Thế giới quan Phật giáo trong kinh Trường bộ


Thế giới vũ trụ và muôn loại được dệt nên bởi những hệ thống nhân quả, trùng trùng duyên khởi. Đó là nhận định căn bản và sâu sắc của đạo Phật. Trên nhận định ấy, sẽ được thành lập nên những hệ thống giáo lý siêu việt và những phương pháp hành trì mầu nhiệm. Khoa học hiện thời đã vượt qua quan niệm nhân quả đơn giản một chiều và đã tiến gần đến quan niệm trùng trùng duyên khởi của đạo Phật.
A. DẪN NHẬP
Thế giới này từ đâu mà có? Thế giới này có từ khi nào? Những câu hỏi tuy ngắn gọn nhưng lại chứa đựng một bí ẩn vô cùng lớn. Từ lâu, những bộ óc vĩ đại của con người không ngừng tìm hiểu về nguồn gốc của thế giới cũng như của chính loài người trên trái đất, thế nhưng tự cổ chí kim vẫn chưa có một câu trả lời nào làm thỏa mãn mong muốn hiểu biết của nhân loại. Thực tế, giữa những lời giải thích còn có những điểm chưa thống nhất, chưa đủ những cơ sở để thuyết phục mọi người. Vấn đề là tìm ra câu trả lời nào mang tính khoa học, thực tiễn để đối chiếu với những quan điểm khác và nhận ra những điểm tiến bộ trong từng quan điểm một cách chân thật nhất.
Nhận định về sự hình thành của thế giới, một số triết gia cho rằng thế giới là do nước tạo thành, số khác lại cho rằng do không khí, hơi nóng, tứ đại, vụ nổ Big Bang... mà nên. Một số tôn giáo lại cho thế giới là do thần linh tạo ra...
Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới, cũng có những nhìn nhận nhất định về thế giới quan. Tìm hiểu thế giới quan trong đạo Phật cũng chính là tìm hiểu nền tảng cơ bản nhất của giáo thuyết này. Muốn làm được vậy chúng ta phải xem kĩ hệ thống kinh điển đồ sộ của Phật giáo.
Học thuyết duyên khởi đã thiết lập nền tảng cho sự sinh khởi trong vũ trụ, các pháp nương nhau mà tồn tại, nương nhau mà hoại diệt.
Sinh thời Đức Phật không bao giờ chấp nhận sự phân chia giai cấp của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Ngài cũng không quan tâm đến thế giới này từ đâu mà có, trường tồn hay hoại diệt. Đức Phật ra đời với nhiệm vụ “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” và mục đích của Ngài là làm sao cho chúng sanh giác ngộ giải thoát khổ đau .
Sở dĩ Đức Phật nói về thế giới này và sự hình thành của nó, là vì những người Bà La Môn tự họ cho rằng giai cấp của họ là giai cấp cao quí nhất, sanh ra từ của miệng của đấng Phạm Thiên và chê bai các giai cấp khác sanh ra từ bàn chân của vị này. Do vậy, đức Phật mới thuyết kinh Khởi thế nhân bổn để giảng rõ sự chuyển thành của thế giới, từ lúc sơ nguyên cho tới khi phân chia thành các giai cấp trong xã hội.
Từ học thuyết Duyên khởi đến kinh Khởi thế nhân bổn trong Trường bộ kinh, thế giới quan Phật giáo đã có những bước tiến dài và để hiểu rõ hơn về vấn đề này người viết xin trình bày “Thế giới quan của Phật giáo trong kinh Trường bộ”.
Để hoàn thành đề tài này người viết đã sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh đối chiếu và có trích dẫn một số tài liệu có liên qua khác.
B. NỘI DUNG :

1. Thế giới quan của đạo Bà-la-môn, Thiên Chúa giáo và học thuyết tiến hóa của Darwin:
Để tìm hiểu sâu hơn về thế giới quan của Phật giáo trong kinh Trường bộ, trước tiên người viết xin lược khảo một số quan điểm về sự hình thành thế giới của các tôn giáo và học thuyết khác.
1.1 . Đạo Bà la môn:

Đạo Bà la môn là tôn giáo ở Ấn Độ cổ xưa, đã có từ lâu, khoảng 1000 năm trước khi Phật giáo ra đời. Trong các sách Veda của đạo Bà la môn ghi chép một số thần thoại lí giải nguồn gốc vũ trụ nhưng muộn nhất là thần thoại về thần Vishnu và Brahma. Theo đó khi vũ trụ mới hình thành là một biển nước mênh mông. Thần vishnu hình người nằm ngủ trên mình con rắn Seesa hay Ananta (có nghĩa là dài vô tận) cuộn khúc nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Từ rốn của Vishnu mọc lên một đoá sen nở ra thần Brahma sáng tạo nên muôn loài.
Theo đó kiếp sống của vũ trụ là kiếp sống của thần Brahma, từ khi sáng tạo vũ trụ đến khi huỷ diệt vũ trụ gọi là một ngày của Brahma hay một Kalpa. Trong thời gian này vũ trụ phải trải qua những chu kì gọi là Maha Yuaas. Mỗi Maha Yuaas dài 12.000 năm của thần linh hay 4.320.000 năm của loài người (một năm của thần linh).
Như vậy theo đạo Bà la môn thì Brahma là linh hồn vũ trụ, cơ sở duy nhất của mọi thực thể, hiện tượng trong thế giới; thế giới chỉ là ảo ảnh; linh hồn cá nhân, Atman, là đồng nhất với Brahman.
Đạo Bà la môn còn là tôn giáo của chế độ đẳng cấp, hay tôn giáo của đẳng cấp tăng lữ thống trị (cũng gọi là Brahmin). Theo sách Veda của đạo Bà la môn thì con người vũ trụ khổng lồ Purusa sinh ra bốn đẳng cấp: Đẳng cấp tăng lữ sinh ra từ miệng, đẳng cấp chiến sĩ (vua chúa) sinh từ tay, đẳng cấp thứ dân sinh từ đùi, đẳng cấp cùng đinh sinh từ chân .
2 . Thiên Chúa giáo:

Trong tiếng việt, thuật ngữ Thiên chúa giáo thường được dùng để chỉ công giáo Rô ma, mặc dù công giáo Rô ma cũng như các tôn giáo theo truyền thống Áp-ra-ham đều thờ chung một thiên chúa. Công giáo Rô ma là tôn giáo thuộc Kitô giáo được truyền bá vào Việt Nam sớm nhất. Trong tiếng Hoa, công giáo Rô ma được gọi là Thiên Chúa giáo, với ý nghĩa Thiên địa chân chúa (Chúa thật trời đất).
Mấy chữ “Thiên chúa giáo” tự nó đã nói lên mối tương quan giữa nhân loại với một vị thượng đế tối cao. Đấng được tin là toàn năng làm nên mọi sự .
Theo Thánh kinh, chỉ có một Chúa duy nhất làm chủ toàn thể vũ trụ và được diễn tả là Đấng tự hữu (Ego sum qui sum). Thiên chúa đã tạo nên muôn loài vật, dựng nên các thiên sứ thiêng liêng, vô hình và giữa chim muông cầm thú đã dựng nên loài người có hồn và xác.
Như vậy, theo quan điểm của đạo Bà la môn và Thiên Chúa giáo thì thế giới này được tạo ra bởi các vị thần linh, bởi một đấng tối cao, một thế lực siêu nhiên huyền bí nào đó. Sự xuất hiện của loài người cũng được tạo ra bởi các vị thần đó.
“Ta là Phạm Thiên, là Đại Phạm Thiên, là kẻ thắng không là kẻ bại, là toàn trí, là người quản lí, là tự tại, là kẻ tạo tác, là kẻ kế hoạch, là tối thắng là người phân phối là đấng thánh cha của quá khứ, vị lai. Tất cả chúng sanh đều do ta tạo ra”[1]
3. Học thuyết tiến hoá của Darwin:
Charles Robert Darwin (1809 - 1882). Ông là tác giả của thuyết tiến hoá hiện đại ở sinh vật, học thuyết đã có một ảnh hưởng rất lớn đến các ngành khoa học về trái đất và sự sống cũng như đối với tư tưởng nhân loại.
Darwin là con trai thứ 5 trong một gia đình giàu có. Ông nội của ông là một nhà vật lí nổi tiếng của thế kỉ 18, Eramus Drawin. Năm 16 tuổi, Drawin theo học y khoa ở Edinburgh, nhưng hai năm sau đó ông chuyển sang làm thư kí cho nhà thờ. Sau khi kết thúc quá trình học tập vào năm 1831, Darwin được giới thiệu lên con tàu khảo sát Beagle, với tư cách “nhà tự nhiên học” thực tập, bắt đầu một chuyến thám hiểm khoa học vòng quanh thế giới.
Thời gian ở trên tàu, ông đã có dịp quan sát những cấu tạo địa lí, hoá thạch và sinh vật sống khác nhau trên tất cả cách châu lục và hải đảo. Vấn đề ám ảnh ông nhiều nhất là ảnh hưởng của các lực lượng tự nhiên đối với sự hình thành bề mặt trái đất.
Vào thời Darwin, các nhà khoa học vẫn còn tin vào học thuyết tai ương. Thuyết này diễn giải rằng các sinh vật trên trái đất được tạo ra theo thứ tự kế tiếp nhau, rồi mỗi loài đã bị một tai ương nào đó huỷ diệt. Cơn đại hồng thuỷ, thảm họa cuối cùng trên trái đất, đã quét đi tất cả sự sống, trừ những sinh vật được đưa lên con thuyền của Nô ê.
Sau nhiều quan sát, Darwin nhận thấy có một số hoá thạch rất giống với những sinh vật đang còn hiện hữu trên cùng địa điểm. Ngoài ra khi đến quần đảo Galaspagoss (Ecuador) ông cũng để ý rằng mỗi hòn đảo ở đây có những loài rùa, chim họ sẻ... riêng. Từ những quan sất này ông đi đến kết luận rằng có một mối liên hệ nào đó giữa các loài khác nhau nhưng có nét tương tự nhau.
