THỬ NGHĨ VỀ KHẢ NĂNG “CHÙA CAO ỐC”, TẠI SAO KHÔNG?

“Cao ốc chùa”, nghe có vẻ như là một lời châm biếm. Trước đây, trên một tờ báo ở TPHCM có một tranh biếm họa “trùng tu di tích” vẽ hình một ngôi tháp bị gọt hết mái cong, xây cao chót vót như một hỏa tiễn, và trên đỉnh đặt một… anten parabol (!).

Tuy nhiên, vấn đề mà chúng tôi đặt ra rất nghiêm chỉnh, dù khó mà tưởng tượng và chưa chắc được chia sẻ. Mọi việc đã tiến đến mức cần đặt ra vấn đề, mà nghe có vẻ như là châm biếm này.

Cách đây khoảng 10 năm, báo chí TPHCM có râm ran ý kiến không nên cho phép xây cao ốc gần các công trình tôn giáo có giá trị, như chùa Vĩnh Nghiêm, nhà thờ Đức Bà…Đến nay, cạnh nhà thờ Đức Bà đã có cao ốc, khiến 2 tháp chuông như bị lùn hẳn xuống. Cao ốc chưa tiến gần đến chùa Vĩnh Nghiêm, những dãy nhà phố mới xây sau đợt mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã che mất tháp chùa khi nhìn từ xa hướng đi từ quận 1 ra, còn cầu Nguyễn Văn Trỗi xây lại cao hơn trước khiến người xuống cầu từ trên cao khó nhận ra dáng dấp hoành tráng uy nghi của tháp chùa Vĩnh Nghiêm nữa.

Những ngôi chùa ở TPHCM xây giữa những năm thế kỷ XX tại Sài Gòn và mãi đến gần đây chỉ khoảng một trệt, một lầu. Chùa lớn có tháp 7 tầng, 9 tầng…, khi mới xây đúng nghĩa là tháp, vì nó vươn cao trên bầu trời thành phố. Nhà thành phố từ khoảng những năm 90 thế kỷ XX trở về trước cũng tầm tầm khoảng một trệt một lầu, nên kiến trúc chùa như thế là thích hợp, cân xứng.

Cuối thế  kỷ XX, ở Sài Gòn người ta bắt đầu xây cao ốc. Từ quận 1, quận 3, bây giờ quận nào cũng có cao ốc 10 tầng, 12 tầng hay hơn nữa. Ngay cả những quận mới lập, như quận 9, quận 12, cao ốc cũng đua nhau mọc lên ở giữa đồng trống. Độ cao trung bình của kiến trúc thành phố cứ cao dần, cao dần lên.

Như thế, Phật giáo chúng ta phải tính thế nào khi xây chùa mới?

Một số  ngôi chùa được tôn cao thêm đôi chút (dù  là diện tích đất đủ lớn để xây cao ốc). Đặc biệt, tòa nhà Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TPHCM có số tầng đáng kể (5 tầng), dùng thang máy. Có thể nói, trừ những tòa tháp, thì đây là kiến trúc Phật giáo hiện đại cao nhất. Và tuy nhiều tầng nhưng tòa nhà Học Viện Phật Giáo Việt Nam cũng chưa phải cao ốc. Nếu như có một tòa cao ốc nào đó sau này xây lên gần đó, tòa nhà Học Viện Phật Giáo mang hình thức một ngôi chùa này vẫn sẽ lọt thỏm đi.

Thế  nhưng, hiện nay tại nơi đó, kiến trúc chánh điện (kiến trúc chính trong khuôn viên tòa nhà Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TPHCM) laị cũng chỉ có tầng trệt, tầng hầm. Nhìn từ xa, không biết đâu là kiến trúc chính, kiến trúc phụ.

Xây chùa như vậy trong bối cảnh độ cao kiến trúc của thành phố ngày càng điều chỉnh: cao ốc nhiều hơn, nhà mặt tiền có mặt đường lớn được xây cao hơn, thì chùa ắt sẽ “biến mất” giữa một rừng cao ốc.

Trên  đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TPHCM, một ngôi chùa đủ diện tích xây cao ốc, nhưng vẫn xây thấp. Nay, một cao ốc mọc lên ở kế bên, dù đất nhỏ hơn chùa, cũng che khuất hẳn một phía của ngôi chùa.

Đây là vấn đề thứ nhất, vấn đề lợi ích của riêng Phật giáo. Còn nếu, xét về mặt thẩm mỹ chung, thì cũng có vấn đề.

Xây chùa thấp thì đúng là theo phong cách truyền thống, nhưng độ cao kiến trúc chung quanh gia tăng, mà chùa sẽ xây vẫn thấp, thì tạo ra sự lô nhô, cao thấp bất tương xứng, dĩ nhiên ảnh hưởng không hay đến mỹ quan chung. Ngôi chùa là một kiến trúc công cộng, nó buộc phải có chiều cao xứng tầm với những kiến trúc dân cư cá thể chung quanh. Nếu không, thì sẽ diễn ra một sự bất hợp lý. Với mức độ phát triển cao ốc của TPHCM, có lẽ không còn có thể xây bảo tháp như các kiểu cũ ở khu trung tâm nữa, vì tháp sẽ không còn là tháp nữa, khi nó đã thấp hơn nhà!

