Chùa Phật tiếp nối truyền thống duy trì được xuyên suốt từ buổi sơ khai ở vương quốc Kapilavastu miền biên giới Nepal, Bắc Ấn Độ, cho đến nay tại toàn bộ châu Á. Ở phương Tây, Chùa Phật nay đang trở thành các trung tâm sinh hoạt cộng đồng di dân gốc châu Á, mang tính Tôn giáo và xã hội, văn hóa cộng đồng khá sống động...
Các khu Chùa Phật ban đầu trở thành các không gian mở, đón nhận hàng nghìn tín đồ hành hương đến nghe giảng kinh, học tập kinh nghiệm tu đạo chứ không phải là nơi đến để lễ bái, cầu phúc lộc. Từ thời đạo Phật thịnh hành dưới triều đại Asoka, Chùa Phật đã xuất hiện như các trung tâm sinh hoạt Tôn giáo, văn hóa cộng đồng rất sinh động, mang đậm nét đại chúng, hướng về tu dưỡng, tu tập theo đạo pháp hơn là lễ bái...
Nhưng cơ bản Chùa Phật vẫn là công trình gắn bó hài hòa với cảnh quan sông nước, núi đồi bao quanh, bố cục cân xứng và mở, chỉ có Tháp là mang tính chế ngự, nhấn mạnh toàn khu thờ tự theo phương vị đứng, có thể nhìn thấy từ xa...
Xu hướng sinh sống đô thị hóa ngày nay không còn dễ dàng xây dựng các khu Chùa Phật rộng lớn quá khứ, nhưng ngôi Chùa trong phố vẫn duy trì một truyền thống đại chúng, mở rộng cửa đón mọi người, không phân biệt. Đó phải chăng là bản sắc riêng của Chùa Phật, xưa cũng như nay.
Chùa Phật Xưa Và Nay
Nguyễn Hữu Thái
Giáo lý của đạo Phật cũng như đặc điểm nổi bật nền kiến trúc Phật giáo, là tính giản dị, đại chúng và bình đẳng, từ bi. Có nghiên cứu so sánh công trình kiến trúc nhiều Tôn giáo khác nhau, tôi cho rằng các yếu tố nêu trên giống như sợi chỉ xuyên suốt nối kết các công trình như Chùa Tháp, Tăng viện trên hai nghìn năm qua. Những ngôi Chùa Phật luôn là trung tâm Tôn giáo lẫn trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, từng góp phần tích cực làm phong phú thêm nền văn hóa địa phương nơi đạo Phật đặt chân truyền bá đến.
* Từ những Stupa, Chaitya, Vihara
Phát sinh vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, ở miền Bắc Ấn Độ, đạo Phật xuất hiện như phản ánh lòng bất bình của quần chúng đối với chế độ đẳng cấp hà khắc và quyền uy độc đoán của giới thống trị Tăng lữ Bà La Môn.
Tiếc rằng ngày nay, những công trình kiến trúc Phật giáo huy hoàng của triều đại Asoka (271-231 trước Tây lịch) nay không còn, nhưng những gì còn lại của những thế kỷ sau cũng đủ để mô tả sinh hoạt đạo Phật thời kỳ đầu đó.
Bên cạnh các đền đài Bà La Môn đồ sộ, mang nặng tính phô diễn nhưng khép kín, xuất hiện các công trình Tôn giáo khiêm tốn, dung dị nhưng mở rộng ra cho quần chúng nhân dân, không phân biệt đẳng cấp, nguồn gốc.
Vết tích còn lại sớm nhất là các ngôi Tháp tròn Stupa ở vùng Sanchi vào thế kỷ thứ II trước Tây lịch, mang dạng bán cầu đồ sộ chứa di cốt hoặc thánh tích. Chúng vừa là biểu tượng vũ trụ, có 4 cổng quay ra bốn hướng gió, trên chóp 3 tầng dạng tán lọng. Còn lại nhiều nhất là các điện thờ Chaitya (nay thường bị đạo Bà La Môn chiếm dụng), những không gian giản đơn, không thấy có trang trí gì khác ngoài hình tượng Đức Phật.
Nhưng thể hiện rõ ràng nhất các nét kiến trúc Phật giáo ban sơ là các Phật học viện ở vùng Ajanta (thế kỷ thứ I sau TL) và rất nhiều Tăng viện Vihara ở vùng Elephanta vào thế kỷ VII sau TL. Đó là những đền hang, đục vào đá theo truyền thống kiến trúc cổ Ấn Độ, gồm các không gian rộng rãi nhưng không trang trí gì khác ngoài các phù điêu, tượng đắp nổi, chỉ duy nhất mang hình tượng Đức Phật.
Tương truyền trong thời kỳ đầu của Phật giáo, ngay cả hình tượng Đức Phật cũng không được sử dụng trang trí các Chùa hang, Tăng viện. Về sau, do yêu cầu đại chúng dân gian, hình tượng Đức Phật mới xuất hiện, nhưng đơn giản và không kèm theo các trang trí rườm rà nào khác, giống như các đền đài Bà La Môn, hoặc Hồi giáo về sau này.
