Khi có một sự kiện bất như ý xảy ra trong đời sống, chúng ta thấy rằng chúng ta không thể chấp nhận được. Chúng ta nghĩ: làm sao sống được với tình trạng này, với cái gì đang xảy ra? Tại sao ta như thế này mà lại phải gặp một hoàn cảnh như thế kia? Tại sao ta như thế mà người ta lại đối xử với ta như thế? Ta phản kháng, ta chống đối, ta không chấp nhận. Nhưng sự thật là như vậy. Cuối cùng ta cũng phải học chấp nhận. Đó là nghĩa chữ chịu của tiếng Việt.
IThưa đại chúng, hôm nay là ngày 7.7.1996, chúng ta ở tại Xóm Mới và đây là buổi pháp thoại đầu tiên ở Xóm Mới.
Chịu và Đựng
Hôm trước chúng ta đã nghe nói về paramita, vượt bờ. Paramita dịch tiếng Hán Việt là Độ, có nghĩa là đi sang bờ bên kia. Ta biết rằng ta có thể thực tập được chuyện vượt bờ bất cứ lúc nào trong ngày. Khi giận hờn thì ta đang ở bờ bên này, bờ của sự giận hờn, và ta muốn vượt qua bờ bên kia, bờ của sự thương yêu và tha thứ. Muốn qua bờ bên kia, ta phải sử dụng một chiếc bè nào đó mà ta đã tiếp nhận được từ Bụt, từ thầy, từ tăng thân. Đứng ở bờ bên kia nỗi buồn và cơn giận sẽ không còn nữa. Chúng ta biết rằng bờ bên kia không phải là chuyện xa vời. Bờ bên kia là cái có thể xẩy ra ngay trong giờ phút hiện tại.
Chữ nhẫn có nghĩa là chịu đựng. Danh từ "chịu đựng" là một danh từ rất hay. Nó dịch được chữ ksanti. Nó hay hơn chữ nhẫn nhục. Chữ nhẫn (忍) viết theo tiếng Hán có chữ tâm (心) tức là tâm thức của ta, nằm dưới, và trên chữ tâm có chữ nhận (刃). Chữ nhận có nghĩa là mũi nhọn, giống như có một cây dao hay cái dùi có mũi nhọn đang làm chúng ta đau nhức. Tâm chúng ta phải làm thế nào để có thể ôm được, chấp nhận được sự nhức nhối đó. Đó là nghĩa của chữ nhẫn theo cảm nghĩ của người Trung Quốc. Trong khi đó tiếng Việt là chịu đựng. Chịu tức là chấp nhận. Chịu không, anh chịu không?" "Tôi chịu." Cho dù có khó khăn, vất vả, cho dù có lao nhọc, dai dẳng, tôi vẫn gánh chịu được. Chữ chịu nầy là có nghĩa là sự chấp nhận (acceptance). Chúng ta biết rằng chấp nhận là một sự thực tập rất lớn. Khi chưa chấp nhận được chúng ta mới đau khổ nhiều. Giờ phút mà ta chấp nhận được thì ta đã có sự an bình trong lòng rồi. Một người bị ung thư, lần đầu tiên được tin mình đang có bệnh ung thư, không thể tin được rằng mình có thể có ung thư. "Oh, no!", người ấy nói như vậy. Người đó đau khổ và chống đối. Trách trời, trách đất, giận mình, giận người, giận tất cả. Và người đó phải vật lộn rất lâu với sự thật. Sự đau khổ lên tới cùng cực, kéo dài một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, mười ngày, hai mươi ngày. Thời gian đó là thời gian người ấy học tập để chấp nhận sự thật. Khi chấp nhận rằng tôi có ung thư, đây là một sự thật không thể nào chối cãi được, thì lúc đó ở trong tâm sẽ phát sinh một sự bình an. Chúng ta phần lớn chưa có, hoặc không có ung thư, nhưng chúng ta cũng có thể đã có cái kinh nghiệm tương tự. Khi có một sự kiện bất như ý xảy ra trong đời sống, chúng ta thấy rằng chúng ta không thể chấp nhận được. Chúng ta nghĩ: làm sao sống được với tình trạng này, với cái gì đang xảy ra? Tại sao ta như thế này mà lại phải gặp một hoàn cảnh như thế kia? Tại sao ta như thế mà người ta lại đối xử với ta như thế? Ta phản kháng, ta chống
