Ước Vọng

hoa senSư cô C.N là một sư cô gốc Bắc, được sống và tu học trong một tu viện ở miền Trung. Sư cô rất hạnh phúc và ước ao tại quê hương của sư cô ở ngoài Bắc, người dân cũng có được thứ đạo Bụt mà sư cô thấy ở miền Trung và miền Nam. Sư cô mong ước người dân ở ngoài ấy có được một cái nhìn chính xác hơn về đạo Bụt và về những người xuất gia. Dân chúng cứ nghĩ là chỉ khi nào mình thất bại trong cuộc đời thì mình mới chọn con đường xuất gia, xuất gia là chỉ để phục vụ cho sự cúng lễ, và người xuất gia xem cúng lễ là một cái gì để sinh sống. Người ta đã quên là trong lịch sử đất nước ta, ngày xưa đã có một ông vua đang tại vị mà đã nhường ngôi cho con để xuất gia với mục đích là bồi đắp và nâng cao nếp sống đạo đức cho cả một dân tộc, đó là vua Trần Nhân Tông. Và người ta đã quên rằng ngày xưa nhiều thiền sư đã được các vua tôn xưng là quốc sư và đã tham vấn các vị ấy về những vấn đề văn hóa, đạo đức và chính trị trong nước. Đọc những lá thư này của sư cô Chuẩn Nghiêm ta cũng mong ước như sư cô là một ngày kia đạo Bụt đích thực sẽ được trả về cho dân chúng và đóng lại vai trò bồi dưỡng đạo lý và hạnh phúc cho quốc dân.

Kính bạch Thầy,

Nhận được thư của Thầy con mừng sao mà mừng. Lúc đầu con nghe sư cô Tịnh Hằng nói với con rằng, “Em cho chị cái gì đi, chị cho em cái này.” Con nghe mà chẳng hiểu gì cả, con cứ đứng ngố cả người ra, sư cô đưa cho con một tờ giấy A4 và nói, “Sư Ông viết thư cho em.” Con mới hỏi lại sư cô, “Sư Ông viết thư cho con ạ?” Sư cô nói, “Thật mà, đây này.” Cầm lá thư trên tay và đọc: “Nội Viện Phương Khê, ngày 11-05-2010. Con thương, …” Khi ấy con mới tin rằng thư Sư Ông viết cho con là thực và hạnh phúc trong con như vỡ òa.

Kính bạch Thầy! Đọc thư Thầy con thấy trong con thêm Vững Một Niềm Tin và con tin ở Sức Mạnh Của Tăng Thân. Con biết ơn Thầy, ơn Tăng thân nhiều lắm. Ơn này con biết viết sao cho thỏa, nói sao cho hết. Lần đầu tiên con được tu học cùng Đại chúng tại Huế đã cho con nhiều cái thấy mới nhưng trong con lại có một sự so sánh rằng: Huế thì vậy còn quê hương mình thì sao? Vâng! Ngày rằm tháng Bảy (ngày này mọi người quê con gọi là ngày Xá tội vong nhân và Tết cả năm không bằng rằm tháng Bảy) nên ngày này mọi người làm cỗ to lắm, to đến nỗi mọi người làm thịt cả một con trâu hoặc một con bò để cúng lễ. Đêm rằng tháng Tư vừa qua con được cùng sư chị, sư em đi coi văn nghệ Đón Mừng Phật Đản tại tổ đình Từ Đàm. Quý sư cô thuê xe 16 chỗ để chị em con được đi coi văn nghệ. Còn hạnh phúc nào hơn. Đi ra ngoài đường phố Huế con nhận thấy rằng cả thành phố Huế đang tưng bừng chào mừng ngày Phật Đản Sanh. Quê con không thấy có. Chương trình văn nghệ chủ yếu do các cô, các bác, các anh, các chị cùng các em nhỏ biểu diễn. Thấy các em nhỏ đi sinh hoạt tại chùa sao con thấy thèm. Bản thân con cũng như các em nhỏ, các bạn…chẳng biết gì đến bốn chữ “Gia đình Phật tử”. Quê hương con chùa thì nhiều nhưng mọi người đi chùa với một tâm niệm sẽ được tai qua nạn khỏi trong tương lai, bởi vậy nên mới có câu “Cơm Phật tật mặt”. Câu này con mới biết vì con được nghe từ một bác lơ xe, bác ấy nói với con như vậy.

Con được Đại chúng cho đi ăn giỗ tới ba lần rồi và con có suy nghĩ giá như gia đình con ở gần đây thì hay biết mấy. Vì gia đình con cũng như mọi gia đình khác, khi có giỗ hay bất kỳ công việc gì thì phải làm thịt lợn, thịt gà cho nhiều, cỗ có to thì mới là người con có hiếu. Đám giỗ hay đám tang thì phóng sinh chẳng có, chỉ có sát sinh. Dẫu sao thì con cũng hiểu và thông cảm cho gia đình, cho quê hương bởi vì đó là tập tục lâu đời, khó thay đổi.

Mỗi lần được qua Chùa Tổ vào các ngày quán niệm hay qua đó để chấp tác thì con thấy trong con như rạo rực một niềm vui. Hai chữ Chùa Tổ với con sao thiêng liêng quá. Cứ đặt chân trên đất Tổ là con cảm nhận ngay được năng lượng linh thiêng ấy. Con thích ra cầu ao nơi mà ngày xưa Thầy hay ngồi gọt mít và con cứ tưởng tượng ra cảnh Thầy đang ngồi gọt mít đó để cho chị em chúng con được thấy Thầy.

