Quê tôi đã nghèo mà bà con ở làng ngoại tôi lại nghèo hơn.
Thật ra, làng cũng có những người giàu và khá giả. Họ thuộc những gia đình từng làm quan triều Nguyễn, hay thời Pháp thuộc có học hành làm thầy thông, thầy phán, nhưng những gia đình nầy đều sống ở tỉnh lỵ hay các tỉnh khác, không ai còn lại ở làng. Những người ở làng, bám lấy đất ruộng hay làm thuê làm mướn mà sống, thường là những người ít có cơ may học hành đỗ đạt. Họ sống nhờ ruộng vườn, nhưng làng ngoại tôi nhỏ, ruộng vườn chẳng bao nhiêu.
Một trong những người nghèo, bà con bên mẹ tôi là dì Thuận.
Chồng dì mất vì bệnh lao khi dì còn trẻ, để lại cho dì bốn người con. Hòa, chú tiểu tôi muốn nói sau đây là người áp út. Đứa út là con gái. Con gái út được ở với mẹ. Một người con lớn của dì đã bỏ nhà theo Việt Minh.
Năm ấy tôi còn nhỏ, một hôm đi học về, tôi thấy dì đang ngồi với mẹ tôi. Tôi chào dì và thoáng thấy trên bộ ván ngựa có một cái rổ, đựng hai trái đu đủ và mấy quả cà trắng to. Có lẽ dì ở làng mới lên và đó là quà dì đem biếu mẹ tôi, một công việc tôi từng thấy như dì đã từng làm trước kia.
Hai mắt dì đỏ hoe. Hình như dì mới khóc xong.
Một lúc, dì đứng dậy nói với mẹ tôi:
- “Thôi, tui về cả (kẻo) chiều rồi nghe dì. Dì nhớ thăm chừng thằng Hòa dùm tui. Sợ lỡ đau ốm chi.”
Mẹ tôi trả lời:
- “Dì cứ về đi. Mấy đứa nhỏ hay qua chùa. Tui biểu nó thăm chừng.”
Sau đó tôi biết, dì Thuận gởi Hòa vô tu ở chùa Tỉnh Hội, chùa ở kế nhà tôi.
Chùa Tỉnh Hội xưa gọi là chùa Phật Học. Thời Pháp thuộc, đạo Phật không được Pháp coi trọng, suy tàn dần. Một số vị thức giả ở Trung và Bắc Kỳ thấy thế đau lòng, bèn xin Pháp cho lập hội. Thực dân Pháp chấp thuận cho lập Hội Phật Học, tương tự như một hội đá banh, đá gà, chọi chim, chọi cá... Hội Phật Học được thành lập ở tỉnh tôi và được dựng chùa. Chùa của Hội Phật Học nên được đặt tên là chùa Phật Học - chỉ học đạo Phật thôi, chớ không phải tôn giáo gì! - Sau năm 1951, Phật giáo thống nhứt Nam Bắc Trung, mỗi tỉnh có một tỉnh hội nên chùa lại được gọi là chùa Tỉnh Hội.
Năm Hòa vào chùa mới 9 tuổi, người ốm nhom, như hiện tượng thiếu ăn thường thấy ở những đứa trẻ miền quê. Đầu mới cạo, bóng, chỉ chừa một miếng vá trước mỏ ác. Cái đầu trọc làm lộ rõ hai cái tai nhỏ, hai vành tai tưởng như xoắn lại. Hai đường gân từ dưới dái tai theo cần cổ kéo xuống vai lộ rõ hẵn lên. Cổ Hòa dài ngoẳng, hơi chồm tới, gắn trên cái ngực lép dẹp, nếu không mặc áo, người ta có thể đếm đủ 36 cái xương sườn nhỏ như xương chó của Hòa.
Hai bàn chân nhỏ và lộ rõ từng lóng xương chân. Tôi chưa từng thấy Hòa đi dép bao giờ, bao giờ cũng hai cái chân đất nhưng trông cũng sạch.
Nhìn vào người Hòa, đâu cũng thấy xương.
Để vào chùa, Hòa được mẹ may cho một bộ áo quần nâu mới. Áo thì may theo kiểu áo lá, quần cháo lòng. Có lẽ vì nghèo, dì Thuận mua thứ vải to may áo quần cho con. Vải to là loại vải người ta kéo chỉ và dệt theo lối thủ công ở quê tôi. Sợi thì to, vải thì thưa, nhiều hồ. Giặt một lần, hồ đi mất, tấm vải thành ra thưa lắm.
