Người Mỹ lập quốc sau những trận thư hùng cát chạy, đá bay với người Da Đỏ. Lập nên nước Mỹ rồi thì chọn con chim Ó (bald eagle), mắt trừng mỏ quặm làm quốc điểu. Chọn cây Sồi (oak) cành lá lúc nào cũng có vẻ như cằn cỗi, quăn queo, khô quắp làm quốc mộc. Khi ánh sáng đến từ phía chân trời xa xa trước mắt không tươi vui an lạc thì làm sao cái bóng thực tại hứa hẹn được một nụ cười tươi.
Phải chăng vì tự trong thâm sâu của dòng sống, người Mỹ – một tổng hợp đủ mọi nhóm chủng tộc trên thế giới – có chung một nghiệp lực là không thỏa hiệp với hoàn cảnh xuất thân nên phải cất công vượt biển, băng rừng đi tìm một suối nguồn hạnh phúc khác lạ, mới mẻ hơn nơi miền Tân Thế Giới?! Bản chất của sự tìm tòi thường mang sẵn hạt giống không thỏa mãn. Bởi vậy, xã hội Hoa Kỳ được xem là có nhiều tiền bạc và của cải hàng đầu thế giới nhưng cũng là một xã hội làm việc tất bật, mãi mê tìm kiếm một nếp sống hạnh phúc mà có thể suốt đời chỉ thấy treo xa tắp ở cuối đường hầm mơ ước.
Suốt hơn 300 năm lịch sử, có không ít người Mỹ, nhất là người Mỹ cao niên trong thế kỷ nầy, thường biểu hiện một điệu sống cô đơn và nghèo khó – có tiền đầy ắp ở các trương mục ngân hàng mà vẫn cứ nghèo xác rác, xơ rơ!– Lắm khi, người có nhiều tiền lại sống nghèo nàn; trong khi người không tiền mà vẫn sống đời giàu có. Con người có bom nguyên tử trong tay nhưng lại yếu đuối vô cùng vì càng làm chủ vật chất con người càng dễ biến thành nạn nhân của sự mất mác; càng làm chủ bom nguyên tử, con người càng cảm thấy thân phận bọt bèo của mình gần với cái chết và sự hủy diệt hơn bao giờ hết.
Người ta chỉ cảm thấy mạnh mẽ và bớt cô đơn khi đang sống thật sự và sung sướng; đùa vui thưởng thức cuộc sống đó bằng chất liệu tuyệt vời và vô giá của đất trời. Sáng mai, say sưa nhìn một tia nắng đẹp như nhấp chén trà thơm; ban trưa nghỉ một chút an lành như tới miền lạc thú; buổi tối sống hòa ái với đêm về như nghe lời hát ngọt ngào của tạo vật... là những điều kiện “ắt có” để sống đời đại phú!
Chất lượng và niềm vui trong cuộc sống là thước đo ý nghĩa của cuộc đời. Alan Watts trong “Hãy Trở Thành Chính Bạn” (Become What You Are) thì cho rằng, hình ảnh của một Người-Nghèo-Nhiều-Tiền là không cảm thấy thoải mái hòa điệu hoàn toàn với con người và cuộc đời chung quanh. Họ nghèo bè bạn vì thích làm ông chủ tuyệt đối, không dễ dàng chấp nhận sự khác biệt và đối thoại. Cho nên thà làm bạn với chó, mèo, chim, chuột... ngoan ngoãn – những đối thể không nói cùng ngôn ngữ với họ để tránh tranh biện lôi thôi – vẫn còn thú vị hơn sống cạnh tha nhân để phải bực mình tranh cãi chuyện thời thế, chính trị, tôn giáo với những đầu óc bảo thủ, vọng ngữ và cực đoan chung quanh. Đồng thời, kẻ nhiều tiền của mà vẫn nghèo xơ rơ đó chỉ muốn dính mắc vào ngôi vị chủ tể mà chẳng bao giờ biết buông xả. Họ có khuynh hướng ở ẩn để làm kẻ “tuẫn đạo” một mình trong lâu đài vật chất và tâm tư đầy trói buộc của chính họ.
Xã hội phương Tây mỗi ngày một giàu có. Nhưng niềm vui trong cuộc sống mỗi ngày một nghèo. Căn nhà trị giá hàng triệu đô la trên đồi lại trở thành nhỏ hẹp và khó khăn hơn để ngữa lòng đón bạn như căn nhà nhỏ thuê mướn ngày xưa. Chiếc xe lộng lẫy mua hàng trăm nghìn đô la lại đóng cửa chặt hơn và rất ít khi sẵn sàng đón bạn lên đường như chiếc xe cũ kỹ của những năm về trước.
