Đi tìm nguồn thơ

Mến tặng cô Hải Lan.

altTối nay về nhà mẹ, tôi bắt gặp phong bì thư đề gửi từ tu viện Lộc Uyển. Gần hai năm trước đổi địa chỉ mới, tôi mượn địa chỉ của mẹ vì không muốn mất những món quà tinh thần này. Bên trong phong bì là lá thư màu tím với dòng chữ lớn đập vào mắt “ Mừng em mười tuổi”, như một lá thư tình. Mối tình của tôi và Lộc Uyển âm thầm và chung thủy dễ đã mười năm trời.

Nhớ ngày ấy tôi là kẻ cùng tử lang thang đi tìm …thơ. Phật pháp đối với tôi vừa huyền vi, thâm diệu, vừa xa vời, khó hiểu, vừa hấp dẫn tôi, lại vừa làm tôi e ngại. Tôi như một kẻ đi ngang qua Phật pháp, biết rằng nếu mình ghé lại nơi đó thì có thể tâm tư có nhiều bình yên hơn, nhất là kẻ đó lại có nhiều mảnh vá trong trái tim. Tiếng gọi của thú đau thương tuy đầy cạm bẫy, gai góc nhưng nó mạnh mẽ lắm, lôi kéo không cho tôi đi về phía mặt trời. May mắn thay, tôi lại là kẻ yêu thơ. Nguồn cảm hứng thơ đó đã hướng dẫn những bước chân tôi đi vào thiền môn.

Đó là ngày mùng hai Tết năm Canh Thìn 2000, năm mở đầu của thiên niên kỷ mới. Ngôi chùa Vạn Hạnh khá yên tịnh có tôn tượng Đức Quan Thế Âm lộ thiên quay ra đường chính lúc đó vẫn còn sớm nên chưa có ai đến lễ lạy. Tôi nhanh chân tranh thủ đến đó thắp hương cầu nguyện. Trong khi chắp tay nhắm mắt, tôi cảm thấy có ai đó đang chạm vào người tôi. Lúc đó tôi cho rằng mình đang ảo giác nên cứ đứng yên nhắm mắt. Rồi có ai đó níu cánh tay tôi. Tôi quay phắt lại, và có lẽ lúc ấy ánh mắt nhìn của tôi không đuợc dịu dàng cho lắm. Đó là một bà cụ đầu tóc bạc phơ, được dắt tay bởi một người phụ nữ. Chị nhìn tôi cười hiền từ xin lỗi. Nét mặt bà cụ ngây thơ như một đứa bé. Nhìn hai gương mặt ấy lòng tôi dịu lại ngay tức khắc.

- Xin lỗi em, bà cụ bị bệnh Alzheimer nên cụ không còn nhớ gì cả và cũng không ý thức được bà đang làm gì. Ngày trước bà cụ thờ Đức Quan Âm nên chị thường đưa bà đến chùa lễ Ngài, trông thấy hình tướng của Ngài với hi vọng mong bà sẽ nhớ lại.

Chị tự giới thiệu mình tên Hải Lan. Chúng tôi nói chuyện một hồi lâu, rồi chị hỏi tôi có thường đi chùa không, tôi trả lời rằng tôi chỉ đi chùa vào ngày Tết để tìm ý thơ thôi. Đột nhiên chị nói:

- Tháng tám năm nay, ở trường đại học UCSD có một khóa tu. Khóa tu này do Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng đoàn của Thầy tổ chức giảng dạy, Uyển tới đó tham dự cho vui. Chúng mình ở chung cho có bạn.

Nghe nói đến đó tôi hơi phân vân chưa biết trả lời sao. Hình như đoán được suy nghĩ của tôi, chị nói thêm:

- Cứ dự thử khóa tu đi, Uyển sẽ học được cách làm cho cuộc sống của mình được an lạc, vui vẻ.

