Tăng đoàn của Bụt

Sau khi dạy dỗ bọn trẻ con trong xóm, Bụt đã tìm ra rằng:  "Những phương tiện để ta diễn giải đạo lý có thể gọi là những cánh cửa, những pháp môn, mở ra để con người đi vào và hiểu giáo pháp.  Vậy pháp môn là kết quả tự nhiên của sự tiếp xúc giữa ta và quần chúng, chứ không phải là do sự sắp đặt đơn phương của ta khi ngồi dưới cội bồ đề".

 

Nghĩ như vậy, Bụt thấy rằng đã đến lúc người cần trở lại với xã hội con người để cho vành xe chánh pháp bắt đầu chuyển động trên con đường gieo rắc những hạt giống của đạo giải thoát.  Bốn mươi chín ngày đã đi qua từ khi đạo tỉnh thức đã được chứng đạt.  Bụt quyết định trưa mai sẽ rời tụ lạc Uruvela, tạm biệt khu rừng êm mát bên sông Neranjara, tạm biệt cây bồ đề và bọn trẻ, để bắt đầu bước đường hoằng hóa độ sanh.

SỰ HÌNH THÀNH TĂNG ĐOÀN NGUYÊN THỦY CỦA BỤT

Ngày hôm sau, Bụt đến Vườn Nai để độ cho Kiều Trần Như (Konda((a) và bốn người bạn tu của thầy, là Bhaddiya, Vappa, Mah(n(ma và Assaji.  Bụt đã cho cả năm thầy thọ giới tỳ kheo, và họ trở thành những đệ tử đầu tiên của Bụt.  Như vậy, khởi đầu tăng đoàn nguyên thủy của Bụt là một tăng đoàn gồm có năm người, thành hình sau bài pháp thoại về Tứ Diệu Đế do Bụt nói tại Vườn Nai.

Nhờ sự tu học tinh chuyên, năm vị dần dần đạt được cái thấy mầu nhiệm.  Kiều Trần Như là đệ tử đầu tiên của Bụt đắc quả A-La-Hán và cũng là vị tỳ kheo cao tuổi hạ nhất trong Giáo Hội Tăng Già sau này.  Hai tháng sau, đến phiên Vappa và Bhaddiya.  Cuối cùng, Mah(n(ma và Assaji cũng đạt được quả vị A-La-Hán.  Bụt rất vui mừng, Ngài nói: "Chúng ta đã có một đoàn thể xứng đáng với tên gọi Sangha, đoàn thể của những người biết sống cuộc đời tỉnh thức".

Về sau, Da-xá (Yasa), một thanh niên khao khát đời sống lành mạnh, nhờ duyên may nên được gặp Bụt tại vườn Lộc Uyển vào một buổi sáng tinh sương.  Chàng được Bụt dạy về phương pháp tiếp xúc với những hiện tượng mầu nhiệm của vạn vật, và cách nhận chân những khổ đau vì dục lạc trong cuộc đời.  Sau khi nghe lời Bụt dạy, chàng cảm thấy tâm hồn khô cạn của mình như được tưới mát bởi những giọt nước thanh lương, cho nên chàng quỳ xuống dưới chân Bụt, xin được làm học trò xuất gia của Ngài.  Bụt chấp thuận.  Chàng được thầy Kiều Trần Như xuống tóc và nhường cho một chiếc y và một bình bát của thầy mà thầy chưa dùng đến.  Nghe tin Yasa xuất gia, 54 người bạn của chàng cũng lần lượt đến xin theo gót chân Bụt, cho nên lúc đó tăng đoàn của Bụt đã lên đến 60 vị tỳ kheo. 

Lần thu nhận đệ tử đông đảo nhất của Bụt là vào một buổi chiều Ngài đứng bên bờ sông Ni Liên Thuyền đàm luận về nguyên ủy vũ trụ và về nguyên lý duyên sinh cùng Đạo sĩ Uruvela Kassapa, lãnh tụ môn phái Bái Hỏa, môn phái thờ lửa như là bản chất uyên nguyên của vũ trụ.  Trong lúc đàm đạo, bỗng nhiên đạo sĩ Uruvela Kassapa sụp lạy dưới chân Bụt, khóc nức nở và nói:  "Sa môn Gotama, con đã lầm lỡ hết hơn một nửa đời người, giờ đây xin thầy chấp nhận con là đệ tử của thầy để con có cơ duyên học hỏi và tu tập theo con đường giải thoát".  Bụt chấp nhận.  Hôm sau khi biết tin, gần năm trăm vị đệ tử của Kassapa cũng xin xuất gia theo Bụt.  Vài ngày sau đó, hai em của Uruvela Kassapa là Nadi Kassapa và Gaya Kassapa cũng đưa giáo đoàn gần bảy trăm đệ tử của mình về xin Bụt xuất gia theo đạo giải thoát.  Trong ba tháng liên tiếp sau đó, Bụt cư trú tại Gayasisa để giáo huấn các vị khất sĩ.  Giáo đoàn đạt tới nhiều kết quả lớn trên đường tu học.  Ba anh em Kassapa đã trở thành những vị phụ tá rất đắc lực cho Bụt trong việc hướng dẫn và giáo huấn tăng đoàn.

Hai năm sau ngày Bụt thành đạo, vào một sáng cuối hạ, S(r(putta và Mogg(llana, lúc đó đang tu học cùng giáo đoàn du sĩ, gặp thầy Assaji đi khất thực trong thành phố Rajagaha.  Hai người cảm phục cái phong độ ung dung và giải thoát của thầy, nên đã lặng lẽ đi theo thầy về đền Suppatittha trong Rừng Kè để xin Bụt cho xuất gia.  Bụt chấp thuận, và sau này họ trở thành hai đệ tử xuất sắc của Bụt.  Khi S(r(putta (Xá Lợi Phất) và Mogg(llana (Mục Kiền Liên) bỏ giáo đoàn du sĩ để theo Bụt, thì hai trăm năm mươi vị du sĩ cũng theo hai người đến xin Bụt cho theo học đạo.

Vì vậy chỉ trong một thời gian ngắn trên bước đường hoằng hóa độ sanh, Bụt đã xây dựng được một tăng đoàn đông đảo và uy nghi, và kinh điển thường nhắc đến con số 1250 vị tỳ kheo trong Tăng Đoàn Nguyên Thủy của Người.

Hồi đó tăng đoàn chưa có giới và luật để tụng đọc mỗi tháng, và cách tổ chức rất đơn giản, không theo những nghi luật như bây giờ.

