Tuy nhiên, vẫn có nhiều người thắc mắc rằng, sao Đức Thế Tôn không thực hiện sáu bước hay tám bước mà lại đi bảy bước? Phải chăng Đức Thích Ca Mâu Ni là vị Phật thứ bảy xuất hiện trong hiền kiếp nên Ngài đi bảy bước. Nếu vậy thì Đức Phật Tỳ Bà Thi khi đản sanh sẽ thực hiện đi một bước, còn Đức Phật Di Lặc sẽ thực hiện tám bước. Quả thật, sẽ không có điều đó xảy ra mà đức Phật nào dù trong quá khứ, hiện tại hay vị lai khi đản sanh cũng chỉ sẽ thực hiện bảy bước đi như thế.
Số bảy là con số huyền học theo triết lý phương Đông, nhưng cụ thể hơn trong Phật giáo đây là bảy cấp độ trong tiến trình giác ngộ giải thoát của một hành giả. Theo kinh Trạm Xe (Ratthavinita Sutra), bài kinh số 24 thuộc Trung Bộ kinh, bảy bước đi biểu trưng cho bảy giai đoạn của lộ trình tu tập, đó là: Giới thanh tịnh, Tâm thanh tịnh, Kiến thanh tịnh, Đoạn nghi thanh tịnh, Đạo phi đạo thanh tịnh, Đạo tri kiến thanh tịnh và cuối cùng là Tri kiến thanh tịnh.
Bảy giai đoạn này thiết thực như bảy trạm xe kể từ khi khởi hành cho đến đích an toàn. Bảy bước đi của Thái tử trên bảy hoa sen là bảy bước đi từ địa vị phàm phu đến thánh trí an lạc giải thoát, là bảy cấp độ kiểm định tâm làm cho tâm thăng hoa đạt đến tâm vô lượng, hướng đến vô thủ trước Niết bàn.
- Bước thứ nhất, Giới thanh tịnh: Giới (Sila) là thành quách ngăn ngừa ác pháp, là nền tảng căn bản cho thiện pháp phát sanh. Giới là chi phần quan trọng trong Tam vô lậu học, “nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ”. Thực hành giới thanh tịnh là tuân giữ nghiêm túc các học giới đã thọ, thực hành nếp sống phạm hạnh đưa đến an lạc giải thoát.
- Bước thứ hai, Tâm thanh tịnh: Tâm là nguồn gốc của mọi hiện tượng khổ - vui. Thực hành tâm thanh tịnh nhờ vào sự chế ngự, đào luyện, gạn lọc các cấu uế để tâm trở nên thanh tịnh. Tức nhiếp phục năm triền cái (1), đưa tâm an trú vào các thiền-na.
- Bước thứ ba, Kiến thanh tịnh: Kiến là cái thấy. Kiến thanh tịnh là cái thấy thanh tịnh, là Chánh tri kiến, thấy đúng như thật. Tức phân biệt được danh-sắc (2), sự thấy đúng danh và sắc như vậy, một sự thấy đã được an lập trên sự không mê mờ, do đã vượt qua ảo tưởng về tự ngã.
- Bước thứ tư, Đoạn nghi thanh tịnh: Nghi là tâm còn do dự nghi ngờ đối với Thánh đạo giải thoát. Đoạn nghi là đoạn trừ vô minh tà kiến cố chấp để xác lập tín tâm kiên cố. Đoạn nghi thanh tịnh là thấy rõ quá trình tâm lý và vật lý tự phô bày sự thật Duyên khởi, sự tồn tại và sự tan rã của các cảm thọ, các tưởng, không còn nghi ngờ gì nữa.
- Bước thứ năm, Đạo phi đạo thanh tịnh: Đạo là con đường đưa đến giác ngộ giải thoát, phi đạo là con đường tà kiến làm chướng ngại Thánh đạo. Đạo phi đạo thanh tịnh là biết rõ các cảm thọ hỉ, lạc đều là chướng ngại cho sự phát triển trí tuệ rộng lớn, liền giác tỉnh, rồi khởi cảm thọ. Hành giả đắc được trí biết rõ cái gì là Đạo và cái gì là chướng đạo (hay Phi đạo). Bấy giờ, hành giả tự mình biết chắc rằng: giờ đây ta mới thực sự hạnh phúc.
- Bước thứ sáu, Đạo tri kiến thanh tịnh: Ở cấp độ cao hơn từ sự đào luyện tâm, nhờ nền tảng tu tập từ các bước trước hành giả bước vào Đạo tri kiến thanh tịnh. Thấy rõ quá trình thực hành, tu tập; thấy rõ hiện tượng tan rã của các quá trình thân và tâm, thấy không có gì hiện hữu nữa; các đối tượng chú tâm đều tan rã. Tức hành giả thấy rõ ba pháp ấn: khổ, vô thường, vô ngã.
- Bước thứ bảy, Tri kiến thanh tịnh: Là tâm hoàn toàn thanh tịnh do thấy và biết. Đây là cấp độ cuối cùng trong tiến trình tu tập, cấp độ này vẫn tiếp tục xả bỏ dính mắc từ sự chứng đạt và hướng tâm đến vô thủ trước Niết bàn. Tri kiến thanh tịnh giống như Giải thoát tri kiến trong Ngũ phần hương, từ giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến, tức là đã giải thoát rồi nhưng cái thấy biết về giải thoát cũng xả bỏ để tâm trú nơi vô sở trụ.(3)
Rõ ràng, bảy bước đi ấy được đặt trên nền tảng của giới, nếu không đặt nền tảng này thì các bước còn lại sẽ khó thành tựu. Vai trò của giới luôn được Đức Thế Tôn khẳng định, và khuyến tấn Chư đệ tử hãy lấy giới làm thầy, hãy nương vào giới để vượt qua sông mê, thoát ly biển ái.
Sự thị hiện bảy bước là biểu tượng cho lộ trình giải thoát mà Thế Tôn đã đi qua và trở thành truyền thống tất yếu cho hành giả áp dụng tu tập nhằm chuyển hóa, gội rửa thân tâm để đi đến an lạc giải thoát giác ngộ. Bảy bước đi của bậc giác ngộ trên hoa sen thanh tịnh là thông điệp mầu nhiệm đã vạch lối đi cho hết thảy chúng sanh đến bờ an vui giải thoát. Hoa sen là biểu tượng của sự thanh khiết. Phật dạy: Hoa sen sinh ra trong bùn, lớn lên trong bùn nhưng không ô nhiễm mùi bùn, cũng vậy Ta sinh ra trong đời, lớn lên trong đời nhưng không ô nhiễm mùi đời. Hoa sen là Phật, Phật là hoa sen vẫn luôn hiện hữu giữa lòng nhân thế, mang dư hương tỏa đi muôn nơi.
Mỗi mùa Phật đản về là mỗi lần gợi nhắc chúng ta hãy nghiêm túc hơn trong quá trình chế ngự và kiểm thúc thân tâm, để Phật tánh trong mỗi người ngày mỗi thêm triển nở, cho hạt minh châu ngày một thêm sáng ra và sở hữu nó, chứ không còn như Gã cùng tử mãi mê làm kiếp nghèo lang thang mà bỏ quên viên ngọc trong chéo áo.
Trung Định
Chú thích:
1. Năm triền cái: Tham dục, sân hận, thuỳ miên, trạo hối và nghi.
2. Trong ngũ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức sắc thuộc về sắc, thọ, tưởng, hành, thức
thuộc về danh.
3. Xem Thích Chơn Thiện, Tìm hiểu về Kinh Trung Bộ, bài kinh Trạm Xe 24.