Ai chưa hiểu rõ nghĩa câu “bãi biển hoá nương dâu” (thương hải vi tang điền), cứ đến chùa Tiên ngày nay, khắc sẽ ngộ ra. Không phải chùa Tiên nổi tiếng của xứ Đoài, mà là chùa Tiên của làng Tiên Mai, tên nôm là làng Me, ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Chùa Tiên, cũng như trăm ngàn ngôi chùa làng khác trên đất nước ta, tuy không được liệt vào hàng “danh lam cổ tự”, nhưng cũng đã tồn tại không dưới trăm năm. Các cụ già làng Tiên Mai cho biết ngày trước chùa nằm trên khu đất chừng một mẫu. Chùa kiến trúc theo lối chữ “công”, trong chùa thờ Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) và Ngọc Hoàng Thượng Đế, thờ cả Đức Ông. Vườn chùa có những cây nhãn cổ thụ gốc phải hai người ôm mới hết. Quanh chùa có dậu tre rất rậm. Dậu tre ấy từng là nơi trú ngụ bình yên cho những đàn cò hàng trăm con…
Dấu tích chùa Tiên.
Cụ Đỗ Thị Châu, năm nay vừa 88 tuổi, kể: Ngày trước, chùa Tiên thiêng lắm, không ai dám tơ hào một thứ gì của chùa. Xâm phạm một tý là các ngài phạt ngay. Có người chỉ chặt một đoạn tre mà không hỏi, không xin nhà sư trụ trì, ra khỏi chùa một đoạn, tự nhiên cứ đứng sững như bị chôn chân, ai lôi cũng không đi, ai hỏi cũng không nói. Cuối cùng biết chuyện, người nhà phải vào bạch với sư ông, được sư ông thắp hương khấn vái xin cho, mới về nhà được.
Câu chuyện trên chắc chỉ là lời đồn, người nọ truyền người kia. Trong cơn binh lửa 9 năm, dù giặc đóng quân ở ngay đền Ninh Cù cách đó chỉ vài cây số, làng Tiên Mai bị chúng tràn qua mấy lần nhưng chùa vẫn còn nguyên vẹn, không hề hấn gì. Từ năm 1945, chùa không còn sư trụ trì nữa. Vị sư trụ trì đã mất trước đó. Hài cốt của cụ được ký vào ngọn tháp nhỏ 3 tầng cao độ hơn 2 thước tây, xây ngay trong vườn chùa. Sau năm 1954, chỉ có một ông người làng, vì cái tâm mà ngày ngày ra quét dọn, thỉnh chuông chiêu mộ và hương khói chứ chẳng được ai cắt cử, người làng “tự phong” cho ông là thủ chùa. Ruộng tự, nghe bảo trước có, qua cuộc cải cách ruộng đất cũng không còn. Thủ chùa mất, ngôi chùa hoàn toàn hoang lạnh, cổng ngõ toang hoang, tiếng chuông chùa tắt hẳn, chỉ ngày rằm, mùng một mới lác đác có vài ba người ra hương khói…
Những năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ, người ta sơ tán một lớp học vào đó. Lời đồn về chùa rất thiêng, như một làn sóng ngầm, vẫn lan toả khắp vùng. Rằng có một học sinh, giờ ra chơi đã trèo lên vai tượng Phật trong chùa nghịch ngợm, làm gẫy một ngón tay tượng, tối về bị ngài vật hộc máu mồm. Gặp lại một số người đã học ở chùa thời đó, nay đều đã trên 50 tuổi như anh Đống, chị Hoàn, chị Nhai… chúng tôi đã hỏi lại chuyện trên, nhưng họ đều bả “Chúng tôi học ở đó hai năm lớp hai, lớp ba. Lớp do thầy Vũ Viết Tiếu dạy. Thầy Tiếu nay đã mất rồi. Chẳng có học sinh nào nghịch hỏng tượng Phật bị ngài vật cả. Hồi đó, việc đi lễ đền, lễ chùa bị cấm rất ngặt. Có lẽ do chùa không được ai trông nom, bảo quản. Có lẽ sợ kẻ xấu vào phá hoại tài sản và tượng trong chùa nên một số bà con đã đặt ra câu chuyện đó rồi truyền đi khắp nơi với mục đích răn đe bọn trộm cắp, bảo vệ chùa chăng? Sự thực, nhiều khi những “răn đe” kiểu ấy, chúng tôi thấy còn hiệu nghiệm hơn là pháp luật…”.