đối, ta không chấp nhận. Nhưng sự thật là như vậy. Cuối cùng ta cũng phải học chấp nhận. Đó là nghĩa chữ chịu của tiếng Việt. Chữ thứ hai là đựng. "Đựng" có nghĩa là chứa đựng. Chúng ta có những cái chén có thể đựng nước. Chén nhỏ thì đựng được ít nước. Chén lớn thì đựng được nhiều nước. Nếu niềm đau nỗi khổ của ta lớn thì ta phải có một cái tâm khá lớn thì mới đựng được nó. Nếu không nó sẽ tràn ngập và làm ta khổ vô cùng. Tâm càng lớn thì nỗi khổ đau càng nhỏ, khi mà tâm đạt tới cái mức rất lớn (cực quảng, thậm đại) thì cái đau khổ đó tuy có mặt nhưng không đủ sức làm cho ta đau khổ. Đây là một điều rất lạ lùng, nhưng rất dễ hiểu. Trong kinh Tăng Chi Bộ, Anguttara-Nikaya, Bụt có dùng một ví dụ rất hay. Bụt nói nếu trong một bát nước mà người ta thả vào một nắm muối thì nước ở trong bát đó uống không được. Nhưng nếu có một người đứng trên thuyền mà đổ một bát muối xuống dưới sông thì người ta vẫn có thể uống nước sông được như thường. Người ta uống nước sông được, không phải tại vì trong ấy không có muối, nhưng tại vì lòng sông quá lớn. Cho nên so với sông thì chút muối ấy không có nghĩa lý gì cả. Cũng vậy, khi ta có một nỗi khổ niềm đau, mà ta có một cái tâm quảng đại, thì nỗi khổ niềm đau đó không đủ sức làm cho ta đau khổ. Nó có đó chứ không phải là không có, nhưng vì ta có một sức chịu đựng rất lớn cho nên nỗi khổ niềm đau đó không có tác dụng gì trên cái tâm của chúng ta. Đó là nghĩa của chữ đựng.
Vì vậy cho nên Nhẫn Nhục Ba La Mật không phải là đè nén xuống, đè nén niềm đau, nỗi giận của mình xuống. Rất đông người học Phật không hiểu được chữ nhẫn, và nghĩ rằng nhẫn tức là ráng cắn răng đè niềm đau nỗi khổ xuống. Khi một dòng sông vĩ đại nhận một nắm muối nhỏ, nó đâu cần phải nghiến răng để đè niềm đau đó xuống đâu. Nó vẫn cười như thường, tại vì niềm đau nỗi khổ đó, nắm muối đó không có nghĩa lý gì hết. Vì vậy nhẫn nhục không có nghĩa là đè nén hay ức chế. Phương pháp cắn răng chịu đựng và cố nuốt đó rất nguy hiểm. Chúng ta đã từng thấy có nhiều người khi bị la mắng hay dày vò thì cố không có phản ứng, cố làm ra vẻ tươi cười. Chúng ta thấy được thiện chí của người đó. Nhưng mà sức người có hạn. Một tuần, hai tuần, ba tuần, bốn tuần..., cho đến một ngày nào đó, những cái mà chúng ta đè nén áp bức đó sẽ vùng dậy và giống như một dòng sông vỡ bờ, chúng sẽ làm ngập lụt cả vùng. Rất nguy hiểm. Chúng ta đã từng thấy, chúng ta đã từng chứng kiến cảnh đó. Vì vậy cho nên nhẫn nhục quyết không phải là sự đè nén, không phải là sự ức chế. Nhẫn nhục tức là mở lòng ra cho tâm càng ngày càng lớn. Nếu chúng ta đè nén chúng xuống, tiếng Pháp gọi là refouler hay là supprimer, thì đến một mức nào đó chúng sẽ trở thành quá nặng như một vùng năng lượng đen tối bị cất giữ lâu ngày, đến một lúc nào đó sẽ bùng dậy. Chúng ta thấy có một cái gì giống như một cơn bão và chúng ta không hiểu tại sao người đó hôm nay lại hành xử bạo động như vậy. Chúng ta không ngờ rằng người đó có thể nói những điều như vậy và làm những điều như vậy. Một người thường thường mình thấy là không có gì bạo động, không có gì hung hãn mà ngày hôm ấy trở thành một người rất bạo động, rất hung hãn. Ta không thể nào nhận ra được người đó. Đó là kết quả của sự ức chế. Le retour du refoulé. Bụt không dạy như vậy. Bụt không dạy chúng ta ức chế và đè nén. Bụt dạy ôm ấp niềm đau nỗi khổ đó và làm cho tâm của chúng ta lớn lên bằng phương pháp quán chiếu.