Vì chú tiểu Hòa thường pha trà, bưng nước mời khách của thầy trú trì, nên thầy biểu Hòa phải mặc bộ đồ nâu. Vài hôm, áo quần đã dơ, nên buổi tối chú tiểu Hòa giặt bộ đồ nâu ấy, phơi trong gian bếp, có hơi nóng cho mau khô để sáng mai có áo quần sạch mặc lên hầu thầy. Những khi bộ áo quần nâu phải đem giặt, chú tiểu mặc cái áo dùng khi còn ở nhà, cái áo “sơ mi” cụt tay, vá nhiều chỗ và cái quần xà lỏn đã mòn, và cũng có vài miếng vá như vậy.
Năm “tiêu thổ kháng chiến”, Việt Minh bắt phá chùa nhưng “nhà trai” thì vẫn còn. Sau khi hồi cư, đồng bào Phật tử đóng góp tiền của xây lại chánh điện. “Nhà trai” thì được cho ty Tiểu Học Vụ thuê làm hai lớp học. Kế nhà trai, người ta dựng thêm một cái chái tranh để làm bếp. Phòng ngủ của thầy trụ trì là một phòng nhỏ kế bên điện thờ. Hai người còn lại, chú Sung, khoảng hai chục tuổi và chú tiểu Hòa ngủ trong cái chái bếp. Sát vách nhà trai là cái sập lớn, - sập tức là một tấn ván lớn là chỗ ngủ của chú Sung. Kế bên cửa vào là một tấn ván nhỏ, chỗ nằm của chú tiểu Hòa.
Sập nằm chú tiểu Hòa không có chiếu. Vì không có mền (chăn) chú tiểu Hòa lấy chiếc chiếu nằm để đắp cho đỡ lạnh. Nếu kéo chiếu đắp chân, cái đầu trọc của chú phải ló ra ngoài, lạnh lắm. Nếu muốn đắp đầu cho đỡ lạnh, hai chân chú lại thò lò ra ngoài. Thấy cảnh ấy, có lần bọn học trò nhỏ chúng tôi thường nói lại câu đùa trong một vở hài kịch: “Thượng thò lò, hạ bất thò lò. Hạ thò lò thượng bất thò lò. Thượng hạ bất thò lò nằm co trở lại”. Đúng là chú tiểu Hòa thực hiện như ở câu cuối. Trời mùa đông lạnh, gió bấc vi vút thổi suốt đêm qua mái tranh, để tránh cái lạnh da diết ấy ở quê tôi, chú đã nằm co chân lại, rút gọn trong chiếc chiếu cũ.
Ở quê tôi có hai hạng người theo đạo Phật. Một là những người giàu có, khá giả, và những người không nghèo lắm nhưng rất chăm đi chùa, người ta gọi là Phật tử thuần thành. Số đông nghèo khổ, tay làm hàm nhai, quần quật suốt đêm ngày, đâu có thì giờ đi chùa thường nên họ chỉ gắng tới chùa vào những ngày vía lớn mà thôi. Ông bà ngày xưa theo Phật, nay họ cũng theo Phật, Đó là một truyền thống, truyền thống gia đình và cũng là truyền thống làng xã, đất nước.
Những người đi tu từ rất bé, không hẵn vì cha mẹ hay chú bé giác ngộ điều Phật dạy. Vào chùa tu từ tấm bé là vì nghèo. Cha mẹ không đủ sức nuôi con, gởi con vào chùa để kiếm chén cơm ăn, dù là cơm chay, chỉ có tương chao, học kinh kệ để biết năm ba chữ Nho. Về sau, nếu tiếp tục được con đuờng tu hành thì cũng tốt, thành sư ông, sư cụ. Còn nếu không, phải cởi chiếc áo nâu ra về thì cũng có chữ để viết một lá sớ cho bà con trong làng khi cúng kỵ, viết vài câu đối để bán chợ tết hay khá hơn thì làm thầy bói, xem tử vi sống độ nhựt, còn hơn phải cầm cái cuốc, cái cày vất vả, chân lấm tay bùn mà cũng thiếu ăn.