Rồi nhìn tôi một chặp, chị nói như đánh trúng tim đen của tôi:

- Thầy Nhất Hạnh viết văn làm thơ hay lắm đó…

Thế rồi mùa thu năm đó tôi tham dự khóa tu đầu tiên trong cuộc đời tại đại học UCSD do tăng đoàn Làng Mai tổ chức. Dường như tôi nghe âm vang ngày xưa của lời mời gọi này rất giục giã, nhưng có cái gì cản trở bước chân của tôi. Tôi sợ mình thất vọng. Ông thầy đó theo Cộng Sản đó. Chùa đó là của Cộng Sản đó…tôi trở thành nô lệ của những tin đồn. Rồi buổi gặp gỡ đầu năm ấy cứ làm tôi thao thức. Tôi nhất định phải đích thân tôi, phải bằng đôi tay của mình, con mắt của mình, cái mũi cái lưỡi của mình cầm lấy bóc vỏ trái quýt, ngưởi lấy mùi thơm của nó, nếm phải hương vị của nó chứ không chịu ngồi đó nghe người khác mô tả, kể lại rằng thì là trái quýt có hình dạng, vị chua giống như trái cam. Làm sao để biết được như thế nào là trái quýt nếu như chính bản thân mình không đích thân thấy và xúc chạm? Nếu nghe người khác tả lại bằng ngôn ngữ của họ, dưới cái thấy của họ, thì mình chỉ có thể hình dung ra trái quýt, nhưng đó không phải là cái biết về trái quýt.

Đầu tiên là tôi nhìn thấy dáng dấp thanh tao, nhẹ nhàng của các vị tăng, ni của tăng đoàn. Nụ cười của họ biểu hiện nội tâm an lạc. Đa số họ là những người trẻ tuổi. Họ tụng kinh rất hay và rất mới, chứ nghe không buồn ngủ như nghe …cải lương. Tóm lại họ làm thành một đoàn thể xuất gia trẻ trung, tươi mát, sinh động nhưng đầy chất liệu của sự thảnh thơi, thoát tục. Điều thứ hai tôi bắt gặp ở đây toàn thơ là thơ. Thơ là thiền ngữ nhắc nhở thiền sinh, mà cũng là thi ngữ, không phải là thơ đơn thuần để chuyên chở đạo, chỉ cần cho có vần có điệu cho dễ nhớ thôi đâu. Những bài thơ tôi đọc được vừa là thi phẩm, vừa là bài kệ, chẳng hạn như bài:

Bụt là vầng trăng mát

Đi ngang trời thái không

Hồ tâm chúng sanh lặng

Trăng hiện bóng trong ngần

Bài kệ thiền hành:

Ý về muôn vạn nẻo

Thiền lộ tâm an nhiên

Từng bước gió mát dậy

Từng bước nở hoa sen

Bài kệ nghe chuông:

Nghe chuông phiền não tan mây khói

Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười

Hơi thở nương chuông về chánh niệm

Vườn Tâm hoa Tuệ nở xinh tươi.

Rồi bài thơ Tìm Nhau được chính tác giả thiền sư đọc cho mọi người nghe. Lời thơ tha thiết cảm động đã lấy của tôi không biết bao nhiêu nước mắt:

Con đã đi tìm Thế Tôn

Từ hồi còn ấu thơ

Con đã nghe tiếng gọi của Thế Tôn

Từ khi mới bắt đầu biết thở

Con đã rủi rong

Vạn nẻo đời hiểm trở

Đã từng đau khắc khoải

Với trăm thương ngàn nhớ

Trên bước đường hành hương

….

Con đã nhìn thấy Thế Tôn

Thế Tôn ngồi đó

Vững như núi Tu Di

Bình an như hơi thở

Thế Tôn ngồi đó

Như chưa bao giờ từng vắng mặt

Như chưa bao giờ trên thế gian

Đã từng có cơn bão lửa

Thế Tôn ngồi đó

Yên lặng và thảnh thơi

Thế Tôn là tình yêu đầu

Thế Tôn là tình yêu tinh khôi

Nghĩa là không bao giờ

Sẽ cần tình yêu cuối

Người là dòng sông tâm linh

Tuy đã từng chảy qua

Hàng triệu kiếp luân hồi

Nhưng luôn luôn còn mới.

