Lai lịch cô gái “Em đi chùa Hương”
Bài thơ “Chùa Hương”, nguyên bản của bài hát “Hôm qua em đi chùa Hương” có một lai lịch khá kỳ thú. Mùa xuân năm ấy, Nguyễn Nhược Pháp cùng Nguyễn Vỹ và hai cô bạn đi hội Chùa Hương. Trèo lên đến rừng Mơ thì họ gặp một cô bé rất xinh đi cùng mẹ lên chùa. Hai mẹ con đang vừa đi vừa chắp tay niệm Phật, thấy hai chàng bước bên cạnh, cô bé bỗng nhìn họ trân trối rồi bẽn lẽn không niệm Phật nữa. Nguyễn Nhược Pháp và Nguyễn Vỹ liền hỏi tại sao cô bé không niệm Phật nữa thì cô bé liền đỏ bừng đôi má, tỏ vẻ bối rối muốn khóc. Nguyễn Nhược Pháp thấy vậy thích lắm liền cố bắt chuyện để an ủi cô bé. Và câu chuyện vẩn vơ đã diễn ra cùng họ cho đến chùa Ngoài. Mải chuyện với người đẹp, Nguyễn Nhược Pháp và Nguyễn Vỹ bị hai cô bạn gái đi cùng bỏ rơi lúc nào không hay.
Không tìm được hai cô bạn trong đám đông trẩy hội, đêm ấy hai chàng liền ngủ lại trong chùa Hương cùng hai mẹ con cô bé quê. Sáng hôm sau gặp lại hai cô bạn, Nguyễn Vỹ phải xin lỗi mãi, còn Nguyễn Nhược Pháp chỉ tủm tỉm cười. Về đến Hà Nội được mấy hôm, Nguyễn Nhược Pháp sáng tác nên bài thơ “Chùa Hương” (Theo Nguyễn Vỹ thì trong bản chép tay đầu tiên, bài thơ có tên là “Cô gái Chùa Hương”). Bài thơ dài 34 khổ 144 dòng, lấy cuộc gặp gỡ lý thú của tác giả với cô gái quê ở Chùa Hương làm đề tài và tưởng tượng thêm. Điều đặc biệt là dưới tên bài thơ, Nguyễn Nhược Pháp mở ngoặc đơn dòng chữ “Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”. Cuối bài thơ còn ghi thêm: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người sẽ lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô gái còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện”.
Trước năm 1945, bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc thành bài hát “Đi chơi Chùa Hương”, bài hát này khá dài, chỉ có ca sĩ Mộc Lan ở Huế hát tthành công nhất, được nhiều người hâm mộ nhất. Giữa những năm 1980, ca sĩ Trung Đức phỏng theo mấy đoạn thơ phổ thành bài hát “Em đi Chùa Hương” và được phổ biến rộng rãi hơn vì nó mộc mạc chân thành, đậm chất dân ca xứ Nghệ, dễ hát và dễ nhớ. Nhưng nếu Nguyễn Nhược Pháp sống lại để nghe bài hát này, chắc ông sẽ lại tủm tỉm cười khi thấy câu thơ “Chân đi đôi dép cong” của ông đã bị đổi thành “Chân em đi đôi guốc cao cao” bởi vì đi Chùa Hương phải leo dốc, xuống hang rất ghập ghềnh, đi guốc cao thì làm sao mà đi nổi.
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp là một trí thức con nhà dòng dõi. Cha ông là nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, từng dịch tập thơ “Ngụ ngôn” của La Fontaine ra tiếng Việt rất đặc sắc. Nguyễn Nhược Pháp sinh năm 1914 tại Hà Nội, đỗ bằng Tú tài Tây, làm thơ từ năm 16 tuổi. Ngoài ra, ông còn sáng tác kịch, truyện ngắn và viết báo. Ông viết báo tiếng Pháp khá nhiều, năm 1935 xuất bản tập thơ “Ngày xưa”, trong đó có bài thơ “Chùa Hương” rất nổi tiếng. Nhưng tiếc thay, thi sĩ tài danh Nguyễn Nhược Pháp mất đột ngột khi mới 24 tuổi, vào năm 1938.
Đoàn Chuẩn “ẩn danh” tặng hoa người đẹp
Có người từng nói rằng cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là ông vua slow của Việt Nam, nhạc của ông trữ tình, lãng mạn đến nao lòng. Người ta cho rằng nếu không bằng tình yêu một người đẹp nào đó chắc ông sẽ không thể viết ra những ca khúc hay như vậy. Không biết thực hư những mối tình lãng mạn của Đoàn Chuẩn ảnh hưởng đến ca khúc của ông đến đâu nhưng ông từng nói rằng, ông có một kỷ niệm sâu sắc với một nữ ca sĩ Huế từ hồi những năm 1950. Đó chính là ca sĩ Mộc Lan.

![]() Đúng như vậy, Nguyễn Nhược Pháp hóm rất có duyên. Hùng Vương trong thơ dài “Sơn Tinh – Thủy Tinh” (Nguyễn Nhược Pháp) thật đáng yêu khi nói với con gái yêu Mỵ Nương: “Nhưng có một nàng mà hai rể/Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều”. Còn cô bé trong “Chùa Hương” mới nhí nhảnh làm sao: “Khăn đỏ, đuôi gà cao/Em đeo dải yếm đào/Quần lĩnh áo the mới/Tay cầm nón quai thao”. |