa thượng đương đầu truyền giới là Thiền sư Huệ Tuệ, lúc đấy đang lãnh đạo sơn môn Yên Tử, tổ sư thứ năm của thiền phái và lễ thụ giới xuất gia của Trúc Lâm chắc chắn được tổ chức trên núi Yên Tử". Tác giả nói thêm: "Chỉ tiếc sử sách không ghi chép lại những chi tiết của ngày xuất gia ấy. Ta cũng không biết 10 vị trong hội đồng truyền giới là những vị nào"(10).
Những ý kiến của tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận nghe ra có lý, vì đã đi tu là phải có thầy, có thụ giới thì mới đúng là người xuất gia. Ngay cả người tu tại gia còn phải quy y Tam bảo và thụ giới, huống chi là người xuất gia. Từ đó, tác giả đã căn cứ vào danh sách thế hệ truyền thừa của chi Yên Tử chép trong Đại Nam thiền uyển kế đăng lục rồi dựng lên một phông cảnh lịch sử như thật. Trong khi đó tác giả còn chưa biết tí gì về con người Huệ Tuệ, ngày thụ giới xuất gia của vua, 10 vị trong hội đồng truyền giới là những vị nào, ai làm thầy Hòa thượng truyền giới... Qua đó có thể thấy lập luận của tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận tuy có lý, nhưng lại không có chứng cứ.
Dựa theo danh sách truyền thừa của hai chi Thăng Long - Yên Tử, Thiền sư Tiêu Dao trước là pháp tự của cư sĩ ứng Thuận chi Thăng Long, sau là pháp tự của Thiền sư Đại Đăng chi Yên Tử, cũng như Trúc Lâm trước là pháp tự của cư sĩ Tuệ Trung chi Thăng Long, sau là pháp tử của Thiền sư Huệ Tuệ chi Yên Tử. Từ đó, tác giả Lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng đưa ra ý kiến như sau: "Chúng ta cũng thấy rằng khi Nhân Tông đến tu ở Yên Tử, ông đã thực hiện lần thứ hai, nếu quả Tiêu Dao đã thực hiện lần thứ nhất trước đó"(11). Trước những vấn đề rắc rối như vừa nêu trên, người viết bài này thử đưa ra một số ý kiến cá nhân, mong góp phần vào việc suy nghĩ chung.
Xét về mối liên quan giữa các thế hệ với nhau, ta thấy Thiền sư Tiêu Dao khi còn tại thế, Tuệ Trung thường đến tham vấn học hỏi. Đến khi ông thị tịch, Tuệ Trung cũng đến điếu viếng, và còn làm nhiều bài thơ tán dương công đức của thầy như Thướng Phúc Đường Tiêu Dao Thiền sư, Vấn Phúc Đường đại sư tật...(12) Nhân Tông cũng vậy, thường nói về cuộc đời của Tuệ Trung tức thầy ông, như bài Tán Tuệ Trung thượng sĩ, Thượng sĩ hành trạng...(13) Sau khi Tuệ Trung mất, Nhân Tông còn sai người vẽ chân dung để phụng thờ. Pháp Loa cũng viết về các bậc thầy tổ của mình như: Tán Tuệ Trung Thượng sĩ, Trúc Lâm đại tông giả thượng tọa thính sư thị chúng...(14)
Như vậy, các thế hệ nối tiếp sau Thiền sư Tiêu Dao, như Tuệ Trung, Trúc Lâm, Pháp Loa đều có tác phẩm để lại, ca ngợi công đức của thầy, dù rằng họ có phải sống xa cách như Tuệ Trung ở Thăng Long với Tiêu Dao nơi Yên Tử, Pháp Loa ở Yên Tử với Tuệ Trung tại Thăng Long.
Chúng ta đã biết, nếu quả Thiền sư Huệ Tuệ là thầy của Trúc Lâm, là tổ của Pháp Loa, người đã dày công xây đắp chốn tổ, lại tác thành giới thân tuệ mệnh cho Trúc Lâm, sao không thấy Trúc Lâm và Pháp Loa nhắc tới, dù rằng đạo học của ông không bằng Tuệ Trung thì con người như Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang đối với Huệ Tuệ không thể coi thường, thờ ơ và vô tâm như thế được.
Việc Nhân Tông xuất gia là một sự kiện vô cùng trọng đại, làm náo động cả từ triều đình đến dân chúng. Đây là sự việc chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Một ông bố làm Thái thượng hoàng xuất gia tu Phật, một ông con đang làm vua trị vì đất nước, thế mà việc thụ giới xuất gia của Thái thượng hoàng không được ai nhắc tới ! Thật là điều kỳ lạ !
Cũng có người cho rằng, do chiến tranh nên mất hết cả sử liệu. Điều đó có khả năng, nhưng dầu sao cũng không thể tin được. Bằng chứng là những tư liệu của Nhân Tông - Pháp Loa - Huyền Quang vẫn còn đó. Vậy nhân vật Huệ Tuệ có thể chỉ là một trong số các đệ tử của Thiền sư Tiêu Dao thuộc thế hệ trước Nhân Tông mà thôi. Không thể coi ông là thầy của Thái thượng hoàng Trúc Lâm đệ nhất tổ được.
Trúc Lâm đệ nhất tổ không phải là pháp tử của Huệ Tuệ.
Khi Nhân Tông xuất gia lên núi Yên Tử lấy pháp hiệu là Trúc Lâm đại sĩ hay Hương Vân đại đầu đà, mọi người tôn ông là Phật - Tổ là chính xác, vì các thế hệ tiếp nối trong Phật giáo không ngoài hai phương pháp đã trình bày ở trên. Sự kiện vua Trần Nhân Tông đi tu chỉ có thể được sánh ngang với sự kiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bên ấn Độ mà thôi.
CHÚ THÍCH
(1) Trúc Lâm Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, in năm Quý Hợi (1683), niên hiệu Chính Hòa triều Lê, tờ 6a.
(2) Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục tự Trần chư tổ Lâm Tế - Tào Động (quyển hạ) , tr. 11a.
(3) Thiền uyển tập anh, tr. 247 - 249, Nxb. Văn học, Hà Nội 1990.
(4) Để dễ phân biệt thế hệ truyền đăng giữa hai nguồn tài liệu, người viết bài này tạm gọi danh sách trong Lược dẫn thiền phái đồ in ở đầu sách Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục là chi thiền Thăng Long, còn danh sách trong cuốn Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục tự Trần chư tổ Lâm Tế - Tào Động (quyển hạ) là chi thiền Yên Tử.
(5) San bổ giới đàn tăng tập, in năm Thành Thái 5 (1893). Luật Tứ phận, Phân viện nghiên cứu Phật học, 1995.
(6) Thiền uyển tập anh, Sđd. tr. 148-159.
(7) (9) (11) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội 1988, tr. 213.
(8) Thiền uyển tập anh, Sđd. tr.160.
(10) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, Nxb. Văn học, Hà Nội 1994, tr. 358 - 359.
(12) Thơ văn Lý Trần, Tập II Quyển thượng, Nxb. KHXH. Hà Nội 1988, tr. 229, 258.
(13) Thơ văn Lý Trần, Sđd. tr. 185, 537.
(14) Thơ văn Lý Trần, Sđd. tr. 649, 653.