Bài pháp tôi được nghe trong khóa tu đó là bài pháp về đề tài “ vô thường, vô ngã và niết bàn”. Bằng những lời lẽ rất giản dị, dễ hiểu, bằng hình ảnh rất gần gũi với đời sống hàng ngày, bằng cách lý giải dùng phương pháp khoa học, vị thiền sư đã giảng giải các từ ngữ Phật giáo này một cách rõ ràng. Trước đây tôi đã hiểu những từ này một cách mơ hồ, phiến diện, chỉ có nghĩa tiêu cực và …dường như chẳng ăn nhập gì đến cuộc sống của tôi. Tôi còn nhớ, nhớ một đoạn trong bài giảng đó: vô thường, vô ngã không phải là những khái niệm, mà là những chìa khóa để có tuệ giác, để mở cánh cửa thực tại. Như khi chúng ta đốt lên một que diêm, thì ngọn lửa sẽ làm lóe sáng lên các ý niệm về vô thường và vô ngã, và sau đó chính ngọn lửa đó đốt cháy tan các chìa khóa này. Còn niết bàn là một thực tại không có các khái niệm như có, không (phi hữu, phi vô), đến, đi (vô khứ vô lai), sanh, diệt (bất sanh bất diệt), và một, khác (phi nhất phi dị). Những lời Thầy giảng đã đập tan sự lệch lạc trong sự ngộ nhận của tôi về những từ ngữ cơ bản của Phật giáo. Với tình thương lớn, Thầy đã nhắc đi nhắc lại rằng đó là những phương tiện dùng để quán chiếu, chứ không phải là thực tại, lại càng không phải là những ngôn từ để bám víu vào, để tranh biện. Bài pháp thoại ngày hôm đó như tiếng triều âm làm tôi chao đảo, như ánh dương rực rỡ xua tan lớp sương dày ngăn cách giữa tôi và đạo Phật. Thành thật mà nói, trong khóa tu đó tôi không học hỏi được gì nhiều về thiền tọa, thiền hành bởi lẽ tâm tư tôi bị chấn động mạnh mẽ. Tôi tự hỏi chính mình có phải chính nét đẹp của thi ca được lồng vào sự thiền tập kia đã làm cho tôi nghiêng ngả hay không hay là tiếng sét tâm linh này đã thực sự chạm vào da thịt tôi? Tôi tự cho mình rất nhiều cơ hội để trả lời câu hỏi này.

Trong tờ chương trình của khóa tu có dành ngày cuối cùng để viếng thăm tu viện Lộc Uyển. Tu viện Lộc Uyển? Tôi chưa hề nghe đến tên chùa này ở San Diego bao giờ. Và rồi cuối cùng tôi cũng đến được chùa Lộc Uyển chung với đoàn thiền sinh tham dự khóa tu chia nhau ngồi trên hơn 10 chiếc xe bus lớn. Đây mà được gọi là chùa hay sao? Nó ở tận trên núi cách xa nơi ồn ào thị tứ. Chỉ có con đường đất nhỏ xíu đầy bụi ngoằn ngèo oằn mình chịu trận nằm im cho đoàn xe người đến thăm viếng. Không có một mái che trên đầu, chúng tôi chia nhau đi xung quanh và ngồi trên những tảng đá hoặc gốc cây có bóng mát. Chỉ có những cái kho như bị bỏ hoang trông tiêu điều lắm. Tôi tự hỏi tại sao ở một xứ giàu có và tân tiến bậc nhất hàng đầu thế giới mà vẫn có những người bỏ lại sau lưng thế giới của cải vật chất mà biết bao nhiêu người mơ ước để chọn một đời sống thiếu thốn ở một nơi vắng vẻ tiêu điều như vầy? Và tôi bắt đầu yêu mến tu viện Lộc Uyển từ đó.