Chú tiểu Hòa thường đứng xem bọn trẻ chúng tôi chơi đùa ở cái sân nhỏ bên hông chùa, khi thì đánh “địu” (tiếng địa phưong, tức là thun hay còn gọi là cao su), hoặc đánh bi, nhưng không bao giờ tham gia vào những trò vui nầy. Thầy trú trì cấm. Thầy trú trì khoảng bốn mươi tuổi, chưa già lắm nhưng vì tu hành nên nghiêm khắc lắm, tôi đoán chừng như vậy. Ngồi nhìn chúng tôi chơi, hình như bao giờ chú tiểu cũng hóng tai nghe thầy gọi mà vào cho nhanh. Chú không có cái vui của trẻ thơ, thành ra mặt chú bao giờ cũng buồn. Lo làm cho tốt những điều thấy trú trì sai bảo, nên mặt chú bao giờ cũng có nét sợ hãi, âu lo.
Thế rồi một hôm chú bệnh. Nghe lời mẹ, tôi vào cái chái bếp thăm chú. Trán chú nóng bừng mà chú lại kêu lạnh. Về nói lại với mẹ, mẹ tôi biểu chị giúp việc nấu chao trắng với hành, rồi tôi đem sang cho chú ăn. Có lẽ do tình bà con và lòng thương đứa bé mồ côi cha nghèo khổ đi tu, mẹ tôi làm việc ấy. Trước khi đem cháo vào cho chú tiểu, chị tôi phải sang chùa xin phép thầy.
Mấy hôm sau hết bệnh, mẹ tôi nhắn biểu chú tiểu xin phép thầy qua nhà tôi chơi. Biết chú tiểu gọi mẹ tôi bằng dì, vã nhà tôi cũng kế bên chùa, đi chút xíu tới nơi nên thầy chấp thuận.
Khi chú tiểu qua nhà tôi chơi lần thứ hai thì hôm đó thầy trú trì đi cúng ở nhà thí chủ tại phố chợ.
Tôi hỏi:
- “Túi ni (tối nay) thầy về không?”
- “Thầy ở lại.” Chú tiểu trả lời.
Lúc đó nhà tôi đang dọn cơm. Tôi nói:
- “Chú tiểu ăn cơm với mấy đứa tôi đi.”
Chú nói:
- “Tui phải ăn chay.”
- “Chay gì! Chay vay chảy vảy. Ăn mặn nói ngay…” Nói tới đó, anh tôi không nói nữa, có lẽ sợ mẹ rầy, nên anh ấy nói tiếp, ôn tồn hơn. “Lâu lâu ăn mặn một bữa. Có sắp thành Phật đâu mà sợ!”
Mẹ tôi cũng biểu chú ăn cơm với chúng tôi, nên chú ngồi vào bàn. Bữa đó, tôi thấy chú ăn có vẻ ngon, có lẽ lâu ngày mới được ăn mặn. Nhà tôi cũng nghèo, chỉ có cơm cá mà thôi, không có thịt thà gì.
Ăn xong, chưa kịp uống nước, chú bị gọi về chùa liền vì bất thình lình thầy trú trì về gọi chú.
Bữa đó chú bị thầy bắt nằm xuống nền nhà, đánh mười roi vì tội trốn chùa ăn mặn. Té ra vì không kịp uống nước, khi chú về gặp thầy, thầy ngửi thấy mùi cá ở miệng chú. Hỏi, chú thưa thiệt nên bị đòn.
Từ đó chú không sang nhà tôi nữa, không rõ vì bị thầy cấm, chú sợ đòn hay chú biết lo tu.
Một hôm, nhà tôi có kỵ (giỗ) mẹ tôi biểu sang chùa xin một ít bông (hoa) về cúng ông bà. Thầy trú trì trồng rất nhiều bông trong sân chùa. Quanh chân cột cờ giữa sân là một bồn bông hình tròn. Sát chân cột, thầy trồng bông hồng, vàng và đỏ. Vành tròn phía ngoài thầy trồng hoa cúc. Mùa thu, hoa cúc nở vàng rực, đẹp lắm, nhất là vào buổi sáng hoặc buổi chiều, khi trời đã tắt nắng, hoa không thiếu nước, bông hoa vươn cao lên. Hoa cúc vàng nở làm tôi nhớ tới ngày tựu trường, cũng vào mùa thu. Sau nầy, mỗi khi đọc câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm “Nhớ người lần lữa ải xa, Nhớ người nương chốn hoàng hoa dặm dài” là tôi nhớ tới bồn hoa cúc trong sân chùa, khi tôi còn thơ ấu, mặc dù hoa cúc trong sân chùa không nhắc nhở gì để tôi nhớ tới cảnh đi thú của người lính ngày xưa, ba năm môt lần, cũng vào mùa hoa cúc nở.