Ngày Bố Tát Tụng Giới

Cái truyền thống mà cứ nửa tháng các thầy họp nhau lại, sống chung với nhau một ngày, thân cận nhau và để thuyết giới với nhau, là một truyền thống rất đẹp, được thiết lập ngay trong thời Bụt còn tại thế.  Điều này Bụt và các thầy học được từ một vài nhóm ngoại đạo.  Những năm đầu, giáo đoàn chưa có truyền thống hội họp 15 ngày một lần.  Trong khi đó thì các vị ngoại đạo trong vùng, họ tổ chức đến gặp nhau định kỳ, ở lại hàn huyên, đàm luận, chia sẻ, và tỏ tình thân với nhau suốt cả ngày. Quí thầy trong giáo đoàn bèn xin Bụt tổ chức tương tự. Bụt là người cởi mở, nên Bụt chấp thuận.

Bắt đầu từ đó, giáo đoàn các vị khất sĩ cứ 15 ngày họp lại sống chung với nhau một ngày để cho các vị mới xuất gia được thân cận với các vị cao đức mà học hỏi.  Đó là một ngày rất hạnh phúc của tăng đoàn.

Ngày đó gọi là ngày Bố tát Tụng giới, tiếng Pali là Uposatha và tiếng Phạn là Upasavatha mà ta dịch là cận trú.  Cận trú là sống thân cận, gần gũi với nhau, sống cùng với các vị A-La-Hán, các bậc thầy có đức độ.  Đúng theo truyền thống thì mình phải tổ chức làm sao để mọi người đều được tham dự tụng giới, sống với nhau trọn ngày trong tình huynh đệ, tình thầy trò.

Phân tích ra thì tiền từ "U" có nghĩa là nuôi lớn lên, dịch là trưởng tịnh, tức là nuôi lớn sự thanh tịnh, làm cho sự thanh tịnh của mình nó lớn lên. Theo Luận Câu xá, Abhidharma-ko(a-((tra, thì hậu từ "tha" có nghĩa là duy trì, đặt để. Như vậy ngày bố tát thuyết giới là một ngày rất quan trọng trong sinh hoạt của tăng đoàn, vì vậy ta phải tìm mọi cách để tham dự, nhất là khi mình mới xuất gia.

Theo truyền thống thì không vì những duyên cớ tầm thường mà có thể bỏ ngày tụng giới. Chỉ trừ những lúc đau yếu, tai nạn, cháy nhà, lụt lội, hay có sự tranh chấp trong giáo đoàn thì mình mới dời lại ngày tụng giới.

Tinh Thần Dân Chủ Trong Tăng Đoàn

Tăng đoàn ngay hồi Bụt còn tại thế đã được tổ chức theo tinh thần dân chủ.  Trong bối cảnh lịch sử rất giai cấp của xã hội Ấn Độ thời đó, tinh thần dân chủ này quả là một điều rất đặc biệt.

Khi một người được chính thức chấp nhận là một thành phần của tăng đoàn, thì người đó được tham dự vào tất cả những quyết định về sinh hoạt của tăng đoàn, đặc biệt là được quyền phủ quyết, với điều kiện sự phủ quyết đó được dựa trên những căn bản vững chãi về luật.  Ví dụ, mọi người trong tăng đoàn muốn làm việc đó, nhưng có một người chống lại.  Nếu người đó đưa ra những lý do phù hợp với luật tạng, thì quyết định của đại đa số không thành công, và buổi họp phải được triệu tập lại.

Như vậy trong cuộc sống của tăng đoàn hồi Bụt còn tại thế, tính cách dân chủ trong tăng đoàn rất là quan trọng. Nếu muốn cho người chống đối thuận theo quyết định của đa số, thì mình phải trình bày, phải thuyết phục để cho người đó có thể thấy được tại sao đa số muốn như vậy, nếu không thì cái quyết định đó sẽ không thành.

Tinh thần dân chủ đó được qui định rất rõ ràng trong Luật tạng, và Luật tạng chỉ đề cập đến phương cách sinh hoạt của một tăng đoàn gồm những người xuất gia mà thôi.

Đọc Luật tạng ta thấy được cái khả năng xuất chúng trong việc điều hành và dựng tăng của Bụt.  Tinh thần dân chủ trong phương pháp thành lập và tổ chức Giáo Hội Tăng Già trên 2600 năm trước đây, so với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc ngày nay, thì Hiến Chương vẫn còn thiếu sót rất nhiều.

Thầy Mục Kiền Liên làm bổn phận Sư Anh (Kinh Tư Lượng)

Kho tàng kinh điển đạo Bụt có rất nhiều kinh dạy về vấn đề hòa hợp tăng thân. Trong thời Bụt còn tại thế, thầy Mục Kiền Liên đã đóng góp rất nhiều cho việc dựng tăng của Bụt, từ cách thầy thực tập và chuyển hóa bản thân, cho đến những bài pháp thoại quý giá để chia sẻ kinh nghiệm tu học với các sư em trong tăng đoàn.

Chúng ta hãy học một kinh có tính cách rất thực dụng và quý giá cho sự thực tập chung trong tăng thân, do thầy Mục Kiền Liên nói, đó là kinh Tư Lượng[1].

Kinh Tư Lượng có mặt trong tạng Pali lẫn trong Hán tạng.  Trong tạng Pali, kinh nằm ở trong Trung Bộ (Majjhimanikaya, 15) mang tên là Kinh Anumana, chúng ta dịch là kinh Tư Lượng, vì chữ tư lượng đã được dùng trong kinh tương đương ở Hán tạng, tức là kinh Tỳ Khưu Thỉnh. Trong Hán tạng, Tỳø Khưu Thỉnh là kinh số 89 của Bộ Trung A Hàm. Hiện giờ tại Làng Mai chúng ta may mắn có được cả hai văn bản, một bằng tiếng Pali, tức là kinh Tư Lượng, một bằng chữ Hán, tức là kinh Tỳ Khưu Thỉnh.

Khi so sánh hai văn bản, chúng ta thấy hơn 90% những điều trong hai kinh rất phù hợp với nhau. Như vậy, ít nhất là 90% nguyên văn lời kinh đã được giữ lại cho đến nay. Những điều khác biệt giữa hai kinh là những chi tiết không quan trọng lắm.

Kinh có một tác dụng xây dựng tăng thân rất công hiệu. Tuy kinh này không do Bụt nói, nhưng trong thời Bụt còn tại thế, các thầy, các sư cô đọc kinh này rất đều. Ta có thể nói sau giới bản, đây là kinh được tụng đọc nhiều nhất, vì nó có tác dụng xây dựng tăng thân một cách rất thực tiễn, nó giúp tạo hạnh phúc trong cuộc sống chung để sự thực tập của tăng đoàn dễ thành công hơn.

Tư lượng có nghĩa là so sánh, đo lường, quán chiếu.  Đúng ra ta phải dịch là tỷ lượng, tỷ tức là so sánh, lượng là đo lường.  So sánh ở đây là so sánh người khác với mình, đem hai người đặt gần nhau để xem có những điều nào giống và điều nào không giống nhau. Tư lượng dịch tiếng Anh là Inference.

