Vài Nét Về Phật Giáo Lý - Trần

Phật giáo có mặt ở Việt Nam trong hơn 20 thế kỷ qua đã có một vai trò, một vị trí quan trọng nhất định trong lịch sử dân tộc. Nhất là Phật giáo Lý – Trần đã thể hiện trí tuệ và từ bi sâu sắc bằng sự nhập thế sinh động và đa dạng qua tư tưởng, lời nói, hành động gắn bó với cuộc sống an vui hạnh phúc của dân tộc. Cả hai triều đại Lý – Trần, Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Lúc bấy giờ, cả nước từ vua, quan đến thứ dân đều theo Phật, đến chùa quy y, giữ giới, tụng kinh, Thiền định nên mới có được một tinh thần an lạc, hòa hợp và thuần từ.

Thâm nhập giáo lý nhà Phật qua chính sách an dân trị nước nên các vua Lý – Trần đã chinh phục trái tim, khối óc con người bằng đức trị thay pháp trị. Đạo đức vô ngã đã tạo cho con người một cuộc sống hòa hợp, giản dị nhưng tạo lực tác động mạnh mẽ vô cùng. Vì thế cả hai triều đại Lý – Trần đều tồn tại khá lâu. Triều Lý hơn 200 năm (1010 – 1225) và Triều Trần gần 200 năm (1226 – 1400). Như vậy, hai triều đại Lý – Trần tồn tại gần 400 năm. Có thể nói đây là thời đại cực thịnh của Phật giáo Việt Nam mà cũng là thời đại đất nước hùng mạnh nhất trong trang sử nước nhà. Các vua thời đại Lý – Trần được thừa hưởng những thành qủa tốt đẹp của thế hệ trước, đồng thời biết phát huy những tinh hoa gạn lọc được từ bên ngoài biến thể sao cho phù hợp với quốc dân thủy thổ mà không đánh mất bản sắc dân tộc.

 Vài Nét Về Phật Giáo Lý - Trần

Thuần Hiếu

 
Phật giáo có mặt ở Việt Nam trong hơn 20 thế kỷ qua đã có một vai trò, một vị trí quan trọng nhất định trong lịch sử dân tộc. Nhất là Phật giáo Lý – Trần đã thể hiện trí tuệ và từ bi sâu sắc bằng sự nhập thế sinh động và đa dạng qua tư tưởng, lời nói, hành động gắn bó với cuộc sống an vui hạnh phúc của dân tộc. Cả hai triều đại Lý – Trần, Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Lúc bấy giờ, cả nước từ vua, quan đến thứ dân đều theo Phật, đến chùa quy y, giữ giới, tụng kinh, Thiền định nên mới có được một tinh thần an lạc, hòa hợp và thuần từ.

Thâm nhập giáo lý nhà Phật qua chính sách an dân trị nước nên các vua Lý – Trần đã chinh phục trái tim, khối óc con người bằng đức trị thay pháp trị. Đạo đức vô ngã đã tạo cho con người một cuộc sống hòa hợp, giản dị nhưng tạo lực tác động mạnh mẽ vô cùng. Vì thế cả hai triều đại Lý – Trần đều tồn tại khá lâu. Triều Lý hơn 200 năm (1010 – 1225) và Triều Trần gần 200 năm (1226 – 1400). Như vậy, hai triều đại Lý – Trần tồn tại gần 400 năm. Có thể nói đây là thời đại cực thịnh của Phật giáo Việt Nam mà cũng là thời đại đất nước hùng mạnh nhất trong trang sử nước nhà. Các vua thời đại Lý – Trần được thừa hưởng những thành qủa tốt đẹp của thế hệ trước, đồng thời biết phát huy những tinh hoa gạn lọc được từ bên ngoài biến thể sao cho phù hợp với quốc dân thủy thổ mà không đánh mất bản sắc dân tộc. Thêm vào đó, họ đã thấm nhuần lời chỉ bảo của Thiền sư Pháp Thuận:

Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô cư như điện các
Xứ xứ tức đao binh
  Dịch:
Vận nước như giây quấn,
Trời Nam  ôm thái bình.
Đạo đức ngự cung điện
Muôn xứ hết đao binh.