Có một lần, sau khóa tu đầu tiên đó không bao lâu, tôi có dịp trở lại Lộc Uyển vào một buổi chiều hoàng hôn. Số là khi tôi ra sân bay để đón em gái tôi từ San Jose về chơi San Diego, tôi bắt gặp nó đi cùng với một sư chú, sư chú này tình cờ đi cùng chuyến bay với nó. Sư chú muốn về Lộc Uyển chơi vài ngày nhưng không biết đường đi. Đường từ sân bay về tu viện có khoảng một giờ lái xe. Thế là tôi tình nguyện đưa sư chú đến tu viện mặc dù tôi không chắc là mình có còn nhớ con đường nhỏ hẹp ngoằn ngèo lên núi hay không. Chúng tôi bị lạc đường đến hai tiếng đồng hồ, từ bốn giờ đến sáu giờ chiều chúng tôi mới vào được nhà khách. Tuy lạc đường, em gái tôi lái xe vòng vòng, nhưng tôi thấy buổi chiều rất đẹp. Cây cỏ lặng mình êm đềm trong ánh sáng hoàng hôn nhạt dần. Bỗng nhiên tôi nghe có tiếng chuông. Tôi biết chắc rằng tiếng chuông kia không phát ra từ núi Đại Ẩn Sơn nơi tu viện Lộc Uyển đang giấu mình, vì Lộc Uyển còn hoang sơ lắm, không có đại hồng chung! Tiếng chuông kia vang vọng trong tâm tôi, ngân lên từ xóm Lá, làng Vĩnh Điềm quê tôi, nấp sau lưng ngọn đồi trên đó có chùa Hải Đức. Nhớ những buổi chiều rằm trăng lên vằng vặc sau những hàng dừa, bụi tre cao tít tắp trên không trung, tiếng chuông từ trên ngọn đồi xa xa đổ vào không gian xưa từng âm thanh trầm hùng vang dội làm ngân nga âm hưởng đến tận buổi chiều hôm nay. Đó là cảm hứng thơ khi tôi làm bốn câu đầu của bài “Đến Lộc Uyển, Lạc Đường, Nghe Hoa Kinh”:

Lanh quanh ở chốn bụi hồng

Lạc đường trời đất gởi lòng gió mây

Núi non giục thả thơ bay

Hoa kinh rớt nhẹ chuông lay chiều vàng

Bao giờ múc ánh trăng tan

Vỡ trên sóng biếc thấy chàng mai sau

Bao giờ kết lưới Đế Châu

Hoa xưa lấp lánh chiếu màu-mười-phương

Bao giờ hơi thở bình an

Mắt thương nhìn cuộc trăng tàn biển dâu

Bao giờ ta lại tìm nhau

Giở trang bối diệp hong màu mắt môi

Bao giờ lá rụng chân đồi

Nhặt lên thấy lại nụ cười chân phương

Bao giờ gom hết yêu thương

Tình hoa tĩnh tọa ngát hương gọi mời

Bao giờ hoa cũng là người

Cánh quỳnh vui nở những lời sa di

Đường về là bước đường đi

Quay đầu thấy bến. Biển mê cõi nào?

Tuy sống trong cùng quận hạt San Diego với Lộc Uyển nhưng tôi không có dịp đến đó vào mỗi cuối tuần khi có ngày quán niệm. Tôi không có điều kiện để về đó chia sẻ từng giọt mưa, hạt nắng với tu viện, chia nhau từng chén cơm cọng rau với các thầy các sư cô, nhưng tôi về đó ít nhất mỗi tháng chín để tham dự khóa tu hàng năm hay mỗi khi có Sư Ông Nhất Hạnh qua tổ chức an cư. Đã mười năm trôi qua, biết bao điều thay đổi. Con đường ngoằn ngèo lên dốc bắt đầu sau khi qua khỏi cổng tu viện bây giờ đã được tráng nhựa, không còn con đường bụi đất và những ổ gà như những năm trước. Những bảng hiệu “you have arrived” đây là tịnh độ” màu nền sơn trắng đã ngả vàng và nét chữ màu đen không còn sắc nét nữa vì mưa nắng và gió bụi, như một chàng thanh niên phong sương dạn dày kinh nghiệm. Càng trông cũ kỹ thì càng có bề dày thời gian, Lộc Uyển dường như trông chững chạc trên mảnh đất hoang sơ năm nào. Thiền đường Thái Bình Dương sừng sững như một chứng tích về sự mầu nhiệm về ý của tổ tiên người Việt và người Mỹ muốn đạo Phật cắm rễ tại nơi này. Nhưng đó chỉ là mặt mũi của Lộc Uyển. Đã có biết bao nhiêu bước chân đã vào ra thiền hành trên con đường này, từ những bước chân ban đầu chập chững tập đi có ý thức, hơi thở có ý thức và sự kết hợp giữa bước chân và hơi thở cho thành thục để trở thành những bước chân an lạc? Đã có bao nhiêu đôi mắt, bao nhiêu trái tim vào ra những cánh cửa rộng mở của thiền đường kia để nghe pháp thoại, để thực tập chuyển hóa không phân biệt màu da, ngôn ngữ? Đã bao nhiêu hạnh phúc và khổ đau đã đến và đã ra đi nơi này, khi Lộc Uyển như ngày hội lớn tấp nập vào ra, khi lặng lẽ tịch mặc âm thầm cùng nắng gió. Vì chứng kiến sự đổi thay và trưởng thành của Lộc Uyển từ ngày ấy đến bây giờ, lòng tôi cảm thấy biết ơn Phật, chư Tổ, biết ơn tăng thân, cùng bạn đạo khắp năm châu và cảm ơn hạt giống lành mà tôi đã gieo xuống mảnh đất Phật pháp từ vô lượng kiếp!