Được vài năm thì lớp học phải dời đi vì chiến dịch “bài trừ mê tín dị đoan” đang diễn ra rầm rộ. Tượng Phật bị đem ra khỏi chùa, chùa bị dỡ, dậu tre quanh chùa bị chặt không còn một cây. Tiếp theo là những cây cổ thụ trong vườn chùa bị tàn sát. Và sau nữa, toàn bộ nền chùa, sân chùa, vườn chùa bị hạ cốt cho bằng với những thửa ruộng xung quanh để cấy lúa. Dấu tích chùa Tiên chỉ còn lại duy nhất ngọn tháp 3 tầng trong vườn chùa, vì là ngôi mộ nhà sư, nên được “tha tội” và được chừa lại quanh chân tháp chừng vài chục mét vuông. Gần 30 năm, ngôi tháp, tức ngôi mộ của sư ông cứ chơ vơ giữa đồng lúa không ai hương khói.
Những ngày này, đi qua dấu cũ chùa Tiên, chúng tôi thấy ngôi tháp đã được sửa sang và xuất hiện một ngôi “chùa” trùm luôn lên tháp. Nếu không được nghe người làng gọi đó là chùa thì chúng tôi không sao hình dung nổi, bởi nó không hề mang một chút nào dáng dấp của kiến trúc chùa chiền Việt. Tất cả chỉ là tám chiếc cột bằng tuýp sắt đỡ một cái mái sắt lợp tôn, tường không xây. Và diện tích “chùa” chỉ độ vài chục mét vuông, nghĩa là chùa được làm trên toàn bộ diện tích đất quả thực mà sư ông, dẫu đã về cõi Niết Bàn, vẫn còn giữ được, xung quanh là ruộng lúa, trong chùa có cái bệ nhỏ đặt bát hương. Tuy vậy từ ngày cái mái tôn được dựng đến nay, hương khói đã không lúc nào dứt. Một ông người làng than thở với chúng tôi: Làng nhỏ, dân nghèo, việc quyên góp rất khó khăn, nên mới làm được có vậy. Nhưng nếu bây giờ có tiền, thì cũng không thể làm lại chùa rộng hơn được, vì đất đâu mà làm. Nền chùa, vườn chùa đều đã biến thành ruộng lúa, giao cho dân sử dụng đến năm 2013 rồi. Nay nếu có ai hiến lại quyền sử dụng thửa ruộng của mình cho chùa, thì cũng không thể xây, vì một là sử dụng đất sai mục đích, chính quyền sẽ không cho phép. Hai là sau năm 2013, không biết đất ấy có còn thuộc quyền sử dụng của người hiến nữa không?
Trong kháng chiến chống Pháp, trong những năm đầu hoà bình và sau đó là trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, hàng trăm ngôi đình, ngôi chùa hay ngôi đền… vốn có lịch sử hàng trăm năm của các làng quê miền Bắc đã bị tàn phá hay không được phép tôn tạo, tu bổ do xuống cấp, do bị hỏng một phần vì chiến tranh, dẫn đến bị hỏng hoàn toàn, để lại một khoảng trống lớn trong tâm thức người dân. Và về một mặt nào đó, có thể gọi những đình chùa, đền… đó là những điểm nhấn trong kiến trúc làng. Mất đi cái điểm nhấn ấy, kiến trúc làng trở nên nghèo nàn. Đến nay, ngoài nhà văn hoá xã, bưu điện văn hoá xã, hầu hết các làng đều đã xây dựng được “nhà văn hoá” của mình. Nhưng do chỉ lo xây nhà mà không lo cái “nội dung văn hoá” bên trong, nên những nhà văn hoá đó hầu như không thu hút được người dân. Ngoài những cuộc họp “quân dân chính đảng” hay họp các đoàn thể được tổ chức ở “nhà văn hoá” ra, không có người dân nào đến nhà văn hoá với nhu cầu sinh hoạt văn hoá cả, khác hẳn với những đình chùa đền miếu… nơi người dân tìm đến càng ngày càng đông, không chỉ tâm linh, vì tín ngưỡng mà còn vì nhu cầu sinh hoạt văn hoá thật sự…v
Vũ Hữu Sự
Theo baoxaydung