Bố con năm nay đã lớn tuổi, mẹ con thì trẻ hơn bố con. Thấy Đại chúng về nhà huynh đệ khi gia đình ai đó có người mất con chợt ước ao: không biết rằng khi bố hay mẹ con về già thì huynh đệ có về nhà con được không. Con biết điều này còn tùy duyên.

Kính bạch Thầy! Huế đang mùa nắng nóng, cái nắng nóng làm cho cây cỏ như muốn chết khô, hạt cải con gieo thì cứ quay lơ, không nảy mầm được, người thì lúc nào cũng ướt mồ hôi. Cho dù thời tiết khắc nghiệt như vậy nhưng con thấy Ni Sư chùa con làm việc rất nhiều. Sư đi sớm về tối, có hôm chẳng kịp ăn sáng, Sư phải bới cơm mang theo. Dạo này Sư hay bị đau, đôi lúc Sư đi phải chống gậy, chiều tối Sư nằm nghỉ phải có người xoa bóp chân, bóp vai cho Sư đỡ mỏi. Cũng có những đêm Sư mất ngủ vì chứng đau tim, Sư cũng bị đau ở đốt xương sống thứ năm. Sư chia sẻ rằng Sư đi cứ chừng 10 phút thì phải ngồi nghỉ vì mỏi. Được biết Sư cũng bị đau nhiều như vậy sao con thương Sư, thương Thầy quá. Vì sao Thầy và Sư có nhiều năng lượng để làm việc như vậy? Bởi vì nơi Thầy, nơi Sư có một tình thương lớn, tình thương không cần đòi điều kiện. Con sẽ luôn theo gương của Thầy, của Sư để tu học cho tinh tấn. Cho dù con là một người dân gốc Bắc, con chưa hiểu hết những phong tục, tập quán của người dân xứ Huế nên lúc đầu con cứ sợ nhưng con vẫn nhận được tình thương từ Sư, từ quý sư cô - đệ tử của Sư dành cho con. Đúng thật là:

…Tình thương yêu không thể nói bằng lời
Chỉ có sống cảm nhận rồi mới hiểu…


Giờ đây trên sông Hương vẫn còn bảy đóa sen Hồng thật to, thật đẹp và cả thành phố Huế vẫn còn lưu lại không khí của ngày mừng Phật Đản sinh, con thầm ao ước: Ước gì quê mình cũng được như vậy. Con biết rằng cái gì cũng cần có thời gian, thời gian sẽ trả lời tất cả. Con luôn tin ở Sức Mạnh Tăng Thân. Con cũng muốn cho gia đình dòng họ con biết về Tăng thân bằng cách con viết thư về và kể chuyện đời sống tu học kết hợp với gửi đĩa xuất gia gia đình Sen Trắng cùng một số đĩa CD khác. Hôm con về nhà, vì bố mẹ con chưa thoải mái lắm với sự xuất gia của con nên con toán qua nhà bác họ ở gần nhà để chơi và nói chuyện với hai bác. Con kể chuyện đời sống ở tu viện, đường hướng hoạt động của Tăng thân và hát cho hai bác nghe bài hát Mở Thêm Rộng Lớn Con Đường và bài Đã Về Đã Tới, hai bác khen con hát hay và lời bài hát cũng hay. Bác trai đã nói, “Lúc đầu nghe nói cháu đi tu tao cũng không đồng ý nhưng giờ cháu đã về đây, thấy cháu mạnh dạn, chững chạc hẳn lên thì tao đồng ý cả hai tay. Thôi thì cháu đi tu cũng được, xã hội có người nọ người kia cháu ạ, mai mốt cháu về dạy bọn tao nhỉ…(bác cười).” Con nói, “Cháu thì dám dạy ai thưa bác.” Bác nói, “Vậy mà mai mốt về nhà nói pháp ai cũng nghe răm rắp.” Rồi bác nói với bố mẹ con, “Thôi cô chú ạ, gió thuận chiều nào thì theo chiều ấy, cháu nó đi tu cũng được. Tưởng đi tu sao chứ nghe cháu nó kể chuyện như vậy với lại cháu nó về mà vui vẻ thế thì mừng rồi…” Con tin rằng nếu có duyên Tăng thân mà về nhà con được thì sẽ gây được một niềm tin lớn nơi mọi người quê con, bởi vì con thấy huynh đệ con toàn là những người dễ thương (cả về vóc dáng lẫn tính nết con người).

Ngôi chùa mà con đang ở cũng là quê hương của con, bởi vì đã cưu mang con mỗi ngày. Sân chùa có hai cây mận (cây roi) rất nhiều trái. Những đêm trái rụng nhiều, sáng sáng chị em con quét sân thì phải dùng xẻng để hốt vì nhiều quá. Lối vào bếp có cây khế ngọt, trái chín rụng cũng rất nhiều, chị em con hay lượm trái rụng để ăn và con nói với sư em con rằng, “Quê hương là trái khế ngọt, cho con lượm ăn mỗi ngày…”

Kính bạch Thầy,

Theo thời gian con dần khôn lớn
Vẫn thấy mình bé nhỏ với Tăng thân
Bởi nơi đây luôn có tình huynh đệ
Có sư anh, sư chị để đòi quà.

Con sẽ lớn, ngày mai con sẽ lớn
Tiếp bước Thầy, tiếp bước cha anh
Để dựng xây Tăng thân thêm lớn mạnh
Để đạo Bụt mãi còn với thời gian.

Con xin phép Thầy cho con được dừng bút tại đây. Con luôn cầu nguyện Bụt Tổ gia hộ cho Thầy, cho Sư luôn được mạnh khỏe để chị em chúng con nương tựa. Con sẽ mãi là con ngoan của Thầy, của Tăng thân.

Kính thư,
Con của Thầy
Con của Tăng thân

C.C.N

(langmai.org)