Hơn 200 năm kể từ khi còn là Quan Âm Viện, qua nhiều lần trùng tu, chùa Giác Viên ngày nay càng được bổ sung mới nhiều tượng. Chùa có 153 pho tượng, làm bằng gỗ mít, được tạo tác vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tập trung chủ yếu ở chánh điện (128 pho) với giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc... Bộ tượng Thập bát La Hán, bộ Thập điện Diêm Vương, bộ Phật và tứ chúng (Phật Thích Ca, Phổ Hiền, Văn Thù, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí) (1), tượng Giám trai vằng gốm sứ... là những di vật quan trọng, gây được sự chú ý của các nhà nghiên cứu và khách tham quan.
Nhìn chung các đề tài của bao lam chùa Giác Viên có phân theo công thức cổ nhưng họa tiết, cả về hình dáng và nội tâm, thì lại là của những người dân ở vùng đất mới phương Nam. Sự phá bỏ công thức này đã thể hiện rõ nhất ở chỗ nghệ nhân không chỉ để các vị thần cưỡi các linh vật như long, lân, quy, phụng... mà cả trâu, bò, dê, heo... thậm chí cả những chú chó nghịch ngợm. Quả là Phật ở đây không chỉ gọi là dân gian hóa mà có thể được gọi là “Nam Bộ hóa”, chất Nam Bộ ở đây thể hiện rất rõ nét trong hầu hết các bao lam của chùa Giác Viên.
Chùa Giác Viên - những giá trị văn hóa nghệ thuật
Lâm Nhân
Chùa Giác Viên tọa tại hẻm 247 đường Lạc Long Quân, phường 3 khu phố 1, quận 11 thành phố Hồ Chí Minh. Lịch sử ngôi chùa này gắn liền với việc xây dựng lại chùa Giác Lâm (được lập vào năm 1744, ban đầu mang tên chùa Cẩm Đệm, năm 1774, thiền sư Viên Quang về trụ trì đổi tên thành chùa Giác Lâm). Năm Mậu Ngọ 1798, ngôi chùa bị hư hại nặng. Thiền sư Viên Quang chủ trì tiến hành cuộc đại tu, gỗ mua về làm chùa Giác Lâm được chở theo đường thủy cập bến Hố Đất (cách chùa khoảng 2km). Thiền sư Viên Quang cho làm một ngôi nhà nhỏ ở bến này, cử người phụ trách nhang đèn trọng chùa ra trông coi gỗ, gọi là ông Hương Đăng. Ông Hương Đăng trang trí ngôi nhà nhỏ thành một cái Am, thỉnh tượng phật về thờ. Năm 1805, ông xin phép tổ Viên Quang cho xây tại đây một ngôi chùa, lấy tên là Quan Âm Viện. Năm 1850, Quan Âm Viện chính thức được đổi tên thành chùa Giác Viên.
Từ khi thành lập đến nay, chùa đã trải qua 6 đời truyền thừa: Hòa thượng Minh Khiêm, Như Nhu???, Như Phòng, Hồng Từ, Nhựt Xuân và hiện nay hòa thượng Huệ Viên đang trụ trì tại chùa. Chùa được trùng tu lớn 3 lần: lần thứ nhất vào năm 1899 do hòa thượng Như Du??? đứng ra chủ trì xây dựng; lần thứ 2 vào năm 1910 do hòa thượng Như Phòng phụ trách, lần trùng tu này đã thay đổi hoàn toàn kết cấu kiến trúc; lần thứ 3 vào cuối thập niên 20 thế kỷ XX do hòa thượng Hồng Hưng - trụ trì chùa Giác Lâm đứng ra đảm trách, chính ông là người thiết kế kiến trúc lại ngôi chùa Giác Lâm và Giác Viên và cũng chính vì vậy nên hai ngôi chùa này có kiểu dáng kiến trúc gần giống nhau.
