Hôm nay chúng ta học bốn bài kệ cuối cùng của Kinh Chuyển Hóa Bạo Động và Sợ Hãi.
Bài kệ 17
Nhất thiết dĩ khí danh sắc 一 切 已 棄 名 色
Bất trước niệm hữu sở thâu 不 著 念 有 所 收
Dĩ vô hữu diệc vô xứ 已 無 有 亦 無 處
Nhất thiết thế vô dữ oán 一 切 世 無 與 怨
Khi đã không còn bị kẹt vào các khái niệm tâm và vật (như những gì tồn tại ngoài nhau), khi đã không còn bị kẹt vào các ý niệm, không thấy có gì có thể nắm bắt, khi đã thấy được rằng không gian và vật thể là không, thì không có gì trong thế gian còn có thể làm cho vị ấy oán than buồn giận nữa.
Nhất thiết dĩ khí danh sắc: Không còn bị kẹt vào các khái niệm tâm và vật.
Khí là buông bỏ, trừ khử. Danh là tâm, sắc là vật. Chúng ta thường có quan niệm lưỡng nguyên về tâm và vật, chúng ta thường cho rằng tâm là chủ thể và vật là đối tượng, chủ thể và đối tượng là hai cái khác nhau, tách rời ra khỏi nhau. Quan niệm đó là một quan niệm sai lầm, mình phải tìm cách buông bỏ quan niệm đó. “Như những gì tồn tại ngoài nhau“ là do khi dịch tôi đã thêm vào cho dễ hiểu.
Bất trước niệm hữu sở thâu: Không còn bị kẹt vào các ý niệm, không thấy có gì để có thể nắm bắt.
Bất trước là không bị vướng vào, không bị kẹt vào. Niệm là những ý niệm, những tri giác của mình. Mình có ý niệm về cái này, cái khác. Mình có ý niệm về Bụt, về Thượng Đế. Mình có ý niệm về thế gian, về sự vật. Những ý niệm đó có thể là những chướng ngại. Mình phải coi chừng những ý niệm của mình và phải vượt lên những ý niệm đó tại vì chúng là những yếu tố gom góp lại để gây ra những tri giác sai lầm.
Thâu là góp nhặt, tìm kiếm, nắm bắt.
Dĩ vô hữu diệc vô xứ: Không gian và vật thể là không.
Xứ là không gian, xứ sở (locality). Hữu là vật thể, là thế giới vật chất như trăng sao, sông núi, muôn loài, v.v…
Cặp danh - sắc không phải là cặp duy nhất, ngoài nó còn có nhiều cặp khác như cặp không gian - vật thể. Chúng ta hiểu, không gian là khung cảnh và vật thể là những cái nằm trong khung cảnh đó. Bây giờ khoa học đã bắt đầu tìm ra rằng thời gian, không gian và vật chất dính vào nhau, không thể lấy cái này ra khỏi cái kia, không thể lấy thời gian ra khỏi không gian, cũng không thể lấy vật thể ra khỏi thời gian và không gian. Khoa học đã tìm thấy sự liên hệ bất khả phân ly của tất cả các hiện tượng. Còn phân biệt tâm và vật là hai cái riêng biệt là còn tri giác sai lầm. Khi mình còn quan niệm không gian và vật thể là những cái tách biệt nhau thì mình vẫn còn tri giác sai lầm. Xứ có thể được dịch là xứ sở và hữu là tồn tại. Ở đây chúng ta dịch xứ là không gian và hữu là vật thể.
Nhất thiết thế vô dữ oán: Không có gì trong thế gian còn có thể làm cho người ấy oán than buồn giận nữa.
Chữ thế có thể được hiểu theo hai cách: thế là thời gian và thế là thế gian, là cuộc đời. “Tam thế chư Phật” tức là chư Phật trong ba đời (qua khứ, hiện tại, vị lai), chữ thế ở đây có nghĩa là thời gian. Chữ thế nằm riêng cũng có nghĩa là cuộc đời, là kiếp. Câu kệ này có thể được dịch theo hai cách:
1. Không có gì trong thế gian còn có thể làm cho vị ấy oán than, buồn giận nữa.
2. Không có gì trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai còn có thể làm cho vị ấy oán than buồn giận nữa.
