Mục đích, bản chất của cuộc đời và chân giá trị của con người

Mục đích của cuộc đời là gì? Đây là một câu hỏi rất thông dụng mà người ta thường hỏi. Chúng ta không dễ gì đưa ra một câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi tuy có vẻ đơn giản nhưng vô cùng phức tạp này.

Mặc dầu trong thực tế lịch sử nhân loại, có biết bao người đưa ra đáp án cho câu hỏi này tùy theo cách suy nghĩ riêng của mỗi cá nhân nhưng dường như chúng không làm cho tầng lớp trí thức hài lòng lắm. Lý do là họ không nhìn cuộc đời khách quan và hiểu đúng đắn hơn về bản chất của nó. Họ đã tạo ra những bức tranh về cuộc đời trong tâm của họ theo sự hiểu biết của tự thân.

Chúng ta biết rằng nhiều vị giáo chủ của các tôn giáo, các triết gia vĩ đại, các nhà thơ trứ danh và các nhà tư tưởng lớn cũng không mấy hài lòng về cuộc đời. Khi họ đã nói về cuộc đời, dường như một vài trong số họ không thể đưa ra một bức tranh trong sáng về cuộc đời. Một số cho rằng cuộc đời thì đầy đau khổ, không nhất định. Số khác lại cho rằng: “Tại sao chúng ta phải sinh ra trên thế gian đầy đau khổ này?”. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ từng thốt lên hai câu thơ sau:

“Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe 
Trần có vui sao chẳng cười khì...?”

Theo những quan niệm của họ, chúng ta có thể hiểu rằng họ đã nhìn cuộc đời một cách khách quan, tiêu cực so với chân bản chất của cuộc đời. Nhưng đối với một con người tầm thường chỉ nhìn cuộc đời bằng một nhãn quan thiển cận, hời hợt khi nó hiện hữu đối với anh ta, và hiển nhiên đây không phải là bản chất chân thật của nó.

Mặt khác, một vài người còn cho rằng không có một mục đích cố định nào trong cuộc đời và như thể họ không tận dụng được những niềm vui, sự an lạc, và những ích lợi mà đời đã hiến dâng cho họ. Căn cứ trên những học thuyết này, có điều gì đó để cho chúng ta phải suy ngẫm một cách sáng suốt: để tận dụng cuộc đời cho những mục đích có lợi cho bản thân thay vì hoang phí nó cho những công việc không cần thiết. Nếu chúng ta nhìn cuộc đời theo như cách này thì mục đích của cuộc đời có thể được nói là hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta nắm giữ và sử dụng nó. Ngược lại, nếu chúng ta dùng sai nó bằng cách vi phạm, lạm dụng những phẩm chất tốt của con người, hay làm mất đi chân giá trị của con người v.v... thì chúng ta khó mà có thể đạt được điều gì có giá trị trong cuộc đời của chúng ta. Nhưng, nếu chúng ta hành động khôn khéo bằng cách tuân thủ một số nguyên lý đạo đức được đông đảo số đông chấp nhận, chẳng hạn như tính kiên nhẫn, lòng vị tha, cảm thông, thái độ khiêm nhường, cũng như việc giúp đỡ tha nhân v.v... thì lúc đó chúng ta có thể đạt được những điều cao thượng và ích lợi cho tất cả. Những ai thực hành những hạnh như thế thì người ấy sẽ hưởng thụ được sự an lạc hạnh phúc, thanh tịnh và sự thỏa mãn trong cuộc sống. Lúc đó cuộc đời rất có ý nghĩa đối với chúng ta và cuộc đời sẽ có ý nghĩa hơn và lợi ích hơn đối với mọi người.

Bản chất của cuộc đời là gì? Đây cũng là một câu hỏi mà chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này.

Một học giả cho rằng: “Chính cuộc đời là uổng phí trong khi đó chúng ta lại ước ao để được sống”. Một học giả khác cũng quan niệm rằng: “Sanh, lão, bệnh đau khổ là cái giá mà chúng ta phải trả bởi vì chúng ta có cái thân này làm nơi trú ngụ cho chính chúng ta”. Chúng ta phải trả giá cho sự sợ hãi và lo lắng bất an, cho việc tạo ra những ham muốn ích kỷ hẹp hòi”. Sự sanh ra một con người là sự sanh ra đau khổ. Con người càng sống lâu thì họ càng trở nên ngu dốt. Những sự thèm khát cho sự sinh tồn trong tương lai khiến cho họ không thể sống trong những giây phút hiện tại. Chính giây phút hiện tại là giây phút tuyệt vời nhất của cuộc sống con người. Trong kinh “Nhất Dạ Hiền Giả” (Trung Bộ kinh III), Đức Phật đã khuyên:

“Quá khứ không truy tìm 
Tương lai không ước vọng 
Quá khứ đã đoạn tận 
Tương lai lại chưa đến 
Chỉ có pháp hiện tại 
Tuệ quán chính ở đây...”

Với sự sống của con người thì chỉ có hiện tại là tương đối có thật. Nếu chúng ta không sống với hiện tại, không biét chấp nhận hiện tại như nó đang là để vận dụng hiệu quả khả năng và trí tuệ của mình đi đến an lạc hạnh phúc và giải thoát thì chúng ta sẽ bị khô héo, và già cỗi theo thời gian.

Theo Phật giáo thì chúng ta là kết quả của những gì chúng ta đã là, và kết quả của những gì chúng ta đang là. Hay nói khác đi, bản chất của cuộc đời là duyên sinh, là giả tạo mà hợp thành. Khi đã hiểu như thế rồi thì chúng ta có thể tìm ra và hiểu được bản chất chân thật của cuộc đời và mục đích của nó.

Trên thực tế, nếu chúng ta bằng lòng với những ý nghĩa trên như là mục tiêu của cuộc đời, thì chúng ta sẽ gặp nhiều vấn đề đa dạng phức tạp bắt nguồn từ đó. Bởi vì không ai có thể thọ hưởng những thú vui mà không hề đối mặt với những vấn đề khác nhau như là kết quả của những hành động mà mình đã tạo ra.

Nhìn vào những thành tựu của khoa học kỹ thuật trong những thập niên gần đây, chúng ta có thể thừa nhận rằng khoa học kỹ thuật có góp phần xây dựng cuộc sống vật chất của nhân loại. Mặt khác, nếu những phát minh của khoa học đi trái lại với nhu cầu của con người, thì chúng ta có thể tưởng tượng biết bao vấn đề phức tạp mà con người đương đại phải giải quyết. Cho dầu các khoa học gia đã khám phá ra nhiều điều kỳ diệu phục vụ cho những nhu cầu của con người, nhưng họ không thể thấu hiểu hoàn toàn cái mục đích chính của cuộc đời. Chính vì thế mà có một khoa học gia đã tự hỏi:

“Cuộc đời có mục đích chăng?
Thế thì mục đích của cuộc đời là gì?
Những gì? Ở đâu hay khi nào?...”

Nói tóm lại, chúng ta không thể hiểu được bản chất chân thật của cuộc đời, bởi vì sự vô minh và sự khao khát tồn tại mãnh liệt của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta khao khát để được sinh tồn cho dầu phải chịu đựng những khổ đau, bất hạnh trên cuộc đời này. Vì vậy nếu không có một sự hiểu biết đúng đắn thì chúng ta khó mà tìm ra một mục đích cố định của cuộc đời trên thế gian này. 


Tổng hợp từ “Buddhism for human life - Dr.K.Sri Dhammananda

Quảng Bảo

http://www.thuvienhoasen.org

http://www.nangtiensa.com/uploads/image/hoa%20sen.jpg