Sáng nay thức dậy, tự pha đãi mình tách trà thơm phức. Không khí ngọt lịm, mát lạnh của buổi sớm mai làm đầu óc tôi tỉnh táo hẳn. Đốt lên ngọn nến và thỏi trầm vừa được sư em tặng chiều qua. Buổi sáng của tôi (À! à không, của chúng tôi), bởi vì chị em tôi trong tu viện ai cũng có cái thú thích ngồi yên mà tận hưởng những buổi sáng đẹp đẽ tinh khôi như thế.
Khói trà thơm phảng phất mùi hoa mộc làm tôi bỗng nhiên nhớ tới Ba, mỗi sáng thường ưa dậy sớm pha trà cho cả nhà. Khá lâu rồi tôi không gặp, không gọi điện thăm hỏi Ba mẹ và Anh hai, những người thân yêu, mặc dầu tôi vẫn nhớ họ. Mỗi khi ngồi chơi với các chị em, kể về đời sống trước đây, bao giờ tôi cũng là người giành phần kể trước. Giọng tôi to và đầy hào hứng, tim tôi đập mạnh rộn rã vui, những chuyện từ ngày xa xưa lúc tôi còn bé tí ti cứ như là mới xảy ra hôm qua thôi. Kỷ niệm làm cho người ta sống lại với những buồn vui đã qua. Có phải vì vậy mà người ta khó lòng dứt bỏ được quá khứ. Trong mớ hoang tàn đổ nát đó người ta tìm được một chút an ủi, tự hào. Đôi khi không có thật. Và tôi bây giờ cũng đang lan man với những suy nghĩ vẩn vơ. Mới hôm qua đây tôi mơ cả đêm về tương lai của mình. Rõ thật cái con người tôi. Chánh niệm đưa tôi về với lời Thầy dạy “Thở đi con”. Tôi thở và mỉm cười, nhận diện tâm tư mình như một dòng sông đang tuôn chảy.
Qua khung cửa sổ, tia ánh sáng đầu ngày nghịch ngợm cố len lỏi trèo vào phòng. Những giọt sương lười biếng vẫn còn ngủ ngon trên thảm cỏ xanh rì. Con đường sỏi phát ra tiếng sột soạt của bàn chân ai đó đã cố gắng đi thật nhẹ. Và không ai sai bảo hai chân tôi tự động đứng dậy, tay vơ chiếc áo khoác và nón len, miệng nhoẻn cười. Tôi bước ra sân, bước chân hạnh phúc đầu ngày.
Mùa này hoa bằng lăng nở tím rực cả một góc trời Xóm Mới. Thiền sinh về không ai khỏi xuýt xoa “Ui chao! Răng mà đẹp rứa”. Đây là theo lối dịch của tôi, chứ thiền sinh ở đây toàn là người ngoại quốc làm gì mà có “răng với rứa”.
Trong Phật đường, Bụt và sư em tôi đang ngồi yên. Nụ cười của sư em làm tôi giật mình, có cái gì đó sao thân quen. Nụ cười em, nụ cười của Bụt, của Thầy hay là của chính tôi. Bỗng nhiên lời thơ trong bài hát “ Tìm nhau” nhẹ nhàng đi về: “khoảng cách giữa hai ta không thể dài hơn quá một nhịp tâm đầu”. Làm sao có một khoảng cách nào khi em đang cười hồn nhiên tĩnh lặng như thế, và tôi đang có mặt bình an thanh thản nơi đây.
Hòn giả sơn mới được dựng lên vài tháng. Núi tựa lưng vào hàng bạch dương chưa già đã phải làm chỗ chở che. Tượng Bụt ngồi chơi dưới hai gốc tùng trẻ măng. Sư em tôi chăm chỉ tưới mát vạt hoa cánh bướm tím hồng xinh xắn. Trưa nay một số chị em sẽ đem cơm sang Sơn Cốc dùng chung với Thầy. Thầy vừa đi hoằng pháp ở Anh về. Thầy mới đi buổi sáng, buổi chiều chị em đã thấy nhớ. Nhớ nhưng không buồn. Nỗi nhớ êm êm làm cho lòng tươi đẹp và thấy gần Thầy hơn. Ngày Thầy về một số ra tận phi trường để đón, một số ở nhà dọn dẹp quét tước đợi Thầy về. Vừa về đến nơi Thầy nhìn chùng tôi trìu mến hỏi “Các con ở nhà có nhớ Thầy không?”. Tôi hồn nhiên đáp như trẻ thơ không cần suy nghĩ: “Chúng con quá nhớ Thầy”. Thầy trò nhìn nhau cười hạnh phúc. Từ ngày xuất gia tôi đánh mất dần đi khả năng che dấu, che dấu những lỗi lầm, ganh tị và cả những nhớ thương hối tiếc buồn đau của cá nhân mình. Chiếc thuyền Tăng thân cùng tình thương rộng lớn của Thầy đã dung chứa và chữa lành thương tích, những vết sẹo trong tâm hồn tôi. Mỗi ngày tôi tập sống như trẻ thơ, học thở học đi, học cười, học yêu thương, học nhìn mọi người bằng con mắt mới. Lòng tôi bỗng nhiên rộng lớn hơn, khi biết rằng cuộc đời đã cho tôi quá nhiều may mắn. Cỏ cây hoa lá chưa bao giờ phụ bạc tôi, dẫu rằng đã có đôi khi tôi vô tình giận dỗi. Như tình thương của Bụt, của Thầy qua tháng năm chỉ có thể ngọt ngào rộng lớn thêm.