Chùa Giác Viên có lối đi vào phía sau, vì trước kia mặt chính của chùa quay ra bến Hố Đất, thời gian sau bến này không còn được sử dụng, con rạch đi vào bến này bị lấp và một phần đất thuộc khuôn viên chùa đã được khai thác thành khu du lịch Đầm Sen ngày nay. Trong vườn phía sau chùa vẫn còn bảo tồn được một cây Bạch Mai, tương truyền, do Mạc Cửu, người có công sáng lập ra chùa Tam Bảo - Hà Tiên, một lần đi qua bến Hố Đất đã trồng làm kỷ niệm.
Chùa Giác Viên có dạng kiến trúc tổng hợp của nhiều chất liệu, nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, trong đó có ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây khá rõ, thể hiện ở mặt tiền xây vòm, cột vuông có trang trí hoa văn đắp nổi trên đầu cột. Nhưng nhìn tổng thể, chùa Giác Viên vẫn còn giữ được đường nét cổ kính, mang phong cách dân gian thể hiện ở kết cấu kiến trúc, sườn mái, nghệ thuật trang trí, điêu khắc...
Tượng thờ
Hơn 200 năm kể từ khi còn là Quan Âm Viện, qua nhiều lần trùng tu, chùa Giác Viên ngày nay càng được bổ sung mới nhiều tượng. Chùa có 153 pho tượng, làm bằng gỗ mít, được tạo tác vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tập trung chủ yếu ở chánh điện (128 pho) với giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc... Bộ tượng Thập bát La Hán, bộ Thập điện Diêm Vương, bộ Phật và tứ chúng (Phật Thích Ca, Phổ Hiền, Văn Thù, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí) (1), tượng Giám trai vằng gốm sứ... là những di vật quan trọng, gây được sự chú ý của các nhà nghiên cứu và khách tham quan.
Chánh điện bao giờ cũng là nơi trung tâm của sự thờ cúng, ở gian này có nhiều bàn thờ và bàn thờ ở chính giữa được làm thành các bậc từ cao xuống thấp. Không có một công thức chung cho sự bài trí tượng thờ ở các ngôi chùa trên đất Việt, vị trí các tượng thay đổi linh hoạt tùy theo từng ngôi chùa. Ở các ngôi chùa phía Nam, mỗi lần trùng tu lớn, người ta thường tạo ra một loạt tượng mới để tương ứng với sự bề thế của ngôi chùa, nhưng các tượng cũ đều chưa bị hỏng thì cũng không bị bỏ đi, cộng với các phật tử xa gần cúng vào chùa các pho tượng... Người ta thường tìm cách sắp xếp tất cả những pho tượng đã có sao cho hài hòa và phù hợp.
Bộ tượng Thập bát La Hán được các nghệ nhân tạo tác với dáng người to khỏe, ngực nở nang, mặt tròn đầy đặn, sống mũi thẳng, bụng to, lưng dài...; với trang phục rất giản đơn: áo choàng có nẹp ở cổ, đi hài trơn, miệng tươi cười... thể hiện tính phóng khoáng, cởi mở không bị ràng buộc. Qua hình dáng và trang phục của các tượng, ta thấy ảnh hưởng của phong cách nghệ thuật Trung Hoa đã nhạt dần, người xem cảm thấy được ý đồ của tác giả muốn thể hiện các vị La Hán gần gũi hơn với người nông dân, rất mộc mạc, chất phác và cuộc sống phóng khoáng no đủ của cư dân người Việt trên vùng đất mới Phương Nam.