Những cái trong quá khứ mình không còn đeo đuổi, không còn làm cho mình bị dằn vặt nữa. Những cái trong tương lai cũng không còn làm cho mình sợ hãi và những cái trong hiện tại cũng không làm cho mình vấn vương. Chúng ta có thể thêm vào cách dịch thứ hai: Khi đã thấy rằng không gian và vật thể là không thì không có gì trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai còn có thể làm cho vị ấy oán than, buồn giận nữa.
Chúng ta có thể hiểu bài kệ này như sau: Mình phải buông bỏ tất cả, trong đó có ý niệm cho rằng danh và sắc hay vật chất và tinh thần là hai cái khác biệt. Mình không bị dính vào những khái niệm, do đó mình không thấy có gì cần phải chạy theo để nắm bắt. Mình không phân biệt và chấp vào sự có mặt của không gian và vật thể và mình cũng không bị kẹt vào thời gian.
Theo tôi, mình dịch chữ thế là thời gian thì đúng hơn dịch chữ thế là cuộc đời tại vì mình đã có không gian và vật thể, nếu dịch thế là thời gian thì mình có đủ ba cái: thời gian, không gian và vật thể. Chúng ta lặp lại:
Đã không còn bị kẹt vào các khái niệm tâm và vật (như những gì tồn tại ngoài nhau), khi đã không còn bị kẹt vào các ý niệm, không thấy có gì có thể nắm bắt, khi đã thấy được rằng không gian và vật thể là không, thì không có gì hoặc trong quá khứ hoặc trong hiện tại hoặc trong vị lai còn có thể làm cho vị ấy oán than buồn giận nữa.
Có nghĩa là vị ấy đã vượt thoát thời gian, đi vào kiếp ngoại, hoàn toàn tự do đối với quá khứ, vị lai và hiện tại. Chữ thời gian (kiếp) tiếng phạn là kalpa, kiếp ngoại là akalpa. Những bài kệ chúng ta đã học và đang học đã đi rất sâu vào trong triết học Phật giáo. Khoa học lâu nay bị kẹt vào ý niệm tâm và vật, và có một quan niệm hơi duy vật về tâm: Tâm thức của mình là do sự chuyển động và phối hợp của những tế bào não làm thành. Những tư tưởng, những tình cảm, năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là sản phẩm của não. Não là bản chất, là nguồn gốc của thức. Giống như gan làm ra mật, não bộ làm ra tâm thức.
Quan niệm này hiện nay đã bắt đầu bị lung lay. Nhờ khoa học lượng tử người ta thấy quan niệm đó có những sai lầm. Khi nghiên cứu những hạt vật chất (elementary particle), người ta rất ngạc nhiên thấy thỉnh thoảng những hạt đó mang hình tướng của những đợt sóng và thỉnh thoảng nó là những hạt. Trong ý niệm của mình thì nếu đã là hạt thì chỉ có thể là hạt mà không phải là sóng; nếu đã là sóng thì chỉ có thể là sóng mà không thể là hạt. Nhưng trong thực tế các nhà khoa học đều công nhận: Chính cái hạt vật chất đó, có khi biểu hiện ra như một cái hạt và có khi biểu hiện ra như một làn sóng. Gọi nó là hạt cũng không đúng mà gọi nó là sóng cũng không đúng, cho nên người ta đã đặt ra danh từ mới là hạt sóng (wavicle, ondicule).
Trong đạo Bụt có chữ nama-rupa (danh-sắc), chúng ta có thể ráp hai chữ đó lại giống như chữ wavicle. Nó là một hay là hai? Tùy theo tâm của mình. Nếu tâm mình đặt những câu hỏi để biết thể, tướng và dụng của hạt thì nó hiện ra dưới hình thức của hạt. Khi mình đặt câu hỏi về tác dụng của một đợt sóng thì nó hiện ra như một đợt sóng. Nó là sóng hay là hạt cũng là do tâm của mình.
