Đạo Phật đã tồn tại cùng với dân tộc trong một quá trình thăng trầm lịch sử lâu đời, đã ăn sâu gốc rễ trong lòng dân tộc Việt Nam chúng ta và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống: Đức tính hiền hòa, lễ độ, kiên nhẫn, vị tha, độc lập tự chủ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau... Du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, Phật giáo đã thích ứng khá nhuần nhuyễn với phong tục tập quán bản địa và nhờ đó, những tinh hoa của giáo lý Phật giáo tìm được môi trường thích hợp để nở hoa, kết trái.
Ngôi chùa, với tư cách là thiết chế văn hóa Phật giáo, đã góp phần gắn bó đạo Phật với dân tộc, tạo nên truyền thống tốt đạo, đẹp đời - một xu thế ứng xử rất cần được trân trọng và phát huy.
Từ góc độ di sản văn hóa, có thể thấy ở Phật giáo Việt Nam những giá trị văn hóa văn hóa thật sự tiêu biểu:
Thứ nhất, phải kể đến các bậc cao tăng có đóng góp tích cực phục vụ lợi ích dân tộc, làm rạng rỡ cho Phật giáo Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Có thể dẫn ra đây hàng loạt tên tuổi của các vị danh tăng đức độ có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng như: Đỗ Pháp Thuận, Đại sư Khuông Việt, Quốc sư Vạn Hạnh, Thiền Lão, Viên Chiếu, Mãn Giác, Từ Đạo Hạnh, Thường Chiếu... Tiếp theo trong số đó, nổi bật lên phải kế đến Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử ra đời vào thế kỷ XIII là: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang... Đây chính là những vị Thiền sư uyên thâm Phật pháp và đạo lý nhà Thiền, có công lớn sáng lập ra một Thiền phái mang đậm bản sắc dân tộc.
Phật Giáo Việt Nam Từ Góc Nhìn Di Sản Văn Hóa
Đặng Văn Bài
Cách đây 60 năm, vào ngày 23 tháng 11 năm 1945, Nhà nước Việt Nam đã ký Sắc lệnh số 65 về Bảo tồn Cổ tích trên toàn cõi Việt Nam mà Điều 4 của Sắc lệnh qui định rõ: "Cấm phá hủy đình, chùa, đền miếu hoặc những nơi thờ tự khác, cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính chất tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà được bảo tồn"...
1. Thế hệ chúng ta hôm nay thật vinh dự và tự hào được làm chủ nhân thực sự của một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Đó là hàng chục vạn di tích lịch sử, văn hóa do cha ông sáng tạo và trao truyền lại qua trường kỳ lịch sử, cũng như nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt mỹ - sản phẩm tự nhiên do con người phát hiện và thổi hồn thiêng văn hóa vào mà thành.
Ngoài di tích lịch sử cách mạng và di tích khảo cổ, thì phần lớn di tích hiện còn, trong chừng mực nào đó, đều có gắn bó với tôn giáo, tín ngưỡng, với đời sống tâm linh, với ý niệm về sự thiêng liêng, cao cả của đông đảo công chúng trong xã hội.
Đạo Phật đã tồn tại cùng với dân tộc trong một quá trình thăng trầm lịch sử lâu đời, đã ăn sâu gốc rễ trong lòng dân tộc Việt Nam chúng ta và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống: Đức tính hiền hòa, lễ độ, kiên nhẫn, vị tha, độc lập tự chủ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau... Du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, Phật giáo đã thích ứng khá nhuần nhuyễn với phong tục tập quán bản địa và nhờ đó, những tinh hoa của giáo lý Phật giáo tìm được môi trường thích hợp để nở hoa, kết trái.
Ngôi chùa, với tư cách là thiết chế văn hóa Phật giáo, đã góp phần gắn bó đạo Phật với dân tộc, tạo nên truyền thống tốt đạo, đẹp đời - một xu thế ứng xử rất cần được trân trọng và phát huy.