Bộ tượng 5 vị hay gọi là bộ Phật và tứ chúng thể hiện nét đặc trưng trong quá trình phát triển Phật giáo vào phía Nam. Bộ tượng xuất hiện tại Nam Bộ vào giai đoạn đầu thế kỷ XIX. Trong dân gian còn lưu truyền ý nghĩa của 5 vị này có nguồn gốc từ truyện Phong Thần, Phật mang phong cách Thượng Kỳ Thú, ngồi trên lưng thú đi can gián hai nhóm Thiên Tiên và Địa Tiên, kêu gọi hai nhóm này trở về nguyên dạng các con vật đã quy y Phật; thể hiện hình ảnh đang hoằng hóa, đang thị hiện nhập thế vào đời. Tư tưởng và mong ước đưa giáo lý Phật giáo vào cuộc sống của cư dân Việt ở Nam Bộ đã dần hình thành hệ thống tượng này. Trên vùng đất mới, người dân ngoài nhu cầu cầu an khi sống, họ còn có nhu cầu cầu siêu khi mất, nên bộ tượng 5 vị này còn được tạo tác phổ biến dưới dạng phù điêu trên các Sám Bài (Sám là bái sám; Bài là bài vị) dùng để mang đi cúng tại các nhà Phật tử hoặc các buổi Trai đàn Thí thực. Bộ tượng 5 vị của chùa Giác Viên là một trong những nét sáng tạo độc đáo, góp phần làm sinh động văn hóa Phật giáo khi vào vùng đất Nam Bộ.
Chùa Giác Viên có lịch sử hình thành muộn hơn so với các ngôi chùa cổ ở trong vùng, nhưng về giá trị văn hóa nghệ thuật thể hiện trong trang trí kiến trúc thì có lẽ nó không chịu nhường bất cứ ngôi chùa nào, kể cả chùa Giác Lâm. Các nhà nghiên cứu và khách tham quan sẽ cảm thấy hài lòng và thỏa mãn bởi nghệ thuật trang trí, chạm khắc gỗ cực kỳ tinh xảo ở nơi đây: Bao lam (cửa võng), hoành phi, câu đối, phù điêu từ chánh điện, nhà Tổ cho đến hành lang, Đông Lang và Tây Lang.
Bao lam (cửa võng)
Chùa có 58 bao lam lớn nhỏ, đáng kể nhất là bao lam Bá Điểu, nghệ nhân đã khéo léo sắp xếp tới gần 100 con chim lớn nhỏ. Ngoài những chim thường gặp trong các đình chùa khác như loan, phụng, công, trĩ... người ta còn thấy đông đủ các loài chim quen thuộc trong sân vườn, đồng ruộng của miền Nam như: cò, chim sẻ, chào mào, họa mi, chích chòe, bói cá, le le,... với đủ mọi tư thế sinh động trong không khí náo nhiệt của loài chim: con bay, con đậu, con đang tranh mồi, đang nô đùa, có những con lại đang tỏ tình âu yếm... Bộ bao lam này có thể nói là “độc nhất, vô nhị” ở Nam Bộ, nghệ thuật trang trí ở đây làm cho người xem cảm giác đang sống trong đời thực với những chi tiết cụ thể, gần gũi với đời sống nông thôn, biểu lộ óc quan sát tinh tế và tình yêu thiên nhiên của các nghệ nhân.
Tấm bao lam Thập bát La Hán cũng rất đặc biệt. Các đám mây được tạc làm nền gắn các tượng La Hán lại, mỗi bên bao lam có 9 vị; mỗi vị cưỡi một con vật như: bò, dê, nai, heo, chó, hươu, đến rồng, lân, báo, cọp, mèo; với tư thế ngồi, chân co, chân duỗi khác nhau; tay mỗi vị cầm một vật tượng trưng cho tính cách của mình: chày, thẻ bài, vòng kim cô, đĩa trái cây, có vị lại ngồi ngoáy ráy tai cười vui vẻ... Tấm bao lam này đã thể hiện phong cách nghệ thuật mới, độc đáo, đặc sắc và đầy sáng tạo, đó là ngoài việc để thờ phụng, các vị La Hán đã được các nghệ nhân đưa lên bao lam để trang trí. Tấm bao lam này mang lại nét vui tươi cho người xem qua gương mặt các vị La Hán hiền hòa, phúc hậu vui tính... không thể tìm thấy được nét ưu tư, khắc khổ, phiền não như các vị La Hán ở những chùa phía Bắc. Điều này nói lên được tính phòng khoáng cộng với sự sung túc, no đủ của cư dân vùng đất mới. Các con vật cưỡi và phong cách của các vị La Hán đã mang lại cho Phật giáo một tính cách dân dã, bình dị.
