Cầm điện thoại, nhìn tên hiện trên điện thoại, chần chừ một chút, nghe tiếng nhạc thêm một đoạn nữa rồi ngưng bặt, im lặng như không còn dấu vết, trên mặt điện thoại báo tin một cuộc gọi lỡ. Tôi lặng lẽ để điện thoại xuống bàn, có thể đó cũng chính là hình ảnh bạn khi cầm điện thoại đọc thấy tên tôi.
Sau đó tôi không gọi bạn nữa. Cái cảm giác không muốn bắt điện thoại của những người không còn gì liên quan trong công việc và tình cảm cũng nhạt bớt, khiến tôi hiểu cảm giác của bạn khi tôi gọi đến, thoảng hoặc bạn mới bắt, và tiếng “vậy nhé” kết thúc cuộc nói chuyện vài phút.
Chiếc thoại không bao giờ off từ lúc có tin nhắn bạn sẽ nhá máy để tiếp tục cuộc nói chuyện đang dang dở.
Và rồi năm tháng đi qua, lời hứa nhạt nhòa, nhưng sự chờ đợi vẫn đó. Cho đến buổi chiều nay, hiểu ra cảm giác khi một ai đó gọi đến, chính mình không thể bắt điện thoại, dù biết rằng người gọi đến vẫn còn muốn duy trì mối tương giao.
Nhịp đã không cùng, hai bước đã chệch nhau “em đi bằng nhịp điệu một hai ba bốn năm, tôi đi bằng nhịp điệu sáu bảy tám chín mười… sông cạn đá mòn, sông cạn đá mòn, làm sao ta gặp được nhau…”.
Những buổi hẹn gặp không thể sắp xếp được, lịch trình công tác không có buổi trống để có buổi hẹn đi chơi đâu đó. Giống hệt như câu tôi vừa trả lời cho ai đó rằng, “tôi đang bận khi khác nha”. Nhưng nếu đầu dây kia là bạn thì mọi sự sẽ thay đổi, tôi sẽ bỏ những công việc khẩn cấp để gặp bạn là việc khẩn cấp hơn. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Và rồi cuộc đời luôn nói câu bận rộn cho một sự từ chối. Tôi hiểu nỗi đau của người bên kia đầu dây, bởi đó chính là tâm trạng của tôi.
Từng ngày với một dấu gạch chéo kiên quyết trên tờ lịch, không bấm số gọi bạn, nhưng vẫn chưa dám một lần tắt điện thoại. Dù đêm đã khuya tôi vẫn đọc trong tâm một sự đợi chờ biết đâu trong phút rảnh rỗi nghĩ đến tôi, bạn sẽ gọi đến thăm.
Khanh bảo “Khanh đã qua những ngày tháng như thế, coi như đau khổ, còn những người đang được coi là hạnh phúc thì sao”.
Thạnh cười trả lời, “hạnh phúc thì mong manh, chưa kịp nắm giữ đã tan mất. Nhưng thật ra mình đang hạnh phúc đây, có công ăn việc làm, chủ nhật đến chùa học Phật pháp, mỗi tối có thể tọa thiền mươi phút trước khi đi ngủ. Vậy là hạnh phúc phải không? Tuy nhà đông anh em, nhưng mẹ mình không chấp nhận mình đi tu.”
Thục hơi suy nghĩ, “hai đứa mình đều học Phật mỗi tuần, cô ấy tuy hơi bướng một chút, nhưng lại chịu khó nghe lời nhắc nhở của qúy thầy qúy cô. Kể ra ai cũng nói mình hạnh phúc. Tương đối thì là vậy”.
Không cùng nhịp đời, thì cùng nhịp đạo. Cái được và mất không biết nói thế nào là đúng. Có người không thể theo được nhịp đạo cũng như có người không bước kịp nhịp đời. Nhưng sai nhịp không phải ở nhịp đời hay nhịp đạo mà ở tâm không cùng một cách nhìn. Như tôi và bạn, nhịp đời đã không mà nhịp cũng chẳng. Chỉ không biết tại sao đến giờ bạn vẫn còn đó trong tâm tôi.
Đạm Kha