Từ góc độ di sản văn hóa, có thể thấy ở Phật giáo Việt Nam những giá trị văn hóa văn hóa thật sự tiêu biểu:
Thứ nhất, phải kể đến các bậc cao tăng có đóng góp tích cực phục vụ lợi ích dân tộc, làm rạng rỡ cho Phật giáo Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Có thể dẫn ra đây hàng loạt tên tuổi của các vị danh tăng đức độ có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng như: Đỗ Pháp Thuận, Đại sư Khuông Việt, Quốc sư Vạn Hạnh, Thiền Lão, Viên Chiếu, Mãn Giác, Từ Đạo Hạnh, Thường Chiếu... Tiếp theo trong số đó, nổi bật lên phải kế đến Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử ra đời vào thế kỷ XIII là: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang... Đây chính là những vị Thiền sư uyên thâm Phật pháp và đạo lý nhà Thiền, có công lớn sáng lập ra một Thiền phái mang đậm bản sắc dân tộc.
Thứ hai, là hệ thống chùa chiền và danh lam thắng cảnh trong cả nước với một phức thể kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên có tính chuẩn mực và hệ thống mở đầu là: Tam quan (không quan, giả quan và trung quan) biểu hiện cho ba cách nhìn của nhà Phật; Tiền đường, thượng điện, gác chuông, nhà bia, nhà hậu, điện mẫu, vườn tháp. Có thể kể đến hệ thống chùa Dâu và hệ thống Tứ pháp, chùa Dạm, chùa Phật Tích, chùa Trấn Quốc, chùa Thầy, chùa Kiến Sơ, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh; hệ thống Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: chùa Quỳnh Lâm, chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Phổ Minh, chùa Keo, chùa Bối Khê, chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Kim Liên...
Tăng ni, phật tử xây chùa là để bày tỏ lòng thành kính ngưỡng vọng với Đức Phật, tạo ra không gian linh thiêng và tôn nghiêm cho việc hành đạo, tu thiền và tổ chức các hình thức sinh hoạt văn hóa tương thích. Và, do đó, khả năng thu hút các nguồn lực xã hội dưới dạng cúng dường Tam bảo là rất lớn. Từng bộ phận kiến trúc, từng hiện vật, đồ thờ tự trong chùa đều là những tác phẩm được kết tinh từ tài lao động khéo léo, là sự dâng hiến của những người thợ tài hoa, họ sáng tạo không vì mục đích vụ lợi nên sản phẩm đạt tới đỉnh tuyệt mỹ của nghệ thuật. Cho nên sẽ không ngoa ngôn khi khẳng định rằng, mỗi ngôi chùa là một bảo tàng mỹ thuật thu nhỏ có sức hấp dẫn đối với tất cả các giai tầng xã hội.
Tượng Quan Âm
Thứ ba, với tư cách là một thành tố của văn hóa, chúng ta tìm thấy trong Phật giáo Việt Nam một Phật pháp đậm chất Việt, bao gồm giới, định và tuệ, với một hệ thống quan điểm triết học, tâm lý học, đạo đức học và giáo dục học của Phật giáo, mà hạt nhân là tứ diệu đế và bát chính đạo.
Đến với đạo Phật, thực hành những nghi thức tôn giáo trong ngôi chùa thờ Phật, con người tìm lại được sự yên tĩnh trong tâm hồn trước những tác động và áp lực của lối sống cá nhân, thực dụng, sự sôi động, ồn ào thái quá từ nhịp sống đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa... Trong môi trường văn hóa Phật giáo, con người có thể tự thanh khiết hóa tâm hồn trên căn bản của tinh thần Phật giáo là: tự chiến thắng bản thân trước tham, sân, si... và những dục vọng thấp hèn của chính mình, củng cố tinh thần tự chủ của con người trước những tác động của ngoại cảnh.
Các tôn giáo đều có nhu cầu tự thân là giáo dục, quảng bá, truyền đạo và hoằng dương giáo lý của mình. Nhưng ở Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo thực hành nhiệm vụ giáo dục từ rất sớm và cũng để lại ảnh hưởng xã hội sâu rộng hơn các tôn giáo khác. Chùa thờ Phật có thể đồng nghĩa với trường học, nhưng là ngôi trường rất tôn nghiêm và thiêng liêng, ngôi trường mà kết quả học tập không đánh giá bằng học vị và bằng cấp, nhưng vẫn có tác động và ảnh hưởng xã hội sâu rộng. Nếu Nho giáo chủ yếu là dạy người để làm quan, giúp vua trị nước, khiến quốc thái dân an, thì Phật giáo lại tập trung vào việc dạy làm người, dạy cho người ta sống sao cho hợp với đạo lý xã hội.