Cách mạng khoa học kỹ thuật của thế kỷ 20 giúp đưa con người lên vũ trụ và nối kết những vùng đất xa xăm của địa cầu thành một ngôi làng nhỏ; nhưng cũng dựng nên tâm lý lấn lướt chiếm hữu, lấy thịt đè người với biểu tượng“văn hóa Football.” Càng xông xáo vào cuộc sống bon chen, tâm hồn con người càng trở nên lạnh lùng sắt đá, cạnh tranh quyết liệt, nên ngày càng thiếu vắng và hiu hắt nụ cười.
Sự nóng bỏng đầy dương tính của văn hóa phương Tây bỗng dịu lại khi tiếp xúc với nền văn hóa tĩnh lặng và trầm tư của phương Đông; nhất là nền văn hóa Phật giáo.
Khi con người trong xã hội kỹ nghệ Âu Mỹ mang tâm lý bão nỗi và trở nên khủng hoảng, họ sẽ cảm thấy yếu đuối và tha thiết cần một chỗ dựa. Nhưng biết dựa vào ai? Tôn giáo truyền thống dạy cho họ đức tin dựa vào Thượng Đế toàn năng quá mênh mông và cao viễn. Triết học duy lý truyền thống và hiện sinh về sau lại gieo tâm lý hoài nghi chính mình và tha nhân vì mình là người xa lạ với chính mình (Camus) và tha nhân là địa ngục (Sartre). Đạo Phật đến, mang theo một luồng gió mới. Đó là tư tưởng giải phóng thần quyền. Đạo Phật vực con người đứng dậy trên chính hai chân của mình để đẩy lùi bóng tối mênh mông của tâm thức ỷ lại. Đạo Phật thuyết phục con người chối bỏ sự dính mắc và tôn sùng thế giới vật chất chung quanh đang trói buộc kiếp người.
Và, quan trọng nhất là đạo Phật đã đem đến cho xã hội Âu Mỹ nụ cười – Nụ Cười Di Lặc không phê phán khen chê – mà con người trong một xã hội nóng bỏng cạnh tranh đang khao khát. Biểu tượng cho hạnh phúc và an lạc là nụ cười của Phật Di Lặc mà người Mỹ gọi một cách đầy tính dân gian gần gũi là ông Phật Vui Sướng, ông Phật Hạnh Phúc (Happy Buddha) hay ông Phật Cười (Laughing Buddha). Ông Phật là tánh mà nụ cười là tướng. Tánh Phật là Vui mà tướng Phật là Cười! Kể từ sau cuộc chiến Việt Nam, kỹ nghệ “ông Phật Cười” ở Hoa Kỳ nở rộ. Đấy là sự xuất hiện tượng đài, tranh vẽ, sách báo, mạng lưới truyền thông đủ loại hình ảnh của ông Phật Cười, ông Phật Vui Sướng, ông Phật Hạnh Phúc... Nét cười có khi chỉ là một cái tượng Di Lặc nhỏ bằng ngón tay treo lủng lẳng trong xe cho đến những bức tượng lớn đặt bên cạnh các thác nước của các hòn non bộ. Mở đầu thiên niên kỷ 21“Y2K”, trong nghệ thuật trang trí nhà cửa, tượng Phật Thích Ca ngồi tham thiền nhập định như biểu tượng cho một sự tĩnh lặng an lạc đặt ở vườn sau và tượng Phật Di Lặc cười biểu tượng cho vui sướng, hạnh phúc đặt ở vườn trước trở thành một cái “mốt”mang tính hài hòa giữa nhân sinh và triết lý; một triết lý sống cứu khổ mua vui để tìm về với chính mình đang bị lãng quên.
Tác giả của 18 cuốn sách thuộc hàng “Best seller” và được tạp chí thời danh Forbes liệt vào một trong 50 nhà tư tưởng lớn nhất hoàn cầu về lĩnh vực thương mãi trong thế kỷ nầy, đó là tiến sĩ Marshall Goldsmith. Ông ta đã theo Phật giáo trong suốt 30 năm qua. Ông dựng những trung tâm Thiền học ở Mỹ và nhiều quốc gia lân cận. Trong rừng thiền tu tập hàng ngày của Phật giáo, anh Mỹ trắng Marshall mang tâm trạng giải thoát nầy luôn luôn hớn hở nói rằng, mọi hành giả đang cất bước đi tìm hạnh phúc chỉ cần nhớ và thực hành 3 chữ, ba chữ mà thôi nhé: “Be Happy Now!” (hỷ lạc hiện tiền – Vui Lên Nào!) là đủ. Goldsmith nói rằng, ông đến với Phật giáo vì bị chinh phục bởi tinh thần hỷ xả, cuốn hút bởi nụ cười Di Lặc, và cảm nhận được nguồn hạnh phúc vì kinh nghiệm thực tiễn cho biết rằng, mọi rắc rối của thương trường rồi cũng giản đơn và an tịnh sau ngưỡng cửa thiền môn. Hãy để cho đạo Phật đi vào cuộc đời; đừng để cho cuộc đời đi vào đạo Phật. Để đạo Phật an lạc đi vào cuộc đời thì cuộc đời sẽ được hóa giải, mua vui. Ngược lại, để cuộc đời bon chen xâm lấn vào Đạo Phật thì đạo Phật sẽ bị ô nhiễm và thiền môn sẽ trở thành bất tịnh.