Sở dĩ ta không dùng chữ tỷ lượng, lý do thứ nhất là vì tỷ lượng có màu sắc của Nhận thức luận, tương tự như luận lý học. Lý do thứ hai là trong bản chữ Hán của Trung A Hàm, các Tổ đã dùng chữ tư lượng.  Trong bản của Pali Text Society, tên kinh được dịch là Discourse on the measuring in accordance with, tức là lấy bản thân mình mà so sánh với bản thân của một người bạn đồng tu.  Nhìn vào bản thân người bạn đồng tu rồi nhìn vào bản thân của mình để suy tưởng, để quán chiếu, xem mình có thể học được điều gì và không nên học điều gì từ bạn, một hình thức trông người lại ngẫm đến ta. Do đó mình có thể dịch là The discourse on measuring and reflecting. Tuy không có các chữ "in accordance with" cũng vẫn đủ nghĩa.

Như đã nói ở trên, kinh này không do Bụt nói, mà do thầy Ma Ha Mục Kiền Liên nói. Chúng ta biết rằng trong thời của Bụt, có những thầy rất giỏi, đã đóng vai sư anh trong tăng đoàn nguyên thủy rất tuyệt diệu.  Hai vị sư anh lớn nhất, hai cánh tay phải của Bụt là thầy Xá Lợi Phất và thầy Mục Kiền Liên. Chỉ hai năm sau ngày thành đạo, Bụt đã thu nhận hai đệ tử lớn này, và hai thầy đã là những bàn tay xây dựng tăng thân rất là hữu hiệu của Bụt.  Hai thầy cũng đã gặp nhiều khó khăn, cũng đã bị ganh tị, nhưng hai thầy đã đóng vai trò huynh trưởng rất tròn đầy.

Trong khóa tu mùa Thu vừa qua chúng ta đã học một kinh do thầy Xá Lợi Phất nói, đó là kinh Thủy Dụ. Qua kinh đó, sư anh Xá Lợi Phất đã dạy cho các sư em phương pháp đối trị với cơn giận.  Trong khóa An cư kiết Đông năm nay chúng ta bắt đầu khóa tu bằng kinh Tư Lượng do thầy Ma Ha Mục Kiền Liên dạy.

Khi nghe nói đến thầy Mục Kiền Liên, chúng ta chỉ có một ý niệm là thầy rất thân với thầy Xá Lợi Phất, và thầy là một bậc đại hiếu.  Chúng ta thường gọi thầy là Bồ Tát Đại hiếu Mục Kiền Liên. Ít ai biết được thầy là một vị sư anh rất hiểu các em của mình, và đã chia sẻ với các em những kinh nghiệm tu học hết sức thực tế. Công trình xây dựng tăng thân của thầy Mục Kiền Liên rất lớn và kinh này là một trong rất nhiều bằng chứng về công lao của thầy.

Do sự truyền thừa khác nhau nên hai văn bản của kinh không đồng nhất về điểm kinh này đã được nói tại đâu.  Theo kinh Tư Lượng của tạng Pali thì kinh này được nói tại Susum(ragina.  Theo Hán tạng thì kinh tương đương là Tỳ Khưu Thỉnh đã được nói tại tu viện Trúc Lâm.  Tu viện này không phải là tu viện Trúc Lâm ở thành Vương Xá.  Tuy vậy chi tiết này không quan trọng lắm.  Điều quan trọng là lời kinh rất giống nhau, và nội dung của hai kinh cũng rất giống nhau.

Tên kinh trong bản Hán tạng có thể dịch là Lời Thỉnh Cầu Của Vị Khất Sĩ.  Chi tiết về tên kinh rất là quan trọng vì trong kinh Tư Lượng, tức là kinh thuộc về tạng Pali, ý về sự thỉnh cầu của một vị khất sĩ cũng đã được đề cập đến rất rõ.

NỘI DUNG KINH: Những nguyên do khiến một người tự cô lập hóa và cách đối trị

Hôm đó là một ngày trong mùa an cư kiết hạ, thầy Mục Kiền Liên ngồi dưới bóng cây, chuyện trò cùng các sư em. Thầy gọi thêm các vị khác đến để dạy kinh này. Bắt đầu bài pháp thoại, thầy nói:  Này các bạn đồng tu, ví dụ có một vị khất sĩ thỉnh cầu các vị khất sĩ khác, và nói rằng:  Xin các bạn đồng tu hãy chuyện trò với tôi. Tôi mong rằng tôi được các bạn đồng tu thương tưởng đến và nói chuyện với tôi. Tại sao lại xảy ra chuyện một vị đồng tu phải yêu cầu các vị đồng tu khác nói chuyện với mình?  Tại vì vị đó có cảm tưởng bị cô lập hóa ở trong đại chúng, vị đó có cảm tưởng không ai trong đại chúng muốn nói chuyện với mình.

Trong tạng Pali, nguyên văn đoạn mở đầu kinh Tư Lượng như sau:

Này các bạn đồng tu, giả sử có vị khất sĩ thỉnh cầu các vị khất sĩ khác, nói rằng: "Các bạn đồng tu hãy chuyện trò với tôi, tôi mong rằng tôi được các bạn đồng tu thương tưởng và chuyện trò với tôi.  Nếu vị khất sĩ ấy là người mà kẻ khác khó nói chuyện với được, nếu vị ấy là người có những tính nết làm cho kẻ khác không nói chuyện với được, nếu vị ấy là người thiếu kiên nhẫn, thiếu cởi mở, không có khảû năng tiếp nhận những lời phê bình, khuyên bảo và dạy dỗ của các bạn đồng tu phạm hạnh, thì các vị này xét rằng không thể nói chuyện với vị ấy, không thể dạy bảo vị ấy, không thể đặt niềm tin vào vị ấy.

Đó là chủ đề mà kinh nêu ra.  Trong đại chúng thỉnh thoảng có người mang cảm giác cô đơn. Họ có cảm tưởng rằng các bạn đồng tu không ai muốn nói chuyện với mình, mình không được tăng thân chú ý và tin tưởng.  Nói theo người đời là bị tẩy chay.

Để so sánh, chúng ta hãy đọc đoạn mở đầu của kinh Tỳ Kheo Thỉnh trong Trung A Hàm.

Bấy giờ tôn giả Đại Mục Kiền Liên nói với các vị khất sĩ: Các vị hiền giả, nếu có một vị khất sĩ thỉnh cầu các vị khất sĩ khác như sau:  Xin các tôn giả hãy nói chuyện với tôi, hãy dạy dỗ tôi, hãy khiển trách tôi, xin đừng để tôi bị lâm vào tình trạng khó khăn.  Tại sao có tình trạng ấy?  Tại vì, thưa các hiền giả, nếu có một người quen lối nói ngang bướng, bị kéo đi bởi những lối nói ngang bướng, thì các bạn đồng tu phạm hạnh sẽ không còn ưa nói chuyện với vị ấy, sẽ không dạy dỗ vị ấy, sẽ không khiển trách vị ấy, và vì thế vị ấy bị lâm vào tình trạng khó khăn, lý do vì thói quen nói ngang bướng đó.