Trong khoa học, trí tuệ được hiểu theo nghĩa là tổng thể kiến thức về các lĩnh vực tự nhiên và đời sống xã hội, còn trong giáo lý nhà Phật, trí tuệ lại đồng nghĩa với khả năng xóa bỏ cái vô minh, xi muội, đoạn diệt sinh tử luân hồi. Bởi vì vô minh là nguyên nhân gây ra mọi khổ đau cho nhân loại. Từ bi là đem lại tình thương, niềm vui cho mọi người, diệt trừ cái khổ cho nhân gian. Thực tế cho thấy, Phật giáo với hệ thống giáo lý và thiết chế văn hóa đặc thù là ngôi chùa đã và đang thực hành có hiệu quả chức năng giáo dục, đặc biệt giáo dục đạo đức cho công chúng trong toàn xã hội nói chung và phật tử nói riêng. Mà trong thời kỳ đổi mới, mở cửa hội nhập giao lưu quốc tế thì việc huy động mọi nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục góp phần ổn định xã hội và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước là vô cùng cần thiết.
Là người ngoại đạo, kiến thức về giáo lý đạo Phật còn rất nông cạn và hạn chế, nhưng tôi vẫn mạnh dạn lạm bàn đôi điều chỉ với mục đích muốn khẳng định rằng: Phật giáo Việt Nam cần được nhìn nhận từ giác độ di sản văn hóa và với tư cách là một thành tố của văn hóa, chứ không chỉ là tôn giáo tín ngưỡng thuần túy, hoặc cực đoan hơn, là từ góc độ an ninh - xã hội. Với cách nhìn di sản văn hóa, ta sẽ thấy trong Phật giáo Việt Nam có nhiều mặt giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cần được nghiên cứu, phát hiện, tôn trọng và phát huy.
2. Để có cách nhìn chuẩn xác hơn nữa, rất cần tiếp cận với một thiết chế văn hóa Phật giáo, mà cụ thể là khu danh lam thắng cảnh Yên Tử - chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
Trong kho tàng di sản văn hóa của đất nước hiếm có các di tích cung một lúc lại chứa đựng nhiều mặt giá trị tổng hợp như Khu di tích danh thắng Yên Tử.
Thứ nhất, khu di tích nổi tiếng nhờ gắn với Thiền phái Trúc Lâm - một Thiền phái thuần Việt, đại diện cho ý thức độc lập tự chủ của nhân dân Việt Nam. Thứ hai, khu di tích là một trong những địa điểm lưu niệm gắn bó nhiều năm với thân thế, sự nghiệp của Trúc Lâm Tam tổ - Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Đó là những danh tăng sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm và suốt đời phấn đấu cho sự hưng thịnh và trường tồn của nền văn hóa Đại Việt. Thứ ba, khu di tích có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ - đối tượng phản ánh của nhiều áng thơ văn bất hủ. Non thiêng Yên Tử còn chứa đựng sự đa dạng sinh học với nhiều loại thực vật phong phú, đặc biệt là những hàng tùng cổ thụ. Thứ tư, khu di tích Yên Tử còn chứa đựng những giá trị phi vật thể thật tiêu biểu. Đó là tư tưởng triết học của các vị đã có công sáng lập và phát triển Thiền phái Trúc Lâm và, chính nhờ có những tư tưởng triết học sâu sắc đó, mà từ lâu Yên Tử vẫn luôn là trung tâm lễ hội truyền thống dân gian có sức cuốn hút đông đảo công chúng từ mọi miền đất nước.
