Thế cho nên tất bật đến bây giờ”
Hai câu thơ thật hay, nói lên được chỗ khó nói của một người vừa choàng tỉnh cơn mê, tức cũng là vừa tự chợt nhận ra rằng từ lâu nay ta đã và đang sống trong mộng mị mà không hề hay biết. Thầy trò chúng tôi cùng ngồi bên nhau uống trà, cùng tán thưởng không phải hai câu thơ hay, mà tán thưởng cái con người bằng xương bằng thịt, đã nhận ra được chỗ huyễn sanh, huyễn diệt của vạn pháp mà viết nên được hai câu thơ đó.
“Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật,
Thế cho nên tất bật đến bây giờ”
Một ngày cuối năm, tôi đến thăm người Thầy học cũ, dạy tôi môn Toán, những năm ở bậc Trung-học. Thầy cũng đã già và đang sống với một cô con gái út, đã ra trường và hiện làm việc cho một tờ báo lớn ở Thành phố này. Chỉ có hai cha con sớm hôm quấn quít bên nhau trong căn nhà nhỏ, ở tận cùng một con hẻm hẹp và sâu, nhưng mọi thứ đều sạch sẽ tươm tất và không khí trong gia đình thật ấm cúng, dễ chịu.
Cứ mỗi lần đến thăm Thầy, được ngồi bên Thầy chuyện trò, đàm đạo trong không khí thân thương của gia đình, đậm sắc lễ giáo nhưng bình dị, an ổn, tâm hồn tôi cảm thấy dâng lên một niềm vui dào dạt không sao tả được của tình Thầy trò mà có lẽ ngày hôm nay ít còn được gặp ở những con em của chúng ta trong thời hiện đại.
Với tuổi tác, thì Thầy chưa đến tuổi cổ lai hy, nhưng vì cái nghề nghiệp đặc biệt bắt buộc phải dùng cả thân lẫn tâm trong một thời gian dài, cộng với cát bụi trong cuộc đời cũng đã làm cho Thầy già đi nhiều lắm.
Với hơn ba mươi năm cầm phấn, xuân hạ vần xoay, bốn mùa ấm lạnh, mọi vật đổi thay mà Thầy thì không lúc nào không gò lưng trên bục gỗ. Là một kỹ sư tâm hồn, cho nên tâm tư Thầy lúc nào cũng nghĩ đến sự trưởng thành tốt đẹp của những thế hệ tương lai, nên Thầy đã dồn hết tâm trí, sức lực, cả mồ hôi lẫn nước mắt để cố gieo trồng và vun xới những mầm non tri thức cho hết lớp trẻ này đến lớp trẻ khác, thì hỏi làm sao Thầy không già đi trước tuổi cho được.
Cứ mỗi năm qua nhìn mái tóc của Thầy ngày càng thêm bạc (mặc dù người viết và những người bạn đồng trang lứa đã học với Thầy, đều xấp xỉ sáu mươi, cũng đã hoa râm), người Thầy càng già hơn, tự lòng thấy dâng trào một niềm thương cảm.
Tôi còn nhớ, hồi học lớp ba, lớp tư bậc tiểu học, mỗi khi giáo viên chủ nhiệm lớp có việc phải nghỉ, thì có Thầy Hiệu trưởng già gần về hưu đến dạy thế. Không lần nào Thầy ấy dạy thế mà không nói một câu nằm lòng, chua chát, lẫn đắng cay: "nghề Thầy giáo bạc bẽo lắm".
Hồi ấy, với đầu óc non nớt, chúng tôi cho câu nói của Thầy Hiệu trưởng già rằng nghề Thầy giáo là bạc bẽo, là không đúng. Nhưng qua tháng năm lăn lộn trong cuộc đời, đến bây giờ đã hai thứ tóc trên đầu, đã gần kề miệng lỗ, tôi mới biết câu nói ấy hoàn toàn chính xác, chính xác không phải cho Thầy, mà cho chúng tôi, những học trò của Thầy vậy.
Những người trò như chúng tôi thật bạc bẽo. Những người học trò của Thầy đã trưởng thành, đã có địa vị trong xã hội, là những ông này bà nọ nên đã quên hết những gì sót đọng ở phía sau, quên tất cả, kể cả những người đã từng cầm bàn tay nhỏ xíu của mình, gò những chữ i, chữ a của những ngày đầu tiên trong cuộc đời biết thế nào là đi học.