Còn nhiều bao lam nổi tiếng với kỹ thuật chạm khắc công phu như: Tô Vũ chăn dê, Lã Vọng câu cá, Khỉ bắt chim, Ngư tiều canh mục..., đặc biệt là bao lam Hoa điểu tại nhà Trai gồm có 3 bức tượng chạm lộng cả hai mặt với đề tài chim muông cây cảnh và các loại hoa trái được khắc họa khéo léo, tài tình. Người xem có thể thấy được những sợi lông đuôi chim và các lá cây bay nghiêng theo chiều gió, những cành tre nhỏ xíu thể hiện được cả đường gân, gai, đốt mà khi nhìn vào ta có thể thấy được là tre già hay non, các loại trái cây đang mùa chín rộ, cành cây nặng trĩu xuống... Nhìn chung các đề tài của bao lam chùa Giác Viên có phân theo công thức cổ nhưng họa tiết, cả về hình dáng và nội tâm, thì lại là của những người dân ở vùng đất mới phương Nam. Sự phá bỏ công thức này đã thể hiện rõ nhất ở chỗ nghệ nhân không chỉ để các vị thần cưỡi các linh vật như long, lân, quy, phụng... mà cả trâu, bò, dê, heo... thậm chí cả những chú chó nghịch ngợm. Quả là Phật ở đây không chỉ gọi là dân gian hóa mà có thể được gọi là “Nam Bộ hóa”, chất Nam Bộ ở đây thể hiện rất rõ nét trong hầu hết các bao lam của chùa Giác Viên.
Câu đối
Chùa có 128 câu đối, trong đó có 72 câu đối treo ở dạng liễn; 56 câu đối được chạm khắc hẳn vào thân những cột gỗ cao lớn, đồ sộ. Các câu đối được khắc chìm vào cột dày 1cm, nền sơn màu đen, thếp chữ màu vàng. Xung quanh viền có trang trí phù điêu với nhiều chủ đề khác nhau, làm tôn lên giá trị và nội dung của các câu đối. Các đề tài quen thuộc trong Phật giáo như Thập bát La Hán, Bát Tiên, Tứ linh, Rồng Mây... xem các đề tài quen thuộc, gần gũi với cuộc sống thường nhật và cảnh vật xung quan như: Hoa điểu, Sóc giác, bướm hoa, ong hoa, bầu bí, thú vật và cỏ cây... Và nhiều chủ đề khác nói về cảnh vật nơi đây từ hơn hai thế kỷ trước. Điều này cho chúng ta thấy được nơi đây tuy là cõi Phật nhưng lại rất gần gũi với người nông dân. Việc chạm khắc những câu đối tinh xảo lên thân cột này chứng tỏ tay nghề rất điêu luyện của các nghệ nhân, bởi lẽ chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng phải bỏ đi một thân cây gỗ lớn.
Các câu đối ở dạng Liễn tập trung chủ yếu ở nhà Trai, có niên đại rất khác nhau do được cúng, tặng nhân dịp chùa các các cuộc tế lớn, hoặc sau những lần trùng tu, Phật tử và các chùa ở nhiều nơi đem đến tặng... Các câu đối này có dạng hình vuông phẳng, có hoa văn ngay ở trên thân hoặc ở hai đầu, chữ được khắc chìm, thếp vàng trên nền màu đỏ. Trong số liễn này, có 4 câu đối treo ở chánh điện, có niên đại cuối thế kỷ XIX, được chạm trổ hết sức tinh xảo và công phu. Toàn bộ nền của câu đối được chạm trổ với đề tài Tứ linh, chữ được chạm nổi lên trên các con vật này, sơn màu đen, nền màu vàng. Đặc biệt là 4 câu đối này cùng chủ đề Tứ linh, nhưng 4 con vật trong những câu đối lại được thể hiện ở các trạng thái khác nhau, tính cách khác nhau: Rồng có con đang uốn lượn, con nhe răng cười, có con lại nép mình trong mây, các con vật kia cũng đều thể hiện tính cách khác nhau khiến người xem không thấy nhàm chán.
