Đào tạo được một Phật tử thấm nhuần tinh thần Đạo Pháp và dân tộc, tâm nguyện hộ quốc an dân là đào tạo một nhân tài cho Phật pháp và cho dân tộc. T
Phật giáo lấy từ bi và trí tuệ làm nền tảng giáo lý, lấy an lạc, giải thoát làm cứu cánh, tinh thần tùy duyên bất biến, vô ngã vị tha làm phương thức hoằng dương Chánh pháp.
Chính vì thế, dù đến xứ sở nào, dân tộc hay quốc gia nào, Phật giáo đều lấy lợi ích của dân tộc đó làm phương châm hành đạo, làm thăng hoa những giá trị tâm linh truyền thống của dân tộc bằng giáo lý thuần thiện và giải thoát.
Lịch sử đã chứng minh, trên 2500 năm qua, Phật giáo hòa nhập vào cộng đồng dân tộc nào cũng trên phương diện hòa binh và tinh thần tùy duyên bất biến.
Khởi nguồn từ Ấn Độ nhưng khi hòa nhập vào các quốc gia nào, Phật giáo đều mang bản sắc riêng theo nền văn hóa của dân tộc đó.
Có thể nói rằng, truyền thống hộ quốc an dân là nền tảng thiết yếu cho Phật giáo hòa nhập vào cộng đồng dân tộc và quốc gia trên thế giới.
Vì vậy, việc xây dựng hoạt động hoằng pháp Phật giáo Việt Nam phải chú trọng những yếu tố sau:
Truyền thống hộ quốc an dân là nền tảng thiết yếu cho Phật giáo hòa nhập vào cộng đồng dân tộc Việt Nam
Hoạt động hoằng pháp phải gắn liền với truyền thống hộ quốc an dân, và dây là yếu tố sinh tồn của Phật giáo trong lòng dân tộc.
Hơn nữa, bất cứ tôn giáo nào không có truyền thống hộ quốc an dân thì tôn giáo đó không thể tồn tại trong cộng đồng dân tộc, nếu có chăng thì tôn giáo đó trở thành thế lực đàn áp dân tộc.
Ngay từ buổi đầu hòa nhập vào Việt Nam, Phật giáo trước tiên như là người bạn đồng hành cùng dân chúng. Nhà sư là người thầy trị bệnh, người thầy dạy học, người thầy định hướng tâm linh, ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng.
Nhà sư Phật Quang được xem là vị Tăng người Ấn Độ truyền bá Phật pháp đầu tiên vào Việt Nam, khoảng thế kỷ thứ 2 đến thứ 3 trước dương lịch, đã từng hành đạo tại núi Quỳnh Viên.
Ngài được dân chúng biết đến như vị Thánh Tăng thần thông quảng đại, phép thuật trị bệnh rất mầu nhiệm.
Chử Đồng Tử và Tiên Dung nghe danh liền đến núi Quỳnh Viên xin học đạo và được sư tiếp độ làm đệ tử tục gia, cũng là người Phật tử Việt Nam đầu tiên quy y Phật.
Sau, hai vị theo lời thầy dạy đã dành trọn cuộc đời làm việc thiện giúp người. Từ đó, hình ảnh Phật giáo hiền hòa dần đi vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân.
Dù Tăng sĩ hay Phật tử tại gia, người con Phật đều lấy phương ngôn phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật làm châm hành động.
Phát huy vai trò định hướng tâm linh của Phật giáo đối với dân tộc Việt Nam
Phật giáo là tôn giáo định hướng tâm linh cho dân tộc Việt Nam trên 2000 năm qua. Lịch sử đã chứng minh nền tảng tâm linh của dân tộc Việt Nam chính là Phật giáo. Lúc suy hay lúc thịnh, Phật giáo đều đồng hành cùng dân tộc.
“Trang sử Phật đồng thời là trang sử Việt,
Trải bao độ hưng suy, có nguy mà chẳng mất” (Nhà thơ Hồ Dzuếnh).
Phật giáo đã sớm ý thức vai trò hộ quốc an dân trên phương diện tâm linh ngay từ đầu kỳ nguyên dương lịch qua hình thức Bản địa hóa Phật giáo trên phương diện tư tưởng tâm linh.
Sư Khâu Đà La (4), đến Việt Nam vào khoảng năm 189, dựa theo tín ngưỡng truyền thống của dân gian tôn thờ các vị thần thiên nhiên huyền bí như Thần Mây, Thần Sấm, Thần Sét, Thần Mưa, ma quỷ… đã dần chuyển hóa theo quan niệm Phật giáo thờ phụng các vị Phật như Pháp Vân Phật, Pháp Vũ Phật, Pháp Lôi Phật, Pháp Điện Phật, đồng thời tôn thờ đến ngày hôm nay …
Thờ thần thì cúng tế, sát sinh; thờ Phật thì phải làm lành lánh dữ, bỏ ác phục thiện, bố thí, phóng sinh.
