- Xin cô làm phước thương kẻ hèn mọn này! Chị lẳng lặng ngó lơ chỗ khác làm ra vẻ thản nhiên nhưng chị đang cố bước thật nhanh như sợ phải nghe tiếp những lời năn nỉ không mấy dễ chịu kia. Bởi chị quá quen thuộc với kiểu cách của những kẻ ăn mày. Hẳn ông lão sẽ đứng đấy chờ đợi một cách lì lợm cho đến khi được chị ban ơn mới chịu bỏ đi, nếu như chị còn chưa rời khỏi đó. Chợt đứa con gái mới lên bốn của chị mắt nhìn ông lão không chớp và níu tay chị lắc khẽ:
- Mẹ à, con muốn cho ông túi bánh này, chắc ông đói lắm, mẹ nhìn tay ông run kìa.
Chị vuốt tóc con, ôn tồn:
- Ồ, nếu vậy thì mẹ chẳng thể mua gói bánh khác cho con nữa, con yêu ạ.
Con bé không đợi chị nói hết, nó sợ ông lão bỏ đi. Nó nhanh nhẹn chạy đến dúi vào tay ông lão túi bánh và lễ phép:
- Ông ơi, cháu biếu ông nè, ông ăn đi.
Ông già ăn xin ngước nhìn về phía chị với đôi mắt biết ơn.
- Ồ, hôm nay là một ngày tốt của lão, cảm ơn hai mẹ con!
Chị lại lẳng lặng dắt con đi tiếp, nhưng lần này chị khẽ mỉm cười.
Còn nhớ, ngày chị bằng tuổi con gái chị bây giờ, mẹ chị vẫn thường dạy chị những bài học về lòng nhân ái. Rồi chị tự nhủ: Không phải mình không tốt, chỉ tại mình không giàu. Chợt đứa con gái lại kéo tay chị, giọng líu lo:
- Mẹ à, người kia thật đáng thương, mẹ nhỉ? Thì ra nãy giờ con gái chị vẫn nhìn theo ông lão ăn xin. Chị mỉm cười, trả lời con qua quýt:
- Ừ, tất cả những người ăn xin đều đáng thương con à.
- Không, con bảo người kia cơ. - Vừa nói, con bé vừa chỉ tay về phía một người đàn ông sang trọng đang kéo chiếc vali đi cách ông lão vài bước. Chị ngạc nhiên hỏi con gái:
- Ồ, sao con lại bảo bác ấy đáng thương? Mẹ không thấy thế.
Con bé vẫn hồn nhiên:
- Mẹ không biết được đâu. Bác kia nghèo đến nỗi chẳng có gì cho ông cả, khi mà ông chìa nón ra xin ấy, mẹ ạ. Chính con nhìn thấy đấy. Chị bất giác bật cười to trước cách giải thích ngộ nghĩnh của con.
Người giàu có không phải là người có tất cả mọi thứ, không phải là người có thật nhiều tiền bạc, của cải. Người giàu có là người biết chia sẻ.■
Thi Phan