Trong khoa học lượng tử bây giờ ai cũng nói: Khi tâm mình không quan sát lượng tử thì hình như nó có mặt cùng khắp trong không gian. Bản chất của nó là phi cục bộ (non local). Nhưng khi mình bắt đầu đưa tâm vào quan sát thì lúc đó mình thấy nó có một vị trí, một tốc độ. Khi mình để tâm vào quan sát thì sự vật thay đổi, cho nên người ta bắt đầu thấy được rằng vật thể không phải là một thực tại độc lập ngoài tâm. Quan niệm “tâm và vật là hai cái khác nhau” là một quan niệm sai lầm.
Trong đạo Bụt từ lâu mình đã học rằng tâm của chúng ta là ý và đối tượng của nó là pháp. Một bên là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và một bên là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Pháp là đối tượng của ý. Đạo Bụt luôn luôn nói rằng thế giới thực tại chỉ là đối tượng của tâm ý (object of mind) mà không bao giờ là một cái gì tồn tại độc lập ngoài tâm ý. Ý tiếng Anh là mind và pháp tiếng Anh là object of mind. Theo đạo Bụt, ý (mind) và pháp (object of mind) không thể tồn tại độc lập với nhau, không thể nào có ý độc lập với pháp. Ngay từ lúc ban đầu đạo Bụt đã thấy được cái bất nhị của chủ thể và đối tượng, của tâm và vật.
Bài kệ 18
Tất dĩ đoạn vô tưởng sắc 悉 已 斷 無 想 色
Nhất thiết thiện tất dữ đẳng 一 切 善 悉 與 等
Dĩ tùng học thuyết kỳ giáo 已 從 學 說 其 教
Sở lai vấn bất khủng đối 所 來 問 不 恐 對
Đã vượt hoàn toàn cái ý niệm về tất cả trong đó có ý niệm về vật thể thì trong tất cả các pháp hành không pháp nào mà mình không đạt được. Đã được học hỏi thực tập và thuyết giảng thông thạo được giáo lý vô dục thì dù cò bị bất cứ ai đến chất vấn, vị ấy cũng không còn cảm thấy e ngại trong việc ứng đối.
Tất dĩ đoạn vô tưởng sắc: Chữ tất được dịch là cái tất cả. Ý niệm về tất cả đã được cắt đứt. Tưởng là tri giác. Chúng ta nghĩ, tri giác (tức là tâm ý của mình) nắm lấy đối tượng là sắc (sắc nghĩa là pháp). Ý là một cái gì độc lập từ bên trong chạy ra bên ngoài nắm lấy một đối tượng, đó là quan điểm thông thường, tâm thức nằm ở trong và thế giới nằm ở ngoài. Nhưng đối với đạo Bụt đó là một quan điểm sai lầm. Trong đạo Bụt không có trong, không có ngoài, chủ thể và đối tượng không thể tồn tại độc lập với nhau.
Ý thức gồm có chủ thể và đối tượng. Không có đối tượng thì không có chủ thể, mà không có chủ thể thì không có đối tượng. Nói có một đối tượng nằm ngoài chủ thể, không có chủ thể nó vẫn tồn tại, giả định đó là không đúng.
Câu kệ được dịch như thế này: Khi mình đã buông bỏ được ý niệm về tất cả trong đó có ý niệm về vật thể thì lúc đó tất cả những phương pháp thực tập hay và đẹp mình đều nắm được.
Thiện là những pháp lành, những pháp hành trì. Vì vậy cho nên tôi đã dịch: Trong tất cả những pháp hành không pháp nào mà mình không đạt được.
Dĩ tùng học thuyết kỳ giáo: Đã được học hỏi thực tập và thuyết giảng một cách thông thạo được giáo lý vô dục.
