Nhìn nhân quả qua lăng kính động lực học kết cấu

LTS: Tác giả là một Phật tử ở Việt Nam, hiện đang du học tại Hoa Kỳ, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành xây dựng. Trong quá trình nghiên cứu động lực học kết cấu, tác giả đã “ngộ” ra mối liên hệ nhân quả-nghiệp báo của giáo lý đạo Phật một cách cụ thể, sâu sắc. GN xin giới thiệu bài viết “Nhìn nhân quả qua lăng kính Động lực học kết cấu” đến với bạn đọc như là một cách tiếp cận mới về nhân quả, một đạo lý vốn thực tiễn mà vi diệu, thậm thâm... G.N

 

Động lực học kết cấu là một  phân môn của Cơ học cổ điển nhằm nghiên cứu sự rung động của một hệ thống chịu lực do sự kích động thay đổi theo không gian và thời gian. Ví dụ, tại thời điểm này, vật ở vị trí này nhưng tại thời điểm khác, vật ở vị trí khác, kết quả của sự thay đổi vị trí liên tục như vậy theo thời gian là sự rung động. Chính vì thế, việc dự đoán vị trí của tất cả các điểm trong kết cấu tại mọi thời điểm được xem là mục đích của môn học này. Nhưng điều trớ trêu là cái cần tìm (sự rung động hay vị trí của các điểm) lại là một phần trong cái nguyên nhân gây ra sự rung động. Nói cách khác, ở đây nhân quả lẫn lộn với nhau, cái nhân nằm ngay chính bên trong cái quả! Tuy nhiên, cái sự nhân quả lẫn lộn ở đây chỉ tồn tại trong tư duy, trong các phương trình toán học. Và các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà toán học, không bao giờ thiếu trí tưởng tượng cũng như không bao giờ chấp nhận bất cứ một sự phi lý nào trong tư duy. Họ đã sử dụng những công cụ toán học để biến cái quan hệ mà trong đó nguyên nhân và kết quả lẫn lộn nhau thành một cái quan hệ mà ở đó cái quả được tách rời và là kết quả của cái nhân.

Tôi không nêu ra đây các phương trình toán học, nhưng tôi sẽ giải thích cái ý tưởng cơ bản trong các phương trình toán học đó. Trong các phương trình này, trạng thái của vật được dự đoán dựa vào những thông tin sau đây:

Thứ nhất, đặc điểm của vật. Thí dụ vật đó nặng nhẹ ra sao, cứng mềm thế nào... Những thuộc tính này không thay đổi kể cả khi vật đứng yên hay chuyển động, không phụ thuộc vào những nguyên nhân tác động bên ngoài.

Thứ hai, trạng thái ban đầu của vật. Từ “ban đầu” ở đây mang tính tương đối, nó là cái mốc thời gian bất kỳ được chọn để quan sát những trạng thái của vật ở các thời điểm sau đó. Thí dụ, khi cái lá bị gió thổi, ta có thể chọn mốc thời gian là lúc gió bắt đầu thổi, cũng có thể chọn mốc thời gian sau khi cái lá bị gió thổi được hai giây… và cái trạng thái của chiếc lá tại thời điểm được chọn làm mốc thời gian được gọi là trạng thái ban đầu. Thông thường, càng về sau, ảnh hưởng của trạng thái ban đầu càng giảm.

Cuối cùng là cái lực tác động lên vật. Thí dụ quá trình tác dụng của lực như thế nào, lực tác dụng lên vật là lớn hay nhỏ, tác dụng ở đâu, tác dụng theo hướng nào… Cái này có ảnh hưởng rất quan trọng đến trạng thái của vật.

Khi học đến những phương trình này, tôi sửng sốt trước sự tương đồng một cách kỳ lạ giữa nó với lý nhân quả-nghiệp báo trong Phật giáo mà tôi đã được học trước đây. Những lời giảng, những bài viết về thuyết nhân quả nghiệp báo hiện về. Đến đây, sự nhìn nhận về thuyết nhân duyên trước đây của tôi đã thay đổi, tôi có sự phân biệt rõ ràng về lý thuyết này và thuyết định mệnh. Tôi cũng không còn tin vào những thuật toán bói toán ở đời. Và tôi có một niềm tin vững chắc thêm vào giáo lý của Đức Từ Phụ.

