Gần 2000 năm có mặt ở Việt Nam, Phật giáo đã được đông đảo người Việt đón nhận, đã trở thành tôn giáo lớn nhất, có ảnh hưởng nhất đối với đời sống xã hội nước ta từ xưa đến nay; tư tưởng, triết lý Phật giáo đã góp phần tạo nên giá trị đạo đức, văn hoá của người Việt Nam, giá trị ấy đã mang lại sức mạnh to lớn góp phần vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Ngay từ buổi đầu mới được truyền bá vào nước ta, đạo Phật đã được các bậc Tổ sư tiền bối tiếp thu một cách có chọn lọc, dựa trên các điều kiện cụ thể của nước nhà để hoằng dương Phật pháp và tạo nên một đạo Phật rất Việt Nam, gắn bó mật thiết với dân tộc.
Trải qua suốt chiều dài lịch sử gần 2000 năm qua, với sự kết tinh sức mạnh vào nền văn hóa độc đáo, Phật giáo đã góp phần cùng toàn thể dân tộc giữ gìn non sông gấm vóc, giành lấy quyền độc lập tự do cho đất nước và viết lên những trang sử oai hùng cho Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp thực hiện phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác”, đồng hành cùng dân tộc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà. Hiện tại Phật giáo là tôn giáo gương mẫu làm nhiều việc lợi “Đạo”, ích “Đời”, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước theo phương châm mà Đảng và Nhà nuớc đã chọn đó là: "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Ngày nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ kỹ thuật, với những thành tựu vượt bậc mà con người đã áp dụng vào cuộc sống, thế kỷ XXI được đánh giá là thế kỷ của khoa học và tâm linh. Điều quan trọng hơn là nền tảng của tri thức và xu hướng phát triển của loài người trên tất cả các lĩnh của đời sống kinh tế, xã hội. Chính vì giá trị to lớn và ý nghĩa quan trọng của đạo Phật, người Việt Nam nói chung, giới trẻ nói riêng không thể thiếu tri thức về tâm linh, tri thức về Phật giáo.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn bàn về phương pháp tiếp cận và thu hút giới trẻ với Phật học.
Sự cần thiết để tiếp cận và thu hút thanh thiếu niên với đạo Phật
Có ý kiến cho rằng, thanh thiếu niên tiếp cận với đạo Phật là chưa phù hợp, đây là chuyện của những người có tuổi, việc của thanh thiếu niên là phải tiếp cận những khoa học kỹ thuật tiên tiến, phải sống có phong cách hiện đại, sức hấp dẫn của thanh niên là công danh sự nghiệp và tình yêu. Nêu lý tưởng đối với thanh niên là chính đáng, song không hoàn toàn đúng. Tuổi trẻ học Phật không nhất thiết nhằm mục đích là trở thành nhà nghiên cứu Phật học, mà học Phật là tự thực tập khả năng tư duy nhạy bén, linh hoạt, để có thể nhìn thẳng vào bản chất sự sống. Cho nên, học Phật pháp không hề cản trở hay làm khó cho việc học thế gian pháp; kiến thức Phật học không xung đột với kiến thức thế tục, điều đặc biệt học Phật pháp sẽ góp phần nâng tầm hiểu biết về chân lý và giá trị đạo đức, cuộc sống. Cái hay của việc học Phật chính là khởi đi từ thực trạng đau khổ của nhân sinh để nhận thức đâu là hạnh phúc chân thật. Bi và Trí là đôi cánh nâng đỡ tuổi trẻ trong không gian vô tận của đời sống.
Nhìn về lịch sử cho thấy vua Trần Nhân Tông, sinh ra và lớn lên giữa cung đình xa hoa, đầy lạc thú, nhưng người thiếu niên vương giả lại sống như một ẩn sĩ ngay giữa hoàng thành. Trường trai, khổ hạnh; Vua cha nhìn thân thể gầy còm của người kế vị ngai vàng mà lo lắng không biết liệu con có đủ nghị lực để giữ vững mối giang sơn này không. Tuy vậy, con người ấy, về sau, khi ngự trị trên ngai vàng, làm chủ một đất nước, không chỉ đã tự khẳng định giá trị bản thân, mà còn khẳng định ý nghĩa sinh tồn của một dân tộc. Dù ngồi trên ngai vàng; dù xông pha chiến trận, Ngài luôn biết tạo ra chiến thắng oanh liệt mà cho đến ngày nay còn vang vọng.sau khi chiến Thắng ngoại xâm trong độ tuổi sung sức nhất, Ngài đã nhường ngôi cho con, lên làm Thái Thượng Hoàng và sau đó xuất gia đầu Phật. Ngài xuất gia đầu Phật không phải để trốn đời mà thật ra là để xiển dương giá trị đạo Phật, lấy đạo Phật để giáo hoá nhân tâm, làm cốt lõi đoàn kết con người cùng nhau xây dựng đất nước. Ngài là vị vua thành Phật, tên tuổi và sự nghiệp của ngài là tấm gương để lại cho muôn sau cho hậu thế. Nhịp mõ công phu và giọng kinh man mác rành rọt khí phách anh hùng của bậc quân vương vốn coi ngai vàng như đôi dép bỏ:
"Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh".
