VẤN ĐỀ “HOẰNG PHÁP ĐỐI VỚI SINH VIÊN ĐẠI HỌC”

 
alt
Đến với Đức Thế Tôn, có thể nói, kể từ khi chứng thành đạo quả, bước chân hoằng hóa của Ngài đã rảo bước khắp muôn nơi. Ngài đã từng thuyết giảng từ nơi núi từng, đến xóm thôn; từ Tinh xá đến cung vua sang trọng v.v…

Thế nhưng, hầu như chúng ta ít thấy đề cập đến vấn đề Đức Phật thuyết giảng trong các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học v.v… Thế nhưng, nói thì vậy, bởi mỗi quốc độ mỗi khác, mỗi thời kỳ mỗi thay đổi. Quá trình thuyết pháp độ sanh của Ngài đã phổ cập khắp muôn nơi, đến với bất kỳ mọi tầng lớp trong xã hội đương thời. Đức Phật đã luôn vận dụng tinh thần Khế lý, khế cơ để chuyển chuyển hóa thân tâm, chuyển mê khai ngộ cho nhân loại.
Những người hoằng pháp chúng ta ngày nay, đi theo gót chân đức Phật, thì nhất thiết cũng phải dùng mọi phương tiện để có thể phổ cập giáo pháp đến khắp mọi nơi.
Tuy nhiên, chúng ta phải biết và thấy rằng con người thời đại nay đã trở nên tiến bộ và khác hơn xưa rất nhiều, nhờ sự tiến bộ về tư tưởng, triết học cũng như khoa học kỷ thuật và xã hội. Trong sự tiến bộ chung ấy, nhận thức về tôn giáo của con người cũng thay đổi theo chiều hướng tiến bộ. Vì thế, chúng ta phải có bổn phận thúc đẩy sự tiến bộ của con người về nhận thức tôn giáo, cụ thể là về tinh thần giáo điển của Đức Như Lai. Có như vậy thì đạo Phật mới giữ được vai trò nuôi dưỡng và phát triển tâm linh của con người theo đúng con đường của chánh pháp Như Lai.
Đó chính là mối ưu tư lớn của những người hoằng pháp chúng ta ngày nay. Thế thì muốn thực hiện tốt phương châm ấy, thiết nghĩ, vấn đề đầu tiên là làm thế nào để giáo lý Đức Phật thực sự có ảnh hưởng đến nhận thức của giới trí thức, đặc biệt là giới sinh viên trẻ đang còn ngồi trên ghế học đường trong các trường đại học. Bởi giai đoạn đại học là giai đoạn rất quan trọng cho giới trẻ định hướng sự nghiệp đi vào đời, định hướng tương lai theo đúng khả năng và trình độ của mình.
Bên cạnh đó, về mặt tồn tại và phát triển của đất nước thì giới sinh viên trẻ chính là những người đang và sẽ gánh vác vận mệnh của đất nước, của thế giới trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, điểm quan trọng về giá trị Phật giáo mà nhà hoằng pháp chúng ta cần nắm vững là cho dù nhận thức của con người về tôn giáo có thay đổi ra sao, thì những nguyên lý của giáo lý đạo Phật cũng không bao giờ thay đổi. Bởi những nguyên lý ấy cũng chính là những nguyên lý thường hằng của vũ trụ vạn hữu. Pháp ấy dù đức phật có nói hay không nói nó vẫn luôn hiện hữu. Đức Phật với sự giác ngộ đã thấy được chân lý. Từ đó, Ngài vì lòng thương tưởng đến chúng sanh nên chỉ bày chân lý này, để thay đổi những nhận thức sai lầm của chúng sanh.