Không có sự mâu thuẫn giữa Phật pháp và cuộc đời hiện thực vì đức Phật đã từng xác định rằng, “vạn pháp giai thị phật pháp” (phật không viết hoa). Nghĩa là mọi vật và mọi sự vật giữa đời nầy đều là phật pháp vì tính phật là tính thật. Đức Phật giác ngộ qua phương tiện thiền định Thích Ca Mâu Ni; đức Phật đạt đạo bằng phương tiện nụ cười muôn thuở Di Lặc và hằng hà sa số chư Phật cũng như mọi loài và mọi vật đều có “tính thật tức là tính Phật” như nhau. Có khác nhau chăng là trên cuộc hành trình tìm ra một con đường lợi lạc để đi, người ta có can đảm truy tìm “tính thật” để theo đuổi đến kỳ cùng hay nửa đường buông tay để cho “tính giả” làm chủ lôi đi.
Giới chuyên gia và trí thức Mỹ tìm đến đạo Phật bằng đôi hài bảy dặm của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Họ không tìm đến đạo Phật bằng hình thức thờ cúng lễ bái mà tìm đền với đầu óc, tinh thần học thuật. So với lịch sử Phật giáo phương Đông, đa số người Âu Mỹ đến với đạo Phật quá muộn màng sau một quá trình dài liên tục thu thập và đào thải những hệ thống lý thuyết tâm linh, những triết lý tâm vật trùng trùng, những tín điều chân tín và mê tín từ thời thái cổ đến thế kỷ 20. Họ đến muộn nhưng bằng những bước đi vững chãi của phương pháp luận khoa học ứng dụng. Điển hình như trong ngành y khoa tâm lý trị liệu (psychotherapy), những chuyên viên y khoa tâm lý trị liệu Mỹ đã “tập đại thành” ý nghĩa nụ cười Di Lặc thành một tài liệu giáo khoa y khoa dưới tiêu đề “Cẩm Nang Tâm lý Trị Liệu Theo Phương Pháp Phật Di Lạc Dành Cho Thế Giới Phương Tây” (Happy’s Buddha Hoslistic Counseling Manual for People of the Western World). Mở đầu tài liệu nầy là một câu xác định đầy... hấp dẫn như sau:
“Tại sao Ông Phật lại vui sướng nhỉ?!”
“Vì chẳng giống như người thường – những kẻ chưa giác ngộ (unlightened person) – chỉ hiểu mọi điều qua đầu óc phân tích và lý luận chật chội của riêng mình, Ông Phật (bậc giác ngộ “Enlightened One”) hiểu bằng trí huệ toàn giác. Đấy là sự mở toang mọi cánh cửa phân tích, lý luận, trực giác, siêu hình... để tiến thẳng vào tánh thật và tướng thật của vạn pháp thường hằng rỗng lặng, giản đơn không còn biên giới phân chia sướng khổ, vui buồn, yêu ghét nên Ông Phật cười! Đấy là nụ cười của bậc giác ngộ đã hiểu rõ hết chân tướng của vạn vật, vạn sự; hiểu được ngọn nguồn gây khổ đau và con đường đoạn diệt phiền muộn khổ đau. Ta và người đều hiện ra bằng chân tướng không che dấu, thấy nhau và biết nhau trong mối tương quan không có chỗ ẩn núp cho ta và cả cho người. Vì vậy, Chủ Thể và Đối Thể đã hoà quyện với nhau trong toàn vũ trụ nầy. Cái Tiểu Ngã hòa mình vào Đại Ngã khiến tâm không phân biệt. Tất cả là hòa ái, tất cả là niềm vui, tất cả là nụ cười hỷ xả.”
Bên tách trà Xuân đầy đạo vị, nhớ làm chi chuyện cũ đã qua; băn khoăn làm chi chuyện đời chưa tới. Đổi cả không gian vô biên và thời gian vô tận để lấy một nụ cười. Quên hết! Chỉ nhớ trong một thoáng, và một thoáng là thiên thu, cái triết lý cao viễn nhất chỉ có 3 chữ: Vui Lên Nào! Be Happy Now! Hỷ Lạc Hiện Tiền! Đấy là Bờ Giác bên kia, là trái tim Bát Nhã, là nụ cười Di Lặc... đang có trong ta, sao lại cứ chạy quanh hoài, mãi miết đi tìm nơi đâu cho gặp?!
- Trần Kiêm Đoàn
- Sparks, Nevada, ngày Black Friday 2007