Vành nôi đời tôi

Ơn nghĩa sinh thành

Làm tôi phải hiếu

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Ai cũng có một dòng sông để nhớ, ai cũng có một cội nguồn để xuôi ngược. Và tôi cũng có một bến đỗ là gia đình tôi. Tuy gia đình tôi làm nông, cơ cực, nhọc nhằn nhưng  cha mẹ tôi vẫn cố gắng bươn trải để nuôi năm chị em tôi khôn lớn thành người.

Cha tôi rất nghiêm khắc, đó là lý do tôi rất sợ cha xen lẫn lòng kính trọng cha. Cha tôi làm thợ mộc rất giỏi, tôi vẫn thường tự hào với bạn bè về tay nghề của cha. Cha  vì vất vả, cơ cực nên trông cha già hơn so với tuổi, cùng bằng tuổi với bạn bè của cha nhưng mái tóc cha đã bạc trắng. Cha tôi – tấm thân gầy gò nhưng rất khỏe bên những chiếc dùi đục, đinh, ván, máy cưa,…Cha tôi làm việc với biết say mê và tôi có thể cảm nhận được đó là lòng yêu nghề hiện rõ từ cha, hơn hết là những sản phẩm cha làm ra bằng mồ hôi, công sức mới quý. Cha thường buồn phiền về cuộc sống nghèo khó khi cha uống rượu. Tôi hiểu cảm giác đó của cha nhưng chưa một lần cha tâm sự với chúng tôi về điều đó. Cha âm thầm chịu đựng nỗi đau, tự trách mình khi các chị em tôi không được bằng bạn, bằng bè. Cha hay ngồi bên điếu thuốc lào, hút một hơi dài rồi thở nhẹ lên trời nhưng tôi thấy hiện rõ khuôn mặt cha là nỗi buồn, nỗi cơ cực của cha. Nhiều lúc tôi đã buông xuôi tất cả vì có thời gian tối nào cha cũng say khướt, cha uống, uống và cứ uống…Chị em tôi ngồi và chỉ biết khuyên cha, rồi khóc. Khi lớn hơn, chúng tôi dường như hiểu cha hơn, cha đã thay đổi theo tuổi già, cha….đã…già rồi. Tôi chợt nhận ra, thời gian đang cướp đi tuổi của cha tôi. Cha sẽ già, sức khỏe cha cũng yếu hơn…rồi sẽ bệnh….và…. “”.Mắt tôi cay xè và lòng nặng trĩu “xin thời gian đừng cướp tuổi cha tôi”. Bên cạnh cha, là mẹ tôi. Mẹ luôn chu đáo công việc gia đình. Mẹ - người đã một nắng hai sương vất vả, tảo tần vì năm chị em tôi.

Thời gian dần trôi, chúng tôi lớn khôn, nhưng có lẽ với mẹ, chúng tôi chỉ mãi là những đứa trẻ đáng yêu của mẹ. Cái thưở “miếng ăn chưa no thì lo chi đến học hành” là cái ngày chị tôi thi đỗ vào cấp 3, đó là niềm tự hào của xóm tôi. Mẹ tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì tôi mình thi đỗ, lo rồi sẽ làm gì để kiếm đủ tiền cho chị tôi yên tâm đi học. Rồi mẹ chạy vạy để vay mượn bà con, lối xóm để lo cho chị đi học, cho bằng bạn bè. Tốt nghiệp xong, chị tôi học tiếp ngành giáo viên mầm non. Cứ tưởng như mọi chuyện như thế lại êm ấm, nào ngờ năm chị tôi sắp ra trường thì lại đỗ bệnh nặng. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Người ta nói có bệnh thì vái tứ phương. Một lần nữa, một tay mẹ lại vay mượn và  bán luôn mảnh vườn nhỏ để lo cho chị. Mẹ và gì tôi khăn gói đưa chị tôi vào Sài Gòn chữa trị. Cũng thời gian đó, chị em tôi sống với cha. Cơ cực lại nối tiếp cơ cực, chị em tôi ở nhà bảo ban, đùm bọc, phụ giúp cha lo toan việc nhà. Tháng mưa dầm, cha làm chẳng được bao nhiêu, rồi dần mọi chi phí trong nhà đều phải chi tiêu eo hẹp hơn. Có những lần hết tiền chợ, tôi là đứa cũng thích nấu ăn. Tôi cùng bé út ra vườn sau nhà ngắt những ngọn rau mọc dại sau nhà để nấu thành một nồi canh chay, cha và chúng tôi ăn cho qua bữa.