Không phải chùa cần xây “đua” với nhà cửa thành phố, nhưng chùa ở các thành phố lớn như TPHCM không còn có thể thấp nữa. Ngày xưa, quý tôn đức chỉ xây chùa 1 – 2 tầng vì thuận theo bối cảnh kiến trúc lúc đó. Hiện nay, thuận theo bối cảnh kiến trúc hiện nay, thì hoàn toàn không có trở ngại gì khi tính đến việc xây “chùa cao ốc”.

Đã xây chùa đến 4 – 5 tầng được (như đã dẫn trên), thì  có thể xây cao ốc chùa, nếu diện tích thửa đất phù hợp. Cấu trúc kiến trúc chính của chùa thành kiến trúc bảo tháp, tức là một dạng cao ốc, thì mới có thể phù hợp với độ cao tầng của TPHCM hiện nay. Vấn đề là kiến trúc bên ngoài cao ốc phải thể hiện được đó là ngôi chùa (cũng như chùa Pháp Hoa đường Lê Văn Sĩ chẳng hạn, tuy xây cao nhưng vẫn thể hiện rõ dáng dấp một ngôi chùa, mặc dù có khác với những ngôi chùa truyền thống chỉ 1 – 2 tầng).

Tính đến “cao ốc chùa” là chúng ta hướng đến sự tiết kiệm. Giá trị diện tích sàn địa ốc ở các thành phố lớn ngày càng tăng. Nhưng chúng ta không nhìn vấn đề theo giá cho thuê cao ốc tính theo mét vuông, mà là tính đến chi phí tăng ni sinh phải gánh khi đi thuê nhà trọ thời gian lưu học tại TPHCM, là tính đến sự phát triển Phật sự về sau đối với những khu vực trong thành phố, khi số lượng tăng  ni Phật tử tăng theo số dân. Nếu chùa xây dựng mới cũng chỉ 1- 2 tầng, nhiều lắm 3 – 4 tầng, thì không lâu sau, việc chật chội, thiếu diện tích cho các nhu cầu đa dạng như tăng xá, giảng đường, trai đường, thư viện…là điều chắc chắn, dễ dàng thấy trước. Đến lúc phải đi mướn đi thuê thì sẽ thấy tốn kém bội phần. Nhưng diện tích mặt bằng dùng cho Phật sự nào có dễ thuê mướn. Trở ngại cho việc hoằng hóa là điều đương nhiên nếu không có diện tích mặt bằng. Lúc đó sẽ là thế kẹt không sao gỡ nỗi.

Nếu có  kế hoạch dài hạn, Phật giáo chúng ta phải tính đến các bước nâng cao hạ tầng cơ sở vật chất ứng với sự gia tăng dân số của khu vực. Hiện nay, không thể dễ dàng xây chùa mới trong các khu dân cư nội thành với 1 – 2 căn phố lầu. Vì thế, khi có cơ duyên đủ diện tích đất để xây cao ốc thì không nên hy sinh những cơ hội lớn cho thế hệ tăng ni Phật tử mai sau. Đây là một khía cạnh của vấn đề truyền thống/hiện đại. Thỏa mãn với một ngôi chùa cổ kính xứ Huế giữa Sài Gòn đầy cao ốc, thì có thể chỉ 10 – 15 năm sau thì sẽ thấy ngay sự nặng nề từ áp lực của vấn đề chật chội, thiếu thốn mặt bằng… Áp lực đó ngày càng tăng theo đà tăng dân số cũng như nhu cầu phát triển sự nghiệp hoằng hóa, đào tạo tăng tài.

Chúng ta không nghĩ theo lòng tham của thế gian, đã xây cao ngất đến mức không thể xin được phép nữa thì đào thêm hầm để tăng diện tích. Nhưng cũng không thể nghĩ theo cách sẽ làm ít đi số người mà tự viện sau này có thể phục vụ hóa độ (vì thiếu đi diện tích sẵn dành cho đại chúng). Phật giáo chúng ta cũng không đặt ra vấn đề lợi nhuận trên diện tích bất động sản như ở thế gian, mà vấn đề cần đặt ra là cơ sở hạ tầng cần thiết cho thế hệ hậu học.

Nhưng dù  nhìn từ hướng nào, thì chẳng bao giờ có  việc hao tốn, thiệt hại khi xây những ngôi chùa mới nhiều tầng ở một thành phố đang trên đường hiện đại hóa, công nghiệp hóa, có mức tăng dân số cao và có giá đất thuộc vào loại đắt đỏ trên thế giới.

Tăng diện tích tầng tự viện cũng là gián tiếp tăng diện tích sàn chánh điện. Vì có nhiều tầng dùng cho các hoạt động khác thì chánh điện mới có thể mở rộng – điều hết sức cần thiết. Có bao giờ chúng ta so sánh diện tích chánh điện những ngôi chùa ở Thủ đô Hà Nội và chùa ở TPHCM? Diện tích chánh điện chùa Hà Nội là diện tích chánh điện của thế kỷ XIX trở về trước. Diện tích chánh điện của những ngôi chùa TPHCM là diện tích chánh điện của thế kỷ XX.

Và bây giờ chúng ta cần nghĩ đến việc xây những chánh điện cho thế kỷ XXI. Trong hoàn cảnh đất chật người đông hiện nay, chỉ có thể có được những chánh điện xứng tầm thời đại bằng giải pháp “chùa cao ốc”.

“Chùa cao ốc” không phải là ý tưởng mới của riêng người viết bài. Chúng tôi đã thấy hình ảnh nhiều ngôi chùa cao ốc ở Đài Loan, Singapore… qua truyền hình hay mạng internet.

 

Minh Thạnh