Sự truyền thông bị cắt đứt vì cách mình đối xử với tăng thân.  Trong bản Hán văn có danh từ "Nan ngã" hay "Nạn ngã" mà có người dịch là xin các vị đồng tu đừng "làm khó tôi".  Nan là khó.  Tôi thấy dịch như vậy có thể đưa dến sự hiểu lầm, giống như các vị đồng tu muốn làm khó vị này, cho nên tôi đã dịch lại là: "Xin các bạn đồng tu đừng để tôi lâm vào tình trạng khó khăn" để diễn ý chữ Nan.  Nó có nghĩa là khi mình có cảm tưởng bị cô lập, không ai muốn nói chuyện với mình thì mình lâm vào tình trạng khó khăn, chứ không phải những người khác muốn làm khó mình, muốn cô lập mình vì một lý do nào đó.  Chính mình xin các vị đó hãy giúp mình để mình khỏi bị rơi vào tình trạng khó khăn trong hiện tại.

Sau phần mở đầu bài pháp thoại, thầy Mục Kiền Liên nêu ra một số nguyên do khiến cho một vị khất sĩ không được các vị khất sĩ khác nói chuyện với, khuyên bảo giùm, hay dạy dỗ cho.  Thầy khuyên tất cả mọi thành phần trong tăng đoàn nên quán chiếu lại mình, xem mình có những tánh tiêu cực nào khiến cho các thầy khác không thân cận được với mình.

Đối tượng của kinh này không phải chỉ là một hay hai người trong tăng thân, mà là tất cả mọi người, tại vì nếu không thực tập theo những lời dạy của kinh thì bất cứ vị nào trong tăng đoàn cũng có thể lâm vào tình trạng khó khăn đó.

Chúng ta hãy đọc tiếp: Ở đây, này các bạn đồng tu, nếu một vị khất sĩ bị vướng vào tà dục, bị tà dục lôi kéo, thì đó là một tính nết khiến cho các bạn đồng tu khó nói chuyện với vị ấy.

Khó nói chuyện ở đây có nghĩa là không có cơ hội để dạy bảo vị đó, không có cơ hội để khiển trách, để chỉ rõ những lỗi lầm của vị ấy, vì vậy mà không thể đặt niềm tin vào vị ấy.

Như vậy nguyên do đầu tiên khiến cho một thầy hay một sư cô bị cô lập hóa là tà dục, và bị tà dục sai sử, lôi kéo.

Bản chữ Hán gọi là ác dục.  Ở đây mình dịch là tà dục.  Tà tức là không ngay thẳng, ác có nghĩa là không lợi ích, có tính cách phá hoại, và dục là cái muốn.  Có cái muốn tốt, có cái muốn xấu. Điều muốn tốt không gọi là tà dục.  Những cái muốn xấu, những sự đam mê có thể phá hoại con người mình, phá hoại tương lai mình, thì gọi là tà dục hay ác dục.  Trong bản dịch tiếng Việt mình dùng danh từ tà dục cho nhẹ nhàng hơn.  Khi mình có một ý muốn như muốn tu, muốn học, muốn độ đời, và cái muốn đó không có tính cách vì danh, vì lợi, vì thèm khát danh vọng, tiền bạc, hay sắc dục, thì cái muốn đó, cái dục đó không gọi là tà dục.

Nếu vị khất sĩ hay nữ khất sĩ vướng vào một tà dục thì đó là nguyên do khiến cho các bạn đồng tu không muốn nói chuyện với người đó, không có cơ hội dạy dỗ người đó, tại vì người đó có sự ngoan cố trong tà dục của mình.  Mặc tôi, tôi làm như vậy mặc tôi!  Càng nói tôi lại càng làm tới cho bõ ghét. Nói vậy, nghĩ vậy, hành động vậy một thời gian thì các vị đồng tu sẽ không đến với mình nữa.  Cho nên kinh nói rằng: Khi một vị khất sĩ bị vướng vào tà dục, bị tà dục lôi kéo...  Lôi kéo tức là bị sai sử. Bị đặt dưới sự lôi kéo và sai sử của tà dục thì mình không có trí tuệ nữa, và mình bắt đầu nói bướng.  Khi mình nói bướng, các bạn đồng tu sẽ có cảm tưởng không thể nói chuyện với mình được, và họ sẽ tránh nói chuyện với mình.

Thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy những trường hợp như vậy.  Một vị khất sĩ hay nữ khất sĩ có tà dục, có sự ham danh, ham lợi hoặc ham sắc. Vị đó có tính ngoan cố, để cho bản thân bị tà dục sai sử, lôi kéo.  Tâm tính đó biểu hiện ra trong ngữ ngôn, trong thái độ, cho nên tuy các bạn đồng tu ban đầu có cố gắng giúp đỡ, dạy bảo, nhưng một thời gian sau thì không còn kiên nhẫn nữa.  Kết quả là vị đó lâm vào tình trạng khó khăn của sự bị cô lập.  Vị đó từ từ cảm thấy mình bị mất tăng thân, và một ngày nào đó sẽ thấy rằng tăng thân này không còn là tăng thân của mình nữa, cho nên vị đó bỏ tăng thân mà đi.

Ai đã lấy tăng thân ra khỏi tầm tay của mình?  Chỉ có mình thôi, không có người nào có thể lấy tăng thân ra khỏi vòng tay của mình cả.  Khi tự cô lập hóa mình đối với các bạn đồng tu, thì từ từ mình sẽ mất tăng thân, mình có cảm tưởng tăng thân này ruồng bỏ mình, tăng thân này không còn thân cận với mình nữa.  Kỳ thực lý do khiến cho mình có cảm tưởng cô đơn là cách sống của mình, cách hành xử của mình trong đời sống hàng ngày làm cho tăng thân không tới với mình được, không nói chuyện, hay dạy dỗ mình được.

Trong bản chữ Hán nói rất rõ: Mình bị cô lập là vì cách nói ngang bướng của mình, vì thói quen nói ngang bướng của mình. Cách nói ngang bướng và thói quen nói ngang bướng đó bắt nguồn từ những nguyên do bên trong mà hiển lộ ra.

Chúng ta hãy dựa vào kinh Tư Lượng trước, rồi thỉnh thoảng sẽ đối chiếu với kinh Tỳ Kheo Thỉnh ở trong Hán tạng.

Nguyên do thứ hai là vị ấy chỉ biết khen mình và chê người.

Mình có thể nghĩ rằng tất cả những người trong tăng thân không có ai đáng làm sư anh, sư chị của mình hết.  Nhìn người bạn đồng tu nào cũng thấy những tật xấu, không thấy điều nào tốt cả.  Điều này hàm chứa sự thật là mình không thấy và mình không biết chính mình cũng có những tật xấu của các sư anh và của các sư em mình.  Mình chỉ thấy những sư em, sư chị, sư anh của mình có những tật xấu đó mà thôi.

