Bản gốc hiện đang ở quần thể chùa Dạm (xã Nam Sơn-Quế Võ - Bắc Ninh) |
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, các nhà điêu khắc hàng đầu và các thành viên trong HĐKH của Bảo tàng xung quanh đề án “Hiện trạng và giải pháp khắc phục Cột đá chùa Dạm đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”.
Nhiều ý kiến cho rằng, phiên bản cột đá chùa Dạm đang đặt tại khuôn viên Bảo tàng cần được thay mới trên cơ sở giữ các chi tiết, đường nét tinh tế của bản gốc vốn là một kiệt tác điêu khắc tôn giáo thời Lý, hiện nằm trong quần thể Chùa Dạm tại xã Nam Sơn ( Quế Võ, Bắc Ninh).
Cần được thay mới
Theo nhà điêu khắc Phan Văn Tiến (PGĐ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), cột đá chùa Dạm là công trình điêu khắc mở đầu cho nghệ thuật tượng đài hoành tráng Việt Nam, hội tụ những giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, nghệ thuật và đời sống tâm linh. Đó là một di sản văn hoá rất có giá trị. Phiên bản cột chùa Dạm trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1973 đã trở thành một thành tố của không gian kiến trúc nơi đây, là một hiện vật tiêu biểu của nền mỹ thuật điêu khắc thời nhà Lý tại Bảo tàng.
Sau hơn 30 năm tồn tại, năm 2006, Bảo tàng đã thay phiên bản cột chùa Dạm mới với chất liệu đá. Tuy nhiên, phiên bản này đã sai lệch nhiều so với bản gốc về tỉ lệ cùng như hình, khối, nhất là đôi Rồng đã bị biến dạng so với tinh thần của bản gốc.
“Chất liệu đá dùng để phiên bản cũng không đúng nên tạo ra một bản phiên trơ cứng. Bản phiên nặng tính mỹ nghệ, không đáp ứng được yêu cầu trưng bày ...”- ông Tiến nhấn mạnh.
Vì thế, Bộ VHTTDL đã giao Ban Giám đốc Bảo tàng khẩn trương nghiên cứu đề xuất các biện pháp khắc phục sai lệch phiên bản cột chùa Dạm chất liệu đá và trình lãnh đạo Bộ xem xét, tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
Hoạ sĩ Vi Kiến Thành (GĐ Bảo tàng) cho biết, Bảo tàng đã xây dựng đề án hiện trạng và giải pháp khắc phục cột đá Chùa Dạm nhằm tìm giải pháp tu sửa hoặc phiên bản lại cột chùa Dạm để có một công trình trung thực với bản gốc, độ chính xác cao và chất liệu bền vững.
Ý kiến các chuyên gia khẳng định, bản phiên bằng đá máp do thợ Ninh Vân, Ninh Bình thực hiện năm 2006 đang đặt tại khuôn viên Bảo tàng là không thể tu sửa. Việc phục chế bản phiên bằng bê tông đặt tại Bảo tàng từ năm 1973 để bày lại cũng sẽ không có hiệu quả. Vì thế, “đáp án” chỉ có thể là thay một phiên bản mới thay thế bản đang trưng bày.
Phiên bản phiên bằng đá máp do thợ Ninh Bình đục
đang đặt tại sân vườn Bảo tàng MTVN
NĐK Phan Văn Tiến nói: “Giải pháp lý tưởng nhất hiện nay là phương pháp đổ khuôn lại bản gốc ở xã Nam Sơn (Quế Võ, Bắc Ninh), có thể mang lại hiệu quả cao về chất lượng tác phẩm cũng như hiệu quả kinh tế”.
NĐK Tạ Quang Bạo là người vốn đã từng rất quen thuộc với từng chi tiết trên bản gốc cột chùa Dạm cho rằng, cần phải có bản phiên mới nhưng thay vì chất liệu đá khá tốn kém thì nên lựa chọn cách đổ lại bản phiên bằng bê tông. Nhà PBMT Nguyễn Hải Yến với tư cách là nhân chứng trong HĐKH đã chứng kiến việc đổ phiên bản cột chùa Dạm năm 1973 cũng thấy “tiếc” khi nhớ lại đội ngũ các chuyên gia trẻ ngày ấy đã dồn biết bao tâm sức để thực hiện bản phiên với nhiều đặc trưng của điêu khắc nhà Lý: tinh tế, tỉ mỉ, dẻo và chắc. Bà Nguyễn Hải Yến cho rằng, cần đổ khuôn lại để giữ mọi ngóc ngách, những đường nét chạm khắc uốn éo tinh xảo trên bản gốc.