Cống hiến phi thường này của Trần Nhân Tông cũng giống như hơn 2000 năm về trước, Thái tử Tất Đạt Đa bỏ ngai vàng, điện ngọc cao sang để tìm phương cách giải thoát khổ ách, đem nguồn vui, an lạc cho mọi người.
Ngày nay, mong muốn thanh niên có cơ hội để tiếp cận đạo Phật, không đòi hỏi giới trẻ phải xuất gia đi tu, khổ hạnh, phải gõ mõ tụng kinh hằng ngày. Mà cái chính là hướng thanh niên đến đạo Phật với một nhu cầu tìm hiểu Phật pháp như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống để có tri thức toàn diện hơn. Bản chất của đạo Phật là đạo của “trí túc tiện túc”, đạo của những bậc trượng phu, nếu như giới trẻ, những người có trí tuệ, năng động, có kiến thức về đạo phật, biết dựa vào nguyên tắc khế lý, khế cơ và khế thời như lời Phật dạy để áp dụng một cách uyển chuyển, linh hoạt và cuộc sống sẽ đạt được những thành tựu to lớn. Thanh niên hiểu và thực hành lời Phật dạy sẽ trở thành những công dân tốt, thực hiện nếp sống lục hòa, góp phần dựng nước và giữ nước. Thời Lý, Trần việc dựng nước và giữ nước đều dựa trên căn bản học đạo và hành đạo từ vua quan đến dân chúng, vì thế quân Nguyên Mông bị đánh đuổi ba lần, quốc gia hưng thịnh. Đó là một trong những nét vàng son mà dân tộc ta luôn tự hào cần được duy trì và phổ biến. Nét vàng son có một không hai đó dựa vào tinh thần từ bi, trí tuệ và dũng mãnh. Chân lý giản dị của đạo Phật được minh chứng, nếu đem oán báo oán, oán sẽ chất chồng, cũng giống như đem xăng để dập lửa, chỉ có tình thương yêu, từ bi, hỷ xả mới xóa bỏ được hận thù và nghèo đói, giống như việc lấy ân báo oán, oán sẽ tiêu tan.
Thanh niên ngày nay đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng không tránh khỏi những cạm bẫy, cám dỗ khó lường, vậy chỉ có trí tuệ, nhất là trí tuệ về đạo Phật, để phân biệt đúng, sai, biết đến bỏ tánh, bỏ tướng, bỏ chấp, bỏ danh, biết đến chữ Nhẫn thì chắc chắn cuộc sống sẽ tươi đẹp biết nhường nào. Hơn thế, nếu có tri thức về đạo Phật sẽ hướng thanh niên đến với cái thiện nhiều hơn.
Vậy phương pháp nào có thể tiếp cận và thu hút thanh niên với đạo Phật một cách gần gũi và đơn giản trong điều kiện hiện nay
Thứ nhất: Tạo cơ duyên cho nhiều người được gặp Phật pháp, để được như vậy, giáo lý Phật giáo cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và kịp thời. Từ đó giúp Phật tử và quần chúng nhân dân nâng cao thêm sự hiểu biết Phật pháp, đưa giáo lý Đạo Phật trở thành một nhân cách cho thanh thiếu niên trong xã hội, tạo thói quen nhân ái, từ bi - hỉ xả trong ứng xử hàng ngày cho mọi người. Giáo lý của đạo Phật không phải là giáo lý suông mà là giáo lý sống thiết thực ở mọi thời gian. Yêu cầu này đặt ra đối với Giáo hội Phật giáo là cần có định hướng cho sự phát triển bền vững, phải có sáng tạo nhất là trong công tác tuyên truyền, để tri thức đạo Phật đến được với quần chúng nhân dân. Đặc biệt, bằng các hình thức tuyên truyền phong phú để tiếp cận được với giới trẻ một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, tổ chức lập quỹ câu lạc bộ để có nguồn kinh phí hoạt động với mục đích để giúp đỡ, thăm hỏi nhau, mua phẩm vật cúng dàng Phật, đồng thời xây dựng và duy trì việc tổ chức các mô hình hiện tại và phát triển theo nhu cầu của Phật tử, xây dựng chương trình sinh hoạt Phật pháp đối với Thanh niên Phật tử.