Ngày nào cha và chúng tôi vẫn ngóng chờ điện thoại  của mẹ “Mợ ơi! Mẹ con có gọi điện thoại về không ạ ? ”, hoặc ra đầu ngõ để hay tin mẹ và chị hai. Sau cơn mưa trời lại sáng. Ngày mẹ, gì, chị trở về, cha và chị em tôi vừa mừng, vừa tủi “chị con đã khỏe hẳn rồi” mẹ nói trong vui mừng hòa với nước mắt. Bốn chị em tôi cứ quấn quýt lấy mẹ và chị, cha tôi không lại gần chỗ chúng tôi  nhưng chúng tôi vẫn thấy rõ sự quan tâm của cha với gia đình, hơn hết là sự nhọc nhằn của mẹ, sự đau đớn trên tấm thân gầy gò của chị hai. Rồi thời gian trôi đi, chị cũng hoàn thành khóa học và sống với nghiệp “khai thông trí tuệ trẻ”. Anh tôi cũng ra nghề cơ khí. Chị ba tôi ở nhà do chị bị khuyết tật từ nhỏ. Hai chị em tôi (tôi và bé út) vào đại học. Tôi đỗ trường ở Sài Gòn, bé út đỗ trường gần nhà.

Tôi đậu đại học, cha mẹ tôi rất vui đan xen cả sự lo lắng. Ngày tôi vác ba lô vào Sài Gòn, cha mẹ và bà tôi đi tiễn. Tuổi còn bồng bột nào có biết gì đâu. Tôi cảm thấy thích thú, hăng say dọn đồ để sao cho nhanh được vào Sài Gòn. Trong nhà, tôi là đứa yếu ớt, hay đau ốm nhất. Tôi đâu thấy rằng sự lo lắng đang hằn trên khuôn mặt cha mẹ. Trước đó, mẹ tôi đã dò ý “Một mình tôi vào Sài Gòn, liệu có ổn không con?”, hay “ Từ trước tới giờ tôi có bao giờ bước chân ra khỏi nhà xa và lâu thế đâu. Lần này đi, mẹ lo quá”. Tình mẫu tử là vậy. Cha tôi cứng rắn hơn, cha vẫn tin ở tôi sẽ làm tự lập được. Cha chấn an mẹ tôi, mẹ bớt lo, mẹ giục tôi kiểm tra hành lý đã đầy đủ hay chưa “sắp lên xe rồi đấy”. Ra Sài Gòn ngày một, ngày hai và….rồi ngày thứ ba, tôi đã khóc suốt đêm vì nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ cả bé út – đứa em hay cải nhau với tôi nữa. Không còn đợi được nữa. Tối đó, tôi lên xe về quê thăm gia đình. Nỗi nhớ nhà vơi đi, tôi lại khăn gói vào Sài Gòn. Nơi đô thành mà tôi từng mơ ước được đặt chân đến lại là nơi tôi phải kiềm nén nỗi nhớ nhà đến nặng lòng. Tôi tập dần cách sống nén cảm xúc, nén tình cảm để rồi ngồi một mình ở góc nào đó của công viên để….khóc nức nở vì nhớ nhà, thương nỗi cơ cực của cha mẹ. Từng hồi chuông đổ, nhấc máy lên là giọng mẹ “khỏe không con?có nhớ nhà nữa không?ăn uống sao rôi? Có hay bệnh không con?”. Tôi nhoẻn cười mà nước mắt tuôn rơi. Sợ mẹ biết sẽ buồn, tôi gằn giọng khỏe khoắn  “con khỏe, ở đây con sống tốt lắm, con có nhiều bạn bè nữa nên cũng không nhớ nhà lắm đâu mẹ”. Mẹ đâu biết rằng lúc đó tôi muốn trước mặt tôi lúc đó chỉ muốn ôm mẹ và nhõng nhẻo như một đứa trẻ thôi. Rồi mỗi lúc, tôi già dặn và trưởng thành hơn, thấu hiểu hoàn cảnh gia đình. Tôi phải học cách tự lập, tự chăm sóc cho bản thân, và trang trải cho học phí ở trường phụ giúp gia đình đó là những công việc bán thời gian. Ngày tôi tốt nghiếp ra trường sắp đến. Có lẽ cha mẹ tôi sẽ không vào được vì lý do hoàn cảnh, công việc. Tôi không thấy cô đơn và lẻ loi vào ngày đó, tôi tin rằng dù tôi có ở đâu cha mẹ vẫn ở bên tôi, lo lắng và yêu thương che chở cho tôi.

