PHẬT PHÁP TRONG THỜI ĐẠI VÀ VĂN HÓA

A. DẪN NHẬP

http://rlv.zcache.com/sen_dang_no_poster-p228196173808296484tdad_210.jpgSức sống của một nền đạo lý từ bi, trí tuệ như Đạo Phật là sức sống văn hóa. Bởi vì chỉ trên bình diện văn hóa, hoặc ở những hình thái sống động của đời sống hoặc thâm trầm trong tâm hồn mỗi con người, nguồn suối từ bi, trí tuệ mới có thể thẩm thấu, chan hòa trong đời sống và tâm hồn của phần lớn các dân tộc Á - Đông.

Văn hóa là hơi thở của sự sống, chính vì vậy mà qua bao thăng trầm nghiệt ngã của lịch sử truyền từ đời này sang đời khác, trải qua bao thế hệ… Đạo Phật như một sức sống mãnh liệt vẫn còn đó, như một sinh chất tinh thần dưỡng nuôi nếp sống tâm linh cho con người. Văn hóa cũng như dòng nước mát, yếu mềm là thế mà lại không có đao kiếm nào chặt đứt cả. Chính vì thế nhìn trên bề mặt cơ cấu tổ chức tưởng chừng như Đạo Phật chẳng còn đâu sức sống trước những tác động tiêu cực của thời thế, nhưng với lòng từ bi và trí tuệ, với sự lắng đọng sâu xa trong cuộc sống thì lại thấy Đạo Phật vẫn sống nguyên vẹn theo tiếng gọi của “Hồn thiêng sông núi”, vẫn lặng lẽ đi vào lòng người, vẫn hiện diện trong cuộc sống bất di bất dịch như chưa từng chết đi bao giờ.

B. NỘI DUNG

I- KHÁI QUÁT SỰ DU NHẬP CỦA PHẬT PHÁP

Vào cuối thế kỷ I, Phật giáo du nhập vào Việt Nam như một Tôn giáo mang tính truyền bá thuần túy tín ngưỡng, khai phóng con đường Thiền Tông và Tịnh độ Tông. Đến thế kỷ X-XIV, cuối đời Trần là thời kỳ Phật giáo được phát triển cực thịnh mà đỉnh cao là sự thống nhất các thiền phái Tỳ-Ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường... lập nên thiền phái Trúc Lâm ở núi Yên Tử do sự hết lòng ủng hộ của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ. Khai sơn đệ nhất Tổ thiền phái Yên Tử là Thiền sư Hiện Quang, Tổ thứ hai là Thiền sư Viên Chứng. Vị Thiền sư khác cũng nổi tiếng vào thời Trần là Nhất Tông quốc sư, đệ tử của Thiền sư Ông Thuận thuộc thế hệ thứ XVI của vua Trần Thái Tông, cũng từng đóng góp vào tinh thần thống nhất này. Đặc tính nổi bật trong suốt thời kỳ du nhập và phát triển của hai thiền phái lớn Tỳ-Ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông, dù có mang màu sắc ảnh hưởng Phật giáo Ấn Độ hay Trung Hoa, nhưng khi đến với xã hội Việt Nam thì đã nhanh chóng thể nhập hài hòa với đời sống dân tộc. Phật giáo tham gia mọi sinh hoạt văn hóa, chính trị, xã hội mà vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình.

II. VĂN HÓA PHẬT GIÁO TRONG CUỘC SỐNG

Vì bản chất của Phật giáo là từ bi và trí tuệ nên không thể tạo nên những công trình vĩ đại mang tính cách xa hoa phù phiếm, lại cũng không có sức quyến rũ mãnh liệt như nền văn minh ngày nay. Trên đỉnh điểm tột bậc, vật chất có sức hút rất mạnh là lấy dục vọng làm nguồn năng lực kích động, nhưng sức sống văn hóa của Phật giáo lại tạo nên những tâm hồn bình dị an lành, những nếp sống tĩnh lặng, hòa mình cùng vũ trụ thiên nhiên, biểu lộ cái đẹp thuần khiết, chân thật nhất.