Muốn đất nước thái bình, thịnh trị. Chính nơi bản thân các vua đã tự trau dồi bằng đạo đức vị tha, triết lý sống nhập thế trên tinh thần từ, bi, hỷ, xả của đạo Phật các vua không ngừng học hỏi, tu tập cho đến khi thấu rõ giáo lý Phật Đà, góp phần tạo một sức sống mạnh mẽ, không khép kín mà phổ biến khắp nơi trong dân chúng, khiến họ cùng học tập theo và sống đúng. Một đời sống hướng thượng, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ và đạt được chân lý ngay trong đời sống thực tại này chứ không phải nơi một thế giới xa xăm nào khác. Đạo Phật đã tạo cho dân tộc Việt Nam đương thời một niềm tin mạnh mẽ vào tự lực, vào khả năng trong sáng thuần khiết của bản thân để sống đúng và sống đẹp theo tinh thần Chánh kiến, Chánh tư duy và Chánh mạng. Đây chính là nguyên nhân làm cho triều đại Lý – Trần phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử với những chiến công vẻ vang và sự thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa. … Chính đạo Phật đã chan hòa vào lòng dân tộc góp phần hình thành một quan niệm, một lối sống tích cực, hữu ích cho con người và cho cuộc sống.

Hơn thế nữa, Phật giáo đời Lý đã có những Thiền sư nổi tiếng. Đặc biệt là Thiền sư Vạn Hạnh – Ngài vì dân vì nước, muốn cứu nước khỏi lâm nguy nên đã làm một cuộc đảo chính năm 1009 phế Lê lập Lý mở ra một trang sử mới cho triều đại nhà Lý. Lời nhận xét của Hoàng Xuân Hãn là một minh chứng triều đại nhà Lý vững chắc và thịnh vượng ngự trị trên 200 năm thực thi nhờ tinh thần Phật giáo: “ Sau các đời vua hung hãn họ Đinh – Lê, ta thấy xuất hiện ra những người cầm quyền có lòng độ lượng khoan dung, những cận thần đức độ trung thành. Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta”.  Như vậy, Phật giáo đời Lý đã un đúc nên những ông vua Phật tử thuần thành làm cầu nối cho Phật giáo đời Trần đạt đến đỉnh cao trong lịch sử để khẳng định quyền tự chủ tự cường của một đất nước. Vì vậy, dân tộc Việt Nam sẵn sàng chống lại bất cứ sức mạnh nào muốn phá hoại nền hòa bình, hạnh phúc của mình. Và Phật giáo Lý – Trần đã đáp ứng nguyện vọng ấy, góp phần vĩ đại vào công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước. Chiến công hiển hách còn ghi lại trong lịch sử. Nếu Lý Thái Tông đã đánh giặc Nùng rồi bình được Chiêm Thành. Lý Thường Kiệt đem binh đánh Tống thì Trần Thái Tông cũng thu phục được đất Chiêm và cuộc chiến thắng Nguyên Mông vẻ vang này dưới sự lãnh đạo tài tình của vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương.

Xưa nay, các bậc đế vương thâu phục giang sơn bằng con đường gươm đao, chế ngự dân bằng quyền hành, bạo lực. Còn thời đại Lý – Trần thì khác, lên ngôi vua không hề có một giọt máu rơi, quần thần trong triều đình đều nhất trí và cũng không nghe dân tình than oán. Sức mạnh nào đã tạo nên một quốc gia hưng thịnh hùng cường, có phải chăng chính đức từ, bi, hỷ, xả của nhà Phật đã thấm nhuần từ vua quan cho đến thứ dân.

Các ông vua thời Lý – Trần đã dùng chính sách trị dân có tính khoan hồng kết hợp pháp trị với đức trị. Như chúng ta thấy, sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, là một Phật tử thuần thành, ông liền ra lệnh hủy bỏ hết mọi hình cụ trong ngục và cho xây dựng nhiều chùa mới trong nước. Lý Thánh Tông, vị vua thứ 3 nhà Lý, nổi tiếng là một ông vua nhân từ. Một hôm thiết triều, ông chỉ vào công chúa Động Thiên đứng cạnh mà bảo các quan rằng: “Lòng trẫm yêu dân như yêu con trẫm vậy. Hiềm vì trăm họ làm càng cho nên phải tội, trẫm lấy làm thương lắm, vậy từ nay về sau tội gì cũng giảm bớt đi …”

Nói chung, các ông vua Phật tử thuần thành đời Lý và đời Trần đều có tấm lòng thương yêu dân như vậy là nhờ thấm nhuần tinh thần từ, bi, hỷ, xả, vô ngã vị tha của đạo Phật. Đường lối lấy đức trị dân của hai triều đại Lý – Trần đã minh chứng sự hội nhập của Phật giáo vào đời sống văn hóa, chính trị và xã hội của dân tộc Việt Nam.

