Về Lễ Hội truyền thống Nam tông

Thưa quý Thầy, Cô
Con là một học sinh đang học lớp 12 tại Đaklak. Con thường đi chùa lễ Phật vào những ngày Rằm. Con thấy các chùa thường tổ chức lễ hội Rằm Tháng Giêng, Rằm Tháng Tư, Rằm Tháng Bảy và Rằm Tháng 10 rất lớn. Con không biết Phật giáo Nam tông có tổ chức các lễ hội như vậy không? Kính mong quý Thầy, Cô chỉ giúp cho con biết thêm về Lễ hội Phật giáo Nam tông?
Thanh Nga, Trường Trung học Ban Mê Thuột, Đaklak.

Phật tử Thanh Nga thân mến!

alt

Các lễ hội mà Phật tử nêu ở trên thực tế có những điểm tương đồng nhưng trong đó vẫn có những sự khác nhau. Trong các lễ hội này, chỉ có ngày Phật đản thì hai truyền thống Nam tông và Bắc tông giống nhau, còn các lễ khác như Phật tử vừa nêu bên Nam tông có tổ chức nhưng ý nghĩa và cách thức có hơi khác với Bắc tông.

Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu các lễ hội của Nam tông để Phật tử tham cứu và hiểu thêm.

Chúng ta biết rằng, Lễ hội của Phật giáo là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh, là dịp để các Phật tử học hỏi và trau giồi sự tu tập của mình. Phật giáo Nam tông hay Bắc tông tổ chức lễ hội nhằm đánh dấu các mốc lịch sử để cho các Phật tử tưởng nhớ công ơn của Phật, chư vị Thánh Tăng đã tìm ra con đường giải thoát cho nhân loại, và biểu dương những công hạnh, lời dạy của quý Ngài; từ đó rút ra những bài học, đem chúng áp dụng vào đời sống tu tập để mình có thể đạt đến giải thoát. Đa số lễ hội của Phật giáo Nam tông thường mang ý nghĩa lịch sử để tưởng nhớ đến những sự kiện quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp của Phật Thích Ca. Trong đó, Phật giáo Nam tông quan niệm các lễ hội không giống như những lễ hội mà chúng ta thấy ở Bắc tông. Lễ hội Nam tông một năm phân ra làm bốn lễ hội chính vào các ngày Rằm Tháng Giêng, Rằm tháng Tư, Rằm Tháng Sáu và lễ hội dâng y Cathina từ ngày 16/9AL-15/10AL.

Lễ hội Rằm tháng giêng tổ chức giúp cho Phật tử có cơ hội gieo duyên lành với phật pháp và tưởng nhớ sự kiện Đại hội Thánh Tăng tổ chức ở tịnh xá Trúc Lâm với sự hiện diện của 1250 Tỳ-kheo và đức Phật. Đồng thời tưởng nhớ những di giáo cuối cùng của đức Phật trước khi Ngài tuyên hứa với Ma Ba Tuần sau ba tháng sẽ nhập Niết-bàn vào lúc 80 tuổi. Trong dịp lễ này, Phật giáo Nam tông thường tổ chức các buổi lễ như đặt bát đến chư Tăng, lễ thọ giới, lễ quy y, lễ thuyết pháp, lễ thọ đầu đà...

Theo kinh điển Nguyên thủy Phật giáo, lễ hội Ngày Rằm tháng Tư tổ chức với ba ý nghĩa: Bồ-tát đản sanh, Bồ-tát thành đạo và đức Phật nhập Niết-bàn. Ba sự kiện này Phật giáo Nam tông tổ chức vào cùng một ngày nên thường gọi là Lễ Tam hợp. Trước năm 1950, Phật giáo lấy ngày 8/04/AL làm ngày lễ Phật đản, nhưng sau Đại hội Phật giáo thế giới tổ chức tại Colombo, Tích Lan vào năm 1950, thì cả hai truyền thống đều thống nhất lấy ngày Rằm tháng Tư làm ngày Phật đản chính thức của Phật giáo thế giới.

Rằm tháng sáu chẳng những là ngày bắt đầu an cư theo truyền thống của Nam tông, mà còn là ngày đánh dấu những sự kiện quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp độ sanh của đức Phật. Dựa theo kinh điển Pali, ngày rằm tháng sáu đánh dấu các sự kiện: Bồ-tát giáng trần, Bồ-tát xuất gia, đức Phật chuyển pháp luân, đức Phật dùng thần thông giáo hóa ngoại đạo và lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp độ Thân mẫu Maya.
Lễ hội cuối cùng trong truyền thống Nam Tông là Ngày Rằm tháng Chín. Đây là ngày lễ quan trọng theo Phật giáo Nguyên thủy, là ngày lễ ra hạ của chư Tăng sau ba tháng an cư và cũng là mùa dâng y Kathina cúng dường chư Tăng trong một tháng từ 16/09/AL đến 15/10/AL.

Tóm lại, lễ hội Phật giáo Bắc tông và Nam tông tuy có những điểm khác nhau nhưng cùng chung một mục đích phát triển đời sống tâm linh cho Phật giáo đồ. Những lễ hội này cũng tạo duyên lành cho các Phật tử và xây dựng các mối liên hệ giữa chư Tăng và Phật tử trên con đường tu tập và thúc liễm thân tâm. Qua đó cũng nhằm ôn lại những sự kiện lịch sử về cuộc đời của đức Từ phụ và nhắc nhở mình không nên lơ là trong sự nghiệp giải thoát.

Chúc Phật tử an lành và tinh tấn trên bước đường đạo.

 

Khai Tâm

Nguồn Tập San Pháp Luân 28