Vì sao cái phương trình cơ học khô khan ấy lại có thể giúp tôi hiểu thêm được giáo lý của Đức Phật? Tôi sẽ giải thích và liên hệ cái ý nghĩa triết học của nó với những vấn đề tôi hiểu về thuyết nhân duyên để có thể thấy rõ điều này.

Đầu tiên, cái phương trình cơ học ấy nói rằng trạng thái của một vật ở hiện tại có phụ thuộc vào cái thuộc tính, cái bản chất của vật ấy. Nói cách khác, bản chất của một vật có góp phần quyết định trạng thái của vật ấy. Liên hệ với con người, chúng ta thấy nó đúng quá. Cái bản chất của mỗi con người, cái gene di truyền của họ chắc chắn là có quyết định đến cuộc sống hiện tại của người ấy. Khả năng nhận thức của bất cứ một sinh linh nào cũng đều phụ thuộc vào chất lượng bộ não của sinh linh ấy. Tôi đang nói đến những cái quy luật không thể chối cãi của vật chất.

Quay trở lại Phật giáo, theo sự hiểu biết thông thường, mục đích trước mắt của mỗi Phật tử là giác ngộ. Chúng ta hãy suy xét, liệu chúng ta có khả năng giác ngộ được hay chăng? Liệu cái bản chất của chúng ta có cho phép chúng ta đạt đến trạng thái giác ngộ được chăng? Chắc chắn được! Đức Thế Tôn đã chẳng dạy rằng mọi chúng sinh đều có Phật tánh và đều có thể thành Phật sao? Điều đó có nghĩa là chúng ta ai cũng mang trong mình một cái bản chất có thể giác ngộ, ai cũng có hạt giống Phật. Tuy nhiên, không nên mừng vội, đừng tự ru ngủ và giết chết mình bằng suy nghĩ: ta cũng có khả năng thành Phật, trước sau gì rồi ta cũng thành Phật. Vì sao vậy? Việc có Phật tánh và việc thành Phật hoàn toàn khác nhau. Chúng ta mang trong mình cái chủng tử Phật chỉ đảm bảo cho chúng ta có khả năng thành Phật, việc thành được hay không là do công phu tu tập của mỗi người.

Cùng với cái bản chất của vật, trạng thái ban đầu của một vật cũng có ảnh hưởng đến trạng thái hiện tại của vật. Nói cách khác, khởi điểm của vật có quyết định đến trạng thái của vật. Đối chiếu với con người, một lần nữa chúng ta lại thấy phương trình cơ học ấy đúng quá. Ví dụ, bạn đã được sinh ra với một cơ thể đầy đủ trọn vẹn, nhờ đó bạn có hiện tại như ngày hôm nay. Nếu không, chắc cuộc đời của bạn bây giờ có khác. Cũng vậy, tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có nhiều thế hệ theo Phật, vì vậy tôi sớm có điều kiện tiếp cận với giáo lý tối thượng của Đức Phật. Giả sử tôi được sinh ra trong một gia đình theo tôn giáo khác, ai dám chắc rằng hôm nay tôi có thể viết được những dòng này.

Xét xa hơn nữa, nếu tôi không phải được sinh ra làm người, làm thế nào tôi có thể học được Phật pháp một cách thuận lợi. Và mọi Phật tử cũng vậy, có lẽ ai cũng xem sự may mắn được làm người, và là một người được học Phật, là một sự khởi đầu hiếm có cho con đường giải thoát của mình.

Hóa ra, sự khởi đầu có vai trò quyết định trong quá trình giải thoát? Không hẳn thế. Nó chỉ có vai trò làm thuận lợi hoặc gây khó khăn hơn cho sự giải thoát mà thôi. Như đã trình bày, trạng thái của vật càng về sau càng ít phụ thuộc vào trạng thái khởi đầu. Hãy xét một ví dụ để thấy rõ điều đó. Sức mạnh của một công ty với vốn khởi đầu là một trăm tỷ chắc có khác với sức mạnh của một công ty có vốn khởi đầu là một tỷ. Nhưng theo thời gian, không ai dám chắc rằng công ty có vốn khởi đầu trăm tỷ luôn luôn mạnh hơn công ty có vốn khởi đầu một tỷ. Cũng vậy, không ai dám chắc tương lai xa của một con trai tổng thống luôn luôn tốt hơn tương lai xa của con trai một nông dân, dù rằng trong những năm đầu đời, con trai của vị tổng thống có thể có thuận lợi hơn con trai của anh nông dân…