Chữ học ở đây có nghĩa là thực tập. Vô học là thực tập thành công rồi, hữu học là đang còn phải thực tập. Tùng là từ đó, nhờ đó. Nhờ đã từng học hỏi, đã từng thực tập và đã từng thuyết giảng về giáo lý bất nhị, giáo lý không lưỡng nguyên, không kỳ thị tâm và vật, không kỳ thị không gian, vật thể và thời gian cho nên nếu có ai tới chất vấn thì mình không còn sợ hãi, mình có thể ứng đối được dễ dàng (Sở lai vấn bất khủng đối).
Sau khi đã buông bỏ được ý niệm về tất cả, trong đó có ý niệm về vật thể, thì các pháp thực tập hay nhất mình đều có thể đạt tới. Đã thực tập và thuyết giảng giáo lý đó rồi thì khi có người tới hỏi, mình không còn sợ hãi và có thể đối đáp lại được.
Chữ vô dục là do mình thêm vào. Chúng ta có thể nói giáo lý vô dục và bất nhị cho đầy đủ, tại vì trong mấy bài trên có nói đến vô dục và bất nhị
Bài kệ 19
Bất tùng nhất trí thị tuệ 不 從 一 致 是 慧
Sở cầu thị vô khả học 所 求 是 無 可 學
Dĩ yếm xả vô nhân duyên 已 厭 捨 無 因 緣
An ổn chí kiến diệt tận 安 隱 至 見 滅 盡
Đã đạt được tuệ giác rồi, vị ấy không cần lệ thuộc vào ai nữa. Đã không còn mong cầu gì và cũng không còn ghét bỏ gì nữa cho nên vị ấy đạt được sự bình an trong tâm hồn và thực chứng được Niết Bàn tịch tĩnh.
Bất tùng nhất trí thị tuệ: Nhất là bất cứ ai.
Trí thị tuệ: có nghĩa là đã đi tới tuệ giác.
Khi đã đi tới tuệ giác rồi thì mình không còn lẽo đẽo đi theo một ai để mà nương tựa nữa.
Sở cầu thị vô khả học: Sở cầu là những cái mình mong muốn. Vô khả học là không còn gì để học hỏi, tìm cầu nữa.
Dĩ yếm xả vô nhân duyên: Yểm là ghét, xả là buông bỏ. Vì không còn những yếu tố để oán ghét cho nên
mình đạt tới sự bình an và thực chứng được Niết Bàn tịch tĩnh (An ổn chí kiến diệt tận).
An ổn chí là đạt tới sự bình an. Diệt tận là Niết Bàn, là chỗ hoàn toàn không còn phiền não. Diệt tận sau này trong Tâm Kinh gọi là Cứu Cánh Niết Bàn tức Niết Bàn tuyệt đối.
Khi đã đạt tới tuệ giác bất nhị và vô dục thì mình không còn phải lẽo đẽo đi theo một người nào để nương tựa, để cầu xin và học hỏi. Mình không còn mong cầu gì nữa, mình không cần phải học hỏi gì nữa. Với lý do mình đã có thể buông bỏ nên mình đạt tới sự an ổn trong tâm hồn và thấy được Niết Bàn tĩnh lặng.
Bài kệ 20
Thượng bất kiêu hạ bất cụ 上 不 憍 下 不 懼
Trụ tại bình vô sở kiến 住 在 平 無 所 見
Chỉ tịnh xứ vô oán tật 止 淨 處 無 怨 嫉
Tuy thừa kiến cố bất kiêu 雖 乘 見 故 不 憍
Nhìn xuống không thấy hãnh diện, nhìn lên không thấy sợ hãi, vị mâu ni an trú nơi tự tính bình đẳng, không còn bị vướng vào một kiến chấp nào. Bấy giờ tất cả mọi tranh chấp đều đã được ngưng lại, oán thù và tật đố không còn có mặt, vị ấy tuy đứng trên tuệ giác mà chẳng thấy mảy may tự hào.
Thượng bất kiêu hạ bất cụ: Thượng bất kiêu là đúng chỗ trên cao mà không có mặc cảm hơn người. Hạ bất cụ là đứng ở dưới nhưng không có mặc cảm thua người, không có sợ hãi.