Thứ hai: Có những phương thức sinh hoạt đa dạng, phong phú hấp dẫn, thu hút thanh thiếu niên, một trong những mô hình sinh hoạt ấy là việc tổ chức hình thức cho Thanh thiếu nhi Phật tử tu học ở các chùa. Đây là mô hình không mới, đã có ở một số tỉnh, thành phố. Câu lạc bộ này là nơi giao lưu, chia sẻ, học hỏi và bồi dưỡng cho thanh niên một cách trực tiếp nhất về tri thức đạo Phật, mà không cần đến việc tổ chức các trường lớp, tu viện. Ở đây, có cơ hội cho chính thanh niên, giới trẻ giao lưu, trao đổi, chia sẻ với nhau về kiến thức học Phật. Hàng năm, xây dựng mô hình điểm Câu lạc bộ điển hình để nhân rộng, giao lưu, mở rộng quan hệ với các tổ chức Thanh thiếu nhi Phật tử tại các Chùa khác nhau, tự Viện, tổ Đình, để tăng cường việc chia sẻ, tìm hiểu giáo lý Đạo Phật để ứng dụng trong cuộc sống hiện tại, góp phần cho thanh niên có cơ hội được rèn luyện, tu dưỡng để trở thành người Phật tử chân chính, người công dân hữu ích trong xã hội.
Thứ ba: Tạo cho thanh niên có chỗ đứng trong tín ngưỡng tâm linh mà họ đang hướng tới như việc tổ chức các khoá Quy y tại các chùa để thu hút Phật tử mới, trong đó có thanh thiếu nhi nam nữ tham gia, nâng cao trình độ giáo lý, đưa công tác này trở thành một trong những nhiệm vụ được quan tâm thường xuyên của Ban Hướng dẫn Phật tử.
Thứ tư: Các chùa là nơi sinh hoạt gần gũi và gắn bó với thanh thiếu nhi, do vậy tại các chùa nên mở các khóa tu tập, khóa thiền định để thu hút giới trẻ tiếp cận và đến với đạo Phật từ nhiều góc độ khác nhau. Ngoài kiến thức về đạo Phật, thanh thiếu niên còn biết đến luyện tập, thực hành các phương pháp tu luyện từ đơn giản nhất để có trí và lực mang cốt cách nhà Phật, góp phần cho tâm và trí được tăng trưởng.
Thứ năm: Vận dụng các tiến bộ khoa học để kích thích và phát huy khả năng của tuổi trẻ đến với Phật giáo. Đẩy mạnh việc đưa Phật sự vào công nghệ thông tin, kịp thời cập nhật thông tin về công tác Phật sự, kiến thức Phật học trên các website riêng, để thanh niên có cơ hội tiếp cận một cách thường xuyên, liên tục và thuận lợi nhất.
Các bậc cổ đức đã từng nói: “Phật giáo cần thanh niên, thanh niên cần Phật giáo”. Phật giáo cần thanh niên để theo kịp thời đại, Phật giáo cần có thanh niên mới có thể truyền thừa bất diệt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thanh niên cần đến Phật giáo để học tập chuyển hóa nội tâm và định hướng nhân sinh cho mình. Nhờ có Phật pháp, thanh niên mới có thể vận dụng được tài trí của mình vào việc giúp đời, lợi người. Mối quan hệ có tính tương tác, hỗ trợ cho nhau, là cơ sở thuận lợi tạo thành nguồn vốn quý giá đem lại an định trong xã hội, hạnh phúc cho mọi người và hòa bình trên thế giới.
Phương pháp thu hút thanh thiếu niên đến với đạo Phật xét cho đến cùng không có gì khác đó chính là hình ảnh mẫu mực của các vị tu sĩ, cư sĩ Phật giáo trong xã hội, là kết quả của đời sống xã hội gắn bó với Phật giáo được diễn ra hàng ngày; là giá trị tinh thần, tâm linh các em tiếp nhận được qua chính những phút giây tiếp cận , tu tập với Phật giáo; tuổi trẻ đến với Phật giáo là dấu hiệu đáng mừng cho một dân tộc để có tương lai phát triển bền vững, dấu hiệu tốt cho hạnh phúc của con người, xã hội được ổn định, phồn vinh./.
(Trích tham luận Hội thảo Hướng dẫn Phật tử năm 2010 tại Tp. Cần Thơ)
T.T THÍCH THANH NHÃ
UV. Hội đồng Trị sư GHPGVN
Phó ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương
(giaohoiphatgiaovietnam.vn)