Trở về nước Anh, năm 1836 đến năm 1859, Darwin công bố học thuyết của mình trong cuốn “Nguồn gốc các loài”, cuốn “sách làm rung chuyển thế giới”, theo cách gọi của người thời đó.
Về cơ bản, thuyết tiến hoá của Darwin cho rằng nguồn thức ăn trên thế giới quá hạn hẹp, nên tất cả các loài ngay từ khi còn nhỏ phải cạnh tranh gay gắt để sinh tồn. Những loài nào sống sót được để sinh con đẻ cái, có xu hướng tiến hoá ít nhiều về diện mạo cơ thể, quá trình chọn lọc tự nhiên, và sau đó những biến thể này sẽ được truyền lại cho thế hệ con cháu. Mỗi loài sẽ phát triển theo hướng thích nghi với môi trường, và quá trình này diễn ra dần dần, liên tục. và đó là nguồn gốc tiến hoá của sinh vật.
Darwin còn cho rằng tất cả các loài sinh vật có liên quan đều xuất phát từ một tổ tiên chung. Ông góp phần ủng hộ ý tưởng đã có từ trước, rằng trái đất không tĩnh mà trái lại, luôn trong trạng thái động, tiến hoá không ngừng.
Học thuyết Darwin bị phản đối dữ dội. Nhiều nhà sinh vật học cho rằng ông không chứng minh được giả thiết của mình, không giải thích nguồn gốc của các biến thể cũng như tại sao chúng lại được truyền qua các thế hệ liên tiếp nhau (mãi đến khi ngành di truyền học ra đời vấn đề này mới được giải thích). Nhưng ý kiến phản đối mãnh liệt nhất là từ nhà thờ. Tư tưởng của Darwin quá mới mẻ, sinh vật tiến hoá qua các quá trình tự nhiên, phủ nhận câu chuyện chúa tạo ra loài người và dường như đặt loài người ngang với động vật. Điều đó mâu thuẫn kịch liệt với thần học chính thống.
Từ khi ra đời cho đến nay trải qua bao thăng trầm, bao sự chỉ trích cuối cùng với sự chứng minh của khoa học hiện đại, thuyết tiến hoá của Darwin đã được thừa nhận. Nhân loại công nhận chân lí trong học thuyết của ông và bắt đầu tìm hiểu cụ thể hơn các sinh vật trên trái đất đã tiến hoá như thế nào, loài người đã trải qua bao nhiêu thời gian để tiến hoá như ngày hôm nay.
Chúng ta cũng nhận thấy, thuyết tiến hoá của Darwin đi ngược lại với sự nhìn nhận về thế giới quan của đạo Bà la môn và Thiên chúa giáo. Còn thế giới quan trong Phật giáo thì sao? Có điểm nào chung trong cách nhìn nhận về thế giới với các tôn giáo, và học thuyết của Darwin không. Chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề này qua bản kinh quan trọng, thể hiện thế giới quan của Phật giáo trong kinh Trường bộ, kinh Khởi thế nhân bổn.
4. Thế giới quan của Phật giáo theo kinh Hoa Nghiêm:

Thế giới quan mà đức Phật thuyết minh là thế giới quan nhân duyên. Tất cả mọi hiện tượng đều nương vào nhau mà thành lập. Tất cả đều có sự liên hệ mật thiết với nhau. Không có sự liên hệ ấy, sẽ không có một vật nào được thành lập. Sự liên hệ ấy gọi là nhân duyên.
Đức Phật đã định nghĩa Nhân Duyên như sau: "Nhược thử hữu tắc bỉ hữu, nhược thử sinh tắc bỉ sinh, nhược thử vô tắc bỉ vô, nhược thử diệt tắc bỉ diệt…" (“Cái nầy có thì cái kia có, cái nầy sinh thì cái kia sinh, cái nầy không thì cái kia không, cái nầy diệt thì cái kia diệt…").
Thế giới được dệt thành bởi những hệ thống nhân duyên đồng thời (đứng về phương diện không gian) và những hệ thống nhân duyên dị thời (đứng về phương diện thời gian). Đó là quan niệm nhân quả của đạo Phật. Trong kinh luận, danh từ hữu vi pháp (Samkhata dhamma) chính là để chỉ cho những hiện tượng của thế giới nhân duyên ấy. Tất cả đều vô thường biến thiên chính cũng do sự liên hệ nhân duyên, bởi vì trong thế giới nhân duyên, không thể có những hiện tượng thường hằng vĩnh cửu. Do quan niệm duyên sinh nầy mà đạo Phật không chấp nhận quan niệm sáng tạo thế giới của một đấng Thượng đế hữu ngã.
Theo chủ trương của Hoa Nghiêm Tông, toàn thể vũ trụ là cả một hệ thống trùng trùng duyên khởi vô cùng tận.