Con người chúng ta, sở dĩ cứ mãi bị khổ đau đè nặng lên kiếp người là bởi vì sự sai lầm trong nhận thức về cuộc đời, cho nên đã  làm cho chúng ta mãi sống trong đau khổ. Xã hội bị chi phối bởi sanh, trụ, dị, diệt; vũ trụ vạn hữu vốn thành, trụ, hoại, không. Thế nhưng, con người không nhận thấy điều ấy, cứ chấp chặt, bám víu vào sự thường hằng, rồi sinh tâm tham nhiễm, vướng mắc và bị trói buộc. Những nguyên lý hằng hữu ấy, trong kinh Pháp Hoa đã diễn tả rất rõ:
“Thị pháp trụ pháp vị

Thế gian tướng thường trú”
Nghĩa là Pháp trụ, pháp vị ấy luôn luôn thường trú trong các pháp thế gian. Những pháp như vô thường, vô ngã, vô tướng, duyên sinh, nhất thừa thật tướng, là những thuộc tính của pháp thế gian. Nếu chúng ta biết nhìn sâu vào trong lòng của sự vật với con mắt quán chiếu, với cái nhìn của tuệ giác, thì có thể thấy được sự thật của vấn đề này.
Kinh Kim Cương cũng trình bày: “Người nào thấy được tánh Không tướng của các tướng, tức là thấy được như lai.”
Nói như thế, để chứng minh cho chúng ta thấy một điều chắc thật rằng những nguyên lý Phật học không bao giờ thay đổi, cho dù mọi vật trên thế gian thường luôn thay đổi. Cho nên, vấn đề chính yếu là những sứ giả hoằng pháp phải làm sao để trình bày những giáo lý ấy cho phù hợp với nhận thức của con người hiện đại, cụ thể là giới sinh viên đại học, là giới tri thức trẻ đang trên đà định hình tri thức, nhận thức và hướng nghiệp tương lai.
Hoằng pháp với giới sinh viên đại học này, nhà hoằng pháp phải biết nắm bắt được hành trình của các ngành trong trường đại học. Nghĩa là ít nhất thì người hoằng pháp cũng phải biết quá trình và phương hướng học tập của sinh viên trong bốn năm đại học. Cụ thể là phải biết được những môn học nào mà các ngành phải học qua. Như ngành ngoại ngữ thì học những môn học nào, ngành triết học, ngành tâm lý học, ngành xã hội học, ngành kinh tế… học những môn học nào. Nắm bắt được hình thức và nội dung của những môn học đó, thì nhà hoằng pháp chúng ta có thể dễ dàng đưa ra những môn học cũng với những tên gọi đó, nhưng được rút ra từ lời dạy của Đức Phật từ trong kinh điển. Phật cũng dạy về tâm lý, cũng dạy về kinh tế, văn hóa, xã hội, triết học v.v… Làm thế nào để có thể kết hợp hài hòa giữa thế gian và Phật pháp, phải làm sao để các sinh viên có thể thấy được các môn học của đạo Phật cũng có thể bổ sung thêm kiến thức cho các môn học ở trường lớp, có thể nâng cao hơn tầm hiểu biết của sinh viên về các khả năng chuyên môn. Từ đó, dễ dàng ứng dụng vào thực tế với các công việc sinh viên phải làm khi ra trường.
Ngoài ra, nhà hoằng pháp cũng có thể thiết lập những hoạt động vui chơi, vui để học cho giới sinh viên, có thể giúp sinh viên vừa giải trí, vừa bổ sung kiến thức trong lớp học.
Song song đó, cần phải hướng dẫn cho sinh viên một lối sống có niềm tin và hướng thượng. Giúp cho họ thấy được tính nhân bản và tự chủ của chính họ mà không phải do ai áp đặt hay bắt buộc. Mọi việc trên đời đều để cho họ tự nhận thức của quyết định lấy. Đức tin là nền tảng của mọi sự thành công trong đời. Mất niềm tin có nghĩa là mất đi cả ý nghĩa sống. Sống có nghĩa là tin vào một cái gì đó để phấn đấu và tiếp tục sống. Sống chứ không phải chỉ là tồn tại. Nhưng niềm tin ấy sẽ hướng dẫn con người ta sống như thế nào, vô nghĩa hay đầy ý nghĩa, lương thiện hướng thượng hay tàn ác và xuống dốc.
