Xây dựng không phép tại khu di tích Yên Tử: Làm trước, báo cáo sau

Mấy ngày vừa qua, dư luận rộ lên chuyện Công ty cổ phần và phát triển Tùng Lâm đã cho xây dựng cầu đá cùng hoàng loạt các ki-ốt kiên cố dọc đường lên chùa Giải oan - Khu di tích Yên Tử. Điều đáng nói là việc xây dựng cứ âm thầm diễn ra cả nửa năm, cho tới khi báo chí phát hiện... Chính quyền địa phương bảo “không biết”, Bộ VH-TT&DL cũng không hề nhận được bất cứ văn bản nào về việc xây dựng kể trên, trong khi Yên Tử là Di tích Quốc gia, ngay cả việc chỉnh trang cũng phải có sự đồng ý của Bộ VH-TT&DL. 
Hai dãy kiot kiên cố dọc đường lên chùa Giải Oan

Tiền trảm hậu tấu

Không chỉ có hạng mục xây cầu đá, kè đá, cùng hai dãy kiốt dọc đường lên chùa Giải Oan, trong suốt thời gian vừa qua, Công ty Phát triển Tùng Lâm còn cho thi công nhiều hạng mục khác trong khu vực bảo vệ của Di tích Yên Tử như: xây 2 cột đá làm trụ cổng ra vào Khu di tích tại khu vực dốc Hạ Kiệu. Dọc tuyến đường từ chùa Giải Oan lên tới chùa Hoa Yên, một số đoạn đang làm kè và lát nền đường. Phía trước sân tháp Tổ và hai bên đường lên tháp làm lan can bằng đá xanh, dài khoảng 50m. Bên phải tháp Tổ (nhìn từ dưới lên), một công trình kiến trúc mới toanh, rộng khoảng 20m2 đã được xây xong. Cạnh đó, tại khu vực chùa Hoa Yên, chân dốc lên (nhìn từ dưới lên) đã xây dựng 1 kiốt rộng khoảng 60m2, cùng 2 bức phù điêu hình rồng. Một con đường lát đá từ An Kỳ Sinh lên chùa Đồng dài 250m cũng đã được hoàn thành... Hầu hết các công trình nêu trên đều không có văn bản thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền. Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Lê Trọng Thanh - Phó Giám đốc Công ty Phát triển Tùng Lâm cho rằng: “Chúng tôi làm việc này chỉ để di tích Yên Tử đẹp lên mà thôi”. Ông Thanh cũng giải thích lý do chưa có sự đồng thuận của các cơ quan chức năng đó là vì “thi công các công trình này để kịp hoàn thành trước mùa Lễ hội Yên Tử 2010”. Và ông Thanh cũng cho biết, hiện việc hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ VH-TT&DL vẫn đang được công ty tiến hành.

Rốt cuộc thì không thể đợi công ty này báo cáo, Cục Di sản văn hóa đã tổ chức một đoàn kiểm tra việc xây dựng tại Yên Tử. Ngay sau khi việc kiểm tra kết thúc, Bộ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tạm đình chỉ các công trình đang xây dựng. Đồng thời, đề nghị Sở VH-TT&DL Quảng Ninh hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện quy định của Luật Di sản văn hóa đối với việc đầu tư xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích và gửi hồ sơ thiết kế để Bộ xem xét. Văn bản này cũng nhấn mạnh, dù Khu di tích Yên Tử đã và đang được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau, nhưng dù thực hiện bằng nguồn vốn nào thì cũng cần phải được thực hiện đúng quy định và đảm bảo các nguyên tắc tu bổ di tích.

Không thể thỏa hiệp với sai phạm

Ngay sau khi có Văn bản số 4378/BVHTTDL - DSVH về việc chỉ đạo giải quyết những xây dựng vi phạm tại Khu di tích Yên Tử, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Thành Phố - Chủ tịch UBND thị xã Uông Bí cho biết: “Việc xây dựng đã được chúng tôi yêu cầu dừng lại để hoàn thiện hồ sơ và rà soát lại quy trình”. Nhưng điều mà dư luận lúc này mong mỏi không chỉ dừng lại ở việc “hoàn thiện quy trình” mà là những sai phạm ấy sẽ phải xử lý thế nào. Những hạng mục xây dựng không phù hợp với cảnh quan di tích, “bê tông hóa” di tích, làm mới di tích sẽ phải phá dỡ hay tiếp tục cho tồn tại? Câu hỏi này xin dành cho các nhà quản lý văn hóa và UBND tỉnh Quảng Ninh.

 


Chuyện “tiền trảm hậu tấu” trong việc tu bổ tôn tạo di tích giờ đang ở mức báo động. Tháng 8-2009 vừa, UBND huyện Thanh Trì cũng đã tự ý phá dỡ Lầu bình thơ trong quần thể di tích Đền thờ Chu Văn An với lý do “để nắn đường” trong khi còn chưa có được sự đồng thuận của Bộ về việc đưa hạng mục này ra ngoài khu vực bảo vệ di tích. Nghe đâu, sự thỏa thuận này cũng mới chỉ có được trong thời gian gần đây.

Tháng 5-2009 vừa qua, sau rất nhiều những ồn ào về việc trùng tu di tích làm biến dạng, sai nguyên gốc, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã ký quyết định ban hành Chỉ thị số 73 yêu cầu Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành trong cả nước tăng cường kiểm tra công tác quản lý di tích, tăng cường giám sát chuyên môn để nâng cao chất lượng các dự án tu bổ, không “khoán trắng” công tác bảo vệ di tích cho các cá nhân, đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình, quy định, thủ tục trước khi triển khai các dự án tu bổ... Tuy nhiên, nếu xét theo tình cảnh hiện nay thì dường như ngay cả các quy định của Luật Di sản cũng bị bỏ qua.

Quỳnh Vân (Theo ANTD)