Các khu Chùa Phật ban đầu trở thành các không gian mở, đón nhận hàng nghìn tín đồ hành hương đến nghe giảng kinh, học tập kinh nghiệm tu đạo chứ không phải là nơi đến để lễ bái, cầu phúc lộc. Từ thời đạo Phật thịnh hành dưới triều đại Asoka, Chùa Phật đã xuất hiện như các trung tâm sinh hoạt Tôn giáo, văn hóa cộng đồng rất sinh động, mang đậm nét đại chúng, hướng về tu dưỡng, tu tập theo đạo pháp hơn là lễ bái.
* Đến các Chùa Tháp, Wat và các Chùa Phật hiện đại
Nếu vào thế kỷ VII và VIII, đạo Phật đã suy ở Ấn Độ, thì đạo này lại phát triển nhanh ở Đông Á và Đông Nam Á, phía Bắc đến tận vùng Mãn Châu, Nhật Bản, Sri Lanka, Indonesia.
Nếu đạo Phật truyền sang Tây Tạng mang sắc thái Lạt Ma với các công trình Tăng viện quy mô lớn vùng núi Hymalaya cao vút, thì những Chùa Tháp Trung Quốc đã làm thay đổi cả bộ mặt sinh hoạt Tôn giáo, vốn mang tính đa thần dân gian bản địa vùng Đông Á mênh mông. Các công trình Phật giáo ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam là những phức hợp kiến trúc Tôn giáo quy mô lớn, đặt ở những vị trí cảnh quan đẹp nhất. Ngôi bảo Tháp tròn Stupa nay vút lên cao với nhiều tầng bậc. Trung tâm Chùa là Phật điện. Truyền thống bố cục mở, đại chúng vẫn duy trì với sân rộng, hành lang lớn đặt bên trái, bên phải (Đông lang, Tây lang) đón khách thập phương.
Chùa Phật xuất hiện rất khác với đền miếu Khổng giáo, Lão giáo với Tháp cao, gác chuông và cả nơi ở, tu tập của Tăng Ni, lẫn nhà khách. Stupa Ấn Độ nay biến thành bảo Tháp (pagoda) làm đài kỷ niệm hoặc tàng trữ Xá Lợi và các di vật lễ bái. Thường thì Tháp tích Phật đặt ở phía trước, có nhiều tầng, chóp tán lọng hoặc búp sen, bầu rượu, xung quanh có đường chạy đàn (vừa tụng niệm vừa kinh hành) vòng quanh Tháp. Tháp mộ đặt tự do ở phía sau, gìn giữ tro cốt tu sĩ, ít tầng hơn, chừa cửa tò vò nhỏ đặt bàn thờ.
Điện thờ là trung tâm Chùa, thường gồm 3 phần: tiền đường là nơi vân tập thiện nam tín nữ, tòa thiêu hương (bái đường) nơi tiến hành lễ và tòa thượng điện (chánh điện) là nơi đặt tượng Phật. Thời Lý - Trần ở nước ta, chỉ đặt tượng Phật A Di Đà, sau đặt ba vị Tam thế (quá khứ, hiện tại và vị lai). Thời Lê, Nguyễn từ thế kỷ XV trở đi còn có cả Ngọc Hoàng, Thổ công, Thổ địa.
Nhưng cơ bản Chùa Phật vẫn là công trình gắn bó hài hòa với cảnh quan sông nước, núi đồi bao quanh, bố cục cân xứng và mở, chỉ có Tháp là mang tính chế ngự, nhấn mạnh toàn khu thờ tự theo phương vị đứng, có thể nhìn thấy từ xa.
Tôi đã đi qua những nước Đông Nam Á theo đạo Phật, vẫn nhìn thấy các Chùa Phật Wat Thái Lan, Lào, Campuchia với Tháp nhọn, điện thờ giản dị, mở ra cho đại chúng. Nhân dân gắn liền suốt đời với đạo Phật, từ tuổi trẻ vào Chùa tu tập, học văn hóa, lớn lên là cư sĩ, chết đi để tro bình ở Chùa.
Chùa Phật như vậy là vẫn tiếp nối truyền thống duy trì được xuyên suốt từ buổi sơ khai ở vương quốc Kapilavastu miền biên giới Nepal, Bắc Ấn Độ, cho đến nay tại toàn bộ châu Á. Ở phương Tây, Chùa Phật nay đang trở thành các trung tâm sinh hoạt cộng đồng di dân gốc châu Á, mang tính Tôn giáo và xã hội, văn hóa cộng đồng khá sống động.
Ở Nhật Bản, đang xuất hiện nhiều công trình kiến trúc Phật giáo khá hiện đại của các tông phái, nhưng cơ bản nhà Chùa vẫn là nơi tu tập, tu dưỡng hướng nội, dung dị, rất khác với công trình Tôn giáo khác, vẫn mang nặng tính hướng ngoại, phô diễn thanh thế.
Xu hướng sinh sống đô thị hóa ngày nay không còn dễ dàng xây dựng các khu Chùa Phật rộng lớn quá khứ, nhưng ngôi Chùa trong phố vẫn duy trì một truyền thống đại chúng, mở rộng cửa đón mọi người, không phân biệt. Đó phải chăng là bản sắc riêng của Chùa Phật, xưa cũng như nay.