Ý Nghĩa Vu Lan

.
image
..Đức Phật cho biết dưới mắt phàm phu, đống xương khô vô nghĩa, không có giá trị gì. Nhưng theo tuệ nhãn của Phật quán sát thì trong đống xương khô tiêu biểu cho một xã hội của người chết, có mối tương quan tương duyên mật thiết với chúng ta, những người đang sống.

...Ngày nay, trong cuộc sống thực tế đời thường, chúng ta thấy có nhiều người mẹ thương con đến mức không kể gì thân mạng mình, dám làm cả những việc ác độc, sai trái để nuôi con hoặc để cho con được sống sung sướng. Và kết cuộc, người mẹ đáng tội nghiệp ấy phải chịu cảnh tù tội, có khác gì đọa địa ngục đâu.

Có thể nói ý Phật dạy về tinh thần báo hiếu qua việc Ngài lễ lạy đống xương khô bên vệ đường, để nhắc nhở chúng ta tu hành nên sanh tâm kính trọng người khác. Tâm kính trọng thương yêu mọi người như người thân của mình rõ ràng là tâm cao thượng mà người con Phật cần gieo trồng và thể hiện trong cuộc sống.


Ý Nghĩa Vu Lan 

HT Thích Trí Quảng

Ngày Vu Lan báo hiếu gợi cho chúng ta nhớ đến hình ảnh thật cảm động của Đức Phật được ghi trong kinh Báo phụ mẫu ân. Một hôm, Ngài cùng Thánh chúng đang đi du hóa thì gặp một đống xương khô bên vệ đường, Đức Phật sụp xuống lạy đống xương khô ấy. A Nan rất ngạc nhiên vì Đức Phật là đấng tối tôn của Trời, người, không hiểu lý do gì mà Ngài phải lạy đống xương khô vô danh như vậy.

Đức Phật cho biết dưới mắt phàm phu, đống xương khô vô nghĩa, không có giá trị gì. Nhưng theo tuệ nhãn của Phật quán sát thì trong đống xương khô tiêu biểu cho một xã hội của người chết, có mối tương quan tương duyên mật thiết với chúng ta, những người đang sống.

Thật vậy, theo vòng quay của sanh tử luân hồi vô tận, chúng ta đã từng thay hình đổi dạng không ngừng; thay nhau làm cha mẹ, ông bà, vợ chồng, con cái, bạn bè, thân thù... đủ thứ cách mà chúng ta vì vô minh nên không hề nhớ, không hề biết.

Trong mối tương quan tương duyên vô hình ràng buộc từ trong nhiều kiếp như vậy, mối tình thân thương của cha mẹ đối với chúng ta có thể nói rất là thâm sâu; đặc biệt là tình thương cao cả của người mẹ đối với con. Đức Phật chỉ cho thấy tình thâm cốt nhục của người mẹ đối với con cái được khắc sâu đến tận xương tủy, đến khi chết, thân xác đã bị thiêu đốt mà còn để lại dấu vết trên xương. Đức Phật dạy cách phân biệt để biết xương của người chết thuộc nam giới hay nữ giới; xương của người đàn bà thì đen và nhẹ; xương của người đàn ông thì trắng và nặng.

Ngày nay, chúng ta thấy hiểu biết ấy của Đức Phật rất chính xác theo khoa học. Với tuệ giác vô thượng, Ngài đã biết trước những điều mà cả ngàn năm sau khoa học mới chứng minh được. Lúc mang thai cũng như khi cho con bú, số lượng calci của người mẹ bị hao hụt rất nhiều vì đã được sử dụng để cấu tạo xương cho đứa con và tạo thành sữa cho con bú. Trải qua nhiều năm tháng sanh đẻ, nuôi con, đến khi tuổi lớn, người đàn bà lại mất thêm lượng calci rất nhiều do mất nội tiết tố của nữ giới. Vì vậy, xương của người đàn bà ít calci hoặc không còn calci, trở thành rỗng, nên nhẹ hơn xương đàn ông.