Hai bên sân chùa là hai khu vực trồng hoa. Ở đây, thầy trồng nhiều cây trạng nguyên, cây vạn tuế và nhiều chậu cây long tu. Trạng nguyên mà được Vạn tuế thì sướng một đời. Không rõ đi tu, thầy còn muốn đậu trạng nguyên nữa hay không hay thầy đã tắt lửa lòng!
Sau khi xin phép chú Sung, tôi ra vườn chọn những đóa hoa hơi già, sắp tàn để cắt. Thấy vậy, chú tiểu Hòa biểu tôi nên cắt những hoa còn tươi. Vừa nói, chú tiểu Hòa vừa giành con dao để cắt hoa cho tôi. Bất ngờ, thầy trú trì đi ra sân. Bước chân thầy không nhẹ, thầy mang dép lẹt xẹt mà chúng tôi cũng không hay.
Sau đó, thầy phạt chú tiểu, quì quay mặt úp vào cái chuông chùa để sám hối. Tôi không rõ chú tiểu Hòa sám hối tội gì?!
Chùa cũ trước khi bị tiêu hổ kháng chiến làm theo kiểu chữ nhất là một nét ngang. Hồi ấy, tôi chưa từng vào chùa nên không rõ bên trong sắp đặt như thế nào.
Chùa mới xây theo chữ công. Mặt tiền, giữa là đường đi vào chánh điện, bên phải là chuông, bên trái là trống. Nói theo chữ Nho cho “gồ ghề” một chút thì bên phải là “Chuông Bạch ngọc”. Dĩ nhiên, bên kia là “Trống Lôi âm”. Phía trong là điện thờ Phật. Tượng phật Thích Ca ngồi trên cao, có hào quang, là cửa kính tròn ngay sau đầu tượng phật. Hai bên điện là hai phòng nhỏ, một phòng là chỗ nghỉ của thầy trú trì, phòng bên kia chứa vài dụng cụ vặt vãnh của chùa.
Nhiệm vụ chính của chú tiểu là đánh chuông mỗi sáng, mỗi chiều, hầu hạ thầy trú trì và học kinh, học chữ Nho thì đúng hơn. Chú Sung có cuốn Tam Tự Kinh đã cũ, mỗi tối chú Sung dạy cho chú tiểu Hòa mấy chữ. Chú tiểu Hòa hy vọng, ít lâu chú sẽ đọc được kinh Phật, kinh viết bằng chữ Nho.
Buổi sáng, trời chưa sáng, mùa hạ hay mùa đông cũng vậy, chú tiểu lo dậy đánh chuông sớm. Buổi sáng. hễ khi chú tiểu Hòa chấm dứt 108 tiếng chuông là trời sáng rõ mặt người. Buổi tối cũng vậy, khi trời chạng vạng là chuông bắt đầu. Khi 108 tiếng chuông chấm dứt là trời tối hẵn. Thế là với 108 tiếng chuông ấy, chú tiểu Hòa mở xong 108 cửa địa ngục để ma quỉ được lên dương gian. Khi đêm về, dương gian cũng đi vào cõi âm như dưới âm phủ vậy. Buổi sáng, 108 tiếng chuông của chú tiểu Hòa đóng 108 cửa ngục lại. Ban ngày thì dương gian trở về cõi dương nên cửa ngục thuộc cõi âm phải đóng lại.
Khu vực nhà tôi ở cũng như chùa Tỉnh Hội không có điện. Nhà máy điện do Tây xây dựng đã bị tiêu thổ kháng chiến khi Việt Minh cướp chính quyền. Nhà tôi cũng không có đồng hồ.
Chỉ trừ mấy tháng hè, hễ khi tựu rường rồi thì mỗi tối, khi nghe chuông chùa vừa đánh, mẹ tôi gọi chúng tôi: “Vô học bài.” Vậy là mấy anh em chúng tôi vào ngồi chung quanh bàn, sau khi đã thắp ngọn đèn bát lên. Đèn nầy có bọng dầu hôi, - quê tôi gọi là dầu hỏa, - to như cái bát nên gọi là đèn bát. Ngoài Bắc gọi là đèn Hoa Kỳ (1). Vậy rồi chúng tôi ê-a học bài, đến khi thuộc bài mẹ tôi mới cho nghỉ.