Các câu đối của chùa Giác Viên tuy có một số câu bị trùng, do được tặng và khi trùng tu vẫn giữ lại nhưng về nội dung rất phong phú. Ngoài những giáo lý căn bản của Phật thể hiện cung cách, oai nghi, phẩm hạnh; những câu khuyên nhủ, ca tụng cuộc sống thanh tịnh ở cõi Phật thể hiện tinh thần trong 5 bộ kinh của Phật giáo..., còn có những câu đối ảnh hưởng của Nho giáo, Đạo giáo. Theo hòa thượng Thích Huệ Viên, hiện đang trụ trì chùa thì những tên gọi, các môn phái hoặc phổ hệ, kinh hệ, pháp giới... thường chỉ nằm trong sách vở hoặc trong trí nhớ của các vị cao tăng, còn đi đôi với số đông tu hành, nhất là các thiện nam tín nữ thì việc thờ Thần, thờ Phật cũng không khác việc thờ cúng ông bà tổ tiên, miễn sao trong tâm hướng về cái thiện và cảm thấy thoải mái là được. Đây cũng là tâm lý phổ biến của cư dân trong vùng thời bấy giờ mà những gì còn lại được thể hiện rõ, cụ thể nhất, đó là trong hệ thống câu đối của chùa Giác Viên.
Phù điêu
Hệ thống phù điêu của chùa Giác Viên đa dạng và tinh xảo không kém so với các bao lam, câu đối. Ngoài việc làm nền cho các câu đối, phù điêu còn được chạm khắc trên thân cột. Qua hệ thống phù điêu, khung cảnh dân gian Nam Bộ hiện ra rực rỡ dưới những đường nét chạm trổ khéo léo, tài tình của nghệ nhân. Các phù điêu được chạm khắc với những đề tài: Bát Tiên, Thập bát La Hán, Tứ linh... được đặt và có chủ ý ở hai bên bàn thờ của chánh điện. Xung quanh chánh điện và các gian khác, phù điêu được chạm khắc với các đề tài dân dã, từ những con thú quý hiếm đến những con vật bình thường và các loài cây cỏ, hoa lá thường gặp trong cuộc sống hàng ngày của người nông dân. Hình ảnh những con sóc đuổi nhau trên những dây bầu, bí; những con chuột cắn đuôi nhau; những con ong đang đi tìm hoa hút mật; những con bướm xòe khoe đôi cánh đẹp; những chú chim đang hót gọi nhau, có con đang bới lá tìm sâu, chim sẻ đang mớm mồi cho con ăn; những cánh hoa sen đang nở rộ chờ bướm đến tìm nhụy, cành lá sen nhô lên khỏi mặt nước che cho những con cá đang bơi lội tung tăng phía dưới... Khung cảnh thiên nhiên Nam Bộ đã được các tác giả cụ thể hóa vào thân cột, gợi lại cho người xem khung cảnh thực, sống động ở nơi đây từ những thế kỷ trước.