Chúng ta có quyền tự hào về đất nước đã sản sinh ra những vị vua anh minh như Trần Nhân Tông. Sau hai lần đánh thắng đội quân xâm lược quốc tế hùng mạnh Nguyên Mông, Ngài không hề bị say mê bởi hào quang của chiến thắng và quyền lực, đã sớm nghĩ ngay tới kế sâu rễ bền gốc, tự nguyện rời bỏ ngai vàng, tìm đến cuộc sống tu hành để sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm - môn phái Phật giáo riêng biệt có ích cho đời của Việt Nam. Hơn ai hết, Ngài hiểu rõ nguyên nhân cơ bản tạo nên sức mạnh Đại Việt chiến thắng Nguyên Mông là sự thống nhất trong bộ chỉ huy tối cao (các vương tôn, quý tộc nhà Trần) và sự ủng hộ hết lòng của quân dân trong cả nước. Ông cũng nhận ra ở Phật giáo thứ vũ khí tư tưởng sắc bén để củng cố ý thức dân tộc, duy trì trật tự xã hội. Thiền phái Trúc Lâm ra đời chính là nhằm đáp ứng nhiệm vụ do lịch sử đặt ra.
Các vị tổ Trúc Lâm chủ trương khuyến khích con người hướng thiện bằng phục vụ nhân tâm, nhân quần xã hội. Con đường đạt tới giác ngộ là cứu dân, độ thế, lấy việc đáp ứng nguyện vọng của muôn dân là hạnh phúc của bản thân mỗi con người. Có lẽ chủ trương đó cũng hoàn toàn trùng lặp với nội dung cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Biết sử dụng Phật giáo như một thứ công cụ tư tưởng có hiệu quả để cố kết lòng dân, thu nạp nhân tâm, củng cố ý thức liên kết cộng đồng, ý thức độc lập tự chủ dân tộc.
Phái Thiền Trúc Lâm khuyến khích, đề cao ý thức nhập thế, sống vì đời, hòa nhập với đời một trong tinh thần hòa quang đồng trần mà vẫn có thể giác ngộ được Niết bàn vô trụ xứ, mỗi người phải tự giác ngộ lấy mình. Do những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, Phật giáo Việt Nam đã có tinh thần nhập thế từ rất sớm, nhưng đến Thiền phái Trúc Lâm, trên nền nhân ái của Phật giáo thì ý thức thân dân đã xuất hiện và được đề cao. Có thể nói, thông qua hệ thống chùa Phật, giáo lý, quan điểm triết học, đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã để lại cho chúng ta bài học quý giá về các phương thức "yên lòng người, khoan sức dân, khơi dậy truyền thống, dùng tín ngưỡng làm đòn bẩy nâng cao tinh thần tự lực tự cường của toàn dân".
Nhiệm vụ của thế hệ chúng ta là phải tìm hiểu, trân trọng và tìm cách từng bước khơi lại mạch Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một Thiền phái mang sắc thái thuần Việt, đã một thời tô đậm nét son trong lịch sử dân tộc cũng như truyền thống "tốt đạo đẹp đời" của Phật giáo Việt Nam. Trở về cội nguồn, kế thừa tinh hoa văn hóa của tổ tiên, tiếp thu có chọn lọc thành tựu văn hóa của nhân loại để sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đến đây, nhìn từ góc độ di sản văn hóa chúng ta có thể tạm mô hình hóa Phật giáo Việt Nam bằng sơ đồ sau:
Thời gian qua, Giáo hội Phật gíáo Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc đào tạo sư tăng và nghiên cứu, phổ biến giáo lý nhà Phật. Đó là những việc làm cần thiết và hữu ích. Hiện nay, với sự hội nhập mới của xã hội đã đến lúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có kế hoạch và trách nhiệm hơn trong sự nghiệp bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống và tâm linh, đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hóa là các ngôi chùa, tạo ra những không gian văn hóa thích hợp cho việc tổ chức các sinh hoạt Phật giáo, nơi các tăng ni giáo dưỡng tinh thần và các phật tử, chúng sinh tu thiền, vãn cảnh...
Có một di sản văn hóa Phật giáo ở Việt Nam trong đó giá trị văn hóa vật thể được thể hiện qua những ngôi chùa và giá trị văn hóa phi vật thể là giáo lý, quan điểm triết học, đạo đức học, tâm lý học và giáo dục học (đạo đức và thẩm mỹ, trí tuệ) của Phật giáo. Phải coi đây là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành nên kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo là nghĩa vụ cao cả của toàn xã hội, đặc biệt là của ngành Di sản văn hóa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tất cả tăng ni phật tử trong cả nước.
trích Văn Hóa Nghệ Thuật số 1-2006