Chùa Bà Bụt nằm ở thôn Thượng Thọ, xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương, phủ Anh Sơn nay thuộc xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Nguyên xưa chùa Bà Bụt có diện tích rộng khoảng 10 mẫu, gồm các hạng mục công trình như: sân vườn, ao sen, tam quan, nhà trạm, nhà thuyền, tiền đường và thượng điện cây cối xanh tốt, um tùm trong một khung cảnh tĩnh lặng ở chốn sơn thuỷ hữu tình, nhưng lại không hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài.
Trải qua bao biến cố lịch sử, thiên tai khắc nghiệt, chiến tranh tàn phá, các hạng mục công trình của chùa không còn đầy đủ như xưa, hiện nay chỉ còn lại một số hạng mục như vườn chùa, sân chùa, tiền đường và thượng điện. Những năm gần đây nhân dân xây dựng thêm nhà Hữu vu (nhà khách nằm phía Tây sân chùa).
Tại chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật như chuông đồng, câu đối, đại tự, bài minh, lạc khoản và nhiều tượng phật. Đây là những tài liệu và hiện vật quý giá, đặc biệt là tượng Phật bà Quan Âm cổ. Ngoài ra, ở tòa tiền đường và thượng điện được chạm khắc trang trí ở từng bộ phận như đầu dư, đầu bẩy, kẻ với nhiều mảng chạm phong phú và đa dạng...
Theo truyền thuyết và sử sách lưu truyền, thời kỳ Lý Nhật Quang (con trai thứ 8 vua Lý Thái Tổ) được bổ làm Tri châu Nghệ An, ông đã tổ chức khai hoang mở đất, xây dựng và phát triển kinh tế. Phật bà Quan Âm ở chùa Bà Bụt đã phù giúp Lý Nhật Quang gặp nhiều thuận lợi, may mắn.
Trong quá trình chinh phạt quân Chiêm Thành, Lý Nhật Quang được Phật bà Quan Âm linh ứng phù giúp cho ông đánh giặc thắng lợi. Tương truyền, Lý Nhật Quang đi đánh giặc Lão Qua, bị trọng thương, ngựa về đến Bạch Đường, thông Thượng Thọ (nay là xã Lam Sơn) có bà Tiên (ở Tiên Tích Tự) báo với ngài rằng: "Quả Sơn là nơi địa linh, muôn đời có thể hoá thân ở xứ ấy".
Nghe lời bà Tiên, Ngài về đến Quả Sơn thì qui hoá. Quan quân bèn xây dựng phần mộ lập đền ở Quả Sơn. Do đó hàng năm có tục lễ "nghinh xuân" vào ngày 20 tháng Giêng, rước di tượng Lý Nhật Quang từ đền Quả Sơn đến chùa Bà Bụt lễ tạ long trọng. Lễ tạ ơn là một trong những phần lễ có quy mô to lớn, gồm các chức sắc, nhân dân và du khách khắp nơi về dự lễ rất đông...
Lệ tạ tại chùa diễn ra hai năm một lần vào ngày 20, 21 tháng Giêng âm lịch. Lễ tạ ơn chùa Bà Bụt mang nét đặc trưng riêng vốn có từ lâu đời. Đây là hoạt động văn có ý nghĩa, là dịp ôn lại truyền thống hào hùng của các bậc tiền nhân, vừa thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của nhân dân. Ngoài ra chùa Bà Bụt còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng khác gắn với địa phương trong hai cuộc kháng chiến.
Hàng tháng cứ đến ngày sắc, ngày vọng, Đại lễ Phật đản vào dịp xuân về...chùa Bà Bụt lại thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương. Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử đó, chùa Bà Bụt đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử - văn hoá, đây là cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích!
Báo Nghệ An