Các phù điêu được tạo tác cùng thời với các câu đối nên có niên đại như nhau vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau các lần trùng tu lớn. Ảnh hưởng phong cách nghệ thuật chạm khắc nổi giai đoạn cuối thế kỷ XIX, có chú ý sự đối xứng trên cách cột với nhau, hai cột đối xứng thì có chung một đề tài. Phù điêu trên các thân cột tại chùa, ngoài chức năng làm vật trang trí, nó cũng đem lại một ý nghĩa lịch sử nhất định, minh chứng cho sự ảnh hưởng của các luồng tư tưởng của Nho, Phật, Đạo vào tâm thức người Việt ở phía Nam thời bấy giờ. Các đề tài trên phần nào thể hiện, tâm tư, tình cảm của người dân nơi đây: lòng yêu thiên nhiên, con người, óc thực tế mang đậm đà phong cách dân gian.
Qua nghệ thuật trang trí của chùa Giác Viên, ta có thể cảm nhận được cái thiêng liêng, cao xa hòa quyện với những cái đơn sơ, mộc mạc trong cuộc sống. Đối với cư dân vùng đất mới, đạo Phật đã được bình dân hóa và được đưa về gần gũi hơn với cuộc sống con người. Các mô típ trình bày ở đây dường như đã vượt khuôn khổ, phá vỡ tính ước lệ, thể hiện sự phóng khoáng trong tư tưởng và quan điểm thẩm mỹ, có chiều hướng thoát ly dần sự bắt chước, rập khuôn theo những ngôi chùa miền Trung và miền Bắc. Điều này bước đầu đã thể hiện một phong cách mới, mang tính hiện thực và đầy sáng tạo của điêu khắc gỗ đất Gia Định.
Hệ thống bao lam, câu đối và phù điêu ở chùa Giác Viên vượt trội so với chùa Giác Lâm và một số ngôi chùa cổ trong vùng, từ kỹ thuật chạm lộng đến các đề tài phong phú, hữu tình, gần gũi với cuộc sống người nông dân chứ không gò ép theo một khuôn nhất định với các chủ đề quen thuộc. Theo chúng tôi, sở dĩ nghệ thuật trang trí chùa Giác Viên có những bước phát triển vượt trội hơn so với chùa Giác Lâm bởi một mặt nó ra đời muộn hơn nên các nghệ nhân đã rút ra nhiều kinh nghiệm; mặt khác: có thể vào thế kỷ XIX chùa Giác Lâm đóng vai trò là Tổ đình của phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Ngươn, là trung tâm đào tạo ứng Phú của vùng Gia Định - một loại âm nhạc của Phật Giáo, cộng với tính chất cởi mở, dễ chấp nhận và dễ hòa đồng của cư dân nơi đây, vì vậy tư tưởng có phần phóng khoáng, tự do.
Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ với lịch sử hình thành hơn 300 năm, những di tích kiến trúc nghệ thuật có niên đại sớm không còn nhiều. Chùa Giác Viên là một trong những di tích còn lưu lại nhiều hiện vật thể hiện được bản sắc của văn hóa Phật giáo ở Nam Bộ. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật đã đánh giá cao giá trị kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc của chùa Giác Viên, khẳng định đây là một công trình quý hiếm, tiêu biểu cho nền nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đất Gia Định giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Là một di tích Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cho đến nay chùa Giác Viên vẫn lưu giữ trong mình những giá trị đặc sắc được tích tụ trong suốt quá trình tồn tại.
Với những giá trị văn hóa nghệ thuật như vậy, có thể nói, chùa Giác Viên là một trong những di tích có kiến trúc và trang trí điêu khắc độc đáo, đặc sắc của vùng đất Gia Định - Sài Gòn. Chùa Giác Viên không chỉ là trung tâm sinh hoạt tâm linh của cộng đồng cư dân thành phố Hồ Chí Minh mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn cho du khác tham quan trong và ngoài nước, là nơi thu hút các nhà nghiên cứu và tất cả những ai muốn tìm hiểu về cội nguồn dân tộc, về văn hóa dân gian Nam Bộ.
(1) Ghi chú của người gởi có lẽ gọi là tứ đại Bồ Tát thì đúng hơn (Phổ Hiền, Văn Thù, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí)