HOẰNG PHÁP TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN - VẤN ĐỀ HOẰNG PHÁP TẠI VÙNG SÂU VÙNG XA

Hoằng pháp là Hoằng truyền giáo pháp của đức Thế Tôn. Đức Phật là người Hoằng pháp đầu tiên khi Ngài vừa Thành đạo cho đến lúc Ngài nhập Niết bàn. Vậy ngày nay, người có nhiệm vụ kế thừa, phát huy truyền thống thuyết pháp độ sanh cũng như trọng trách thiêng liêng này vốn dĩ không ai khác hơn đó là người xuất gia đệ tử Phật. Chỉ có hàng xuất gia đệ tử Phật mới có đủ tính năng, đủ tầm quan trọng và vai trò chính trong sự nghiệp Đại Phật tuyên dương kế đến là Cư sĩ tiêu biểu.

Trải qua bao đời nay và qua bao thế hệ sứ mạng Hoằng pháp luôn luôn được thực hiện, thiết nghĩ cũng với nhiều hình thức, phương pháp, đa dạng phong phú với mục đích : Truyền trì mạng mạch Phật Pháp làm cho Chánh pháp của Phật cửu trụ Ta bà lợi ích lâu dài cho thế gian về mặt thời gian, lợi lạc chúng sanh lợi ích thiết thực trong đời sống tinh thần của con người.

Tính đa dạng, phong phú kể cả tính hiện đại trong sự nghiệp Hoằng pháp với từng thời kỳ luôn có sự nổi bật riêng cho từng thời kỳ đó và luôn phù hợp với đặc điểm tình hình xã hội, con người với những thời kỳ đã qua. Thời đại nào cũng có Hoằng pháp, thời đại nào sứ mạng Hoằng pháp cũng được đệ tử Phật thực hiện, ở thời đại nào cũng có những phương thức độc đáo hiện đại riêng để theo kịp bước phát triển của xã hội loài người, bởi quy luật cuộc sống phương thức mới luôn thay thế cho phương thức cũ và phương thức mới bao giờ cũng hiện đại và tiến bộ hơn so với phương thức cũ.

Chúng ta đang ở vào thời kỳ mà nhân loại trên toàn thế giới tiến bộ về khoa học công nghệ thông tin cũng như đất nước ta trong thời kỳ hội nhập và phát triển, được hưởng chính sách từ do tín ngưỡng tôn giáo, quần chúng nhân dân tín ngưỡng Đạo Phật ngày càng đông v.v…những ưu điểm đó đủ cơ sở để Giáo hội cũng như Ban Hoằng Pháp Trung Ương hoạch định những phương pháp Hoằng pháp hiện đại mang tính khả thi lâu dài và hệ thống quản lý theo tinh thần nhất quán, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của Phật tử trong thời đại mới theo đà phát triển chung của xã hội.

Phải thừa nhận một cách trung thực rằng, trong nhiều nhiệm kỳ qua, hoạt động của Ban Hoằng Pháp Trung Ương đã thành tựu nhiều Phật sự quan trọng, như việc mở nhiều khóa Đào tạo Giảng sư (hiện nay vẫn còn tiếp tục), tổ chức nhiều kỳ Hội thảo, Bồi dưỡng Hoằng pháp hằng năm, cho ban Hoằng pháp các tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước, tổ chức Hội thi giáo lý v.v…tất cả những hoạt động trên mang một ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự nghiệp phát triển của ngành Hoằng pháp trong nước hoặc có thể vươn ra các nước trong khu vực và quốc tế qua con đường công nghệ thông tin hiện đại.

Tuy nhiên cũng phải xem xét, đánh giá khách quan rằng những thành tựu về mặt định hướng, thành tựu về hoạt động, hay nói khác hơn là những thành tựu về tính chiến lược, về kiến trúc thượng tầng, vì vậy trong thời gian tới có lẽ cần nghiên cứu hoạch định thêm cho thời kỳ hội nhập và phát triển này những phương pháp hiện địa cụ thể để có thể đạt được những thành tựu về thực tiễn cao hơn, tác động mang tính tích cực toàn diện xã hội, hệ thống quản lý nhất quán, hạn chế tính thiếu đồng bộ và khắc phục kiến thức hạ tầng còn nhiều bất cập.