5. Thế giới quan Phật giáo theo kinh Khởi thế nhân bổn:
5.1 . Hoàn cảnh ra đời của kinh Khởi thế nhân bổn:

Khi Đức Phật ngụ tại nước Xá Vệ (Savatthi), nơi giảng đường Lộc Mẫu (Migàtamàtu) trong vườn Thành Tín Viên Lâm (Pubhàràma). Lúc bấy giờ vào buổi chiều, sau khi thiền tịnh, Thế Tôn đang đi đến giảng đường, thì có hai vị tân Tỳ-kheo là Vàsettha (Bà-tất-tra) và Bhàradvàja (Bà-la-đoạ) đến thưa-thỉnh.
- Bạch Thế Tôn, các vị Bà-la-môn đã nói như sau: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt. Chỉ có giai cấp Bà-la-môn là da trắng, giai cấp khác là da đen. Chỉ có Bà-la-môn là thuần túy, các giai cấp phi Bà-la-môn không phải như vậy. Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính tông của Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự của Phạm thiên. Các Ngươi đã từ bỏ giai cấp tối thượng, cúi mình vào giai cấp hạ tiện - giai cấp các Sa môn trọc đầu, đê tiện, đen đủi, giòng giống thuộc bàn chân. Làm vậy thật là không tốt, làm vậy thật là không hợp, khi các Ngươi từ bỏ giai cấp tối thượng, cúi mình vào giai cấp hạ tiệt, giai cấp Bà-la-môn trọc đầu, đê tiện, đen đủi, giòng giống thuộc bàn chân”.[2]
Nhân vì hai vị tỳ kheo đến thưa thỉnh về việc các Bà-la-môn họ tự hào cho rằng giai cấp của họ là cao quý nhất, được sanh ra từ cửa miệng của đấng Phạm Thiên và chê bai các giai cấp khác là hạ liệt, vì vậy mà đức Phật mới thuyết Kinh Khởi Thế Nhân Bổn để giảng rõ sự chuyển thành của thế giới nầy từ lúc sơ nguyên cho tới khi phân chia ra thành các giai cấp trong xã hội.
5.2. Nội dung của Kinh Khởi thế nhân bổn:

Để hiểu rõ nội dung của Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, người viết xin tóm tắt bài kinh theo lược dịch của Hoà thượng Thích Minh châu trong Kinh Trường Bộ.
Vào một thời gian rất lâu xa, khi thế giới này chuyển hoại, các loài hữu tình phần lớn sanh qua cõi Abhassarra (Quang Âm Thiên). Ở tại đây, những loại chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỉ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự vinh quang và sống như vậy trong một thời gian khá dài. Lúc bấy giờ thế giới chỉ có một màu đen sẫm, không có mặt trời, mặt trăng và sao hiện ra nên không có ngày đêm, cũng không có đàn ông, đàn bà. các loài hữu tình chỉ được xem là loài hữu tình mà thôi.
Trải qua thời gian rất dài, vị đất tan ra trong nước. Như bọt nổi lên trên mặt cháo sữa nóng đang nguội dần, cũng vậy đất xuất hiện. Đất này có màu sắc, có hương và vị. Màu sắc của đất giống như đề hồ, vị của đất như mật ong thuần tịnh .
Có loài hữu tình có tánh tham lấy ngón tay nếm vị của đất. Khi lấy ngón tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân và tham ái nổi lên, bằng cách bẻ từng cục đất với bàn tay nhỏ của họ, thời ánh sáng của họ biến mất. Khi ánh sáng của họ biến mất mặt trăng, mặt trời hiện ra nên có ngày và đêm.
Vì các hữu tình ấy thưởng thức vị của đất, lấy đất làm chất ăn trong một thời gian dài, thân của họ trở thành cứng rắn và có sắc đẹp. Có sự khác biệt trong sắc đẹp của các hữu tình. Những hữu tình có sắc đẹp khinh các hữu tình không có sắc đẹp: "Chúng ta có sắc đẹp hơn họ, họ không có sắc đẹp bằng chúng ta".
Do họ kiêu ngạo nên vị của đất biến mất. Khi vị đất đã biến mất có một loại nấm hiện lên. Trải qua một thời gian rất lâu, do tánh tham của các hữu tình khởi lên nên nấm đất lại biến mất và cỏ, cây leo lại tiếp tục hiện ra. Vì các bất thiện pháp nên cỏ và cây leo biến mất. sau một thời gian dài nữa thì lúa bắt đầu hiện ra, không có cám, không có vỏ, có mùi thơm và hột trơn nhẵn... những hữu tình ấy lại lấy lúa làm chất ăn, thân hình họ lại trở nên cứng rắn hơn trước và sắc đẹp lại càng sai biệt. Về phái nữ, nữ tánh xuất hiện, về phái nam, nam tánh xuất hiên. Do sự luyến ái, họ làm các hạnh dâm.
Có vị hữu tình bản tánh biếng nhác, giữ gìn phần của mình, đánh cắp phần của người khác, và thưởng thức phần ấy. Người ta bắt người ấy, quở trách, đập anh ta bằng tay, bằng đá, bằng gậy. Nầy Vàsettha, bắt đầu như vậy, lấy của không cho xuất hiện, quở trách xuất hiện, nói láo xuất hiện, hình phạt đập đánh xuất hiện.