Hơn thế nữa, khi trình bày những giáo lý như thế đối với sinh viên, chúng ta có thể sử dụng những phương tiện về tri thức khoa học để giải thích nhằm tạo ra niềm tin đúng đắn phù hợp với tri thức thời đại, nhưng cũng chú ý để đừng quá sa đà diễn giải mà thành ra chỉ tôn thêm vẻ hào nhoáng của khoa học kỹ thuật. Khoa học kỹ thuật luôn có sự hạn chế nhất định của nó, nó chỉ là tương đối. Trong sự trình bày đó, luôn phải để ý đến khía cạnh thực tế của đời sống. Đặc biệt nên ứng dụng tình thần “Văn dĩ tải đạo”. Nghĩa là có thể dùng những tác phẩm văn học, những áng thơ, những bài nhạc, ... để giúp cho người trẻ có nhiều cảm tình chân thành với đạo pháp. Với những bài giảng mang nhiều tính chất văn học, có thể tạo nhiều sức thu hút đối với người nghe hơn là những bài chỉ nói những giáo lý khô khan. Có thể dùng thơ để chuyển tải giáo lý và hát lên khi cần thay đổi không khí, giúp sinh viên thâm nhập giáo lý một cách dễ dàng, không còn thấy Phật pháp là cái gì khó nuốt mà là rất sống động và thực sự có niềm vui khi đi nghe pháp.
Nói với người trẻ phải nói tới lý tưởng, tình yêu, sự nghiệp. Cho nên, chúng ta có thể nắm bắt điều này mà trình bày giáo lý về duyên sinh, vô ngã, vô thường trong thời đại này là cần thiết để người ta có thể hiểu được mối liên hệ giữa mình với thế giới chung quanh. Vạn vật đều sống trong mối tương quan tuỳ thuộc vào nhau. Không có một ai, một sự vật gì tồn tại độc lập. Hạnh phúc, khổ đau, tình yêu, lý tưởng đều nằm trong mối tương quan nhân duyên ấy. Trong giáo lý tương tức, cái này có tuỳ thuộc vào cái kia, hạnh phúc và khổ đau không phải là vấn đề của riêng ai, nó là vấn đề của toàn thể mọi người, luôn có sự liên hệ giữa mình với người khác, với cả những lá cây ngọn cỏ. Từ đó nói đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường xã hội, những vấn đề hết sức nóng bỏng của thời đại.
Xây dựng một môi trường tốt, trong đó có mình đang sống. Cũng trong mối liên hệ, chúng ta nói đến các vấn đề đạo đức trong gia đình với cha mẹ, những người thân trong quan hệ huyết thống. Nói đến mối quan hệ trong học đường với thầy, bạn, nói đến mối quan hệ xã hội. Và nói đến mối quan hệ trong tôn giáo, là mối quan hệ trong quan hệ của gia đình tâm linh. Con người luôn có gốc rễ của mình trong nhiều mối quan hệ mà chúng ta có thể thấy rõ nhất là mối quan hệ trong gia đình huyết thống và gia đình tâm linh. Đạo phật đã đi vào trong lòng dân tộc, và đã làm cho dân tộc ta trở nên một dân tộc thuần từ văn minh, có thủy có chung, có nhân có hậu. Vì thế, giáo dục cho sinh viên học tập và tìm hiểu về lịch sử của dân tộc Việt Nam cũng như lịch sử của Phật giáo Việt Nam là để chuẩn bị cho họ đầy đủ tư lương để đi vào tương lai. Nếu mất gốc rễ của mình trong hai dòng sống đó, con người chẳng có cơ hội nào để sống cho lành mạnh được. Cần thiết cho giới trẻ là ý thức được mình trong cội nguồn của mình để từ đó tiếp nhận những sinh lực cho đời sống của mình.
Nhìn chung, “Tất cả thế gian pháp đều là Phật pháp”, sứ giả hoằng pháp chúng ta cần để ý đến tinh thần ấy để áp dụng trong công tác hoằng pháp của mình, thì sự nghiệp hoằng pháp hy vọng sẽ thành công tốt đẹp. Đạo Phật vẫn là chiếc đò cần thiết cho con người và trách nhiệm người lái đò khi đời sống con người còn nhiều khổ đau, thì trách nhiệm nặng nề vẫn có thể nói là phụ thuộc vào những sứ giả hoằng pháp hôm nay và mai sau.

TT. Thích Bảo Nghiêm
(Kỷ yếu lớp Cao Cấp GS Khóa IV)
(banhoangphaptw.com)