Đựng nghĩa là chứa đựng. Muốn chứa đựng thì chúng ta phải có một dụng cụ, gọi là récipient, một đồ đựng. Đồ đựng đó nhỏ thì mình đựng được ít. Đồ đựng đó lớn thì mình đựng được nhiều. Dung tích của đồ đựng đó, chúng ta gọi là lượng. Lượng này là lượng của cái gì? Không phải là lượng của một cái chén, cái ly hay một cái lu, cái chậu, mà là lượng của tâm, tại vì chúng ta đang nói tới nhẫn nhục. Vì vậy cho nên lượng của tâm gọi là tâm lượng. Chúng ta khổ đau nhiều hay ít là do cái tâm lượng của chúng ta lớn hay nhỏ. Và tu tập có nghĩa là làm cho cái lượng của tâm càng ngày càng lớn. Lượng tâm càng lớn thì càng ít đau khổ, càng nhiều hạnh phúc.
Lượng Cả Bao Dung
Khi nói chuyện với Từ Hải lần đầu, Thúy Kiều đã thấy được nơi Từ Hải một con người rất tốt, một lòng dạ khá lớn. Thúy Kiều nói: "Anh là người có lượng lớn!"
"Nàng rằng: lượng cả bao dung
Tấn dương được thấy mây rồng có phen."
Lượng cả bao dung. Quí vị trẻ có thể không biết chữ cả là gì. Cả có nghĩa là lớn. Chữ cả tương đương với chữ đại. Lượng cả tức là đại lượng. Cả cười tức là cười lớn. Anh cả tức là anh lớn. Lượng cả bao dung tức là lượng của Ngài lớn quá cho nên nó bao dung được hết tất cả, dù người kia có lỗi lầm, dù người kia có hư hỏng, dù người kia có khó khăn, dù người kia có ác độc, Ngài vẫn có thể bao dung được, Ngài vẫn có thể thương được. Ngài thấy người đó cần được cứu giúp hơn là cần bị trừng phạt. Khi mình muốn trừng phạt là mình đang có đau khổ. Mình có đau khổ trong lòng cho nên mình mới muốn trừng phạt người kia, để cho người kia khổ, để cho đã cái khổ của mình, cái giận của mình. Khi tâm lượng của mình lớn rồi thì dù người kia không dễ thương với mình, ác độc với mình, tệ lậu với mình thì mình cũng không giận, trái lại mình biết thương xót. Do đó cho nên thay vì có ý định muốn báo thù hay muốn trừng phạt, mình lại có những biện pháp giúp người kia để người kia đừng làm như vậy nữa, tại vì làm như vậy thì chính người đó khổ và người đó làm cho những người khác tiếp tục khổ. Cái đó gọi là lượng cả, đại lượng. Những người lớn như là cha, mẹ, thầy, anh, chị, tỉnh trưởng, quận trưởng, bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống, hay vua... đều là những người cần có cái lượng lớn. Tại vì nếu không có cái lượng lớn thì mình không xứng đáng làm anh của người kia, không xứng đáng làm chị của người kia, không xứng đáng làm thầy của người kia, không xứng đáng làm cha, làm mẹ của người kia. Cha mẹ mà giận con, mà từ con, mà oán hờn con cũng tại vì cha mẹ chưa có lượng lớn.