Nguyên do thứ ba là dễ nổi giận và bị cơn giận chi phối.

Chúng ta chưa phải là những bậc thánh, thành ra việc nổi giận là việc có thể xảy ra.  Khi chưa phải là bậc thánh, ai cũng có lúc nổi giận.  Nhưng người tu thì phải biết cách đối trị và săn sóc cơn giận của mình.  Mình có quyền giận, nhưng đồng thời mình có bổn phận phải săn sóc cơn giận của mình, phải chuyển hóa cơn giận của mình.  Nếu biết cách chăm sóc và chuyển hóa cơn giận thì mình sẽ không bị cơn giận chi phối.  Chỉ khi nào mình không biết tu tập, không biết thở, không biết đi thiền hành, không biết quán chiếu thì mình mới bị cơn giận chi phối, và khi bị cơn giận chi phối thì mình vùng vằng, mình tỏ thái độ bất bình bằng con mắt, bằng cử chỉ và bằng lời nói của mình.  Vì vậy mà các bạn cùng tu có cảm tưởng không giúp mình được, không đến nói chuyện với mình được, không thể chỉ bảo cho mình được.

Có thể rằng khi giận, mình không biết mình giận, và khi mình có một cái nhìn không thiện cảm, mình không biết mình đang có cái nhìn không thiện cảm.  Có thể là mình đang vùng vằng không dễ thương mà mình không biết là mình đang vùng vằng không dễ thương. Có thể là mình nói những câu không hòa dịu, có tính cách hạch hỏi và nạt nộ người khác mà mình không biết lời nói của mình không có tính cách dễ thương, mình tưởng mình luôn luôn dịu dàng và nhỏ nhẹ. Đó là vì mình thiếu chánh niệm, mình cần một cái gương để soi.  Nếu không có gương để soi thì mình phải nhờ tăng thân, nhờ sư anh và sư em cho biết. Mỗi khi mặt em đỏ lên không dễ thương thì sư anh phải nói đây là lúc em đang không dễ thương. Phải có một người chỉ cho mình thì mình mới tiến được.  Mỗi khi người kia có một cái nhìn không thiện cảm thì mình thấy ngay, mỗi khi người kia có một thái độ không dễ thương thì mình cảm thấy liền, mỗi khi người kia trong giọng nói có sự bực bội, cáu kỉnh thì mình biết lập tức.  Nhưng khi mình phạm vào những điều đó thì mình không biết, và mình tưởng rằng mình không có những khuyết điểm của người kia.  Kỳ thực là mình có, và đôi khi còn có nhiều hơn người kia nữa. Vì vậy người tu may mắn là người có sư anh, sư em, sư chị nhắc nhở cho mình, chỉ cho mình những lúc mình không tươi mát, những lúc mình cáu kỉnh.  Có được những người như vậy thì mình mới được che chở và được nuôi dưỡng.  Nếu không có người đến với mình, nói cho mình hay và chỉ cho mình thấy những điều lầm lỗi, thì mình thiếu may mắn.

Nguyên do thứ tư:  hoặc vị ấy vì giận mà ôm ấp một nỗi hiềm hận.

Giận là một điều mà hiềm hận là một điều khác.  Có nhiều người giận nhưng sau khi giận thì thôi, không còn nghĩ tới nữa.  Rất dễ chịu. Nỗi trận lôi đình, nhưng sau khi hết giận thì cười nói với mình trở lại rất dễ thương.  Nếu giận mà không ý thức rằng mình giận, không biết quán chiếu, không biết nhận diện, chuyển hóa cái giận của mình thì cái giận đó đi vào trong chiều sâu của tâm thức, trở thành một nội kết lớn và khối nội kết đó gọi là hiềm hận. Cũng như khi mình bị cảm.  Mới bị cảm mà không chịu cạo gió hay uống thuốc, để cho cơn cảm đó thấm sâu vào thân, thì sự chữa trị sẽ khó hơn.  Khi sự hiềm khích hoặc sự hận thù bám sâu vào trong tâm ta, thì khối nội kết sẽ phát hiện ra bên ngoài dưới hình thức mình vùng vằng, mình khó chịu mà mình không biết.  Điều nguy hại là ở chỗ mình không hay biết những sự việc đó.  Khi nghe nói "anh say rồi", ngöôøi say röôïu khoâng bao giôø nhaän thaáy mình say.  Tôi mà say? Tôi đâu có say! là nhưng câu trả lời đầu lưỡi của họ.  Cũng vậy, khi nghe nói anh giận rồi đó, thì mình thường khẳng định: Tôi đâu có giận?  nhưng kỳ thực thì mọi người đều thấy mình đang giận.  Đó là tại mình không có gương để soi.  Tăng thân có thể đóng vai trò của một tấm gương để cho mình soi.  Không còn tấm gương ấy thì nguy lắm cho đời tu học của mình.  Ai cũng có quyền giận, nhưng nếu không biết tu tập để chuyển hóa thì cái giận ấy sẽ trở nên một khối nội kết trong ta, nó làm hại bản thân ta, và làm hại luôn cả bạn tu của ta nữa.

Nguyên do thứ năm:  hoặc vì giận hờn, hiềm hận mà trở nên cáu kỉnh.

Tiếng Anh gọi là bad mood.  Lâu lâu cáu kỉnh một lần thì được, nhưng cáu kỉnh hai mươi bốn giờ mỗi ngày thì nhiều quá, người khác sẽ thấy mình không dễ chịu, họ rút lui, và mình sẽ có cảm giác bị tẩy chay.

Nguyên do thứ sáu:  hoặc vì hiềm hận mà nói những lời có tính cách cáu kỉnh.

Trong nguyên do thứ năm, sự cáu kỉnh chỉ thể hiện qua bộ điệu.  Ở đây sự cáu kỉnh biểu lộ qua lời nói.  Nên biết rằng khi nói, nếu chúng ta có một cảm xúc thì tự nhiên lời nói của chúng ta có những âm ba rung động khiến cho người đối thoại biết ta đang cảm xúc.  Khi chúng ta sợ, thất vọng, buồn tủi hay giận hờn thì những cảm xúc đó biểu hiện ra trong lời nói của chúng ta.  Đôi khi người đối thoại nhận biết mà chính mình lại không hay.  Đó là vì mình thiếu chánh niệm.  Chỉ cần một câu nói ba bốn chữ thôi là đủ làm cho mình mất một sư anh, một sư chị, hay mất một sư em.  Gặp mình, vị đó có thể chào vì lễ phép, nhưng họ không còn muốn tiếp xúc với mình nữa.  Nói có ba bốn chữ, nhưng mình đã phải trả một giá rất đắt, nó làm cho mình mất một người bạn đồng tu, và có khi mất cả tăng thân.