Thật ra trong cuộc đời, mỗi người muốn có được hạnh phúc chân thật nên biết quên và cũng nên biết nhớ. Nên quên đi những tị hiềm, thù hằn khó ở, quên đi những lợi ích cá nhân, những thú vui xa hoa ích kỷ mà lo cho cái chung của xã hội. Nên biết nhớ, biết nghĩ đến ơn đức sinh thành mà đền đáp, và không phải chỉ có tiền là có thể bù đắp được, mà phải tự thể hiện bằng chính tâm mình. Nên nhớ đến ơn Thầy cô dạy dỗ từ lúc bắt đầu học sổ móc câu. Nên quên và nên nhớ thì nhiều lắm.
Với người tu Phật ngày nay, chúng ta hãy khiêm nhường mà tự làm Á thánh trở xuống thì hơn, nghĩa là còn biết nên quên những gì đáng quên và nên nhớ những gì đáng phải nhớ vậy. Còn lên tới bậc Thánh nhân thì các Ngài không còn có chỗ nhớ quên, mà chúng ta thì với chưa thể tới.
Tuy nhiên, trong đời này vẫn có những người chưa làm nổi "người nên" mà đã vọng thấy mình thành Thánh rồi, cũng chẳng phải là ít. Câu nói "Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư " trong thời đại vi tính này có lẽ đã mờ nhạt và biến mất rồi ư? Lang mang với ý nghĩ riêng tư mà quên mất câu chuyện với Thầy.
Sau một hồi chuyện vãn trăm việc đông tây, Thầy tôi chỉ cho tôi thấy một bức tranh chữ, mà ở khoảng chính giữa cuối cùng của tờ giấy lớn, được dán lên một bloc lịch mới, năm đầu tiên của Thiên niên kỷ thứ ba. Có lẽ đây là tấm bìa lịch "tự tác tự dụng" của một người nào đó làm ra để biếu Thầy, cốt tỏ lòng yêu mến, kính trọng Thầy chăng?
Nói là tranh, nhưng thật ra chẳng có một bức tranh hay hình ảnh nào trên tấm bìa lịch, ngoài hai câu thơ bỏ lửng, đậm sắc Thiền, được viết với những nét văn hoa rồng bay phượng múa, mà tôi mạn phép dùng làm đề tựa cho những giòng tản mạn đầu xuân này.
Không biết trước và sau hai câu này còn có những câu nào nối tiếp nữa hay không, hay là người sáng tác ra nó cố tình bỏ lửng. Hai câu thơ không thấy đề tên tác giả. Hay là tên tác giả ẩn khuất đâu đó trong những nét chấm phá rồng bay phượng múa kia mà không thể nhận ra chăng?
Hai câu thơ thật hay, nói lên được chỗ khó nói của một người vừa choàng tỉnh cơn mê, tức cũng là vừa tự chợt nhận ra rằng từ lâu nay ta đã và đang sống trong mộng mị mà không hề hay biết. Thầy trò chúng tôi cùng ngồi bên nhau uống trà, cùng tán thưởng không phải hai câu thơ hay, mà tán thưởng cái con người bằng xương bằng thịt, đã nhận ra được chỗ huyễn sanh, huyễn diệt của vạn pháp mà viết nên được hai câu thơ đó.
Trước khi tôi ra về, Thầy bảo, hai câu thơ bỏ lửng mà hay quá, anh nên thêm hai câu nữa cho trọn ý. Tôi cũng chỉ mới bập bẹ làm đôi ba bài thơ con cóc trong vài năm được rảnh rỗi gần đây thôi, mỗi khi có chút cao hứng. Nhưng Thầy đã bảo tôi nào dám chối từ, vì sợ rằng Thầy sẽ giận, nên đành mạo muội thêm vào hai câu, tạm gọi là chút quà mừng xuân, chúc thọ của đứa trò nghèo kính dâng tặng Thầy trong ngày đầu năm của Thiên niên kỷ vậy.
Buổi chiều hôm đó, công việc rảnh rỗi, tôi đem hai câu thơ chép được ở tấm bìa lịch nhà Thầy ra xem lại, và nối tiếp thêm hai câu cuối cho trọn. Rất mong tác giả của hai câu thơ trên đề tựa cho phép chúng tôi làm việc này, vì thật ra đó cũng chẳng phải là chúng tôi cố ý, mà là lỗi của người làm tấm bìa lịch đã viết lấp lửng (có lẽ còn nhiều câu nữa chăng? cũng như không đề tên tác giả), và nhất là theo chúng tôi, lỗi của chính tác giả hai câu thơ viết hay quá, dễ làm sáng "mắt tâm" người khác vậy. Chỗ tiếp nối của chúng tôi nếu không vừa ý, cũng mong được hoan hỷ bỏ quá cho. Chúng tôi xin dừng lời tản mạn đầu xuân bằng hai câu thơ tiếp nối với đề tựa.
Nay chợt tỉnh nhơn sanh là kiếp mộng,
Nhẹ thân buông, thong thả vượt hai bờ.