Năm 544, Lý Nam Đế xưng đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, liền cho xây chùa đặt tên là Khai Quốc (mở nước) như là một tuyên ngôn cho kỷ nguyên tự chủ của dân tộc.
Năm 1010, vừa lên ngôi, vua cho trùng tu hơn 300 ngôi chùa và xuất 2 vạn quan để xây 8 ngôi chùa tại quê ở Bắc Ninh.
Năm 1049, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng chùa Diên Hựu, tức chùa một cột, được xem là trái tim, biểu tượng văn hóa tâm linh của dân tộc.
Chùa nơi nương tựa tinh thần của dân chúng, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, đạo đức, tư tưởng... thiêng liêng của đất nước. Phật giáo được xem là nguồn cội tâm linh của dân tộc, nơi che chở hồn dân tộc.
Về sau nhiều ngôi chùa và tượng Phật được người dân tôn thờ ở nơi đâu đều có sự tích thiêng liêng của dân làng. Phật ở làng nào đều có sự linh ứng thiêng liêng của làng đó.
Nhiều ngôi chùa, thánh tích thiêng liêng trở thành trái tim, linh hồn của xứ sở thậm chí của dân tộc như Chùa Một Cột, Chùa Hương, Chùa Đồng – Yên Tử, Chùa Trấn Quốc, Chùa Bái Đính … ở miền Bắc; chùa Linh Mụ, Chùa Từ Đàm… ở miền Trung; Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Vĩnh Tràng Chùa Tôn Thạnh, Chùa Hang, Chùa Đất Sét … ở miền Nam.
Mặt khác, về niềm tin của dân tộc, tục thờ cúng ông bà (còn gọi là đạo ông bà) của dân tộc đã hình thành từ xưa, trước khi Phật giáo du nhập vào nước ta.
Người dân có tập tục thờ quỷ, họ tin rằng người thân mất đi sẽ thành quỷ âm thầm ủng hộ người sống. Sau khi Phật giáo du nhập, tinh thần tri ân và báo hiếu của Phật giáo đã làm thăng hoa thêm ý nghĩa này và người dân thờ cúng tổ tiên không chỉ với ý nghĩa mong được phù hộ mà còn bằng tấm lòng tri ân và báo ân.
Phần lớn người dân khi thắp nhang cúng ông bà thì câu đầu tiên là: Nam mô A Di Đà Phật. Vậy, Phật luôn phù hộ cho tổ tiên và con cháu, Phật là chỗ dựa tâm linh cho dân tộc. Ngày giỗ là ngày sum họp gia đình, những anh em cùng huyết thống, nối kết tình làng nghĩa xóm.
Vai trò cố vấn quốc sự và định hướng tâm linh của các thiền sư luôn được các quốc vương chú trọng trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Phật giáo Việt Nam có nhiều vị thiền sư được các vị vua mời làm quân sư để tham vấn quốc sự như: Khuôn Việt Thái Sư Ngô Chân Lưu, Quốc Sư Trúc Lâm, Quốc Sư Thảo Đường…
Phật giáo Nam Tông đã định hướng tâm linh vững chắc cho dân tộc Khơ-me trong quá khứ cũng như hiện tại là bài học quý báu cho Phật giáo Việt Nam.
Hiện nay, tư tưởng Phật giáo góp phần quan trọng trọng việc hưng khởi truyền thống thờ phụng tổ tiên của dân tộc. Thế hệ sau phải tôn thờ cha ông thế hệ trước; người đang sống phải có lòng tri ân, có trách nhiệm với người đã mất.
Những lễ hội tưởng niệm các vị vua, anh hùng dân tộc, người đóng góp lợi ích lớn lao cho cộng đồng cần phải được tôn thờ.
Những hình thức tôn thờ các mẹ Việt Nam anh hùng, các vị anh hùng liệt sĩ hay những nghi thức đại lễ kỳ siêu đồng bào tử nạn, anh linh liệt sĩ cũng là tiếp nối truyền thống thờ phụng của dân tộc.
Xây dựng nền tảng giáo lý Phật giáo cho người Việt
Chúng ta rất mừng vì phần lớn kinh tạng Pali và tiếng Hán đã dịch sang Việt ngữ, nhưng đó là những bản kinh có ngôn ngữ cô đọng, phù hợp cho việc nghiên cứu hơn, đại đa số dân thường khó tiếp nhận.
