Với chủ đề về những ngôi chùa và những pho tượng ở HN, các nhà nhiếp ảnh của nhóm phật tử Viên Minh - đạo tràng Chân Tịnh, HN đã có nhiều góc nhìn đẹp, mới mẻ.
Hình ảnh kiến trúc những ngôi chùa và bao pho tượng trong chùa mang dấu ấn thời gian trong dòng chảy 1.000 năm là ý tưởng của thượng toạ Thích Minh Hiền chủ trì cuộc triển lãm. Và những tay máy - phật tử đã cố gắng nắm bắt tinh thần đó, để thu vào ống kính những hình ảnh mới lạ về những ngôi chùa đã trở nên thân thuộc trong tâm thức của bao người dân đất Việt.
Nếu hai hoạ sĩ Lưu Tuấn và Thanh Hải chú ý tìm tòi ở những bố cục, đường nét mang chất hội hoạ ở mái đao, cổng chùa, tam quan.... thì nhà nhiếp ảnh Quang Bảo thích dùng sắc độ đen trắng để nhấn mạnh chiều sâu giá trị văn hoá, tâm linh của những pho tượng. Còn tác giả Huy Khang bên cạnh việc chú trọng những tạo hình tam giác vững chắc, lưu tâm đến chất “xả” của đạo Phật qua bức ảnh thú vị thầy dạy trò động tác niệm Phật hình hoa sen. Các tác giả Phạm Hoán, Hồng Vân có những góc nhìn “động” trong cái tĩnh của không gian đạo. 130 bức ảnh đã đưa người xem đi từ chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Kim Liên, đến chùa Bà Tấm, chùa Kiến Sơ, chùa Ninh Hiệp... và nhận ra vẻ đẹp của văn hoá Phật giáo.
Tượng là gỗ - đá, nhưng không chỉ vậy mà có linh hồn. Tượng do con người tạo ra, nhưng sau khi làm phép “hô thần nhập tượng” thì tượng trở thành đối tượng để con người chiêm bái, ngưỡng vọng. Các tác giả trong triển lãm lần này có lẽ không đi sâu khai thác điều này.
V.V (Theo Laodong)