Trong truyện Kiều có một câu khác của Nguyễn Du nói về lượng: "Có dung kẻ dưới mới là lượng trên". Dung tức là dung chứa, là đựng. Nếu mình muốn là người trên thì mình phải có lượng. Người trên là ai? Người trên là anh, là chị, là thầy, là cha, là mẹ, là vua. Người trên thì phải có lượng, lượng lớn, cái đó gọi là lượng trên. Có lượng lớn thì mình mới có thể dung được kẻ dưới. Dung tức là ôm trùm được mà không có nhu yếu loại trừ, đá ra khỏi, đạp ra khỏi. Nhưng mà lượng lớn hay không là do ta thực tập chứ không phải mình muốn cái lượng của mình lớn mà tự nhiên nó lớn ra được. Ví dụ ở Làng Mai có một thiền sinh mới tới. Thiền sinh đó cần tu học lắm, nhưng thiền sinh đó không dễ chịu. Vậy thì cái lượng của tăng thân như thế nào? Người đó ở được hay không ở được một phần là tùy cái lượng của tăng thân. Cái sự khó chịu đó của người kia chúng ta đo được ví dụ một gang hoặc một gang rưỡi. Nếu cái lượng của tăng thân nhỏ hơn một gang thì tăng thân không bao dung được người đó. Tăng thân chỉ bao dung được một phần sự khó chịu của người đó thôi và người này sẽ không được ở trong chúng. Hội đồng sẽ nói: "Không!". Hội đồng đại diện cho tất cả tăng thân. Nếu tăng thân giỏi, có hạnh phúc nhiều thì tăng thân dễ chấp nhận được những người khó chịu; nếu tăng thân không được hạnh phúc lắm, tăng thân vẫn còn những khó khăn trong nội bộ thì rất khó cho tăng thân khi nhận thêm một người khó chịu, nhất là người đó khó chịu quá. Cho nên khi hội đồng quyết định nói: "Không!", đó không có nghĩa là hội đồng không có sự hiểu biết, không có sự thương yêu. Hội đồng không ác độc, hội đồng có hiểu biết, có thương yêu, nhưng tại tăng thân biết rằng cái lượng của mình chưa đủ lớn để chấp nhận người này. Tại vì chấp
nhận người này thì tăng thân sẽ rối loạn. Tăng thân cũng cần thực tập như cá nhân, nghĩa là làm thế nào để cho cái lượng của mình càng ngày càng lớn. Nếu cái lượng của tăng thân lớn hơn, hai gang, ba gang mà người kia vẫn không được ở, thì trong trường hợp này chúng ta phải hiểu như thế nào? Chúng ta phải nhìn nhận rằng nếu muốn đi tới một giải pháp êm đẹp cho cả hai bên thì phải có sự cố gắng của cả hai bên. Tăng thân phải cố gắng làm cho cái lượng của tăng thân lớn lên một chút, tăng thân phải hoan hỷ hơn, phải hiểu biết hơn, phải thấy được nỗi khổ của người kia hơn. Nghĩa là cái lượng của tăng thân phải lớn ra thêm. Người kia cũng phải cố gắng thực tập để làm giảm bớt sự khó chịu đi. Nếu người đó thực tập được, làm cho cái mức khó chịu của mình xuống dưới cái mức chịu đựng của tăng thân thì người đó sẽ được chấp nhận. Vấn đề là như vậy. Thành ra cần phải có sự cố gắng của cả hai bên. Điều này có thể được áp dụng ở tất cả trường hợp: cha với con, chủ hãng với người làm công, chị với em, anh với em. Vấn đề là vấn đề cái lượng của mình. Trong câu "Có dung kẻ dưới mới là lượng trên" của cụ Nguyễn Du, ta thấy cụ Nguyễn Du đang nói về những người có lòng lớn, những người lớn, tức là những người anh, người chị. Mình là người lớn thì cái tâm của mình phải lớn. Nếu mình là anh mà cái tâm của mình không lớn hơn cái tâm của em mình thì mình chưa phải đích