Hôm qua sau giờ chấp tác, tôi đi thiền hành một vòng quanh xóm, tận hưởng từng bước chân và thiên nhiên đang ca hát quanh mình. Bất chợt gặp một sư em ngồi tư lự dưới gốc mận. Tôi chưa kịp hỏi thăm sư em đã nhìn tôi mỉm cười. Nụ cười hiền lành và đôi mắt trong veo thoáng chút buồn buồn em nói: “Chị ơi! Em buồn quá, mẹ em vẫn đang giận em chuyện trốn nhà đi tu. Mẹ khóc hoài, gởi bao nhiêu thư về mẹ cũng bỏ đi không đọc. Em biết mẹ cần thời gian, em cần kiên nhẫn. Biết vậy mà sao cứ thấy buồn, thương mẹ quá.”. Nắm bàn tay em không nói gì, bởi vì tôi biết em không cần tôi phải nói gì. Chúng tôi ngồi bên nhau. Nắng chiều phả một màu tím nhạt lên đồi bạch dương lộng gió. Có chú Sóc tham lam ôm thật nhiều hạt dẻ, chạy nhanh vô tình vấp ngã, hạt dẻ đổ tung tóe nhưng chú lại lồm cồm đứng dậy, ôm đầy hạt dẽ trong hai tay chạy biến mất. Tôi và em đều mắc cười vì điệu bộ của chú sóc. Tôi nhắc khẽ em “Mình về thôi chuông thỉnh giờ cơm chiều rồi”. Chúng tôi đi, một chút nắng chiều còn sót lại sau sườn dốc rồi tắt hẳn.
Tôi về phòng, nghe tiếng các chị em cười giòn giã. Sư em út phòng tôi vừa nhận được một thùng quà, thư và hình của gia đình từ Việt Nam gởi sang. Thấy tôi vào, sư em cười nhìn tôi tinh nghịch rồi dúi vào tay tôi một thỏi kẹo dừa còn thơn ngát mùi sầu riêng. Thỏi kẹo dừa, chứng tích của tình thương đã vượt qua nghìn trùng đại dương nằm hiền lành trong lòng bàn tay tôi. Các sư em vẫn í ới đọc thư chia nhau quà. Chia nhau những niềm vui, mà năm tháng dẫu có qua đi , vẫn không thể nào có thể xóa nhòa những dấu tích trong trẻo hồn nhiên đó. Giọng một sư em nài nỉ “Cho em thêm hai cái bánh tráng nữa đi, khi mô thành sư bà em sẽ nói thị giả của em cưng chị, chị hí!”. Tôi bật cười đi vào trong phòng học. Chiếc bàn học, một góc cuộc đời, một người bạn im lặng hiểu tôi qua những buồn vui không nói.
Chiếc bàn học
Một góc cuộc đời
Lặng lẽ thấy ta ngồi,
Những tối buồn vui.
Tình Bạn!
Từ đâu nhỉ…?
Vẫn ngồi – Vẫn chơi.
Trong căn phòng nhỏ này, trong lòng Tăng thân luôn có chỗ ngồi giành cho tôi. Ở đó tôi được ngồi chung với những con người, muốn dâng tặng cả cuộc đời mình chỉ để phụng sự và thương yêu. Không gì có thể ngăn cách giữa chúng tôi, giọng nói, màu da, văn hóa…tất cả những khó khăn riêng, những niềm vui chung, chúng tôi gom góp xây dựng để được trở về ngồi bên nhau trên cuộc đời mát mẻ xinh tươi này. Có tiếng chuông đại hồng đâu đó vọng về, một đêm bình an ru giấc ngủ hồn nhiên cho các em tôi trong xóm nhỏ thân yêu. Ngày mai nắng mới lại về hôn lên Xóm Mới.
Tiểu Khê
(langmai.org)