Nầy Vàsettha, các loại hữu tình ấy hội họp lại (và bàn-tính): Chúng ta hãy đề cử một người có sắc đẹp nhứt, được ái mộ nhứt, (đứng ra) khiển trách khi đáng khiển trách, hay tẩn xuất khi đáng tẩn xuất. Chúng ta sẽ dành cho Người một phần lúa của chúng ta... Do đó người được lựa chọn là Mahà-sammato, bực đại diện được ủy nhiệm và danh từ Khattiya, Sát-đế-lợi, (chủ ruộng vườn) được khởi lên. Sau đó, có các vị cất chòi trong rừng để tu Thiền..., đó là các Bràhmana, Bà-la-môn, và danh từ nầy khởi lên từ đó. (Về sau nữa) các hữu-tình chọn các nghề nghiệp khác, nên danh từ Vessà, Phệ-xá, xuất hiện; và các người làm nghề hạ tiện nên danh từ, Suddà, Thủ-đà-la được xuất hiện... Trong bốn giai cấp nầy, chỉ có các vị Tỳ-kheo tu tập theo Pháp, sống chế ngự thân, miệng, ý, tu tập Bảy Giác-chi, đắc quả A-la-hán, diệt tận các lậu hoặc, nên được gọi là tối thượng trong tất cả giai cấp ...
5.3. Thế giới quan của Phật trong giai đoạn thế giới chuyển thành:
Thế giới quan Phật giáo từ kinh Tiểu Duyên đến Kinh Khởi Thế Nhân Bổn đã có những bước tiến mới, mặc dù Phật vẫn đứng trên một lập trường: Thế giới là vô cùng vô tận, là biến hoá không ngừng, sinh hay diệt của vạn vật chỉ mang tính tương đối.
Trong mỗi thế giới lại có những dạng tồn tại của sự sống khác nhau. Theo Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, cõi trời Quang Âm có một mối liên hệ mật thiết với thế giới của chúng ta. Các chúng sinh ở cõi Quang âm sau khi thác sinh sẽ chuyển qua thế giới của chúng ta sinh sống. Khi đó, thế giới này còn là màn đêm âm u, đất đai còn màu mỡ vị ngon ngọt. các chúng sinh từ cõi Quang Âm cũng chỉ tồn tại dưới dạng ý thức chưa có sắc tướng, hình thái. Họ đến thế giới này, nổi lên những ý tưởng nếm vị ngọt của đất, khởi lên sự tham ái... mọi điều kiện sống theo đó mà thay đổi, học buộc phải lao động để thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt để khẳng đinh sự hiện hữu của mình. Chính vì thế cơ thể họ cứng rắn hơn và ý thức đã có nơi an trú. Như vậy, theo thuyết kinh của Phật ta thấy thế giới vận động tiến hoá không ngừng. Từ chỗ là màn đêm âm u, đất chỉ có nước sữa kết tủa thành đề hồ, đến những loài nấm, cây cỏ, và đến cây leo, cây lúa. Sinh vật vận động theo sự biến đổi, tiến hoá không ngừng từ thấp đến cao để dần thích nghi với hoàn cảnh mới.
Con người cũng từ chỗ là những ý niệm "Những chúng sinh này, do ý sinh, nuôi sống bằng tự hỉ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không"[3] đến khi là con hoàn chỉnh là một con người có cả tâm thức và thân xác cũng là một quá trình vận động và biến đổi không ngừng nghỉ. Thân thể trở nên thích nghi với hoàn cảnh mới hơn, tâm thức cũng biến đổi. Từ chỗ là các hữu tình có hào quang giống nhau đã vận động biến đổi thành rất nhiều các pháp tướng và tâm thức khác nhau. Thế giới trở nên đa dạng và phong phú hơn rất nhiều.
Phật nhìn nhận về sự ra đời của thế giới qua cả một thời gian dài hàng triệu triệu năm. Trong thế giới quan của Ngài ta không thấy có một vị thần hay đấng sáng tạo nào xuất hiện. Vạn sinh linh trên thế giới này đều tự thích nghi, tiến hoá theo những quy luật của tựu nhiên mà không có một bàn tay vô hình nào can thiệp.
Thực tế, ngay từ những ngày đầu truyền Pháp, Phật đã phủ nhận thế giới quan hữu thần. Và quan điểm này của Ngài đã được chúng minh cụ thể hơn qua kinh Khởi Thế Nhân Bổn.
5.4. Thế giới quan của Phật về vấn đề giai cấp trong xã hội :

Khi thuyết kinh Khởi Thế Nhân Bổn, mục đích chính của Đức Phật là xoá bỏ định kiến giai cấp, họ cho rằng Bà La Môn mới là giai cấp tối thượng khi sinh ra từ cửa miệng của đấng Phạm Thiên, còn những giai cấp khác đều là hạ đẳng khi sinh ra từ bàn chân của vị này. Những nhận định về thế giới của Người là muốn chỉ ra nguồn gốc chung của các giai cấp và không có đấng thần linh nào khởi tạo nên loài người vì thế cũng không có người nào khi mới sinh ra đã thuộc về giai cấp, không có người thượng đẳng hay hạ đẳng.