Bằng trí năng, có thể mình thấy rất rõ rằng tăng thân này là cái mình cần nhất ở trên đời, là cái nhu yếu quan trọng nhất trong đời mình, vậy mà mình vẫn cứ đánh mất tăng thân đó. Trí tuệ của mình thấy rõ điều đó, nhưng vì mình quá yếu, mình thiếu tu tập, mình có tập khí sâu dày cho nên mình phản lại trí tuệ của mình, mình làm ngược lại điều mà trí tuệ của mình thấy rõ, cho nên mình rơi vào hoàn cảnh cô đơn.

Tại Làng Mai, sự thực tập xây dựng tăng thân được xem là quan trọng nhất trong chương trình tu học.  Nếu muốn thành công trong việc hành đạo sau này, ngay bây giờ chúng ta phải học pháp môn xây dựng tăng thân cho thật đàng hoàng. Một người không có khả năng xây dựng tăng thân, sẽ không có khả năng độ đời.  Tại vì không có tăng thân thì không làm được gì hết.  Chúng ta biết rằng trong quá trình tu tập, chúng ta chuyển hóa được là nhờ tăng thân.  Một vị thầy giỏi cách nào đi nữa cũng không làm được gì nếu không có tăng thân. Vì vậy tôi nhắc lại rằng trong thời gian thụ huấn và thực tập ở Làng Mai, quí vị phải học cho được và thực tập cho thành công phương pháp xây dựng tăng thân.

Nguyên do thứ bảy:  hoặc vì vị ấy lên án người bạn đồng tu đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm.

Lỗi này đôi khi chỉ là một sự vụng về, một tri giác sai lầm của mình, nhưng tại mình cố chấp, cho nên khi người bạn đồng tu chỉ cho mình những lỗi đó thì mình nỗi giận và mình lên án họ.  Người đó có thể là vì thương mình nên chỉ cho mình những lỗi lầm. Bạn bè anh em thì ai cũng phải giúp nhau như vậy, nhưng vì mình không có khả năng tiếp nhận, không có khả năng nghe, cho nên mình ruồng bỏ tấm gương soi của bạn cho mượn, mình giận luôn tấm lòng tốt của người bạn tu.  Mình nổi giận nên mình trả đũa bằng cách lên án họ.

Nguyên do thứ tám:  hoặc vị ấy miệt thị người bạn đồng tu đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm.

Mình không còn muốn nhìn mặt người đó nữa, cầm bằng người đó không còn là bạn của mình, không còn là tri kỷ của mình nữa.  Tri kỷ gì mà lại chỉ trích người ta! Mình nghĩ như thế.  Thực ra thì người hiểu mình, người có đủ thương yêu để chỉ cho mình những yếu đuối của mình, mới đúng là người tri kỷ của mình. Vậy mà mình đã bỏ mất người bạn, bỏ mất cây đuốc chỉ đường, mất đi một cơ hội để thấy rõ mình.

Nguyên do thứ chín:  hoặc vị ấy chỉ trích trở lại người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm.

Chính anh là người đã phạm lỗi đó chứ không phải là tôi!  Chính anh mới là sân si, chính anh mới là khó chịu, chính anh mới là cáu kỉnh chứ không phải tôi!  Tại vì trong lòng mình đã có khối hiềm hận cho nên khi nghe người chỉ lỗi, chẳng những mình đã không chịu lỗi mà còn chỉ trích ngược lại người đó.

Nguyên do thứ mười:  hoặc vị ấy chất vấn trở lại người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm.

Chất vấn tức là đặt ra những câu hỏi tới tấp để cho người kia sợ mà lần sau không đám nói ra lỗi của mình nữa.

Nguyên do thứ mười một:  hoặc vị ấy tránh né vấn đề bằng cách hỏi người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm, những câu hỏi khác, không ăn nhập gì đến những vấn đề của người kia nêu ra.

Nói rõ ra là vị ấy trả lời ngoài vấn đề, đánh lạc hướng, hoặc để lộ sự bực bội, giận dữ và bất mãn.

Nguyên do thứ mười hai:  hoặc vị ấy không giải thích được một cách thỏa đáng hành động của mình khi người kia chỉ lỗi cho mình.

Tại sao anh làm vậy? mình không trả lời một cách thỏa đáng được, mình cứ nói vòng quanh!

Nguyên do thứ mười ba:  hoặc vị ấy thô tháo và có ác ý.

Thô tháo tiếng Pháp là grossière, và ác ý là mauvaise intention.

Nguyên do thứ mười bốn:  hoặc vị ấy ganh ghét và keo kiệt.

Cho mà tiếc, nói mà cũng hà tiện, giúp mà không hết lòng.

Nguyên do thứ mười lăm:  hoặc vị ấy mưu mô và lường gạt.

Nguyên do thứ mười sáu:  hoặc vị ấy cứng đầu, ngoan cố và tự kiêu.

Nguyên do thứ mười bảy:  hoặc vị ấy vướng vào thế tục.

Tuy xuất gia, nhưng trong đời sống hàng ngày mình vẫn còn vương vướng những lề thói thế tục, không có khả năng buông bỏ lề thói ô trược.  Anh đã đi tu nhưng những điều anh làm có vẻ "đời" quá!  Cuộc sống của anh không có phẩm chất tự tại, giải thoát, thanh thản của người tu.  Cách nói năng, cách hành xử của anh còn có tính cách thế tục quá.

Đó là mười bảy nguyên do khiến cho mình bị cô lập hóa, làm cho các bạn đồng tu không đến với mình được, không nói chuyện với mình được, không dạy bảo mình được, không chỉ bày cho mình những lỗi lầm của mình được, và cuối cùng thì họ mất niềm tin nơi mình.

Tất cả những điều đó chứng tỏ rằng thầy Đại Mục Kiền Liên biết rất rõ những gì đã xảy ra trong tăng thân.  Hóa ra ngày xưa cũng giống như ngày nay!  Trong tăng đoàn của Bụt ngày xưa cũng đã có những vấn đề giống như trong tăng đoàn của chúng ta ngày hôm nay!

Sau khi đã nói qua mười bảy nguyên do khiến cho một vị khất sĩ cảm thấy bị cô lập, cảm thấy mình đang từ từ đánh mất tăng thân, thầy Đại Mục Kiền Liên nói đến mười bảy đức tánh làm cho tăng thân càng ngày càng thương mến mình.  Các bạn trong tăng thân có thể đến nói chuyện với mình một cách dễ dàng, dạy bảo cho mình những lỗi mình phạm, và đặt niềm tin lớn ở nơi mình.  Mười bảy đức tính đó, chẳng qua là sự vắng mặt của mười bảy tíùnh không tốt mà thôi.