Buổi sáng cũng vậy, hễ khi nghe bên chùa đổ chuông là mẹ tôi gọi: “Dậy học bài.” Chúng tôi phải ôn bài trước khi ăn chén cháo đi học.
Mùa đông, đang ngủ ngon trong chăn ấm, nghe mẹ gọi dậy học bài là nản lắm, nhưng không dậy cũng không được, sợ bị mẹ rầy. Chúng tôi ngồi bỏ chân lên ghế, gọi là ngồi kiểu nước lụt hay ngồi chò hõ cho đỡ lạnh.
Tuy vậy, nghĩ tới cảnh chú tiểu Hòa mỗi sáng dậy sớm đi đánh chuông mới thấy tội nghiệp hơn.
Chú tiểu không có áo lạnh, mùa đông, cũng như mùa hè, chú chỉ có chiếc áo nâu vải to. Khi giặt áo nâu chú mặc cái áo sơ mi cũ, vá nhiều chỗ. Chú thức dậy, ra khỏi chiếu. Trời mùa đông lạnh lắm. Gió Bấc thổi vi vút trên hàng dương liễu trước sân chùa, bên bờ sông Thạch Hãn. Chú tiểu Hòa lặng lẽ mở cửa chái bếp, đi qua cái sân trống giữa nhà trai và chánh điện. Gió lồng lộng thổi. Chú co mình lại trong cái áo mỏng cho đỡ lạnh. Rồi chú mở cửa hông bên chánh điện, cố giữ cho thật nhẹ, không gây một tiếng động nào để khỏi làm mất giấc ngủ của sư phụ. Chú đi ra phía trước, chỗ có cái chuông đồng treo trên cái giá làm bằng gỗ mít, trên đầu giá chạm hình hai con rồng, chân giá là bốn con qui. Ấy là hình mấy con vật gọi là tứ linh (Long lân qui phượng). Chú ngồi bệt xuống nền chùa bằng ximăng lạnh. Ngồi một chút sẽ ấm. - Chú từng nói với tôi như thế -. Không khí trong chánh điện lúc đó cũng lạnh. Trên bàn thờ Phật leo lét ngọn đèn dầu, làm cho không khí tuồng như lạnh thêm. Tượng Phật cũng ngồi im, không nhúc nhích. Có lẽ Phật cũng lạnh vì Phật chỉ có tấm vải vắt ngang vai.
Rồi chú chồm tới chỗ thanh gỗ ngang nối hai chân giá chuông, ở khoảng dưới miệng chuông đồng, lấy cây vồ gỗ nặng ra. - Nặng là so với tuổi của chú. - Xong, chú rán sức một chút, đưa vồ lên, đánh đầu vồ vào chỗ tròn, hơi cộm lên trên mặt chuông. Chỗ ấy là chỗ cho vồ gỗ đánh vào. Đánh trúng vào chỗ ấy, tiếng kêu mới to. Đánh trật, tiếng chuông nhỏ đi, thầy trú trì biết ngay và thế nào chú cũng bị rầy. Cũng dễ thấy cái chỗ cồm tròn trên mặt chuông, chỗ ấy bị đánh lâu ngày đã bóng lên, phản chiếu ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn leo lét trên bàn thờ Phật.
Mỗi khi đánh xong một tiếng, chú đưa tay kéo một thẻ tre được xâu vào sợi giây kẽm treo nối liền hai chân cái giá chuông. Cái thẻ được kéo từ phía nầy qua phía kia. Trong khi chờ đợi cho tiếng chuông ngân nga dứt hẵn, chú tiểu Hòa dựa lưng vào tường. Tường cũng lạnh nhưng chú thấy đỡ mệt đi một chút. Chú cố lắng nghe. Khi tiếng ngân dứt hẵn, chú lại cầm vồ lên. Qua ánh đèn leo lét trên chánh điện, chú nhìn vào mặt chuông, đánh một tiếng khác, kéo thêm một thẻ tre, rồi chú dựa lưng vào tường nghỉ.
Có 108 cái thẻ tre như vậy. Trước và sau khi đánh 108 tiếng chuông, chú tiểu Hòa đánh một hồi chuông dài để mở đầu hay chấm dứt “công phu” sớm tốì. Khi chú tiểu Hòa kéo hết tất cả những thẻ tre đó về một phía, coi như chú đã đánh đủ, chấm dứt hồi chuông công phu sớm hay chiều.