Đức Phật cũng chỉ rõ sự vô minh của con người trong vấn đề nhìn nhận về giai cấp. Nếu chúng sinh còn tin vào giai cấp thì Sát-đế-lợi chính là những người được hưởng thành quả lao động của chúng sinh, bị họ cai trị. Và người tu tập đạt được cả đức trí là người tối thắng giữa nhân thiên, làm chủ được vận mệnh của mình, chỉ có những người như vậy mới là giai cấp tối thượng.
Những nhận định của Phật đã lật đổ quan niệm giai cấp của đạo Bà La Môn, phủ nhận một đấng Phạm Thiên tạo ra loài người với giai cấp sang hèn từ các bộ phận trên cơ thể thần. đề cao vai trò của việc tu tập, nhân phẩm và trí tuệ của mỗi con người.
Tất cả con người đều bình đẳng, không ai được sinh ra để trở thành ông chủ hoặc nô lệ, mỗi người có khả năng thành đạt đến vị trí cao nhất trong xã hội nếu con người có mong muốn và khả năng như thế”[4]
6. So sánh kinh Khởi Thế Nhân Bổn và học thuyết tiến hoá của Darwin:

Chúng ta đối chiếu các quan điểm, các học thuyết không phải để xem các vĩ nhân ai hơn ai, hay cái nào đúng cái nào sai, mà là chỉ để đi đến chân lí của sự thật. Có thể coi học thuyết tiến hoá của Darwin là học thuyết chuẩn cho sự hình thành, xuất hiện của thế giới muôn loài, là một đáp án về nguồn gốc thế giới được chấp nhận trong thời điểm hiện tại. Vậy thế giới quan của Phật trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn có những điểm tương đồng và khác biệt nào so với một học thuyết ra đời sau gần 2500 năm.
6.1. Điểm tương đồng:

Điểm tương đồng dễ nhận thấy nhất chính là sự nhìn nhận về thế giới ở trạng thái động.
Phật chủ trương thế giới biến thiên vô thường, do sự nương nhau mà tồn tại, nương nhau mà hoại diệt của các pháp. Không có cái gì là trường tồn bất biến mà luôn luôn có sự thay đổi, vận động. “Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt”. Các vật thể trong vũ trụ không tồn tại một cách độc lập mà có sự tác động qua lại lẫn nhau, chuyển hoá nhau.
Trong học thuyết của mình, Darwin cũng nhận xét thế giới này không tĩnh mà trái lại luôn trong trạng thái động, tiến hoá không ngừng. Ông nhận ra để đến được với ngày hôm nay vạn vật trên thế giới đã trải qua một quá trình tiến hoá rất dài. Đời sống bắt đầu với chỉ một cơ thể đơn bào trong đại dương và phát triển qua nhiều giai đoạn tiệm tiến. Luận điểm này chứng minh các loài động vật có nguồn gốc chung và phát triển từ hình thái này đến hình thái khác nhờ các biến đổi sinh học, sinh vật mới liên tục phát sinh và phát triển, đầu tiên là những sinh vật vô tính rồi đến hữu tính, từ động vật bậc thấp tiến hoá lên đến bậc cao.
Trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn, dạng thức đầu tiên của sự sống trên trái đất là vô tính. Chúng sống như dạng rong rêu trên lớp váng của đại dương. Sau một thời gian dài phát triển thành hình thù và có màu sắc khác nhau. Khi lớp váng có mùi thơm biến mất một loại nấm phát sinh và sinh vật phát triển những giới tính nhất định. Sự xuất hiện của loài người trong Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, cũng được miêu tả qua một quá trình dài, từ chỗ là những ý niệm phi hành trên không đến chỗ nêm nếm vị ngọt của đất, ăn nhiều dạng vật chất khác nhau và có một thân thể cứng rắn và sắc đẹp khác biệt.
Như vậy, Phật cũng đã nhìn thấy được thế giới đã trải qua một quá trình dài của sự vận động và tương thích, biến đổi, tiến hoá không ngừng chứ không do một đấng toàn năng nào tạo ra.
Mặc dù ra đời trước thuyết tiến hoá của Darwin gần 2500 năm nhưng thế giới quan của Phật cũng đã trải rộng, bao quát gần hết chiều dài phát triển của thế giới và con người. Tuy nhiên cũng như những lời Phật dạy trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn, đây chỉ là tư duy của Ngài, không mang tính áp đặt chúng sanh phải nghe theo.