thực là anh. Nếu mình là chị mà cái tâm của mình chưa lớn bằng tâm em của mình thì mình chưa đích thực là chị. Nội dung câu này là như thế. Còn nếu ta nói: "Tao không chịu đựng được mầy nữa, tao hết chịu đựng được mầy rồi, mầy không phải là em tao. Đi đâu thì đi!" Cái đó là cái lượng của mình đang còn nhỏ. Mà nếu nó còn nhỏ là tại vì mình không chịu thực tập, không chịu quán chiếu để hiểu biết, để thương yêu. Tại vì thương yêu chỉ có mặt khi mà mình đựng được, khi mình chịu đựng được. Trong truyền thống thiền môn ta hay nói rằng một ông thầy giỏi, một ông thầy tốt, là một ông thầy vừa có ân vừa có uy. Cố nhiên làm thầy thì phải có uy quyền. Uy quyền này là uy quyền tinh thần. Nếu không có uy quyền tinh thần thì học trò không thể theo học được. Mà uy quyền đó là do sự thực tập mà có chứ không phải tự nhiên mà có. Nếu vị ấy không thực tập, nếu vị ấy ba nghiệp không được chăm sóc, nếu vị ấy không hành xử theo giới luật và uy nghi thì vị ấy không thể nào làm thầy người ta được, tại vì vị ấy không có uy. Không phải là do nạt nộ người ta mà mình có uy. Uy không có nghĩa là lấy tư cách chủ chùa để dọa nạt người ta, làm người ta sợ và phải vâng theo mình. Sử dụng uy quyền theo kiểu ấy thì đó là chỗ thấp nhất của sự thực tập. Người ta không cãi lại mình, người ta chịu nhịn mình là tại vì người ta sợ mình đuổi. Cái đó không phải là cái uy. Cái uy của một ông thầy có được là do ngôn ngữ, hành động và tư tưởng đều đúng theo chánh pháp. Được đặt trong giới luật và uy nghi thì tự nhiên vị thầy đó có uy và có uy thì học trò sẽ kính nể. Và uy đi đôi với ân. Ân tức là tình thương, ân là lượng cả bao dung. Vị thầy giỏi là vị thầy có lượng cả bao dung. Cái lượng cả bao dung đó đi đôi với cái uy của một vị đạo sư. Vì vậy cho nên chúng ta phải thực tập cả hai cái. Hai cái có dính líu tới nhau.
Trong đời sống chúng ta có thể gặp nhiều điều bất như ý. Ta có thể đau khổ cùng cực. Có lúc ta có thể nghĩ rằng thà chết mà khỏe hơn là sống. Nhẫn Nhục Ba La Mật là phương pháp thực tập để chúng ta có thể đối diện với tất cả những khó khăn, những khổ đau, những trắc trở, những tai nạn có thể xảy ra trong đời chúng ta, dù tai nạn đó là tai nạn lớn nhất. Phương pháp thực tập đó không có gì khác ngoài việc học tháo gỡ để làm cho tâm ta càng ngày càng lớn, để cho cái tâm lượng của chúng ta càng ngày càng lớn. Mà cái lượng của tâm thì chỉ có thể được làm bằng chất liệu của hiểu biết và của thương yêu. Trước hết chúng ta hãy nói về bệnh. Bệnh là một cái mà tất cả chúng ta đều phải chấp nhận. Chúng ta người nào cũng có một chút bệnh, ít hay nhiều. Chúng ta phải có cái lượng khá lớn để có thể chấp nhận được cái bệnh của chúng ta. Cố nhiên bệnh lớn thì phải thực tập nhiều. Và bốn cái bệnh lớn nhất là bệnh chết, bệnh già, bệnh sinh và bệnh bệnh.
HT Thích Nhất Hạnh