Chữ Hiếu

alt

Theo cách viết chữ Hán, Hiếu là do hai chữ tử và lão cấu tạo thành. Biểu thị ý nghĩa: Làm con phải đối xử tốt với cha mẹ là hiếu thuận. Như vậy có thể hiểu Hiếu là tình cảm và bổn phận của con cái dành cho cha mẹ, không thể dành cho ai khác ngoài cha mẹ.

Thoạt đầu Hiếu là một đức tính bẩm sinh, nhiều người không cần học cũng biết, cũng nhìn thấy. Chẳng những ở con người mà còn ở các loài động vật, điểu thú…Những thứ tình phụ tử, những thứ tình mẫu tử, cũng gắn với bản năng sinh tồn. Thật xúc động biết bao! Khi bất ngờ một cơn mưa ập đến, ta vội nép vào dưới mái hiên trú mưa, bất chợt ta nhìn thấy cảnh mèo mẹ ngậm vào cổ chú mèo con tha đi tìm nơi ẩn mưa, hay cảnh gà mẹ giang đôi cánh che kín những chú gà con khỏi bị ướt v.v…

Riêng đối với loài người chữ Hiếu không phải chỉ là tình cảm tự nhiên của bản năng sinh tồn mà còn được nhận thức cao hơn là bổn phận và trách nhiệm. Nho giáo của người trung hoa xem chữ Hiếu là đạo làm người, trải qua mấy ngàn năm, hạnh hiếu luôn được phổ biến trong dân chúng đi vào trong lòng mọi người những tấm gương hiếu hạnh là những bài học sâu sắc nhất.

Trong Nhị Thập Tứ Hiếu ta bắt gặp hình ảnh cậu bé nhà nghèo nhưng vẫn thể hiện được đạo hiếu.

Ngô Mãnh lên tám, nhà nghèo không có mùng. Thương cha mẹ bị muỗi cắn; đêm đêm Ngô Mãnh thường cởi áo nằm trần để dụ muỗi. Mặc cho muỗi chít cậu bé không dám đuổi vì sợ đuổi muỗi đi thì chúng bay sang hút máu cha mẹ:

Đêm hè không màn trướng

Muỗi nhiều chẳng dám nao

Mặc bay no máu mỡ

Đừng đốt cha mẹ tao

Hạnh Hiếu không chỉ thể hiện ở những người thường dân mà còn đến những vị vua anh quân để lại tấm gương sáng cho mọi người.

Vào triều đại nhà Hán có vua là Hán Văn Đế từ xưa đến giờ ông đối với mẹ rất là hiếu thảo. Sau khi vua lên ngôi thì mẹ vua lâm bệnh nặng. Hằng ngày, ngoài giờ thiết triều nhà vua luôn ở bên cạnh mẹ để chăm sóc. Khi những người hầu đem thuốc đến, nhà vua nhất định tự mình nếm trước rồi mới dâng mẹ uống. Mẹ của vua nhìn thấy vậy rất đau lòng khuyên vua đi nghỉ để những người hầu chăm sóc. Nhà vua liền quỳ xuống thưa với mẹ: “Nếu như con không thể hầu mẹ khi còn sống, tự con không làm những việc nhỏ cho mẹ. Biết khi nào con mới có cơ hội báo đáp ân dưỡng của mẹ?

Vua Trần Anh Tông (1293- 1314) ở nước ta cũng là người con Hiếu. Một hôm, nhân tết Đoan Ngọ, vua uống rượu ngủ say li bì. Thái Thượng Hoàng Nhân Tông đến thăm thấy thế nỗi giận, bỏ ra về. Vua Anh Tông khi tỉnh rượu biết mình có lỗi, làm biểu tạ tội với Thái Thượng Hoàng rồi từ đó bỏ rượu.

Đó là những tấm gương hiếu hạnh của người xưa, còn ngày nay chúng ta vẫn thường thấy những tấm gương hiếu hạnh rất nhiều qua truyền hình, báo chí, đài v.v… Những đoá hoa đẹp này phần đông là những người phụ nữ chịu thương, chịu khó. Ngoài việc lặn lội thân cò đối đầu với cơm, áo, gạo, tiền cho gia đình còn hết lòng chăm sóc cha, mẹ già lâm bệnh nặng. Thật cảm động biết bao những nàng Thoại Khanh ở xã hội ngày nay.