Ban Hoằng Pháp cần xây dựng nền tảng giáo lý theo cách nghĩ của người Việt. Hệ thống giáo lý phải được vận dụng khéo léo phù hợp với ngôn phong của người dân, với căn cơ (ngay cả người khiếm thị) và liên hệ nhiều lĩnh vực nghề nghiệp trong cuộc sống, nhiều nét văn hóa vùng miền.
Xây dựng giáo lý Phật giáo như là chuẩn mực sống an lạc, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng xã hội.
Lịch sử đã chứng minh ngay từ buổi đầu Phật giáo mới du nhập, những nhà sư đã cố gắng xây dựng nền tảng Phật học cho người Việt. Những bản kinh như Lục Độ Tập Kinh của Khương Tăng Hội, Cựu Tạp Thí Dụ Kinh, Lý Hoặc Luận của Mâu Tử, Kinh Pháp Hoa Tam Muội … không chỉ mang những thông điệp Phật giáo khuyên mọi người bỏ ác làm lành, bố thí, chế ngự lòng tham, hoàn thiện tự thân mà còn có tác dụng như là một khuôn phép giúp đất nước thái bình.
Đây hàm ý xem giới luật Phật tác dụng như là luật của người Việt, không phải chỉ có luật của người Trung Quốc buộc dân ta thực hiện, chứng tỏ tinh thần và mong ước tự chủ của người Việt.
Lục Độ Tập Kinh được xem là bản kinh xưa nhất của nước ta được kết tập vào khoảng năm 138, Khương Tăng Hội dịch ra tiếng Trung Quốc tại chùa Kiến Sơ (Kiến Nghiệp, từ khi Ngài đến đây được 4 năm) năm 251 (năm Thái Nguyên thứ nhất, thời Ngô Tôn Quyền, 222-252), có 9 quyển gồm 91 truyện.
Truyện 1 nêu rõ: “vâng giới (5 điều lành, 10 điều thiện) nước đi tới thái bình”. Giới luật Phật dạy được dùng như khuôn phép an bình cho đất nước.
Xây dựng tinh thần hộ quốc an dân vững chắc cho đồng bào Phật tử
Việc hoằng truyền chánh pháp, hộ quốc an dân từ xưa không chỉ có vai trò của Tăng sĩ mà hàng cư sĩ cũng góp phần rất lớn, thậm chí có khi đóng vai trò chủ chốt như các vị vua, quan và trí thức.
Người Phật tử khi đã thấm nhuần tinh thần Đạo Pháp và dân tộc thì họ sẽ xây dựng tinh thần hộ quốc an dân vững vàng hơn. Họ có những phương thức, điều kiện hòa nhập vào cộng đồng hơn Tăng sĩ. Họ vừa là hộ pháp lại vừa hộ quốc. Đây là yếu tố quan trọng trong việc hưng khởi tinh thần hộ quốc an dân cho đồng bào Phật tử.
Những mốc son lịch sử dân tộc phần lớn đều gắn liền với những tên tuổi tiêu biểu của hàng Phật tử như: Chử Đồng Tử và Tiên Dung hướng dẫn mọi người thờ Phật và trồng hoa cúng Phật, Mâu Tử viết sách truyền bá Phật pháp, vua Lý Nam Đế (lập chùa Khai Quốc), vua Lê Đại Hành (mời thiền sư Pháp Thuận đại diện triều đình tiếp sứ giả Trung Quốc là Lý Giác), vua Đinh Tiên Hoàng (tôn thiền sư Ngô Chân Lưu làm Tăng Thống và sau đó tôn là Khuôn Việt Thái Sư), vua Lý Thái Tổ (được nuôi dưỡng từ chốn thiền môn và trở thành vị vua anh minh nhất khai sáng nên triều đại vàng son nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam, người được Thiền sư Vạn Hạnh nuôi dạy từ nhỏ cho đến khi làm vua), vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông...
Vì vậy, đào tạo được một Phật tử thấm nhuần tinh thần Đạo Pháp và dân tộc, tâm nguyện hộ quốc an dân là đào tạo một nhân tài cho Phật pháp và cho dân tộc. Tinh thần hộ quốc an dân luôn gắn liền với tinh thần Đạo Pháp và dân tộc.
Với 4 nhân tố cơ bản trên, việc hoằng pháp sẽ tiếp nối vững chắc tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam, đây cũng là nhân tố trọng tâm mà ngành hoằng pháp thực hiện xuyên suốt trong mọi hoạt động hiện tại và lâu dài.
Trích Tham luận của Đại đức Thích Lệ Trí - Trưởng ban Văn hóa THPG Long An tại Hội thảo hoằng pháp toàn quốc - Kiên Giang 2010