Một ngày nọ ra vườn đột nhiên tôi thấy có một bụi cây ngò xanh non mơn mởn đứng lồ lộ trước mắt. Tôi chẳng hề gieo hạt, cũng chẳng thấy nó chỉ cách vài hôm. Hôm nay nó bỗng hiện diện ở đó, tôi cắt một cành vào bếp nêm canh, mùi hương thơm ngát tỏa khắp nhà. Tôi ngầm so sánh bụi ngò này có hạt giống như hạt giống Phật pháp đã gieo vào A-lại-Gia thức từ bao nhiêu kiếp trước. Bỗng một hôm duyên lành đến, hạt giống được tắm gội nắng mưa, chỉ cần một trận mưa pháp thì hạt giống sẽ nẩy chồi đâm lộc. Nghe được và thực hành Phật pháp, một hành giả sẽ chuyển hóa thân tâm và đời sống của mình và hoàn cảnh xung quanh, dâng hiến bao nhiêu nét đẹp và mùi hương cho đời và cho đạo. Đó là nhân duyên tôi làm bài thơ Hạt Giống:

Ơ hay,

bụi ngò

ai gieo mà mọc?

ai trồng mà lớn?

thì ra em đã ẩn tàng trong tôi

khi mưa không gội

khi nắng không về

em chẳng hiện hành làm chi

ngoan, chẳng cần tôi dỗ ngủ

những phiến lá non xanh

xòe lớn từng ngày

tặng đời mùi thơm trong bát canh

tỏa khắp nhà

sáng nay tôi chợt nhận ra em

lớn khôn vững chãi

theo tôi đi về

trưa tối

mỗi ngày

mỗi niềm vui

Bài này tôi không chọn thơ có vần để diễn đạt. Tôi muốn chọn thể tự do và một vài từ trong duy thức học để biểu hiện sự bộc phát bất ngờ của hạt giống niềm vui ẩn tàng.

Có phải rằng đầu xuân năm 2000 trước tôn tượng đức Quan Âm, Ngài đã soi thấy tâm tư và thấu rõ căn cơ của tôi. Ngài đã dùng thơ để độ cho tôi hay nói khác hơn Ngài đã dùng phương tiện Phổ môn để dẫn dắt tôi vào thiền môn. Trong kinh Pháp Hoa có nói rằng nếu một người cần thân gì để được độ thoát thì Ngài sẽ thị hiện làm thân đó để độ cho người ấy. Đã tự lúc nào tôi không còn đi tìm nguồn thơ nữa. Thơ tự đến với tôi, bằng từ những gì gần gũi và đơn giản nhất của cuộc sống hàng ngày. Nguồn thơ đến từ chính sự sống luôn tuôn chảy. Chỉ cần nhìn và tiếp xúc cho thật sâu sắc những gì đang xảy ra thì thể tính của cuộc sống vốn là một nguồn cảm hứng thơ bất tận.

 

Võ Quỳnh Uyển
Mira Mesa, San Diego tháng năm 2010

http://phusaonline.free.fr