Bên cạnh đó cũng thật đáng buồn cho những gia đình giàu có mà đánh mất đi tình thiêng liêng cao cả. Đây là một tình trạng mà xã hội đang phản ánh. Có những người con suốt ngày bận rộn chạy theo đồng tiền. Khi cha, mẹ lâm bệnh. Họ đưa cha, mẹ vào bệnh viện sang trọng, mướng người chăm sóc ngày đêm, còn tất cả con cái một đàn gần mười người chỉ thỉnh thoảng ghé thăm cha, mẹ một lúc rồi đi. Khi cha mẹ qua đời chỉ có người hộ lý của bệnh viện.

Đã nói sơ những tâm gương hiếu hạnh của người thế tục còn đối với người xuất gia chúng ta muốn báo đáp cha mẹ thì như thế nào?

Trong các kinh điển Đức Phật thường dạy: “Các ông muốn báo đáp thâm ân cha mẹ không những phụng dưỡng lo cơm ăn, áo mặc mà còn biết khuyên cha mẹ, tin theo Tam Bảo, quy y giữ giới, bỏ ác làm lành, tu mọi thiện nghiệp. Gặp thời không có Phật ra đời nên thờ kính cha mẹ như kính Phật.”

Để thể hiện lời dạy của Ngài bằng thân giáo trong rãi rác các kinh đã ghi lại hạnh hiếu của Đức Phật: Sau khi thành đạo Ngài trở về hoàng cung khuyên phụ vương và mọi người trong hoàn tộc tu hạnh, rồi lại lên cung Đao Lợi thuyết pháp cha mẹ. Trong kinh Vu Lan Ngài đảnh lễ đống xương khô một cách cung kính. Vì Ngài biết rằng tất cả chúng sanh đều là cha mẹ nhiều đời. Trong các mẫu chuyện tiền thân Ngài đều làm người con hiếu thảo đến cả Ngài làm loài cầm thú, chim muôn… Sở dỉ kiếp này Ngài thành Phật là nhờ vào nhiều kiếp Ngài tu tập hạnh hiếu, trong các kinh điển xưng tán Ngài là Đại Hiếu Thích Ca Văn Phật.

Đến các đệ tử của Ngài như Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi chứng được lục thông đi đến địa ngục để thăm mẹ rồi trở về thỉnh Phật chỉ bày cách báo hiếu.

Ngài Xá Lợi Phất trước khi nhập Niết-bàn vì muốn báo đáp thâm ân của mẹ, bà tin theo ngoại đạo Ngài trở về quê nhà nhập diệt Chư Thiên đến hầu sáng rực cả nhà. Người mẹ biết oai thần của con liền cải tà, qui chánh.

Gần đây, có Ngài Nhất Định, Tổ khai sơn chùa Từ Hiếu cũng là người con hiếu thảo, tuy là một bậc danh Tăng, nhưng vì còn mẹ già suy yếu bệnh hoạn, nên Ngài phải đi chợ Bến Ngự mua cá về nấu cho mẹ ăn, mặc cho tiếng đời dị nghị. Ngài vẫn một lòng phụng dưỡng mẹ già. Sau này, mọi người hiểu chuyện từ quan đến dân đều cung kính lễ bái Ngài.

Thiên Lục Nga trong kinh thi có câu: “Ai ai phụ mẫu sanh ngã cù lao.” (cảm thương cha mẹ sanh ra ta biết bao khó nhọc). Công ơn cha mẹ như trời biển, chẳng những mang nặng đẻ đau mà còn phải nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ con cái không ngừng.

Nhân mùa Vu Lan báo hiếu người viết xin ghi lại những tấm gương hiếu của những người con đối với cha mẹ. Những ai mất cha hoặc mẹ hay cả hai đó là một nỗi bất hạnh lớn nhất trong đời. Còn những ai còn cha, mẹ là niềm hạnh phúc quí báu vô cùng, chúng ta nên nâng niu, trân trọng những hạnh phúc đó. Để một ngày khi cha mẹ không còn, chúng ta không ân hận, ray rức vì mình chưa làm tròn bổn phận của một người con.

Để kết thúc bài viết này, người viết xin trích trong kinh Hiếu Tử: “Cây che bóng mát cho ta, dù trong chốc lát ta cũng chẳng nỡ lòng nào ngắt lá, bẻ cành. Huống chi cha mẹ ta đã che chở cho ta suốt cuộc đời, vậy ta nỡ nào lại bất hiếu ư.?”

 

Thích nữ Viên Thắng (Lớp Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang)

Trích: Tập san Suối Nguồn 13