Thế rồi một buổi sáng mùa đông, trời lạnh lắm. Chúng tôi đang ngồi học bài, chuông đang đánh từng tiếng rời rạc thì bỗng dứt hẵn, không nghe chuông nữa. Chờ một lúc lâu chúng tôi cũng không nghe tiếng chuông đánh tiếp. Mẹ tôi nói: “Chú tiểu ngủ gục, quên đánh chuông rồi.” Nghe hai tiếng ngủ gục, liên tưởng đến mấy đứa bạn hay ngủ gục trong lớp, bị thầy giáo phạt quì, tôi thấy buồn cười, thấy tôi nghiệp cho chú tiểu Hòa. Thế nào ngày mai chú tiểu cũng bị thầy trú trì rầy, có khi còn bị đánh đòn nữa không chừng.
Chú tiểu Hòa đâu có ngủ gục! Chú bị ho suốt tuần nay, có lẽ vì trời lạnh. Đang đánh chuông thì chú tiểu bị cơn ho dài và dữ dội. Chú tiểu gục xuống và bất tỉnh bên cạnh cái giá chuông. Sáng ra, khi chú tiểu đã tỉnh, thầy trú trì nhờ người chở xe đạp đưa chú lên bệnh viện. Thấy chú tiểu cố ngồi cho vững sau cái “bóc ba-ga” (porte bagage) ai thấy cũng thương tình.
Cuối năm đó, chú tiểu Hòa được vào tu ở Huế, theo chân chú Sung, sau khi chú Sung đi trước, khoảng nửa năm.
&
Thấm thoát vậy mà mười năm trôi qua. Bấy giờ tôi đã làm thầy giáo. Tôi thuê nhà ở với vợ và đứa con nhỏ gần cầu Tiệm Rượu (Sica), sau nầy gọi là cầu Phú Cam. Người bạn cùng dạy một trường với tôi nhà ở Bến Ngự, phía chợ. Mỗi ngày tôi chạy xe vélô tới đón anh cùng đến trường. Chiều, chúng tôi cũng cùng về với nhau.
Con đường chúng tôi đi về mỗi ngày là đường Trưng Trắc, đường phía sau Bệnh Viện Trung Ương Huế, đi ngang nhà xác. Đối diện với nhà xác, bên kia đường là khu biệt lập, thời Tây gọi là khu isolé. Khu biệt lập gồm một căn nhà trệt gần đường, có viết chữ Lê Đình Dương (2) ở đầu hồi quay ra mặt đường nên ai đi ngoài đường cũng dễ thấy. Đó là phòng chữa mắt. Phía trong là một ngôi nhà lầu một tầng khá lớn. Nhà nầy rất đông bệnh nhân, phần đông bị tứ chứng nan y, đã khó trị mà còn dễ lây nên bệnh nhân phải sống cách biệt. Bệnh nhân không được đi ra ngoài vòng rào.
Mỗi năm đến ngày lễ Phật Đản hay Chúa Giáng Sinh ngôi nhà biệt lập nầy thường tổ chức trang trọng, treo đèn, treo cờ và biểu ngữ ngay cửa chính. Có một năm lễ Giáng Sinh, họ còn căng biểu ngữ ngang đường với mấy chữ viết khá đẹp, “Chào Mừng Quan Khách.” Tôi nói đùa với người bạn đồng nghiệp:
- “Quan khách nào đến thăm mấy bệnh nhân nầy chắc cũng gồng mình ghê lắm!”
Anh bạn tôi cười:
- “Cũng phải có người biết nghĩ tới họ chớ!”
Tôi nói:
- “Không hiểu sao mấy người bệnh nầy, gần chết rồi mà làm lễ lớn vậy?”
- “Cậu còn trẻ” - Anh ấy nói, “Cậu thấy cái chết còn xa. Họ khác, họ thấy cái chết gần hơn nên lo cho đời sau. Họ hy vọng được Phật hay Chúa cứu vớt họ ở đời sau.”
- “Đời nay đã đau đớn vậy. Không lý vì chính Chúa Phật tự thấy gây nên bệnh cho họ nên Chúa Phật mới lo giúp cho đời sau. Chết là hết. Còn đời sau đời trước gì.” Tôi nói.
- “Cậu khác, người sắp qua đời nghĩ khác. Cậu không hiểu được họ.” Bạn tôi nói.
Thế rồi môt lần tôi gặp chú tiểu Hòa đang đứng phía trong hàng rào. Gọi là chú Hòa đúng hơn. Bây giờ chú còn nhỏ nhoi gì nữa mà gọi là chú tiểu. Thấy tôi đi ngang, chú gọi tên tôi. Tôi dừng xe lại, nhìn chú, rồi hỏi.