Này các bạn đồng tu, vì những đức tính, những nguyên do nào mà một vị khất sĩ được nhận thức là một người mà kẻ khác có thể dễ dàng tới với được và dễ dàng nói chuyện với được?  Ở đây, này các bạn đồng tu, nếu một vị khất sĩ không vướng vào tà dục, không bị tà dục lôi kéo, thì đó là một đức tính khiến cho các bạn đồng tu có thể dễ dàng tới với vị ấy và nói chuyện với vị ấy.  Và đây là những đức tính khác khiến cho các bạn đồng tu có thể dễ dàng tới với mình và nói chuyện với mình: Hoặc vị ấy không tự khen mình chê người; Hoặc vị ấy không nỗi giận và không bị cơn giận chi phối; Hoặc vị ấy vì không giận cho nên không ôm ấp một nỗi hiềm hận; Hoặc vị ấy vì không hiềm hận cho nên không cáu kỉnh; Hoặc vị ấy không vì hiềm hận cho nên không nói những lời có tính cách cáu kỉnh; Hoặc vị ấy không lên án người bạn đồng tu đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm; Hoặc vị ấy không miệt thị người bạn đồng tu đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm; Hoặc vị ấy không chỉ trích người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm; Hoặc vị ấy không chất vấn trở lại người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm; Hoặc vị ấy không tránh né bằng cách hỏi người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm bằng những câu hỏi khác, không trả lời ngoài vấn đề, không để lộ sự bực bội, giận dữ và bất mãn của mình; Hoặc vị ấy giải thích được một cách thỏa đáng hành động của mình cho người đã hỏi mình về lỗi lầm mình đã phạm; Hoặc vị ấy không thô tháo và không có ác ý; Hoặc vị ấy không ganh ghét và xan tham; Hoặc vị ấy không mưu mô và lường gạt; Hoặc vị ấy không cứng đầu và tự kiêu; Hoặc vị ấy không có vẻ thế tục, không vướng vào thế tục và lại có khả năng buông bỏ.  Này các bạn đồng tu, đó là những đức tính làm cho một vị khất sĩ được nhận thức là một người mà kẻ khác có thể dễ dàng tới với được, và dễ dàng nói chuyện với được.

Xin đại chúng nghe tiếp, những câu sau đây thuộc lãnh vực quán chiếu về bản thân mình và là rất quan trọng:

Này các bạn đồng tu, vị khất sĩ cần phải đối chiếu tự ngã với tự ngã (nghĩa là tự ngã của người đó và tự ngã của mình) mà tư lượng như sau:  Người ấy vì có tà dục và bị tà dục lôi kéo cho nên ta thấy người ấy không dễ chịu và ta không ưa thích người ấy.  Cũng như thế, nếu ta có tà dục và bị tà dục lôi kéo thì kẻ khác sẽ thấy ta không dễ chịu và họ sẽ không ưa thích ta.

Đây là những lời dạy bảo rất cụ thể.  Khi mình thấy một người có tà dục và đang bị tà dục sai sử thì mình biết rằng người đó không dễ chịu và mình khó đến với người đó. Thấy vậy, ta hãy quay lại nhìn bản thân mình, và tự bảo: Nếu bản thân ta có tà dục, và đang bị tà dục sai sử, thì ta cũng sẽ không dễ chịu và người khác cố nhiên sẽ không ưa thích ta v.v...

Cứ như vậy mà quán chiếu từ điều thứ nhất cho đến điều thứ mười bảy.

Trong kinh có ghi rằng đây là kinh đã được các thầy tụng đọc rất nhiều.  Khi tụng, các thầy đọc các lời quán chiếu về bạn đồng tu, kế đến đọc các lời quán chiếu về bản thân mình để mọi người có cơ hội thực tập quán chiếu: Người đó vì như vậy cho nên ta không ưa thích họ, nếu ta cũng như vậy thì những người khác cũng sẽ không ưa thích ta.

Ngày xưa kinh này được xem là Ba-La-Đề-Mộc-Hoa, tức là Giới Bản, vì vậy mà các thầy tụng đọc rất thường xuyên.

Ta hãy nghe thầy Đại Mục Kiền Liên dạy tiếp:

Này các bạn đồng tu, vị khất sĩ cần phải đối chiếu tự ngã với tự ngã mà tư lượng như sau:  Trong giờ phút này ta có đang ôm ấp tà dục và ta có đang bị tà dục lôi kéo hay không?

Đó là quán chiếu.  Ngay trong giờ phút này ta có đang bị một cái đam mê nó sai sử hay không?

Nếu trong khi tư lượng mà vị khất sĩ thấy được rằng trong giờ phút này ta đang có ôm ấp tà dục và ta đang bị tà dục lôi kéo thì vị khất sĩ ấy phải tinh tiến để đoạn trừ tâm hành bất thiện ấy.  Nếu trong khi tư lượng mà vị khất sĩ thấy được rằng trong giờ phút này ta không đang ôm ấp tà dục, và ta đang không bị tà dục lôi kéo thì vị khất sĩ ấy hãy sống với tâm niệm hân hoan và biết mình cần tu học tinh tiến để nuôi dưỡng thêm những tâm hành tốt đẹp như thế.

Đoạn kinh này được lặp lại với điều thứ hai là khen mình, chê người.  Sau đó đến điều thứ ba là nổi giận và bị cơn giận chi phối v.v...

Kinh nói tiếp: Này các bạn đồng tu nếu trong khi quán chiếu, một vị khất sĩ thấy rõ rằng trong tâm mình các tâm hành bất thiện chưa được đoạn trừ thì vị ấy phải nỗ lực tinh tiến để đoạn trừ.  Còn nếu trong khi quán chiếu, vị khất sĩ thấy rõ ràng trong tâm mình các tâm hành bất thiện đã được đoạn trừ thì vị ấy hãy sống với tâm niệm hân hoan, và biết mình cần tu học tinh tiến để nuôi dưỡng thêm những tâm hành tốt đẹp như thế.

Này các bạn đồng tu, cũng như một người thanh niên hay một cô thiếu nữ, tuổi còn thanh xuân, còn ưa trang điểm, thường ưa nhìn mặt mình trong một tấm gương thật trong thật sáng.  Hoặc nếu không có gương thì nhìn vào một bát nước thật trong thật sáng, nếu thấy một vết nhơ nào ở trên mặt thì người ấy phải lập tức lau rửa vết dơ ấy đi.  Còn nếu không thấy một vết dơ nào trên mặt, người ấy sẽ lấy làm bằng lòng và sẽ tự bảo: Tốt lắm, mặt ta rất sạch.  Cũng như thế, này các bạn đồng tu, trong khi tư lượng thấy các tâm hành bất thiện còn chưa được đoạn trừ, vị khất sĩ sẽ tinh tiến đoạn trừ chúng.  Còn nếu trong khi tư lượng thấy các tâm hành bất thiện đã được đoạn trừ, vị khất sĩ sẽ được sống trong tâm niệm hân hoan, và biết mình cần tu học tinh tiến thêm để nuôi dưỡng thêm những tâm hành tốt đẹp như thế.

Tôn giả Đại Mục Kiền Liên nói như vậy xong, các vị khất sĩ hân hoan, tin tưởng tiếp nhận những lời dạy của thầy.