Thế là mùa vu lan sắp về, xin cho tôi được dâng lên cha mẹ tấm lòng kính yêu  vô vàn! Cha là người đã bao lần nuốt từng giọt nước mắt vào tim để chúng tôi bao biết cứng rắn đứng lên, mẹ là người che chở nắng mưa để ráo chỗ chúng tôi nằm! Bến bờ hạnh phúc là tôi được có cha mẹ. Tôi thấy mình được hơn hẳn những đứa trẻ khác trên đời này.

Ở trên Sài Gòn, Tôi vẫn hay lo lắng mỗi khi trái gió trở trời, cha mẹ đau ốm, ai ngoài chúng tôi chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi già sức yếu đang kề cận? Nhiều đêm trắng cứ trôi qua đi, tóc cha tôi nay đã bạc hơn nhiều, những nếp nhăn hằn lên khuôn mặt mẹ. Cha, mẹ thật sự đã già rồi ?.

Không biết bao mùa vu lan rồi tôi không ở bên cha mẹ kể từ ngày tôi rời xa quê nhà. Tôi nhớ cứ mỗi độ vu lan về, chị em tôi cùng cha mẹ đến chùa lễ Phật,nghe bài hát “Bông hồng cài áo”, nước mắt tôi rưng rưng, nghẹn ngào khi nghĩ rồi một ngày nào đó, chúng tôi sẽ vĩnh viễn mất cha, mất mẹ. Tôi nhớ có lần vào Sài Gòn, tôi đã thấy cảnh tượng một chiếc xe tang, người trên xe khóc than thảm thiết, họ đã vĩnh viễn mất đi người thân. Đang đi trên vỉa hè, tôi đột nhiên đứng sững lại, cúi đầu lặng lẽ nhìn chiếc xe tang đi qua mà tiếng khóc kia còn văng vẳng bên tai. Tôi đã sợ hãi khi nghĩ “Tiếng khóc kia bao giờ là của mình?”. Chân tôi run lên, tôi đã chạy một mạch về phòng trọ. Tôi nhớ đã lâu tôi không gọi điện về nhà cho cha mẹ. Tôi gạt nước mắt, vớ lấy điện thoại và gọi cho cha mẹ.

Giờ đây, đứng trước ngưỡng cửa Phật, Tôi thành tâm kính Phật  để  cầu cho cha mẹ sống đời với chúng tôi. Chẳng bao giờ chúng tôi lớn khôn nếu thiếu cha mẹ.

Lại một mùa vu lan sắp đến tôi lại không được ở bên gia đình ta.  Tôi đã ước mình sẽ sớm trưởng thành để có thể thấu hiểu được lòng cha mẹ, tình yêu thương mà không gì so sánh nổi tình yêu thương của cha mẹ dành cho chúng tôi. Mùa vu lan lại về, tôi biết rằng cũng chỉ mình tôi lặng lẽ bước trên đường, lao đầu vào cuộc sống, công việc nơi đất khách quê người. Xin cho tôi phút lắng đọng để cơn khát tuổi thơ tôi được gối đầu vào vai cha, xà vào lòng mẹ để được mẹ âu yếm, để biết rằng chúng con là “đóa hoa còn cha, còn mẹ, còn cả bầu trời hạnh phúc, còn vành nôi vững chắc để đưa ta vào đời”. Trong mỗi chúng ta, ai cũng chỉ có duy nhất một người sinh ra mình, đó là cha và mẹ. Xin hãy trân trọng những tháng ngày mình còn cha, còn mẹ:

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không ?”

Xin ngàn lần gởi tấm lòng kính yêu nơi chúng con đến với cha mẹ!

Kính chúc các sư thầy, các tăng ni, phật tử lời chúc hoan hỷ, an lạc.

Phật tử

Phạm Thị Bích Quyên

Số 133 xã Tân Hòa,

huyện Buôn Đôn, tỉnh Đaklak