6.2. Điểm khác biệt:

Học thuyết tiến hoá của Darwin khẳng định các sinh vật trên trái đất để tồn tại đến ngày nay, không chỉ phải tự thích nghi với những biến đổi của môi trường khí hậu mà phải trải qua một cuộc đấu tranh sinh tồn gay gắt để có thể tồn tại. Các sinh vật trên thế giới là một chuỗi thức ăn, tranh giành đẫm máu để tồn tại. Những loài còn lại đến hôm nay phải là những loài mạnh mẽ và có khả năng thích nghi tốt nhất. Con người cũng vậy, từ chỗ là vượn người, ăn sống uống tươi, sống trong hang và săn bắn hái lượm đến chỗ biết ăn chín uống sôi cũng là một quá trình dài đấu tranh để tồn tại. Con người có chung nguồn gốc với động vật, và con người được coi là động vật bậc cao nhất trên trái đất này.
“Theo quan điểm của Phật giáo thì loài người trên trái đất này đến từ một thế giới khác, có tên là Quang Âm thiên. Thế giới này có những ưu điểm vượt trội hơn so với thế giới chúng ta”[5]. Mặt khác, thế giới biến đổi là do những hữu tình có tánh tham muốn nếm vị của đất đã làm mất đi hào quang của mình. Các hữu tình càng khởi lên những ham muốn thì thế giới lại vận động biến đổi theo, sự thay đổi của các hữu tình là do chính họ khởi lên, và họ lại vận động tương thích với chính những thay đổi đó.
Nhìn thấy những điểm khác biệt giữa Kinh Khởi Thế Nhân Bổn của Phật với học thuyết tiến hoá chúng ta cũng đồng thời nhìn thấy nguyên nhân của sự dị biệt ấy. Người viết xin đưa ra một số nguyên nhân như sau:
Nguyên nhân 1: Do thời đại sống khác nhau.
Đức Phật sống cách đây khoảng hơn 2500 năm. Khi đó, khoa học kĩ thuật còn lạc hậu, tư duy của con người chưa đủ để nhận thức và lý giải sự xuất hiện của loài người cũng như các hiện tượng tự nhiên khác. Vậy mà, Phật đã ngộ ra chân lí của sự giải thoát, nhìn thấy cả quá trình vận động và tiến hoá của lịch sử loài người hàng triệu, hàng triệu năm... đủ thấy trí tuệ của Người đã đi xa hơn sự phát triển của thời đại rất nhiều. Cho nên, những hạn chế mang tính thời đại hoàn toàn có thể hiểu được.
Học thuyết tiến hoá của Darwin ra đời cách đây hơn 100 năm, khoa học đã có những thành tựu rực rỡ, lịch sử loài người đã trải qua nhiều giai đoạn hưng thịnh khác nhau. Xuất phát từ một nền tảng kiến thức vững chắc, Darwin đã đưa ra học thuyết của mình với những bằng chứng xác thực. Rõ ràng, với công rình nghiên cứu của mình, Darwin đã mở ra một cái nhìn mới về sự xuất hiện của con người, chúng ta nhìn thấy cả một chặng đường trong quá khứ, để đến được ngày hôm nay tổ tiên chúng ta đã vật lộn trong cuộc sinh tồn vất vả như thế nào “Từ khi mới nhen nhúm sự sống trên trái đất, đã phải trải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở chỉ để làm đẹp mà thôi. Cũng phải trải qua bốn kỉ địa chất, con người mới hát được hay hơn chim và mới chết vì yêu” (Gác - xi -a Mac - két , thanh gươm Đa- mô -clét). Rõ ràng chúng ta là thế hệ con cháu có trách nhiệm duy trì và bảo vệ quá trình tiến hoá ấy.
Như vậy, trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn của đức Phật, Ngài mới chỉ ra sự tiến hoá bằng tư duy riêng của Người, chưa có cơ sở thực tiễn nhưng cũng không thể đòi hỏi một cơ sở thực tiễn nào vào lúc bấy giờ, làm được như Người là rất vĩ đại rồi.
Nguyên nhân 2 : Khác nhau ở lập trường tư tưởng:

Khi thuyết kinh Khởi Thế Nhân Bổn, ngoài những hiểu biết về thế giới mà Phật muốn nói, cơ bản là Ngài muốn xoá đi những định kiến giai cấp, cho rằng Bà-la-môn mới là đẳng cấp cao quí, ngài khẳng định nếu chúng sinh còn tin vào giai cấp thì đó là cơ hội cho Bà-la-môn tối thắng. Nhưng nếu chúng sinh nhìn rõ giai cấp cao nhất thuộc về người đủ đức trí thì chính là người tối thắng.
Ngoài ra, Phật còn muốn nói đến sự hình thành con người từ hình sắc cho đến giới tính là do các hữu tình đã nếm vị đất và các loài vật chất khác mà đánh mất đi hào quang của mình ... là có ý muốn nhắc nhở con người biết tự bảo vệ mình, an trú trong tâm thanh tịnh không bị các vật chất làm thay đổi.
Người thuyết bài kinh này trên lập trường của một người truyền đạo đang trên con đường đưa chúng sinh tới giải thoát, bình yên.