Từ góc độ thấy theo tuệ giác của Phật và Thánh chúng, chúng ta nhìn xa trong kiếp sanh tử luân hồi, nhiều đời đã từng thay nhau làm cha mẹ. Vì vậy, khi chúng ta nhìn trở lại xã hội mình đang sống, thấy được mọi người đều có quan hệ mật thiết với nhau, ai cũng có thể là cha mẹ, bà con thân thương của ta. Từ đó, chúng ta sanh tâm kính trọng những người xung quanh như cha mẹ. Chẳng những với mọi người mà cả đối với mọi loài chúng sanh trong tứ sanh lục đạo, chúng ta cũng kính trọng được. Điển hình như Ngài Mục Kiền Liên nhìn bà Thanh Đề là ngạ quỷ cũng vẫn thấy là mẹ của Ngài, tức chúng sanh ở trong ba đường ác mà vẫn thấy là mẹ. Ngày nay, trong cuộc sống thực tế đời thường, chúng ta thấy có nhiều người mẹ thương con đến mức không kể gì thân mạng mình, dám làm cả những việc ác độc, sai trái để nuôi con hoặc để cho con được sống sung sướng. Và kết cuộc, người mẹ đáng tội nghiệp ấy phải chịu cảnh tù tội, có khác gì đọa địa ngục đâu.

Có thể nói ý Phật dạy về tinh thần báo hiếu qua việc Ngài lễ lạy đống xương khô bên vệ đường, để nhắc nhở chúng ta tu hành nên sanh tâm kính trọng người khác. Tâm kính trọng thương yêu mọi người như người thân của mình rõ ràng là tâm cao thượng mà người con Phật cần gieo trồng và thể hiện trong cuộc sống.

Ngày Vu Lan báo hiếu nhắc đến ân tình cao sâu của người mẹ đã tận tụy suốt đời cực khổ nuôi dưỡng chúng ta; xa hơn nữa chúng ta còn nhớ đến người mẹ Việt Nam. Mẹ Việt Nam hay Tổ quốc Việt Nam, từ mẹ Âu Cơ cho đến nữ anh hùng Bà Trưng, Bà Triệu và nhiều người mẹ đã xả thân cứu nước cứu dân. Họ không chỉ là mẹ riêng của cá nhân nào, mà còn được tôn vinh là mẹ chung của tất cả người Việt Nam, của đất nước Việt Nam.

Bước theo gương hiếu của Mục Kiền Liên cũng như theo lời Phật dạy rằng hạnh hiếu là hạnh Phật, chúng ta tôn thờ người mẹ chung là mẹ Việt Nam, tôn thờ nhiều đời cha mẹ của chúng ta đã khuất, kính trọng cha mẹ hiện tiền đang sống với chúng ta, cũng như những người hiện hữu xung quanh ta. Thiết nghĩ có được tâm hiếu kính cha mẹ mình và tâm hồn rộng mở kính trọng mọi người như cha mẹ, đồng thời thể hiện tâm cao quý ấy thành những việc làm thiết thực mang an vui, lợi lạc đến cha mẹ và mọi người là cách báo hiếu báo ơn tốt nhất trong mùa Vu Lan.

Đặc biệt Ngày Thương binh liệt sĩ gần ngày Vu Lan, chúng ta nên đến các nghĩa trang, đốt nén tâm hương cầu nguyện cho những chiến sĩ đã hy sinh thân mạng cho chúng ta có được cuộc sống tự do, hạnh phúc. Với những chiến binh đã hy sinh một phần thân thể cho nền độc lập của dân tộc, Tăng Ni Phật tử thể hiện tinh thần tương kính, đền đáp ơn nghĩa, cũng cần có những món quà giúp đỡ và an ủi tinh thần, để tất cả đều thấy ấm áp tình người, cùng hỗ trợ nhau xây dựng một tịnh lạc ở nhân gian.