Trên con đường tìm đến với chân lý, thời gian không phải được tính bằng năm, bằng đời mà là bằng vô số kiếp. Trong khoảng thời gian đó, cái khởi đầu của hàng trăm kiếp trước coi như không còn có ảnh hưởng gì. Nếu các bạn có may mắn được nghe Phật pháp ở ngày hôm nay, xem như đó là một sự khởi đầu tốt đẹp cho các bạn trong tương lai sắp đến. Ai đó kém may mắn ở ngày hôm nay hãy nghĩ rằng trong tương lai xa, sự kém may mắn của ngày hôm nay không còn ảnh hưởng gì. Huống hồ, cái tương lai lại phụ thuộc vào một cái khác quan trọng hơn.

Theo Động lực học kết cấu, cái quan trọng nhất ảnh hưởng đến trạng thái cơ học của vật là quá trình tác dụng của lực. Liên hệ với con người, đó chính là nỗ lực tự thân (nhân) và các tác động của môi trường, của xã hội (duyên)… Tôi tin tưởng mãnh liệt vào điều này vì bản thân tôi đã từng được trãi nghiệm.

Thuyết nhân quả-nghiệp báo dành cho những đối tượng bao gồm cả vật chất và tâm linh. Trong đối tượng này, cái tác động được tách thành cái nhân và cái duyên. Nhân là cái tác động gây ra bởi chính đối tượng, duyên là cái tác động bên ngoài, không phải do chủ ý của đối tượng.

Khác với đối tượng vật chất vô tri chỉ chịu các tác động từ bên ngoài, không có khả năng tự tạo ra sự tác động để làm thay đổi trạng thái của nó, trong khi mỗi chúng sinh đều có thể tạo ra sự tác động lên chính quá trình phát triển của mình. Đây là điểm mấu chốt để mỗi người chúng ta tự quyết định đến tương lai của mình.

Sở dĩ Phật giáo luôn đề cao thuyết nhân duyên (tức là cái tác động) là vì chư Phật thấy rõ rằng trong số những cái ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta, nhân và duyên đóng vai trò quyết định nhất. Cái làm cho triết lý Phật giáo khác hẳn các học thuyết của các tôn giáo khác là cái nhân (nỗ lực chuyển hóa của tự thân). Theo đó, mỗi chúng sinh đều có quyền làm chủ, có khả năng chi phối đến tương lai của mình mà không cần phải có sự trợ giúp của thần linh hoặc một đấng tối cao.

Tóm lại, có bốn yếu tố ảnh hưởng đến trạng thái tương lai của mỗi chúng sinh. Cái bản tánh của chúng ta thì không thể thay đổi, đó là thể tánh vốn sáng suốt của chư Phật. Cái trạng thái khởi điểm thì không có ảnh hưởng lớn về lâu về dài. Cái duyên (tác động từ bên ngoài vào) thì chúng ta có thể tránh né được bằng cách chọn môi trường tốt. Cái cuối cùng và vô cùng quan trọng mà chúng ta có thể can thiệp được là cái nhân, tức nỗ lực hướng thiện của tự thân. Hãy tạo nhân lành để có quả tốt cho chính bản thân. Và hãy tạo duyên lành để giúp đỡ chúng sinh cùng tiến trên con đường giải thoát.

Có chủng tử giác ngộ không đảm bảo cho việc giác ngộ. Anh sinh ra ở đâu, thuộc đẳng cấp nào, trong gia đình nào… về lâu về dài cũng chẳng ảnh hưởng đến sự giác ngộ. Sự giác ngộ của một Phật tử phụ thuộc vào công phu tu tập của Phật tử đó. Vậy nên trước khi đi xa, Đức Thế Tôn đã căn dặn: “Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hỡi những người rất thương yêu của Ta!”.

 

NHƯ ĐỨC