Vấn đề Hoằng pháp tại vùng sâu vùng xa.

Đề án chương trình này được đề cập ở nhiều kỳ hội thảo và nội dung chương trình hoạt động của Ban Hoằng Pháp Trung Ương, đã thực hiện ở một số vùng miền và một số tỉnh, có thể còn hạn chế cơ sở đánh giá chung. Cư dân sống trên bản đồ hình chữ S, từng vùng miền có những đặc điểm kinh tế xã hội, tín ngưỡng, lễ hội, phong tục tập quán khác nhau, không đồng nhất. Việc hoằng pháp tại các vùng miền đặc thù khác nhau như vậy chưa đạt kết quả cao như mong muốn cũng là điều dễ hiểu.

Để khắc phúc những hạn chế trên, trong thời gian tới cần xây dựng định hướng chiến lược trọng tâm theo hướng thí điểm. Ví dụ xây dựng 3 mô hình điểm ở 3 nơi như : vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng Tây nguyên Trung Bộ, vùng đồng bằng Nam Bộ, vì 3 vùng này có những đặc điểm, đặc thù riêng biệt của mỗi vùng. Tại mỗi vùng như vậy chọn 1 tỉnh, tại mỗi tỉnh chọn 1 huyện vùng sâu vùng xa có đặc điểm tương đối đặc thù tập trung nhân sự để thực hành thí điểm, thời gian từ 6 đến 12 tháng. Sau một thời gian nhất định, Ban Hoằng Pháp Trung Ương tổ chức Hội thảo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các thí điểm và phương pháp thực hiện để rút kinh nghiệm, nếu thành công sẽ tổ chức học tập nhân rộng mô hình, tuy nhiên đó chỉ là phương pháp thực hiện và tổ chức thôi chứ còn phải kết hợp về từ thiện xã hội và nhiều mặt khác nữa, nếu được như vậy thì việc hoằng pháp tại vùng sâu vùng xa hy vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và tác động tốt đến đời sống xã hội.

Trên thực tế, tại vùng sâu vùng xa ở các huyện nhân sự vừa thiếu, vừa yếu, đó cũng là một vấn đề nhân sự cần được quan tâm. Nhiều vị trụ trì rất nhiệt tâm tổ chức các khóa tu cho Phật tử có khi có thỉnh được Giảng sư, nhưng có khi vì địa bàn quá xa việc đi lại có khó khăn không thỉnh được Giảng sư thì vị trụ trì nếu có năng lực có khi vẫn đảm nhiệm việc thuyết pháp, có khi tới giờ thuyết pháp thì mở băng đĩa để Phật tử được thính pháp theo mô hình này. Như vậy, vị trụ trì chưa qua các khóa bồi dưỡng, đào tạo Giảng sư nhưng có năng lực thuyết pháp thì đã có dấu hiệu hoằng pháp. Vậy có nên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn tại chỗ cho các vị này để đảm đương được việc hoằng pháp tại địa phương vùng sâu vùng xa? Để phần nào đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử tại các vùng tương đối ít hưởng được đời sống văn hóa tinh thần? Chúng ta bàn về việc tập huấn hoằng pháp viên cho Phật tử vậy tại vùng sâu vùng xa có cần phối kết hợp với 1 hay vài ban ngành nào đó để tổ chức bồi dưỡng cơ bản, chuyên sâu cho trụ trì về hoằng pháp để khắc phục bất cập tại hạ tầng cơ sở và tính thiếu đồng bộ hiện nay.

BAN HOẰNG PHÁP TỈNH KIÊN GIANG

(Tham luận tại "Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2009" tại Đà Nẵng)