- “Chú Hòa phải không? Sao chú ở đây?”
- “Tui bị bệnh. Tui xin chùa cho về đây!” Chú Hòa trả lời.
- “Bệnh gì?” Tôi hỏi.
- “Bệnh lao!”. Chú trả lời, yếu ớt.
Sau khi rời chùa Tỉnh Hội, chú vào tu một chùa ở phía tây nam thành phố Huế rồi bị bệnh lao cho tới bây giờ. Khi chú vô bệnh viện thì bệnh lao của chú đã tới thời kỳ thứ ba. Tôi có đánh liều vô thăm chú một lần. Chú vẫn còn hy vọng chú qua khỏi nhưng theo một người bà con làm y tá ở đó, thì bệnh chú đã nặng lắm. Bệnh lao đã mười năm nay mà không biết để trị cho sớm.
Tôi nhớ tới những mùa đông giá buốt khi chú còn nhỏ tu ở chùa Tỉnh Hội. Chú đã ốm yếu gầy gò mà chỉ phong phanh cái áo nâu mỏng, tối ngủ chỉ có chiếc chiếu làm chăn đắp.
Nghĩ tới người cha chú tiểu chết vì bệnh lao, tôi hỏi người y tá tôi quen:
- “Liệu bệnh lao có di truyền không?”
- “Tôi không nghĩ như thế, nhưng bệnh lao rất dễ lây.”
- “Cha con thì sao?” Tôi hỏi.
- “Ở chung trong một nhà càng dễ lây hơn!” Anh ấy trả lời.
Tôi lại đem chuyện ấy nói với người bạn đồng nghiệp:
- “Phật Chúa không cứu được chú tiểu Hòa!”
- “Cứu được hay không là do lòng tin của tín đồ. Cậu không tin Chúa, không tin Phật thì Phật Chúa nào cứu được người của cậu!” Người bạn đồng nghiệp nói với vẻ phê phán tôi.
- “Nói thật với anh, tui tin ở Tạo Hóa. Tạo Hóa nhiệm mầu. Nhưng bảo tôi Phật Chúa là Tạo Hóa, làm ra mọi sự, tạo nên mọi sự, cứu giúp mọi sự thì tui không tin. Chúa là kết tinh của văn minh Địa Trung Hải, cũng như Phật là kết tinh của văn minh Ấn Độ. Mỗi nền văn minh của nhân loại tạo ra mỗi bậc thánh nhân, giống như đức Khổng Tử của văn minh Trung Hoa vậy. Cho nên các ông thánh đó chỉ có thể dạy người mà không cứu được người. Sinh lão bệnh tử thì đành chịu, ai cứu được ai ngoài mấy ông… bác sĩ. Ngoài ra, sự sống và sự chết đều là tình cờ. Ví dụ chú tiểu Hòa chẳng hạn. Tình cờ chú sinh ra trong cái gia đình đó, tình cờ đi tu, tình cờ bị bệnh, rồi tình cờ chú chết. Sống là do ở Tạo Hóa, chết là do ở Tạo Hóa. Ông Phật, ông Chúa khi tới lúc chết, cũng đành chịu chết. Họ chưa cứu được họ, làm sao cứu được chú tiểu Hòa… của tui.” Tôi nói, một hơi.
Người bạn tôi trả lời gay gắt:
- “Nhưng cậu phải nghĩ tới Bác ái của Chúa, Từ bi của Phật chứ!”
- “Có chứ!” Tôi nói, sôi nổi hơn. “Bác ái Công giáo” là vĩ đại. Từ bi cũng vĩ đại. Nói chung, cái vĩ đại của nhân loại chính là lòng Nhân ái của nhân loại. Không có nhân ái thì nhân loại nầy chẳng là cái gì cả! Tuy nhiên, người ta vẫn cứ nhân danh cái nhân ái của mình mà giết chóc những người khác tôn giáo.”
Người bạn tôi ôn tồn hơn:
- “Chú Hòa ở trong nhà thương lao. Cậu có thấy các bà xơ hy sinh đời họ cho các bệnh nhân trong đó không!”
- “Biết chớ! Dạy về Hàn Mặc Tử cho học trò, không lý tôi không nói tới các bà xơ trong trại cùi Qui Hòa. Về văn chương, tui giảng bài tới đó là hết. Anh dạy triết, anh phải phân tích sâu xa hơn nữa chứ! Triết học mà!” Tôi nói.