III. VAI TRÒ VÀ BỔN PHẬN CỦA TU SĨ PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI CÙNG SỰ TRUYỀN ĐẠT VĂN HÓA PHẬT GIÁO.

III.1. Vai trò của tu sĩ Phật giáo trong thời đại mới

Ngoài việc xiển dương Phật Pháp, những vị tu sĩ Phật giáo với vai trò năng động, tích cực nhập thế bằng những phương tiện thiện xảo cần phải tham gia và đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa sống lành mạnh qua nhiều phương diện: giáo dục, văn hóa, đạo đức, từ thiện xã hội vì an lạc hạnh phúc cho nhân loại. Một quan điểm tích cực và năng động như thế đã được Thiền Sư D.T. SUZUKI diễn đạt rằng: Ngày nay chùa chiền Phật giáo là những trường học, bệnh viện, phòng khám bệnh, trại mồ côi, trại dưỡng lão... và những người tu sĩ là những giáo viên, y tá, bác sĩ, kỹ sư, những người trồng trọt, nhà thám hiểm ở vùng hoang dã... trong giai đoạn tiến triển ban sơ. Những người đệ tử Phật là những nhà lãnh đạo trong mỗi chiều hướng khác nhau, phải sống đời sống hoàn thiện trên tinh thần vị tha, bao dung, luôn sống với trí tuệ và lòng từ trong khung cảnh xã hội phức tạp như hiện nay, học tập để chia sẻ kho tàng tâm linh với tất cả chúng sanh.

III.2. Sự truyền đạt văn hóa Phật giáo qua nhiều phương diện

Ngoài việc tu tập thân tâm, người đệ tử Phật cần phải hoạt động xã hội tùy duyên bất biến, cần đưa nền văn hóa Phật giáo vào học đường như các trường Cao, Trung, Phật học viện, sang băng đĩa, ấn hành sách để truyền đạt đến những nơi thuộc vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, những vị Tăng Ni trẻ cần phát tâm dấn thân vào vùng xa xôi hẻo lánh để hòa mình cùng người dân ở vùng đó mà truyền đạt nền văn hóa Phật giáo.

III.3. Bổn phận của đệ tử Phật trong xã hội hiện nay

Đối diện với những vấn đề khủng hoảng xã hội hiện nay như: Môi trường sinh thái, bệnh dịch HIV/AIDS, bệnh đồng tính, nạn mại dâm, chiến tranh, bạo động và khủng bố, tình yêu, tình dục và hôn nhân… thì một nhà truyền bá Phật giáo không những cần nắm bắt thấu đáo về các tình huống xã hội và tính khí con người hiện nay, mà còn phải khéo léo thực hiện, làm thế nào để giảm bớt nỗi khổ đau và khủng hoảng xã hội. Đệ tử Phật cũng phải bảo tồn và phát huy những gì là cốt lõi Đạo Phật, sự bảo tồn và phát huy không phải là riêng người nào mà cho toàn thể mọi người cần trải nghiệm và biết đến để hoàn thiện chính mình đi trên con đường Chân, Thiện, Mỹ điều mà chúng ta thường nói là khế lý và khế cơ, thể nghiệm được chân lý này là ứng hợp với căn cơ của con người thời đại.

C – KẾT LUẬN

Đứng trước tình huống đa dạng của đời sống hiện nay, làm thế nào để đối phó với cái gọi là làn sóng văn minh vật chất đang tấn công con người từ nhiều phương diện khác nhau? Làm thế nào để duy trì Đạo Pháp trong cuộc sống và trật tự xã hội? Trong bài viết này, người viết chỉ trình bày khái quát sự du nhập của Phật pháp, nền văn hóa Phật giáo trong cuộc sống, vai trò và bổn phận của đệ tử Phật trong thời đại mới cùng sự truyền đạt văn hóa qua mọi phương diện, để góp một cái nhìn về hình ảnh người đệ tử Phật trong thời đại mới, với những phương tiện thiện xảo trong sự tu tập và năng lực tham gia hoạt động xã hội, đóng góp cho sự phát triển xã hội và Phật giáo trên nhiều phương diện trong hiện tại và tương lai./.

 

(Trích tham luận Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam)

Tiểu Dinh Dinh