Song, điểm nổi bật của Phật giáo Lý – Trần là nó cung cấp một triết lý sống, chứ không phải là những tín điều chết, các Phật tử Lý – Trần đã quán triệt, đã thực hiện triết lý đó bằng cả cuộc sống của chính mìmh. Đạo Phật đời Lý – Trần không chấp tướng, không giáo điều, không vướng mắc vào hình thức, không bó hẹp trong chùa chiền, tu viện, càng không phải là sở hữu riêng của giới Tăng, Ni mà là của tất cả mọi người biết lấy nó làm lẽ sống, dù người đó là vua chúa, Thiền sư, quan lại, hay là người dân bình thường. Ai cũng học và tu đạo Phật được, ở đâu, làm gì cũng học và tu theo đạo Phật được, miễn là biết nhìn rõ tâm mình, chuyển hóa tâm và sử dụng tâm cho tốt. Trong “Khóa Hư Lục”, Trần Thái Tông gọi đó là biện tâm, Trần Thái Tông viết: “Không kể là sống ẩn trên núi hay giữa thành thị, không phân biệt tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, điều chủ yếu là biện tâm, vốn không có phân biệt nam nữ sao còn chấp tướng”. Vì không chấp tướng nên Phật giáo đời Trần mới có được một nhân vật đặc biệt như Tuệ Trung Thượng Sĩ, tuy là một cư sĩ tại gia, nhưng lại được mọi người Tăng cũng như tục tôn kính, học hỏi như là một bậc Thầy lớn trong đạo. Thậm chí Trần Nhân Tông và Pháp Loa là hai vị Tổ thứ nhất và thứ hai của Phái Thiền Trúc Lâm cũng suy tôn Tuệ Trung Thượng Sĩ là Thầy của mình. Với tinh thần không chấp tướng, vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia, đã không quản gian khổ nhọc nhằn, đi khắp nơi trong nước khuyên mọi người sống theo năm giới, mười thiện là những nguyên lý căn bản của Đạo Đức Phật giáo. Nhờ vậy, ngay giữa lòng của xã hội Phong kiến, đạo Phật đời Lý – Trần đã tạo ra những mẫu người tuyệt vời, mà con người ở vào thời đại nào cũng cảm thấy tự hào.

Đạo Phật thời Lý – Trần là đạo Phật của từ bi và trí tuệ, là hai đức hạnh hàng đầu của Phật giáo. Tinh thần từ bi của Phật giáo thời Lý – Trần  là đường lối trị nước bằng đức trị còn hạnh trí tuệ là nó không hướng đến giải quyết các vấn đề thuần túy lý luận hay là siêu nghiệm, như chúng ta có thể thấy ở một số luận sư Phật giáo Ấn Độ, mà hướng tới giải quyết các vấn đề rất cụ thể, rất bức xúc, có tầm quan trọng đối với đời sống con người và trong công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước.

Hai triều đại Lý – Trần đánh dấu đỉnh cao của sự hội nhập Phật giáo vào giòng sống của đất nước và xã hội Việt Nam. Một sự hội nhập được trải dài trên mọi bình diện của đời sống. Phật giáo thời Lý – Trần đã hình thành một nước Việt Nam thật sự độc lập, tự chủ, có đủ sức mạnh tự thân để đánh đuổi mọi cuộc xâm lăng của ngoại ban.

Tóm lại, tính độc đáo và sáng tạo của Phật giáo Lý – Trần chính là ở chỗ luôn luôn chủ động gạn lọc, tiếp thu cái hay, gạt bỏ cái dở, từ đó sáng tạo ra một xã hội thường xuyên đổi mới, trẻ trung, cập nhật với thời thế, có nhiều sinh khí. Đó là điểm nổi bật nhất của Phật giáo thời Lý – Trần  trong những thế kỷ đầu xây dựng nền độc lập, tự chủ. Qủa thật, Phật giáo thời đại Lý – Trần đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nền độc lập quốc gia trong lịch sử nước nhà. Các vua trị vì đã thực sự thấm nhuần lời dạy của đức Phật trong kinh Trường A Hàm: “Biết đoàn kết, biết ăn ở hòa hảo cùng nhau và thường hội họp nhau lại để lo bàn việc nước thì không sợ gì sẽ bại vong mà nhất định sẽ được cường thịnh, phong phú thêm”. Đây là những nhân tố tư tưởng góp phần tích cực vào sự tồn tại lâu dài của hai triều đại Lý – Trần.

Thuần Hiếu