Trú tại bình vô sở kiến: Trú tại bình là an trú nơi tự tánh bình đẳng. Tự tánh bình đẳng tiếng Phạn là samata, hoàn toàn không có mặc cảm. Vô sở kiến là không còn vướng vào một chủ thuyết, một kiến chấp, một lý thuyết, một quan điểm nào. Mình có thể an trú trong tự tánh bình đẳng và không bị vướng mắc vào một tư kiến nào.
Chỉ tịnh xứ vô oán tật: Bây giờ mọi tranh chấp đều đã được ngưng lại, oán thù và tật đố không còn có mặt. Oán là oán thù, tật là ganh ghét
Tuy thừa kiến cố bất kiêu: Chữ kiến ở đây là chánh kiến tức là tuệ giác. Tuy mình có cái thấy, mình có tuệ giác nhưng không phải vì vậy mà mình có tâm niệm tự hào, tại vì tuệ giác đó không phải là kiến thức. Tuệ giác là sự chứng đắc mà chứng đắc là đạt tới vô ngã. Đạt tới vô ngã rồi thì làm gì còn có sự tự hào nữa.
Kinh này chúng ta đã bắt đầu học trong khóa tu mùa Đông đến hôm nay mới xong. Kinh Chuyển Hóa Bạo Động Và Sợ Hãi có thể là một kinh đáp ứng lại được với tình trạng hiện tại của thế giới. Vì vậy mình nên gom góp những bài giảng và những chú thích rồi phổ biến ra để nhiều người có cơ hội học hỏi và thực tập.
Khi học các kinh trong Kinh Nghĩa Túc mình có cơ hội tiếp xúc với văn bản trong Hán tạng. Đây là một bản dịch rất xưa, vào thượng bán thế kỷ thứ ba. Đồng thời chúng ta cũng có thể tham chiếu với Kinh Tập (Sutta-Nipāta) bằng tiếng Pali. Nếu có tâm học hỏi thì không những mình tiếp thu được lời giảng của Bụt mà mình còn có thể nắm vững được nguyên văn của kinh bằng chữ Hán. Các vị nào có tâm học hỏi thì sẽ tìm ra được thì giờ để học. Những chữ Hán này rất xúc tích và được lặp đi lặp lại nhiều lần. Mình có thể thấy một chữ trong nhiều bài kệ khác nhau. Tuy là cùng ngồi học với nhau trong một lớp, nhưng một người có tâm học hỏi và tìm tòi thì có thể học giỏi gấp mười lần người khác. Mình có cơ hội học chữ Hán, học tiếng Pali và nắm vững nguyên bản của kinh bằng chữ Hán và chữ Pali. Nếu có chí học hỏi, mình có thể tiếp thu được rất nhiều. Nếu ham học thì mình sẽ tìm ra được thì giờ để đi sâu vào nguyên bản.
Bài tựa của Kinh Nghĩa Túc đã được đưa lên mạng Làng Mai, có thể có nhiều người chưa được đọc. Thầy muốn bài tựa đó được dịch ra tiếng Anh để nhiều người không biết tiếng Việt có thể đọc được. Thiếu bài tựa đó là thiếu khá nhiều vì nó cho chúng ta bối cảnh để có thể hiểu được kinh này. Mình đã học bốn kinh trong Kinh Nghĩa Túc. Kinh Nghĩa Túc có tất cả 16 kinh. Thầy đã dịch xong hết 16 kinh và đã viết đại ý của từng kinh một. Có cơ hội đọc và nghe giảng từng câu là một điều rất quý. Những bài pháp thoại phiên tả này cũng đã giúp ích rất nhiều cho những người đã không có cơ duyên được trực tiếp nghe Thầy giảng. Những bài giảng này cũng sẽ từ từ được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp để phổ biến rộng rãi làm lợi lạc cho nhiều người.
(Đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng vào ngày 29 tháng 4 năm 2010 tại chùa Cam Lộ, Xóm Hạ trong khóa tu Mùa Xuân)
phiên tả: Chân Giác Lưu
(langmai.org)