- “Sâu xa hơn cái gì?” Anh ấy hỏi.
- “Sâu xa hơn là như đặt câu hỏi tại sao các bà xơ hy sinh như thế? Họ hy sinh cuộc đời nầy để mong cầu gì ở cuộc đời sau. Đâu có phải họ vào đó hy sinh mạng sống mà không nghĩ tới gì cho riêng họ. Anh không nhớ câu của Larochefoucaut anh em mình dạy cho học trò à? “Mọi việc thiện đều do lòng ích kỷ như mọi con sông đều chảy ra biển.” Tôi nói tiếp.
- “Câu đó chỉ đúng tương đối thôi. Larochefoucaut bi quan.”
- “Vâng, tương đối. Đó là thuyết của Eistein, phải không?”
Hình như người bạn đồng nghiệp không muốn tranh cải với tôi nữa, có lẽ anh ấy cho tôi là người cực đoan, nhìn tôn giáo một cách phiến diện. Tuy nhiên, khi anh ấy nói với tôi câu sau đây, tôi thấy anh sâu sắc hơn tôi nhiều:
- “Cậu có biết căn bản của bác ái hay từ bi là cái gì không?”
Suy nghĩ một lúc, tôi nói “Chịu”
- “Là vị tha. Người ta làm việc thiện mà thiếu vị tha nên mới bị Larochefoucaut phê phán như thế.”
Tôi cố cải:
- “Vị tha thì mình đâu còn là mình nữa. Mình đem mình mà cho người khác mất rồi. Cho rồi thì đâu cần thiên đường hay niết bàn cho mình mà cho người khác chứ.”
- “Cậu thấy triết học rắc rối chưa? Nói mãi cũng không cùng.” Anh ấy giải thích.
- “Tôi hỏi anh.” Tôi nói: “Tu Đại thừa mới vị tha chớ tu Tiểu thừa thì vị tha cái gì?”
- “Rơi vô đó lại rắc rối nữa. Bữa nào rảnh, bọn mình lên chùa chơi.” Anh ấy nói.
Gọi là “lên chùa chơi”, nhưng tôi biết là anh ấy muốn chúng tôi lên tranh luận với một ông sư nào đó cho ra lẽ. Trên chùa Từ Đàm, có một số chú là học trò của anh ấy và tôi. Qua mấy chú, chúng tôi sẽ được nói chuyện với một đại đức hay thượng tọa nào đó, giỏi Phật pháp hơn.
Mấy tháng sau, tôi về quê thăm mẹ. Tôi kể cho mẹ tôi nghe việc tôi gặp chú tiểu Hòa ở nhà thương lao. Nghe xong, mẹ tôi nói:
- “Mấy bựa (bữa) trước dì Thuận ghé thăm. Dì đi Huế thăm con. Thằng Hòa chết đem về chôn ở chùa rồi!
Hoàng Long Hải
(1) Vua dầu lửa Rockefeller muốn bán dầu, bèn làm đèn mà phát không cho người Tầu. Người có đèn đổ dầu vô mà thắp đèn lên. Người Tầu chỉ việc mua dầu cũng đủ làm cho ông vua dầu lửa đã giàu lại giàu thêm. Từ Hoa Nam, ngọn đèn dầu nầy tràn xuống Bắc Việt nên người Bắc gọi cây đèn Rockefeller phát không là đèn Hoa Kỳ.
(2) Ông Lê Đình Dương sinh năm 1894, quê ở Quảng Nam, con án sát Lê Đình Đỉnh. Bào đệ là bác sĩ Lê Đình Thám. Lúc nhỏ theo Nho học, sau theo Tây học, tốt nghiệp Y Sĩ Đông Đương năm 1915, về làm việc tại quê nhà. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân, bị án tử hình, sau giảm thành 20 năm khổ sai biệt xứ, đày lên Ban Mê Thuột. Năm 1919, ông tự tử chết, lúc mới 26 tuổi, để lại vợ và một con gái.
Thời chính phủ Trần Trọng Kim, bệnh viện chữa mắt Albert Sarraut được đổi tên thành Lê Đình Dương.
Ông mất hai năm thì được cải táng về quê nhà, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1979 huyện Điện Bàn cho đào kinh qua khu mộ của ông nên nay mộ đã thất lạc!
Hoàng Long Hải