Đó là kinh Tư Lượng.  Nếu chúng ta dịch kinh này theo đúng nguyên văn thì nó sẽ dài gấp mười bảy lần.  Vì vậy mà chúng ta dịch vắn tắt, nghĩa là chỉ liệt kê mười bảy điểm tiêu cực làm cho một khất sĩ bị lâm vào tình trạng khó khăn mà thôi. Khi liệt kê mười bảy điểm này, điểm nào cũng phải có lời hướng dẫn về cách quán chiếu, nghĩa là phải quán chiếu đủ ba trường hợp.  Ví dụ khi quán chiếu về thói quen hay lên án tức là điểm thứ hai của kinh, ta phải bắt đầu:

Hoặc vì vị ấy lên án người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm, vì vậy cho nên các vị đồng tu khó có thể đến với người đó, nói chuyện với người đó, dạy dỗ người đó và chỉ cho người đó những lỗi của mình đã phạm.  Vì vậy cho nên người đó lâm vào tình trạng khó khăn.

Kế đến vị khất sĩ cần phải quán chiếu rằng:

Neáu ngöôøi ñoù laø moät ngöôøi quen leân aùn ngöôøi ñaõ chæ cho mình loãi mình ñaõ phaïm, thì người đó không phải là người dễ thương và ta sẽ không ưa thích người đó.  Trong trường hợp ta là người ưa lên án người đã chỉ cho ta lỗi lầm ta đã phạm thì ta cũng sẽ là một người không dễ thương và những người khác sẽ không ưa thích ta.

Sau cùng, vị khất sĩ cần phải quán chiếu rằng:

Trong giờ phút này ta có tật xấu là hay lên án người đã chỉ cho ta lỗi ta đã phạm hay không, nếu có thì ta phải tinh tiến tu tập để diệt trừ điều đó.  Nếu không, ta hãy hân hoan biết rằng mình đang đi trên con đường tốt, và mình phải thực tập thêm để nuôi dưỡng tính tốt mà mình đã có trong tâm của mình.

Như đã nói ở trên, sau khi thầy Đại Mục Kiền Liên dạy kinh này, các thầy trong giáo đoàn Nguyên thủy tụng đọc kinh này thường xuyên để mọi người có cơ hội quán chiếu.  Họ không tụng đọc riêng rẽ mà tụng đọc chung với nhau.  Vì vậy khi học kinh này xong, chúng ta cũng phải tạo cơ hội để cả tăng thân cùng thực tập, đừng cất kinh vào tủ.

Kinh Tỳ Khưu Thỉnh đã được Hội đồng Giáo Thọ Làng Mai dịch và in trong Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn[1] với tựa đề là Kinh Tiếp Nhận Soi Sáng.  Chúng ta nên nghiêm mật hành trì.

Khi so sánh kinh Tư Lượng và kinh Tỳ Khưu Thỉnh, ta thấy hai kinh rất giống nhau.  Điều này cho ta một niềm vui rất lớn.  Một tông phái được truyền xuống Tích Lan, vào thế kỷ thứ ba trước chúa Kitô, và một tông phái thành lập ở Kashmir, cách nhau đến mấy ngàn năm, vậy mà các thầy trong hai tông phái vẫn giữ được nguyên bản của kinh, và giờ đây khi so lại, ta thấy nội dung hai kinh rất tương tự.  Điều đó giúp ta tin tưởng rằng đây đích thực là những lời giảng dạy của thầy Đại Mục Kiền Liên, không còn nghi ngờ gì nữa.  Do đó mà khi tụng đọc, chúng ta có hạnh phúc và cảm thấy rất may mắn vì sự truyền thừa đích thực của kinh quý báu này.

Khi học những kinh nói về lý thuyết, chúng ta cảm thấy có hạnh phúc vì được phiêu lưu trong thế giới của những tư tưởng uyên áo. Ngược lại, đây là một kinh rất thực tế, giảng dạy trực tiếp về phương cách thực tập để chuyển hóa những tâm hành tiêu cực của chúng ta.

Những kinh có lời giảng dạy thực tế, giúp ta chuyển hóa nội tâm là những kinh mà chúng ta rất cần đến.

Có người không biết uống thuốc khi lâm bệnh, khi thuốc được trao cho thì tìm cách trốn chạy.  Cũng vậy, có người sợ nghe Pháp thoại, vì sợ ngồi chung với đại chúng thì Pháp thoại có thể động tới những niềm đau ở trong mình. Pháp thoại có tính cách thực tế, nó chỉ cho mình những vấn đề mà mình đang ôm ấp, và khi nó động tới những vấn đề có thật của mình thì mình cảm thấy mất hạnh phúc, mình chỉ muốn trốn chạy, mình chỉ muốn nghe những lý thuyết cao viễn mà thôi.

Đôi khi trong một Pháp thoại mình tìm được loại y dược mà mình đang cần.  Điều này xảy ra rất thường. Trong khi nghe Pháp thoại, bài Pháp có thể cống hiến cho mình môn thuốc mà mình đang cần để chữa bệnh, nhưng mình lại không thể tiếp nhận được thứ thuốc đó, rất là uổng phí. Khi nghe Pháp thoại mình thấy tâm bị xúc động, nghĩa là lúc đó những niềm đau của mình bị đánh động tới.  Thay vì đem hết tâm hồn để tiếp nhận món thuốc quý báu để có thể chữa được bệnh của mình, mình lại nghĩ quanh nghĩ quẩn: Hình như có sư em nào "học lại" với thầy cho nên hôm nay thầy nói vậy là để rầy la mình, và những lời thầy vừa nói là chỉ nhắm riêng một mình mình thôi, mình là đối tượng của phần Pháp thoại này!  Do tâm trạng đó mà mình không có khả năng tiếp nhận môn thuốc mà chính mình đang cần đến.

Lời dạy của Bụt thường được gọi là viên âm.  Viên âm có nghĩa là lời nói có tính cách tròn đầy, đánh động tới tất cả mọi căn cơ.  Viên âm nó còn có nghĩa là khế cơ.  Khế cơ là rất phù hợp với tình trạng của mình.  Chính vì nó là viên âm cho nên nó đánh động được tới vấn đề đích thực của mình.  Nếu mình không cởi mở, không nhân cơ hội đó để tiếp nhận những phương thuốc mà chính bản thân mình cần hơn ai hết, mình cứ suy quanh nghĩ quẩn, thì lúc đó tâm mình không thanh thản, không đủ thanh tịnh để tiếp nhận món thuốc quý báu mà bài Pháp thoại có thể cống hiến.

Tôi đã thấy có những người sợ nghe Pháp thoại.  Không dám vào nghe Pháp thoại vì họ mang tâm trạng đó. Đó là những trường hợp rất đáng thương.

HT. Thích Nhất Hạnh

Trích Sống chung an lạc - Xây dựng tăng thân