Học thuyết tiến hoá của Darwin lại ra đời trên lập trường tư tưởng của một nhà khoa học để nghiên cứu và khám phá thế giới cùng với óc tư duy thực tế của người Phương tây. Ông tôn trọng sự thật của tự nhiên. Vì thế khi học thuyết của ông ra đời đã làm lung lay địa vị của một số tôn giáo ở Phương Tây nhưng ông vẫn kiên quyết bảo vệ sự thật đến cùng. Và đến nay chúng ta chấp nhận học thuyết của ông, chấp nhận con người cũng là một loại động vật nhưng là động vật bậc cao.
Cái làm cho con người hơn hẳn các loại động vật khác một phần ở sự thông minh, ở tuổi thọ... và phần nhiều bởi con người là loài động vật có tình cảm, đặc biệt là những tình cảm tốt đẹp, cao thượng.
Đấu tranh của con người lúc này là làm sao để những tình cảm tốt đẹp ấy ngày càng được phát huy và loài người sử dụng trí tuệ vào những công việc có ích cho cuộc sống của nhân loại.
7. Nhận định
Thế giới vũ trụ và muôn loại được dệt nên bởi những hệ thống nhân quả, trùng trùng duyên khởi. Đó là nhận định căn bản và sâu sắc của đạo Phật. Trên nhận định ấy, sẽ được thành lập nên những hệ thống giáo lý siêu việt và những phương pháp hành trì mầu nhiệm. Khoa học hiện thời đã vượt qua quan niệm nhân quả đơn giản một chiều và đã tiến gần đến quan niệm trùng trùng duyên khởi của đạo Phật. Chúng ta mong rằng một ngày kia bó đuốc của giáo lý nhân duyên sẽ được hoàn toàn tỏ rạng để tiếp tục phá trừ những quan niệm về túc mệnh, về ngẫu nhiên và về thần tạo, để loài người sớm nhận thức được đường lối của mình.
C. KẾT LUẬN:

Thế giới quan của Phật trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn là một thế giới quan tiến bộ. Về mặt tự nhiên nội dung kinh phản ánh sự phát triển trong nhận thức về một thế giới, có sự biến thiên vô thường vận động đi lên từ cái thấp đến cái cao.
Về mặt xã hội, nội dung kinh xoá bỏ ranh giới giai cấp, khẳng định lợi ích, vai trò của sự thực tu đem đến cho chúng sinh một bài học ý nghĩa trên con đường giải thoát, biết tránh xa những cám dỗ vật chất dễ làm thay đổi bản tính con người.
Tính nhất quán trong tư tưởng Phật giáo tiếp tục được thể hiện trong kinh Khởi thế nhân bổn, Đức Phật thuyết kinh này không phải để giải thích nguồn gốc thế giới mà để cho chúng sinh thấy được nguồn gốc của sự đau khổ bởi kiếp người, do tham sân si tạo nên, và phủ nhận giai cấp độc tôn của Bà-la-môn.
Kinh Khởi Thế Nhân Bổn chứa đựng một nội dung khá lý thú, đó là sự pha trộn giữa “những khái niệm khoa học và thần thoại huyền bí”. Kinh này được biên tập vào khoảng 500 năm sau khi đức Phật nhập vô dư Niết-bàn. Những học thuyết thịnh hành lúc bấy giờ có thể len lỏi vào bài Kinh. Hoặc chúng ta đặt giả thiết rằng đức Phật đã dạy thuyết Tiến hóa hoàn toàn giống với công bố của Darwin. Các đệ tử của đức Phật là những bậc hiểu biết trong các vấn đề liên quan đến tâm lí và đạo đức, và có lẽ không biết về khoa học như chúng ta ngày nay.
Thích Quảng Lợi
THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Kinh Trường Bộ II, Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1991.
2. Kinh Trường Bộ I, Kinh Phạm Võng, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1991.
3. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, HT. Thích Trí Tịnh dịch, NXB Tôn Giáo, 2006.
4. Thích Chơn Thiện và Trần Tuấn Mẫn dịch, Lăng Già Đại Thừa Kinh của Daisetz Teittaro Suzuki, NXB Tôn Giáo, 2005.
5. Kinh Trung A Hàm I, Thích Tuệ Sĩ (dịch từ Hán sang Việt), www.quangduc.com/kinhdien/trungaham/trungah18-221.html
6. Khái Quát Về Kinh Trường Bộ, Ni sư Thích Nữ Vân Liên – Giảng viên học viện PG tại TP. HCM, năm 2009.
Bản dịch Việt Ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (theo http://www.catholic.org.tw)
9. buddhismtoday.com/viet/phatphap/007-duyenkhoi.htm

[1] Thích Quảng Độ (dịch)- Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Khuông Việt Ấn Hành, 2006, Tr.47
[2] Ht Thích Minh Chaâu (dòch)- Trường Bộ Kinh, Bài kinh số 27 - Khởi Thế Nhân Bổn.
[3] HT Thích Minh Chaâu (dòch)- Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, s 27, Trưng B Kinh, VNCPHVN aán Haønh, 1993.
[4] Thích Đức Trường- Nhận Thức Đạo Phật, Tài Liệu Giảng Dạy HVPGVN Tại TPHCM, 2006, Tr. 18
[5] Phật pháp bách vấn, phần 1, Báo Giác Ngộ.