“Thiết kế” một đội ngũ chuyên gia thật chuẩn
Tiết lộ về cách thực hiện phục dựng, NĐK Phan Văn Tiến cho hay, phương pháp kết hợp đổ khuôn bằng hoá phản ứng Silicon và khuôn thạch cao truyền thống là giải pháp ưu việt. Sau công đoạn đổ khuôn tại nơi đặt hiện vật gốc sẽ chuyển khuôn về Bảo tàng thực hiện đổ bản phiên và triển khai lắp ghép tại địa điểm đặt hiện vật. Sau khi hoàn thiện phần thô sẽ là công đoạn thực hiện việc làm cũ tác phẩm bằng phương pháp quét lớp hồ gạo mỏng để tạo rêu phong, làm cho hiện vật như cũ đi theo thời gian. Ông Tiến cũng cho hay, đội ngũ thực hiện là các NĐK và kỹ thuật viên thuộc Trung tâm Bảo quản Tu sửa các tác phẩm Mỹ thuật của Bảo tàng.
NĐK Nguyễn Thiện (nguyên Trưởng phòng Phục chế, trang trí và trưng bày đầu tiên của Bảo tàng), một tên tuổi hàng đầu trong giới điêu khắc Việt Nam nay đã ở tuổi 80 nhưng vẫn rất tâm huyết với việc làm mà ông cho là cần thiết này.
Ông nhấn mạnh, cần phải “thiết kế” một đội ngũ chuyên gia thật chuẩn tham gia thực hiện phiên bản. Cũng đồng quan điểm, NĐK Tạ Quang Bạo cho rằng cần phải chọn những đối tượng thực sự có năng lực.
Phiên bản đúc năm 1973 trước
đặt tại sân vườn Bảo tàng BT
“Đội ngũ đó không chỉ cần có kinh nghiệm mà còn cần phải “đọc” được cả ý đồ của các nghệ nhân chạm khắc thủa xưa với những nét hoa văn mây lửa rất hiếm có mà các thế kỷ sau không thể lặp lại...”- Nhà PBMT Nguyễn Hải Yến nói.
NĐK Đào Châu Hải lại nhấn mạnh đến khía cạnh ứng xử văn hoá của đội ngũ thực hiện công việc này, mỗi người cần hiểu biết về chuyên môn và trung thực khi phục chế. Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp đề xuất, Bảo tàng nên mời các bậc cao niên có kinh nghiệm và thành lập một HĐKH để tiến hành công việc khẩn trương, nghiêm túc.
“Bảo tàng đang sở hữu một đội ngũ chuyên gia phục chế mạnh, vì thế đội ngũ đó cần là lực lượng nòng cốt cho công việc này”- nguyên GĐ Bảo tàng, ông Cao Trọng Thiềm nói.
Đồng tình với những đề xuất này, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Hoàng Đức Toàn cho biết, Cục sẽ ủng hộ về chuyên môn cũng như công tác phản biện... để tạo điều kiện cho Bảo tàng hoàn thành việc phục dựng công trình cột Chùa Dạm càng sớm càng tốt.
Tiếp thu những ý kiến tại hội thảo, hoạ sĩ Vi Kiến Thành cho biết, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ thực hiện bản phiên mới cột chùa Dạm theo đúng quy trình, nghiêm túc, đặc biệt sẽ mời các chuyên gia đầu ngành tham gia. Mục tiêu hoàn thành trong năm 2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và chào mừng kỷ niệm 45 năm thành lập Bảo tàng (1966- 2011), việc phục dựng phiên bản cột đá chùa Dạm trở lại giá trị vốn có ban đầu không chỉ làm tăng vẻ đẹp của Bảo tàng mà còn giúp các nhà nghiên cứu và giới thiệu cho khách tham quan về một giá trị nghệ thuật đích thực của nền mỹ thuật Việt Nam nói chung và thời Lý nói riêng.
“Sau khi chọn phương án khả thi, Bảo tàng sẽ trình lãnh đạo Bộ VHTTDL xem xét, phê duyệt đề án và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện...”- hoạ sĩ Vi Kiến Thành cho biết.
Anh Thu
Theo Nhandan